DQS bắt đầu vươn ra biển

13:34 | 23/03/2015

1,828 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày 26/3 tới đây, tại bến cảng của Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), cùng lúc diễn ra hai sự kiện quan trọng, đó là bàn giao giàn khoan Đại Hùng 01 (DH01) và tàu 105/FSO-PVN DAI HUNG QUEEN cho chủ đầu tư. Sự kiện này đánh dấu sự “hồi sinh”, sự vươn lên mạnh mẽ của DQS.

Thời “dưới mặt đất”

Anh Trần Hoài An, Phó Tổng giám đốc thường trực DQS đã nói với chúng tôi như vậy. Anh cho biết DQS được thành lập ngày 20/2/2006, là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Tầu thủy Việt Nam. Thực hiện chiến lược tái cơ cấu của Chính phủ, từ ngày 1/7/2010 DQS được chuyển giao về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

DQS - Rũ bùn đứng dậy

Giàn Đại Hùng 01 được lai dắt vào cảng sửa chữa của Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) ngày 16/9/2014

Mới đây, PVN đã tiến hành thêm bước “tái cơ cấu” nữa là sáp nhập 3 công ty cùng ngành nghề lại thành một công ty như hiện nay. Anh bảo, mục đích của việc sáp nhập này là làm tăng thêm sức mạnh để DQS phát triển bền vững, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Và tập trung sức mạnh để xử lý những vấn đề còn tồn tại của các công ty thành viên.

Nhớ lại thời ở “dưới mặt đất”, mà lại ở “dưới sâu”, người ta thường nói là “âm” chứ không ở điểm xuất phát là số “không tròn trĩnh”, anh Hoài An nói vui như vậy về tình hình tài chính, về công tác quản lý, về những khó khăn chồng lên khó khăn… của DQS khi chưa tái cơ cấu. Sau 4 năm về trực thuộc PVN, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo PVN; sự giúp đỡ hỗ trợ nhiệt thành của các đơn vị bạn; sự nỗ lực của chính mình, DQS dần được “hồi sinh”, từng bước tháo gỡ khó khăn, xây dựng lại hình ảnh và thương hiệu.

DQS - Rũ bùn đứng dậy

 Giàn Đại Hùng 01 trong quá trình sửa chữa tại DQS.

Ngày ấy, cách đây 4 năm khi được “tái cơ cấu” về với PVN, DQS “hấp hối” trong đống nợ chồng lên nợ, công nhân lương “ba cọc, ba đồng”. Vậy là “bần hàn sinh đạo tặc”, tình trạng trộm cắp xẩy ra ngay trong nhà máy, người ta có thể lấy bất cứ thứ gì có thể lấy được để bán. Vai trò  của các tổ chức trong nhà máy bị lu mờ, phẩm chất đáng quý của giai cấp công nhân dường như mai một hẳn. Ngày ấy về nhận chức Tổng Giám đốc, Trần Hoài An mất ăn mất ngủ, phải xốc lại đội hình, phải củng cố lại các tổ chức, phải đưa nhà máy trở về đúng hình ảnh của nó. Anh em công nhân trong nhà máy kể với chúng rằng, Tổng Giám đốc mà cứ như ông bảo vệ, suốt đêm phóng Honda “đi tuần”. Anh đã phải xót xa khi ký hàng loạt quyết định kỷ luật những người vi phạm, anh bảo xót nhưng phải ký, phải kỷ luật, không có kỷ cương thì không có sức mạnh.

Tất cả như phải làm lại từ đầu, làm lại từ chính những con người, từ chính cơ sở vật chất sẵn có. Anh An bảo, có hai vấn đề lớn có tính chi phối toàn bộ quá trình “làm lại”, đấy là nguồn nhân lực quá “ọp ẹp”, nói ọp ẹp, bởi có tới hàng trăm công nhân không phải là tay nghề yếu, mà phải thẳng thắn nói rằng, họ chỉ làm được công việc phổ thông, mà công việc phổ thông trong nhà máy cũng phải qua đào tạo, ít ra là những quy tắc, quy định về kỷ luật lao động, về bảo hộ, về các quy định người lao động phải chấp hành. Song, ngay những điều cơ bản ấy họ cũng chưa được trang bị, chưa được học tập quán triệt.

Hỏi, tại sao lại có tình trạng ấy, anh An thẳng thắn, tôi cũng chịu không thể biết được ngóc ngách cội nguồn, nhưng trong đó có một nguyên nhân là nhà máy tiếp thu lao động tại chỗ ngay từ ngày đầu thành lập. Nói điều này không phải các anh lãnh đạo DQS hiện nay “trách móc” hay đổ lỗi cho quá khứ. Nhưng công bằng mà nói, việc nhận lao động tại chỗ, giải quyết lao động tại chỗ là chủ trương đúng đắn. Song điều cần nói, đáng nói là sau khi tiếp nhận lực lượng này, việc tổ chức đào tạo, huấn luyện để họ biết việc và thạo việc thì chưa làm được.

DQS - Rũ bùn đứng dậy

FSO PVN DAIHUNG QUEEN trong chuyến thử đường dài tháng 2/2015.

Cái khó thứ hai là “âm vốn”, anh An cho biết, việc âm vốn không phải không có cách giải quyết, vấn đề âm không xử lý được với là vấn đề khó. Lại hỏi, thế nào là “âm không xử lý được”, anh An, nôm na là: làm dự án phải theo quy trình, quy trình ấy là những báo cáo, thẩm định, ví như phải có báo cáo khả thi; tiền khả thi; rồi mới đến các bước tiếp theo… nói tóm lại phải đầy đủ các hồ sơ theo quy định của Nhà nước thì dự án mới có cơ sở để triển khai, có cơ sở để thanh quyết toán khi đã hoàn thành. Nhưng khi nhận bàn giao thì có tới 90% các dự án thiếu các tài liệu cần và đủ này. Mà đã thiếu thì không thể làm bổ sung, vì vậy mới nói “âm vốn mà không xử lý được” là như thế.

Anh An kể rằng, khi anh về làm Tổng Giám đốc DQS được mấy ngày thì có một “chủ nợ” đến đòi khoản nợ 6 tỷ, mà “thế hệ” cũ chưa trả hết. Hỏi “nợ gì”, họ nói “nợ tiền làm nhà”, hỏi “nhà đâu”, họ lại bảo bị “bão sập rồi”, lại hỏi hồ sơ đâu “không có”, đi đòi nợ mà thiếu tất tần tật thì lạ quá. Có lẽ chỉ có ở đây mới có kiểu nợ nần, kiểu đòi nợ như vậy!

DQS - Rũ bùn đứng dậy

FSO PVN DAIHUNG QUEEN được trang bị rất hiện đại. Trong ảnh là sân bay trực thăng trên FSO PVN DAIHUNG QUEEN.

Nói ra những chuyện này không phải là “dậu đổ bìm leo”, cũng hoàn toàn không phải là ‘bới móc” lại chuyện cũ đã qua. Nói lại chuyện này để thấy rằng, những người tiếp quản lại cơ ngơi này gặp khó khăn biết nhường nào. Nếu không tái cơ cấu, không có biện pháp xốc lại thì sẽ không có DQS như ngày nay.

Rũ bùn đứng dậy

Có thể nói như vậy về cuộc “lột xác” của DQS sau khi tái cơ cấu và được chuyển giao về PVN. Ngay sau khi về với đội hình của những người “đi tìm lửa”, DQS đã nhận hàng loạt đơn hàng và đã hoàn thành việc bảo dưỡng sửa chữa những sản phẩm nổi, từng bước làm ăn có lãi, bảo đảm đời sống của người lao động. Song điều quan trọng hơn cả là năng lực, thương hiệu của DQS ngày càng được khẳng định. Có thể kể ra hàng loạt các sản phẩm, đó là: Sà lan VSP05; tàu dịch vụ Sao Mai 01; 3 tàu chứa xuất dầu VSP01; tàu cẩu Trường Sa; Hoàng Sa; Côn Sơn; giàn khoan Tam Đảo 01; Vũng Tầu 01…

DQS - Rũ bùn đứng dậy

FSO PVN DAIHUNG QUEEN hoạt động theo công nghệ mới nhất, hoàn toàn tự động.

Dưới bàn tay người thợ DQS tất cả các sản phẩm trên đều hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng tốt, an toàn tuyệt đối. Bằng cách nào mà các anh “xốc” lại đội hình vốn được coi là “rệu rã”, có được năng lực và trình độ để hoàn thành được những công trình đòi hỏi nghiêm ngặt về kỹ thuật một cách nhanh chóng như vậy. Anh An nói ngay, không có cách nào khác là phải phát huy nội lực, phải tổ chức đào tạo nâng cao trình độ, năng lực quản lý cho cán bộ; nâng cao tay nghề cho đội ngũ kỹ thuật và công nhân viên. Chúng tôi xác định, không có ai khác, không có ai ngoài đội ngũ sẵn có tại nhà máy. Phải khơi dậy lòng tự hào, phải trang bị kiến thức cho họ. Chính họ là những người làm chủ công nghệ, là những người “làm sống” lại các sản phẩm. Chính vì vậy Nhà máy luân phiên cử cán bộ, kĩ sư, công nhân viên đi tào tạo dài hạn; tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn ngay tại nhà máy… Với cách làm như vậy, DQS đã từng bước “lấp đầy” khoảng trống về kiến thức, về kỹ thuật cho cán bộ, công nhân viên.

Còn nhớ, vào trưa ngày 12/9/2014, ngay tại Ụ khô số 1, DQS đã tổ chức nghiệm thu bàn giao giàn khoan Cửu Long cho Liên doanh Việt-Nga (Vietsovpetro), trong niềm vui vỡ òa. Trước đó, vào ngày 28/4/2014 khi giàn khoan này được kéo về sửa chữa tại DQS, cán bộ công nhân viên đã cam kết hoàn thành việc sửa chữa bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ. Vậy là chỉ sau hơn 4 tháng thi công, với hơn 200 cán bộ, công nhân viên thay ca, thay kíp làm việc suốt ngày đêm, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vượt tiến độ đề ra. Khi nghiệm thu được đăng kiểm cả trong và ngoài nước cùng chủ giàn đánh giá cao.

DQS - Rũ bùn đứng dậy

Phóng viên báo Năng lượng mới trao đổi với ông Trần Hoài An - Phó Tổng Giám đốc DQS.

Rồi ngay sau đó, vào ngày 8/10/2014, cũng tại địa điểm này DQS đã tổ chức Lễ hạ thủy tàu chở dầu thô 105.000 DWT cho Tổng công y Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans). Đây là con tàu chở dầu thô lớn nhất, hiện đại nhất được chế tạo tại Việt Nam do PVTrans làm chủ đầu tư và DQS thi công. Tàu có chiều dài 243,8m; chiều rộng 42m; chiều cao mạn 21,4m; trọng tải toàn phần 105.000 tấn; tốc độ đạt 14,5 hải lý/giờ. Ngay tại buổi lễ này, ông B.J.Kim, Giám đốc khu vực Việt Nam và Thái Lan của Đăng kiểm DNV-GL và ông Nguyễn Hữu Thiện, Giám đốc Chi cục 4 Đăng kiểm Việt Nam, đều đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.

Và mới đây, vào ngày 31/10/2014 DQS đã tổ chức Lễ cắt tôn đóng mới 2 tàu dịch vụ đa năng 12.000 mã lực (AHTS) cho Liên doanh Việt-Nga (Vietsovpetro). Đây là những con tàu có thiết kế hiện đại nhất hiện nay, được xác định là công trình trọng điểm của DQS trong 2 năm 2014-2015. Các sản phẩm này có chiều dài 76m; chiều rộng 17,5m; chiều cao mạn 7,8m; chiều chìm thiết kế 6.0m; tốc độ không tải 14 hải lý/giờ; tốc độ có tải từ 10 – 12 hải lý/giờ; trọng tải 2.000 tấn; công suất mỗi tàu là 12.000 mã lực, sức kéo khoảng 150 tấn. Tàu có các chức năng kéo, thả neo, cung cấp nước ngọt, nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ cho giàn khoan, vận chuyển người, vật tư thiết bị cho các công trình thi công trên biển, ứng cứu sự cố, chống tràn dầu và chữa cháy ngoài khơi; khả năng tự động hóa rất cao như: tự động hải hành, tự động định vị toàn cầu (DP II), tự động điều khiển các thiết bị trên tàu...

Ông Từ Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Vietsovpetro khi ký hợp đồng với DQS, đã tin tưởng khẳng định, với năng lực của DQS, chắc chắn Vietsovpetro sẽ có những sản phẩm chất lượng cao. Đội hình của Vietsovpetro sẽ có thêm những con tàu hiện đại bổ sung cho đội tàu dịch vụ hùng mạnh, chủ động hơn trong các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, tiết kiệm được chi phí thuê tàu dịch vụ hàng năm.

Từng bước tìm lại vị thế, xây dựng lại thương hiệu, DQS đã có chỗ đứng, là địa chỉ tin cậy trong việc đóng mới, sửa chữa những sản phẩm nổi có công nghệ cao và những đòi hỏi về kỹ thuật nghiêm ngặt. Trong buổi làm việc với chúng tôi, anh Trần Hoài An - Phó Tổng giám đốc Thường trực DQS tự hào: “Sau 4 năm là thành viên của PVN, DQS đã từng bước khẳng định được chính mình. Từ năm 2013 đến nay 100% sản phẩm được thực hiện tại DQS đều bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng và an toàn tuyệt đối cả trong quá trình thi công, cũng như khi đã bàn giao cho chủ đầu tư. Tất cả các sản phẩm trước kia phải sửa chữa bảo dưỡng định kỳ ở nước ngoài, nay DQS đảm nhiệm toàn bộ…”.

Người DQS tự hào với năng lực của mình, tự hào với những đóng góp tích cực của mình cho các chủ đầu tư. Các sản phẩm nổi đóng mới, sửa chữa, bảo dưỡng tại DQS theo tìm hiểu của chúng tôi đã giảm được chi phí từ 50% trở lên, giảm được thời gian tới 70%. Như vậy, DQS không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực cho các chủ đầu tư, mà đã góp phần tích cực của mình cho sự phát triển của các ngành kinh tế đất nước. Sự vươn lên mạnh mẽ của DQS là minh chứng sống động cho chủ trương tái cơ cấu của Chính phủ

Khẳng định thương hiệu

Hai sản phẩm mà DQS bàn giao ngày 26/3, (nói theo ngôn ngữ của những người không hiểu thuật ngữ chuyên ngành) thuộc dạng “khủng”, khủng cả về nghĩa bóng và nghĩa đen. Anh Trần Hoài An nói rằng, nếu như Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép ở vùng biển nước ta hồi năm ngoái là có quy mô là 10; thì giàn khoan DH 01 mà DQS vừa sửa chữa xong cũng chỉ “em em” một chút với quy mô là 7. Hai giàn khoan này đều cùng chủng loại và tính năng tương tự như nhau. Đấy là giàn khoan dạng nửa nổi, nửa chìm, gọi tắt là “giàn khoan bán chìm”.

Giàn DH 01 đóng năm 1975 tại Na Uy và được bàn giao cho Đại Hùng năm 2004, giàn được đưa vào hoạt động từ đó cho đến nay. Giàn HD 01 đã qua các lần sửa chữa bảo dưỡng định kỳ; tất nhiên những lần sửa chữa bảo dưỡng trước đây đều do các cơ sở của nước ngoài đảm nhiệm. Gần đây nhất, giàn này được sửa chữa tại Huyndai Vinashin. Đây là lần đầu giàn được sửa chữa tại nhà máy trong nước.

Hỏi anh An, việc sửa chữa lần này so với các lần trước có gì khác, anh An khẳng định: công việc như nhau, thậm chí lần này công việc còn nhiều hơn. Xin nêu một vài số liệu để so sánh, lần sửa chữa gần đây tại Huyndai Vinashin, thời gian sửa chữa 340 ngày, và lần này tại DQS là 180 ngày. Khối lượng công việc được coi là khổng lồ: riêng phần kết cấu đã phải thay mới 720 tấn nguyên liệu các loại; gần 1.700 thanh anode; hơn 110,174 m2 diện tích cần làm sạch. Thay mới hơn 1,2km đường ống các loại; thay mới hơn 725 van; bảo dưỡng hơn 60 bồn áp lực lớn nhỏ. Sửa chữa thay mới hệ thống bơm gồm 20 chiếc; đại tu hệ thống 8 tời neo; 2 cần cẩu trên giàn. Bảo dưỡng toàn bộ hệ thống điện….

Điều đáng nói là tất cả các công đoạn sửa chữa đều do cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật của DQS đảm nhiệm. Đây được coi là thắng lợi toàn diện của DQS, nói toàn diện là nói đến hiệu quả kinh tế. Với khối lượng công việc mà DQS đã thực hiện, nếu sửa chữa ở nước ngoài chi phí phải gấp đôi. Thứ đến, hoàn thành công trình này khẳng định trình độ, năng lực của DQS đủ sức làm chủ công nghệ tiên tiến, hiện đại vào bậc nhất hiện nay. Đây chính là bước ngặt quan trọng để thương hiệu DQS tiếp cận và mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt việc rút ngắn thời gian sửa chữa, sớm đưa giàn khoan này trở lại mỏ hoạt động còn có ý nghĩa cả về chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh. Giàn khoan sớm đưa vào hoạt động sẽ có thêm sản phẩm, thêm lực lượng hoạt động và bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên biển.

Còn với tàu 105/FSO-PVN DAI HUNG QUEEN thì sao? Anh An cho hay, đây là con tàu có tải trọng lớn nhất, phức tạp nhất và hiện đại nhất tính đến đời thời điểm này được đóng mới tại Việt Nam, mà DQS vinh dự là đơn vị thi công. Sơ lược một số thông số chính như sau: chiều dài 265m; chiều rộng 42m; chiều cao mạn 22m; tải trọng 105.000DWT; đăng kiểm và giám sát: VR&DVN với cấp tàu hoạt động không hạn chế. Tính hiện đại của con tàu được thể hiện qua các dữ liệu sau: Đây là con tàu tự động hành trình; tự động tránh va; buồng máy không cần người điều khiển; có sân bay trực thăng; với nhiều trang thiết bị máy móc tự động hoàn toàn….

Anh An kể với chúng tôi để đóng mới con tàu này nhà máy phải sử dụng tới 20.000 tấn tôn vỏ; hoàn thiện nội thất 45 phòng phục vụ cho 50 người ở với tiêu chuẩn nội thất của khách sạn 3 sao. Với đầy đủ các hạng mục như: phòng ngủ, phòng tập thể thao, phòng đọc sách, câu lạc bộ, nhà bếp, kho lạnh….

Đây là con tàu chứa dầu thô được cải hoán thành kho chứa. Dự án này được Vinashin ký hợp đồng từ năm 2007. Do nhiều lý do, dự án phải tạm dừng nhiều lần. Đến tháng 9/2012 mới được tiếp tục. Anh An cho biết khi DQS tiếp nhận, thì dự án này mới thi công được 20% khối lượng công việc. Sau 18 tháng thi công đến nay công trình này đã hoàn thành. Điều đáng nói là khi DQS thi công thì có những bổ sung thêm về tiêu chuẩn, mở rộng thêm tính năng xử lý dầu thô.

Anh An bảo: "Khi chúng tôi tiến hành chạy thử chuyên gia giám sát người Hàn Quốc đã nhiều lần can ngăn, họ không tin tưởng là con tàu này có thể vận hành được, chứ đừng nói là vận hành trơn tru. Chỉ đến khi chúng tôi chạy thử đường dài từ ngày 7 đến ngày 10/2/2015 mới đây, dưới sự giám sát chặt chẽ và nghiêm ngặt của Đăng kiểm quốc tế, trong nước và chủ tầu, tất cả các thông số đều đạt và vượt yêu cầu, ông chuyên gia ấy đã đến xiết chặt tay tôi và nói “Thú thực, trong mắt tôi và trong suy nghĩ của tôi các bạn không bao giờ đóng được có những tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp như thế này…”. Ông ta bộc bạch “từ suy nghĩ như vậy nên trong quá trình làm việc tôi có lúc tôi cũng không làm tròn trách nhiệm của mình”.

DQS hôm nay có quyền ngẩng cao đầu, có quyền tự hào với thương hiệu của mình. Họ đang vươn lên trở thành nhà máy đóng tàu hiện đại nhất tại khu vực.

Trung Hội - Thanh Hiếu (tổng hợp)

DMCA.com Protection Status