Chia sẻ kinh nghiệm bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy dầu khí

20:34 | 15/08/2014

1,058 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sáng 15/8, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) chủ trì tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy trong lĩnh vực chế biến dầu khí.

Đây là lần thứ hai, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy nhằm tạo ra một diễn đàn để các nhà chuyên môn, kỹ sư dầu khí nhìn nhận về công tác bảo dưỡng sửa chữa (BDSC) các nhà máy lọc dầu, hóa dầu, khí…

 Các chuyên gia bảo dưỡng dầu khí tại hội thảo.

PVN đã có định hướng và đề án phát triển dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy, công trình tới năm 2015 tại các văn bản: Nghị quyết số 11749/NQ-DKVN và Nghị quyết số 3685/NQ-DKVN, theo đó giao cho Tổng công ty Công nghệ Năng lượng Dầu khí (PV EIC) và PVMC thực hiện BDSC hàng ngày, định kỳ và tổng thể của các nhà máy trong lĩnh vực chế biến dầu khí. Tuy nhiên, hiện nay định hướng này chưa được thực hiện do một loạt vấn đề khách quan và chủ quan.

Hiện nay, năng lực PVEIC và PVMC chỉ đáp ứng thực hiện một số công việc nhỏ. Đối với các đơn vị khác trong PVN, chiến lược bảo dưỡng, sửa chữa được hầu hết các đơn vị quan tâm nhưng vẫn còn một số hạn chế.

Ban chế biến Dầu khí PVN đề xuất: Hình thành một đơn vị đầu mối tiến tới hình thành đơn vị BDSC chung cho các nhà máy lĩnh vực chế biến dầu khí trên cơ sở đánh giá tổng thể để lựa chọn đơn vị đầu mối và xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện.

Thành viên HĐTV PVN Phan Đình Đức đưa ra ý tưởng: “Không hình thành nên một đơn vị mới mà kết nối thành một hiệp hội BDSC. Và giao cho một đơn vị mạnh đứng ra lãnh chỉ đạo việc này. Lúc đó, bộ phận BDSC tách ra, các nhà máy chỉ tập trung chuyên môn vào sản xuất thôi”.

Thực tế, trong thời gian BDSC của NMLD Dung Quất, những người thợ Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau đã tích cực tham gia nhiều phần việc. Sắp tới, Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ bảo dưỡng sửa chữa sẽ có sự hỗ trợ tối đa từ BSR và nhân lực 2 nhà máy đạm.

Trong đợt BDTT lần 2 NMLD Dung Quất, BSR đã thực hiện tốt công tác lập kế hoạch, triển khai bảo dưỡng thường xuyên bằng nguồn lực BSR hiện có và tự bảo dưỡng được nhiều thiết bị điện, tự động… Tuy nhiên, BSR cũng thấy rằng, việc sử dụng nhiều chuyên gia, phụ thuộc nhiều vào vật tư và phụ tùng độc quyền nước ngoài, chưa có bộ phận nghiên cứu chuyên sâu bảo dưỡng… là những hạn chế của BSR.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo

Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ chính thức đi vào vận hành thương mại vào ngày 29/5/2014. Trước thời điểm đó, công việc bảo dưỡng sửa chữa (BDSC) nhà máy vẫn là sự phối hợp của nhà thầu và Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PV Tex), cụ thể là Xưởng BDSC. Sau thời điểm bàn giao nhà máy, trách nhiệm BDSC được chuyển giao hoàn toàn cho PV Tex. Đây là một trách nhiệm rất nặng nề đối với đội ngũ kỹ sư, công nhân còn non trẻ của PV Tex.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó phòng sản xuất PV Tex nhận định: Một khó khăn đối PV Tex là, do thời gian chạy thử kéo dài nên đã nảy sinh tâm lý chán nản trong một bộ phận CBCNV. Một số nhân lực có trình độ, được đào tạo bài bản từ giai đoạn đầu đã chuyển sang công tác tại đơn vị mới. Từ giai đoạn chạy thử cho tới khi Nhà máy khởi động lại, các lỗi kỹ thuật tồn đọng tương đối nhiều nên Xưởng tập trung phần lớn thời gian để khắc phục/sửa chữa và cải tiến sửa đổi một số hạng mục.

Phó tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho rằng: “Nếu chúng ta không đưa Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đi vào hoạt động ổn định được thì chúng ta hổ thẹn với chính chúng ta trong lĩnh vực chế biến dầu khí. Tôi đề nghị, các đơn vị trong PVN hỗ trợ tối đa cho PV Tex để đưa nhà máy vào hoạt động đúng công suất thiết kế”.

Phó tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cũng yêu cầu PV Tex: “Thời gian tới, khi các chuyên gia từ các nhà máy khác của PVN đến giúp nhưng người làm cách mạng phải là người PV Tex, phải làm chủ được nhà máy của mình”.

Trong lĩnh vực bảo dưỡng hệ thống cấp khí, Công ty Đường ống Khí Nam Côn Sơn (NCSP) có tham luận rất đáng chú ý. NCSP là hợp doanh giữa 3 đối tác: Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas); Rosneft, Perenco; trong đó PV Gas là nhà điều hành. Hằng năm, NCSP vận chuyển và xử lý khoảng 6,5 tỉ m3 khí thiên nhiên cung cấp nhiên liệu để sản xuất trung bình khoảng 30% sản lượng điện quốc gia.

Bảo dưỡng lớn dừng nhà máy (TAR) của NCSP được thực hiện với tần suất 5 năm một lần nhằm đáp ứng các yêu cầu về bảo dưỡng và kiểm tra định kỳ đối với các thiết bị quan trọng về an toàn và sản xuất. Vì mỗi lần thực hiện TAR của NCSP thì cả dây chuyền khí Nam Côn Sơn phải dừng khí, nên sức ép rút ngắn tiến độ thực hiện TAR của NCSP là rất lớn nhằm cung cấp khí trở lại càng sớm càng tốt để giảm chi phí chạy bằng nhiên liệu diesel cho các tuốc-bin của các nhà máy nhiệt điện dùng khí Nam Côn Sơn.

Phần mềm Capital Value Process được áp dụng để quản lý TAR thông qua các giai đoạn cụ thể nhằm đảm bảo toàn bộ quá trình TAR được quản lý từ lúc lập kế hoạch, chuẩn bị, đến khi thực hiện hoàn tất và đưa nhà máy vào vận hành trở lại một cách an toàn, tối ưu hóa cả về thời gian và chi phí. Phần mềm Capital Value Process bao gồm 5 giai đoạn: đánh giá, lựa chọn, xác định, thực hiện và vận hành.

Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau sẽ là đơn vị đăng cai hội thảo lần thứ 3
 

Hội thảo cũng ghi nhận những tham luận của nhiều đơn vị về việc áp dụng phương pháp RBI vào kiểm tra ăn mòn hư hỏng ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ, xử lý sự cố mất nguồn điều khiển, xử lý sự cố máy nén C-1551 tại NMLD Dung Quất…

Kết luận hội thảo, Phó tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: Những kinh nghiệm tại hội thảo sẽ giúp các đơn vị rà soát lại công tác bảo dưỡng sửa chữa. Phó tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng lưu ý, tài chính đầu tư cho các dự án lọc hóa dầu là rất lớn, vậy nên phải vận hành các nhà máy tối ưu nhất, hiệu quả kinh tế nhất. Thực chất đó là vấn đề tái cơ cấu trong sản xuất.

Phó tổng giám đốc PVN đề nghị đưa thêm một số nhà máy xử lý khí, nhiên liệu sinh học... vào "gia đình bảo dưỡng" để cùng học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; xây dựng ngân hàng câu hỏi và câu trả lời để cùng đưa ra những ý kiến, làm giàu thêm ý tưởng trong bảo dưỡng sửa chữa.

"Chúng ta cũng cần xây dựng chiến lược cho sửa chữa, bảo dưỡng các nhà máy; nghiên cứu mô hình tổ chức hoạt động sửa chữa bảo dưỡng cho các nhà máy; thống nhất danh mục vật tư thiết bị. Hợp nhất các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người..." - đó là những chỉ đạo của Phó tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng tại hội thảo.

Đức Chính

DMCA.com Protection Status