7 ngày với PV DRILLING VI (Kỳ cuối)

07:00 | 25/03/2015

1,286 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sau 7 ngày hành trình, giàn PV DRILLING VI đã về Vũng Tàu và nằm cách bờ biển Bãi Trước hơn 10km. Từ đây, chúng tôi đã thấy ánh đèn sáng ở Vũng Tàu...

>> 7 ngày với PV DRILLING VI (Kỳ 2)

>> 7 ngày với PV DRILLING VI (Kỳ 1)

>> [Phóng sự ảnh] Hành trình Singapore - Vũng Tàu của giàn khoan PV DRILLING VI

Năng lượng Mới số 407

Tôi đã được đi tới nhiều nơi mà đội quân dầu khí Việt Nam đang có mặt. Đó là vùng sa mạc Sahara, vùng rừng rậm Amazon, vùng cực Bắc nước Nga, vùng hoang mạc ở Venezuela… và nỗi khổ mà anh em các đơn vị PVEP, PV Drilling… đang phải chịu đựng thì quả là khó có thể kể hết. Nơi nào cũng có những nỗi cơ cực đến mức tưởng như cùng cực. Nhưng riêng đội quân thợ khoan, công việc cơ bản giống nhau, chỉ có điều làm trên biển vất vả, nguy hiểm hơn rất nhiều.

Chính môi trường lao động đã tạo ra những “con người dầu khí” và “tính cách người dầu khí”, cùng với “văn hóa dầu khí”.

Luận bàn về ba vấn đề này, chắc chắn phải mất nhiều trang giấy và có lẽ phải trông cậy vào các bậc trưởng lão trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam định nghĩa và kiến giải giúp.

Với anh em thợ khoan trên giàn PV DRILLING VI thì họ bảo rằng, họ là những người 3D?

Tôi thắc mắc 3D là gì thì anh em cho biết đó là 3 chữ D đầu tiên của Duty, Dirty, Dangerous (là trách nhiệm, bẩn thỉu và nguy hiểm).

Phan Quốc Quân, thợ làm việc trên cao

Ồ, sao mà đúng thế!

Người làm nghề  thợ khoan là phải có trách nhiệm với từng công việc của mình và trách nhiệm với cả tập thể. Khi cỗ máy khoan hoạt động thì mỗi cá nhân đều là một mắt xích trong cả sợi xích… Chỉ cần bất cứ một vị trí nào bị trục trặc thì ảnh hưởng tới cả giàn. Mà nếu cỗ máy khoan đang xoáy vào lòng đất hàng kilômét phải dừng lại vì lý do nào đó, thì đó là thiệt hại không tài nào lường hết. Cho nên, anh em công nhân khoan thường bảo nhau là phải “lăn xả” vào việc. Tính cộng đồng của những người thợ khoan biển rất cao. Khi đã bắt đầu công việc, hoàn toàn không còn chỗ đứng cho cá nhân.

Còn “bẩn” ư? Có lẽ nghề thợ khoan còn bẩn hơn cả công nhân hầm lò. Khi mũi khoan đã dũi vào lòng đất, thì người thợ họ bẩn đến khó tưởng tượng nổi. Nào là dung dịch khoan, nào là hóa phẩm khoan, rồi bùn đất, dầu mỡ bê bết, quần áo lúc nào cũng nồng nặc mùi dầu…

Còn nguy hiểm thì nghề khoan biển chắc chắn là một trong những nghề nguy hiểm bậc nhất. Trên giàn khoan, mọi loại vật liệu đều tính bằng tấn, chứ không có thứ nào vài ba kilôgram. Sắt, thép, dây cáp điện với khối lượng khổng lồ mà sức người không thể làm nổi. Cái gì cũng phải có cần trục, ròng rọc, tời kéo… Và bên cạnh đó là gió bão, là mưa táp xối xả, là mặt trời nung sắt thép đến nóng rẫy tay. Chỉ một chút lơ đễnh, chỉ một cái “tặc lưỡi” cho qua là có thể gánh hậu quả khôn lường

Sực nhớ ra là ngót 20 năm trước, khi đến một giàn khoan của Tập đoàn BP, tôi nghe có những cái tên rất lạ là Dog House, Dog Men. Tôi hỏi các anh về lý do có những cái tên này trên giàn khoan thì anh em giải thích rằng, thuật ngữ này có từ hơn trăm năm nay, mà xuất phát là từ nước Mỹ. Ngày ấy, vì không có các thiết bị đo khí độc từ giếng khoan phụt lên nên người ta phải làm một chuồng chó bên cạnh lỗ khoan với vài ba con chó, nên được gọi là Dog House - chuồng chó. Nếu con chó rú lên hoặc chết thì có nghĩa là có khí độc, mọi người phải tránh ngay. Còn những ông chủ thì lại gọi một cách khinh miệt những công nhân làm các công việc hay phải chạy lăng xăng (như chó) để kéo, móc cáp, kéo hàng, vận chuyển… là Dog Men?! Gọi mãi rồi thành quen và thành… danh từ chung.

Về sau này, trên giàn khoan của một số nước tư bản có buồng nhỏ với biển tên Dog House, còn phòng nghỉ của những công nhân làm việc hay phải chạy qua chạy lại vẫn gọi là phòng của Dog Men. Nhưng người ta cũng không cho đó là sự khinh miệt.

Ở giàn khoan còn có một người thường hay được gọi là Monkey Board - người khỉ.

Số là các tháp khoan thường có độ cao từ trên 50m. Trên đỉnh tháp có hệ thống tời, cần cẩu rất phức tạp với hệ thống dây cáp, đường ống dẫn dung dịch khoan chằng chịt như mạng nhện. Khi giàn khoan đưa vào hoạt động, sẽ có một nhóm thợ phải ngồi trên đỉnh đó. Mặc cho mưa gió xối vào mặt, hay nắng cháy da thì họ vẫn phải ở trên đó tra dầu mỡ, ứng cứu kịp thời nếu có sự cố xảy ra trên đỉnh tháp khoan. Hằng ngày, họ phải leo lên, leo xuống nhiều lần và họ leo nhanh như… khỉ nên được gọi là… Monkey Board. Cái “biệt danh” này cũng có từ hơn trăm năm.

Giàn trưởng Anthony Charles Saunderson với phóng viên Năng lượng Mới

Tôi đã đi nhiều giàn khoan và ước mơ được trèo lên đỉnh tháp khoan, nhưng lần nào cũng bị từ chối. Lần này, tôi quyết định lại thử vận may. Tôi nhờ Nguyễn Quốc Đại, nhân viên phụ trách hệ thống thông tin liên lạc trên giàn khoan nói với giàn trưởng Anthony là tôi mong muốn được lên đỉnh tháp khoan để chụp toàn cảnh giàn khoan đang được tàu kéo dắt đi. Ông Anthony nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi đồng ý. Nhưng ông dặn đi dặn lại là phải giữ an toàn.

Nhân đây, cũng phải nói đến Nguyễn Quốc Đại. Có lẽ anh là bạn đọc đáng yêu nhất của Báo Năng lượng Mới. Đại đọc rất kỹ các số báo Năng lượng Mới do vợ anh làm văn phòng ở một công ty của PTSC mang về. Đại nhớ vanh vách nhiều bài báo mà chính tôi cũng không nhớ nổi, Đại còn thuộc vị trí của một số chuyên mục chính của Petrotimes trên màn hình. Nhưng cũng rất thú vị, là Đại đọc rất say truyện dài kỳ và bấy lâu nay, chỉ biết tên tác giả là… N.N.P. Còn tên Nguyễn Như Phong in ngay dưới dòng chữ tít thì không đọc.

Sáng hôm sau, tôi được khám sức khỏe như đo huyết áp, nhịp tim và bác sĩ hỏi vài câu trắc nghiệm. Sau đó, tôi được đưa lên giàn khoan. Một anh đốc công người Indonesia và một anh thợ làm việc trên cao là Phan Quốc Quân giúp tôi mặc đeo bảo hiểm và hướng dẫn tôi cách sử dụng. Khi leo lên và leo xuống, toàn bộ người được móc vào một sợi cáp chạy dọc theo thang leo. Nếu leo vuông góc với mặt đất, có nghĩa là song song với mặt thang thì khóa chạy trơn tru. Nhưng chỉ cần hơi ngả về phía sau một chút là lập tức cái khóa sẽ phanh cứng lại, có buông chân, buông tay ra thì cũng vẫn lơ lửng giữa trời, không rơi xuống được. Tôi có thử và thấy khóa rất chắc chắn và tôi cứ thế leo lên, từng bậc, từng bậc… chậm chạp như đếm.

Tháp khoan của PV DRILLING VI là 190ft, tức là khoảng 53m - hơn một ngôi nhà 12 tầng. Từ sàn giàn khoan lên đến đỉnh tháp phải leo thang theo chiều thẳng đứng, mỗi bậc thang là 1inch (khoảng hơn 33cm).

Vì không biết cách leo nên tôi cứ phải dùng tay đu lên, nên hai cánh tay mỏi nhừ. Nguyễn Quốc Quân leo ngay phía dưới tôi, vừa leo vừa động viên: “Chú phải leo bằng chân… Tay chỉ giữ thôi. Chú cứ lên đi. Đến mỗi chiếu nghỉ thì dừng lại một chút”. Có lẽ phải mất đến gần chục phút, tôi mới lên đến đỉnh tháp khoan và thấy lạnh cả sống lưng khi thấy tháp khoan đang… đung đưa… Ở dưới sàn giàn khoan, cảm giác bị lắc lư theo sóng không nhiều, nhưng lên độ cao này mới thấy run run.

 Mồ hôi ướt đẫm chiếc áo bảo hộ dày cộp. Tôi há miệng ra để thở… Và sau một lúc định thần, tôi cảm thấy mình như người đã chiến thắng độ cao.

Xin bạn đọc hãy tưởng tượng đang leo lên một ngôi nhà 12 tầng theo chiều thẳng đứng và nhìn xuống dưới là ngồn ngộn sắt thép, cùng mặt biển mênh mông đang nổi  sóng… cảm giác thật khó tả.

Đứng ở trên độ cao 53m nhìn xuống, thấy giàn khoan bé nhỏ hẳn đi và mặt biển xanh ngăn ngắt. Lên đến đỉnh tháp khoan, mỗi bước đi đều phải nhớ gài dây an toàn vào lan can. Tôi thử một lần không gài dây an toàn, bước ra sàn, lập tức Quân lôi tôi trở lại và nhắc nhở. Sau đó, tôi bước vào, anh tự tay gài dây an toàn cho tôi. Quân nói với tôi đã làm việc trên cao được 5 năm. Trong 5 năm đó, không biết anh đã leo lên leo xuống đỉnh tháp khoan như này bao nhiêu lần. Tôi không biết mình leo lên mất bao lâu, nhưng đến khi tụt xuống rồi, tôi đứng nhìn Quân và anh đốc công người Indonesia leo lên mới thấy rằng, quả thật là họ đúng như khỉ leo cây. Với độ cao như vậy mà họ chỉ mất hơn 2 phút là lên đến đỉnh. Ở trên đó cũng đã có một người thợ đang kiểm tra các thiết bị, đó là Trần Thanh Phương, trợ lý kíp trưởng. Những người làm việc trên cao (Derrickman), họ được chọn lựa kỹ càng và chịu đựng thử thách hơn bất kỳ loại công việc nào khác trên giàn. Sức khỏe tốt đã đành, quan trọng là họ phải có thần kinh rất vững, chịu đựng được gian khổ, khắc nghiệt của thời tiết, nhất là khi mưa gió… Mà khi lên làm việc trên tháp khoan, họ không được mang theo nước uống, từng chiếc cờ-lê, mỏ-lết đều phải có dây bảo hiểm… Khát quá, muốn xuống uống nước ư? Phải chờ người lên thay rồi mới được xuống.

Trong nghề khai thác dầu khí, những người thợ cực khổ, chịu đựng nguy hiểm nhất là người thợ khoan ở giai đoạn ban đầu - thăm dò, thẩm lượng. Sau khi đã có giếng dầu, có sản lượng tốt rồi, chỉ còn việc vận hành, khai thác thì công việc khi ấy cũng nặng nhọc, nguy hiểm, nhưng tính chất hoàn toàn khác những người khoan thăm dò. Vậy nên ở những giàn khoan thăm dò, thường ít có khách tới thăm. Chẳng mấy ai muốn đến một nơi khi suốt ngày đêm máy chạy rầm rầm, đủ thứ bẩn thỉu, bề bộn và nguy hiểm.

 Với những giàn khoan khai thác hiện đại, anh em vận hành quả thật là “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”, mọi việc đều được theo dõi qua màn hình và hệ thống điều khiển tự động. Nếu chỉ nhìn vào những người vận hành giàn đã khai thác thì chưa đủ về những người thợ dầu khí.

Đốc công Nelson kiểm tra đai an toàn cho phóng viên Năng lượng Mới trước khi lên tháp khoan

Nghề dầu khí thật là nghiệt ngã! Anh em trên giàn đã kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện buồn của những người thợ làm dầu khí. Có những người khi cha hoặc mẹ mất không thể về chịu tang. Có những người 12 năm làm dầu khí thì 10 năm ăn tết xa nhà bởi một sự sắp đặt tình cờ, cứ mỗi dịp tết đến là lại đến ngày ra giàn làm việc. Có những người, vợ nằng nặc đòi chồng bỏ nghề, về đạp xích lô cũng được, không theo nghề dầu khí nữa vì cứ về một tháng lại đi cả tháng, con cái quên cả cha. Họ sống ở gia đình mà cứ như người ở trọ, ở nhà mươi ngày, rồi lại đi… Việc con cái học hành, việc gia đình phó mặc tất cho vợ.

Thế mới có bài thơ:

“Cuộc đời khoan biển khổ lắm thay.

Quần quật đêm đêm, ngày lại ngày…

Cứ làm một tháng, nghỉ một tháng.

Việc nhà phó mặc kệ bu mày.

Sau này nhớ dặn khi con lớn

Đừng theo nghề bố, khổ lắm thay?”.

Có lẽ không có ngành nghề nào có mức kỷ luật khắt khe như trên giàn khoan. Mọi sai lầm, khuyết điểm ở đây không có cơ hội sửa chữa, mà chỉ có một hình thức duy nhất là đuổi việc. Với những giàn khoan do người Việt làm chủ, chữ tình còn được trân trọng, cấp trên thương yêu cấp dưới, anh em bảo ban nhau, người trước dìu dắt, giúp đỡ người sau. Còn ở những giàn của các ông chủ nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc thì chế độ làm việc còn hà khắc kinh khủng, có khi cả năm trời không thấy giàn trưởng nở một nụ cười. Họ nghiệt ngã trong công việc, trong lối sống. Có lẽ người Nhật Bản giàu lên nhanh chóng chính là nhờ sự nghiệt ngã đó. Ngẫm ra những điều họ nói cũng đúng, nhưng chịu đựng được thì không hề đơn giản chút nào.

Những người làm dầu khí bây giờ có thể tự hào rằng, người Việt Nam đã đảm nhiệm được tất cả các vị trí chính trên các giàn khoan. Cách đây 15 năm, các ông chủ tư bản chỉ coi  người Việt bằng một phần tư con mắt. Và ngày ấy, nếu xếp thứ tự thì công nhân người Việt đứng sau người Philippines, Malaysia, Indonesia. Nhưng bây giờ thì đã có sự thay đổi, không ai dám khinh rẻ công nhân và đội ngũ kỹ thuật dầu khí của Việt Nam. Thậm chí, nhiều ông chủ Tây đánh giá rất cao trình độ của công nhân kỹ thuật Việt Nam.

Ngay trên giàn, tôi đã có cuộc phỏng vấn ông giàn trưởng Anthony Charles Saunderson, người phiên dịch cho cuộc phỏng vấn này là Nguyễn Quốc Đại:

Với câu hỏi: “Đã làm việc với PV Drilling hơn 7 năm, ông đánh giá thế nào về đội ngũ công nhân Việt Nam?”, ông Anthony nở nụ cười đôn hậu và nói ngay: “Tôi hoàn toàn hài lòng và đánh giá cao trình độ của anh em Việt Nam. Họ là những người lao động có kỹ thuật, rất chăm chỉ và đặc biệt là tinh thần ham học hỏi và hay có sáng kiến. Một đặc điểm mà tôi rất thích ở anh em Việt Nam là luôn thân thiện và dễ gần. Sức chịu đựng khó khăn, gian khổ của anh em cũng rất đáng kính phục. Khi gặp những khó khăn về công việc hoặc trong đời sống, hầu như không mấy khi họ kêu ca, đòi hỏi, mà thường là có thái độ cộng tác tốt để vượt qua. Là người từng làm ở một số giàn của PV Drilling, tôi thấy anh em Việt Nam có bước tiến rất nhanh trong nắm bắt kỹ thuật và hình như mỗi người trong họ đều có khát vọng vươn lên với mục đích là để… không phải thuê… chúng tôi nữa!”. Ông nói xong và cười rung cả tấm thân nặng đến ngót tạ rưỡi. Rồi ông lại bảo: “Nếu tôi bị thất nghiệp vì anh em Việt Nam làm giỏi hơn thì đó là cũng là điều đáng vui”.

Tôi lại hỏi ông: “Vậy anh em người Việt có những điểm yếu gì?”. Ông nói ngay: “Điểm yếu của anh em người Việt là họ ít khi dám tranh đấu, bảo vệ quan điểm của mình. Nhiều khi họ biết chúng tôi sai, nhưng không nói, để tới khi việc xảy ra rồi mới nói. Trong nghề khoan thăm dò dầu khí, đây là điều cần tránh. Phải nói ngay, phải nói thẳng và phải biết tranh luận để bảo vệ chân lý. Tất nhiên, im lặng thì dễ, mà nói ra thì khó, nhưng cần phải nói. Vì có như vậy mới làm tốt công việc. Với người phương Tây chúng tôi, luôn thích những lời nói thật. Lời anh nói có thể chưa chắc đã đúng, nhưng anh vẫn phải nói ra để chúng tôi suy nghĩ. Đó mới là điều quan trọng nhất. Nghề khoan này luôn chứa đựng những rủi ro bất thường, cho nên, không ai có thể vỗ ngực cho rằng: Tôi là duy nhất đúng… Một điểm yếu nữa của anh em người Việt là hay mắc bệnh tùy tiện, cẩu thả trong sinh hoạt và đôi khi cả trong công việc. Những anh em làm lâu năm thì đã có tác phong làm việc công nghiệp. Nhưng những người mới, phải học nhiều lắm”.

Về những điểm yếu của anh em người Việt, quả đúng thế. Năm ngoái, tôi có ra một giàn khoan của Nhật Bản đang thăm dò gần mỏ Đại Hùng. Ăn cơm xong, thấy không có tăm xỉa răng, tôi hỏi nhân viên phục vụ, anh nói rằng ở đây ông giàn trưởng người Nhật cấm không cho dùng tăm. Nguyên do thì rất đơn giản, ấy là anh em công nhân ta cứ hay… vứt tăm ra sàn. Thế mới biết để xây dựng được tác phong làm việc công nghiệp, có kỷ luật mới khó làm sao?

Trên các giàn khoan biển, người nước ngoài khi làm việc với người Việt, điều mà họ luôn “lo ngại” chính là anh em ta chấp hành các quy định về an toàn đôi khi khá tùy hứng và hay “du di” cho nhau. Có lẽ vì vậy mà ở một số giàn khoan thăm dò, vị trí phụ trách an toàn lao động thường do người nước ngoài, trong khi các vị trí quan trọng khác lại do người Việt đảm trách.

Khái niệm chuyên gia trong ngành Dầu khí hầu như không còn nữa. Lê Ngọc Nhật nói với tôi rằng: “Tôi đã đi phục vụ ở các giàn khoan từ năm 1994 tới nay. Tôi đã chứng kiến rất nhiều cảnh người Việt mình bị khinh rẻ. Nhưng bây giờ tôi đã có thể tự hào rằng, trong nghề Dầu khí này, người Việt không thua kém bất kỳ ai. Anh thấy đó, trên giàn này, đội ngũ sếp Tây đối với người Việt Nam rất bình đẳng, rất thân thiện, bởi lẽ trình độ của anh em công nhân người Việt bây giờ chẳng thua kém gì họ. Ở một chừng mực nào đó, tính sáng tạo của anh em chúng ta còn hơn thế”.

Sau 7 ngày hành trình, giàn PV DRILLING VI đã về Vũng Tàu và nằm cách bờ biển Bãi Trước hơn 10km. Từ đây, chúng tôi đã thấy ánh đèn sáng ở Vũng Tàu. Trong suốt 5 ngày đầu tiên của hành trình, trên giàn không có sóng điện thoại, chỉ có thể liên lạc bằng điện thoại qua vệ tinh và chỉ những cán bộ có trách nhiệm của giàn mới được sử dụng. Khi chúng tôi đi ngang qua mỏ Đại Hùng và Côn Đảo thì có sóng điện thoại. Trời ạ! Một không khí lạ lùng trên giàn. Gương mặt mọi người như rạng rỡ hơn, nhưng cũng như suy tư hơn. Có những anh chui vào một góc, nhắn tin, gọi điện thoại, có những anh em lại lên tận sân bay trực thăng để gọi một cuộc điện thoại vì sóng yếu. Vậy mới biết rằng, với những người đi biển dài ngày, đất liền đối với họ quan trọng biết chừng nào!

Ghi chép của Nguyễn Như Phong

 

DMCA.com Protection Status