“Bác sĩ” của những mối hàn

08:00 | 03/11/2014

1,174 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Đang đảm nhiệm chức danh Xưởng trưởng Xưởng Bảo dưỡng và Sửa chữa thiết bị tại Bộ môn Hàn thuộc Khoa cơ khí, Trường cao đẳng Nghề Dầu khí (PVMTC), giảng viên - kỹ sư Chu Văn Thao từng tham gia xử lý những mối hàn khó ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mà chuyên gia hàn của 3 nước Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc cũng chào thua. Anh để lại cho người đối diện ấn tượng mạnh về sự tự tin, bản lĩnh, tình yêu nghề sâu sắc.

Năng lượng Mới số 370

Trước khi về làm giảng viên ở PVMTC, kỹ sư Thao từng làm việc trong ngành Dầu khí 8 năm tại PTSC MC. PTSC MC là đơn vị chuyên gia công, chế tạo giàn khoan thuộc Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí. Chính 8 năm lăn lộn với thực tiễn nghề hàn và giám sát chất lượng mối hàn đã giúp Thao tiếp cận nhiều công nghệ hàn tiên tiến trên thế giới. Vì vậy, sau khi về PVMTC, cùng sự hỗ trợ của lãnh đạo nhà trường, kỹ sư Thao có thời gian và điều kiện học nâng cao trình độ chuyên sâu về hàn, các lớp kiểm tra các khuyết tật mới của hàn.

Năm 2010, kỹ sư Thao từng thực hiện sửa chữa một mối hàn ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Theo kỹ sư Thao, đây là mối hàn rất khó vì vật liệu làm bằng titan. Trước đó có khoảng 10 thợ hàn đã hàn vào rồi lại phải cắt ra vì mối hàn không đảm bảo chất lượng. Sau đó, Nhà máy Đạm Phú Mỹ nhờ ban lãnh đạo PVMTC cử thợ hàn đến hỗ trợ. Lãnh đạo PVMTC tin tưởng giao cho Bộ môn Hàn, Khoa Cơ khí thực hiện, trong đó, giảng viên Thao được chỉ đạo nghiên cứu và trực tiếp thực hiện, tìm cách khắc phục sự cố cho Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Để giải quyết điểm khó này, anh phải tìm hiểu về tính chất vật liệu titan, phương pháp giải quyết ra sao. Vì theo anh, trước đó những mối hàn này đều được giao gia công ở nước ngoài, chưa có thợ hàn của Việt Nam thực hiện hàn trên vật liệu titan. Khá áp lực vì nhà máy sắp đến thời gian vận hành trở lại, chỉ có một ngày để vừa tìm thông tin về vật liệu vừa phải xử lý mối hàn thành công. Thật bất ngờ, 3 giờ chiều cùng ngày, kỹ sư Thao đã thực hiện thành công mối hàn, chụp phim thấy rất chuẩn. Lúc đó nếu mối hàn với chất liệu titan thực hiện không thành công thì tiến độ dừng nhà máy bị kéo dài, ảnh hưởng đến công việc của nhà máy và khó lường hết những thiệt hại về kinh tế.

“Bác sĩ” của những mối hàn

Giảng viên Chu Văn Thao (thứ nhất bên trái) đang hướng dẫn sinh viên hàn ống nâng cao

Đến năm 2011, trong đợt bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, có một số thiết bị kiểm nhiệt là vật liệu coban bị nứt gãy trong quá trình hoạt động của nhà máy. Những thiết bị này được giao cho các nhà thầu nước ngoài Ấn Độ, Hàn Quốc và Singapore thực hiện nhưng không thành công. Trong khi nhà máy chỉ còn đúng 3 ngày nữa là vận hành trở lại. Biết đến PVMTC có các thầy giáo chuyên gia về hàn đã từng đào tạo công nhân hàn cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, lãnh đạo Nhà máy nhờ lãnh đạo PVMTC hỗ trợ. Hiệu trưởng Vũ Duy Hảo là người trực tiếp chỉ đạo Khoa Cơ khí động lực phải nghiên cứu và bằng mọi giá thực hiện thành công cho đơn vị bạn. Trưởng khoa Nguyễn Huy Sỹ - thạc sĩ chuyên ngành hàn và giảng viên - kỹ sư Chu Văn Thao cùng nghiên cứu, thực hiện. “Hiệu trưởng Vũ Duy Hảo nhấn mạnh: Ở đây không đề cập đến vấn đề vật chất mà nói đến giá trị tinh thần hợp tác hỗ trợ của 2 đơn vị và thương hiệu của nhà trường”, anh kể.

Anh Thao cho biết, lúc đó bài toán nan giải nhất là vấn đề xử lý vật liệu, coban là vật liệu mà anh chưa thực hiện bao giờ. Hai anh em cả đêm thức trắng để tìm tài liệu liên quan tới vật liệu coban, phân tích thành phần vật liệu? Chọn phương pháp hàn nào cho phù hợp? Xử lý nhiệt như thế nào để mối hàn sau khi hàn xong không bị nứt nóng, nứt nguội. Vì trước đó các chuyên gia nước bạn tìm cách khắc phục trong một tuần nhưng không được, cứ hàn xong là bị nứt. Sau khi nghiên cứu và tiến hành hàn, kết quả thu được hơn mong đợi. Sau khi hàn và xử lý nhiệt, đem đi chụp phim và làm thẩm thấu đạt kết quả rất tốt. Lúc đó thời gian còn đúng hai ngày nữa thì nhà máy vận hành trở lại.

Chính sự thành công trong mối hàn cực khó này mà không chỉ Ban lãnh đạo Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, mà cả chuyên gia hàn của 3 nước được nhà máy mời trước đó đều nhìn PVMTC với cái nhìn nể trọng. Anh phụ trách chính của Phòng Sửa chữa bảo dưỡng thiết bị tự động hóa đã thốt lên rằng: “Thành công, thành công rồi, rất cảm ơn anh, may nhờ có PVMTC xử lý, chứ không biết sẽ giải quyết ra sao cho đúng tiến độ hoạt động của nhà máy”. Về giá trị kinh tế thì khó định lượng hết, chỉ biết rằng, nếu mối hàn với chất liệu coban không hàn được thì nhà máy phải thay thiết bị. Mà thiết bị phải đặt hàng ở nước ngoài, ít nhất 15 ngày đến 30 ngày hàng mới về đến Việt Nam, đồng nghĩa với việc nhà máy phải dừng hoạt động 15-30 ngày nữa, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Anh Thao chia sẻ: “Coban là vật liệu hiếm, các nhà máy không sản xuất hàng loạt mà chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng, nên thời gian có hàng về Việt Nam càng lâu. Hai thiết bị đó là hai thiết bị nằm ngoài dự tính của nhà máy nên công tác chuẩn bị càng thêm vất vả”.

Đến năm 2012, anh tiếp tục tham gia và xử lý một mối hàn ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Sau mối hàn đó, kỹ sư Thao được nhà máy tín nhiệm mời huấn luyện một buổi cho các kỹ sư, công nhân đang tham gia vận hành, bảo dưỡng nhà máy. Qua vài lần huấn luyện như thế thì giờ đây, khi có sự cố về mối hàn, chính đội ngũ kỹ sư, công nhân nhà máy đã tự làm được. Chỉ những mối hàn nào cực khó mới gọi điện trực tiếp cho kỹ sư Thao tư vấn về chuyên môn qua điện thoại hoặc thư điện tử nhằm khắc phục kịp thời khi có sự cố.

Rất nhiều người đã gọi anh bằng cái tên “bác sĩ của những mối hàn”, chẩn đoán bệnh, tìm ra nguyên nhân của bệnh, chụp phim, chữa bệnh… Quá trình làm “bác sĩ” của những mối hàn đó cũng không hề đơn giản. Theo anh, đã làm nghề thì phải yêu nghề, đam mê nghề nên mỗi khi thực hiện mối hàn thành công trên vật liệu khó thì thấy rất sung sướng, tự hào… Bên cạnh công tác chuyên môn trực tiếp tham gia xử lý những mối hàn khó thì Thao còn là giảng viên hằng ngày đứng trên bục giảng. Bản thân anh luôn trau dồi và học hỏi kiến thức chuyên môn, bất cứ khi nào có công nghệ hàn mới nào ở Việt Nam, anh đều tham gia học. Mục tiêu của anh là tích lũy kinh nghiệm để phục vụ tốt nhất cho công việc giảng dạy và sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị bạn khi gặp sự cố về mối hàn.

Nói về PVMTC, giảng viên Thao thấy tự hào khi được làm việc trong môi trường lành mạnh, chuyên nghiệp, Ban Giám hiệu và lãnh đạo Khoa Cơ khí luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các giảng viên. Không ngừng đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn. Đó cũng là điều kiện, động lực thúc đẩy anh và các đồng nghiệp cố gắng phấn đấu trau dồi kiến thức, làm việc hết mình. Anh cũng thường xuyên tâm sự với sinh viên, là người thợ hàn các em phải mang trong mình nhiệt huyết, máu lửa, luôn tìm tòi học hỏi không ngại khó khăn gian khổ.

Anh nhấn mạnh: Đối với nghề hàn, càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công việc thì tay nghề càng cao. Anh kể lại một kỷ niệm, mới đây, anh ra Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để thực hiện bảo dưỡng lần 2, gặp lại các chuyên gia từng tham gia sửa chữa mối hàn bằng vật liệu coban nhưng không thành công. Một vị chuyên gia người Ấn Độ đang là cố vấn bảo dưỡng chất lượng cho nhà máy rất niềm nở tay bắt mặt mừng và giới thiệu kỹ sư Thao với những đồng nghiệp đến từ các nước khác nhau: “Kỹ sư Thao là bạn của tôi. Anh ấy là chuyên gia về hàn rất giỏi ở Việt Nam. Ngoài hàn, anh ấy còn là một chuyên gia NDT Level III do cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA cấp nữa đó”.

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng khoa Cơ khí Động lực Nguyễn Huy Sỹ cũng là người phụ trách trực tiếp nói rằng: “Thao là một người rất thông minh, sáng tạo, ham học hỏi. Với vai trò giáo viên dạy chuyên môn về hàn, Thao đã phát huy hết khả năng tay nghề, trình độ nghiệp vụ dạy học. Đồng thời, cậu ấy tích cực tham gia vào dịch vụ chất lượng cao của nhà trường. Trong các hoạt động dịch vụ, kỹ sư Thao là người lao động mẫu mực, tâm huyết với nghề”.

Không giấu nghề, truyền đạt hết những gì mình có là tâm niệm của anh. Tôi gọi anh là chuyên gia về hàn, anh cười bảo: Từ chuyên gia to tát quá, “Mình chỉ là người thầy và đi truyền đạt kinh nghiệm, truyền nghề cho các lớp đàn em. Bây giờ mỗi khi đi đến đâu gặp học trò, thấy các em là những thợ hàn chủ chốt của nhà máy là mừng rồi”.

Thiên Thanh


 

DMCA.com Protection Status