Vốn ngoại ngữ của An Chi

07:00 | 02/02/2014

|
Tôi đã nhiều lần được bạn bè thân, sơ và nhà báo hỏi về chuyện mình “giỏi ngoại ngữ” nhưng chưa có dịp trả lời cặn kẽ. Lần này, tôi nghĩ không có gì thích hợp bằng cách phác họa lại cái “khung cảnh” trong đó mình được… “đào tạo”.

Học giả An Chi

Tiếng Pháp, món “ruột” học tự thời thơ ấu, đến classe de Seconde (tương đương lớp 10 hệ 12 năm) ở trường Chasseloup-Laubat  thì “dứt đường tơ” vì tôi đã rời gia đình đi tìm lý tưởng ở miền Bắc (5/1955). Tiếng Anh là sinh ngữ thứ nhất bắt buộc, nên cũng đeo dính theo tôi suốt 5 năm trung học ở trường Tây. Tại trường này, tôi chọn tiếng Tây Ban Nha làm sinh ngữ thứ hai (học sinh có thể tự do lựa chọn một trong bốn thứ: Ý, Đức, Tây Ban Nha và Việt). Với tiếng Hán thì hơi đặc biệt. Năm 1945, sau Tổng khởi nghĩa thì đến Nam Bộ kháng chiến. Nghe dư luận đồn rằng, Việt Minh dọa đốt trường có dạy tiếng Pháp nên gia đình ngại cho tôi tiếp tục học ở Trường Marc Ferrando, thường gọi là Trường Bà Chiểu. Tôi được cho “tản cư” ra Chợ Lớn, một thứ Chinatown được Tây cho là nơi không có hoặc có rất ít hoạt động của Việt Minh. Nhưng vì là phố Tàu cho nên ở trung tâm thì không có trường Việt. Ở nhà thì thất học. Gia đình bèn cho tôi đi học trường Tàu, Sânmín Xuéxiào (Tam Dân Học hiệu

[三民學校]), với tên Tàu là Han Ri Chou [韓日疇], không có giấy khai sinh (chỉ do người quen, là người Hoa - cũng là người đặt tên Tàu cho tôi - gửi vào học). Được 2 năm đầu cấp tiểu học của Tàu thì gia đình mới ngớ ra là đã cho tôi học xuống tới mấy lớp. Thế là lại nhờ một người quen trong giới làm ăn xin cho tôi vào Lycée Franco-Chinois để vừa học tiếng Tàu, vừa học tiếng Tây. Tôi ở nội trú.

Được 2 năm thì xảy ra cuộc biểu tình ngày 19/1/1950, rồi liền sau đó là đám tang Trần Văn Ơn. Tôi đã tự tiện bỏ buổi học sáng hôm đó, trốn ra khỏi trường, sang Trường Petrus Ký kế cận để đi đưa tang. Thế là tôi đã tự động “tạm biệt” Lycée Franco-Chinois. Năm đó, tôi 15 tuổi. Oách và khoái nhất là mình không hề bị người lớn trong gia đình khiển trách. Tôi “lang thang” ở mấy lớp học tư rồi gần đến mùa khai giảng 1950-1951 thì gia đình làm hồ sơ cho tôi thi vào hai trường Petrus Ký (với giấy khai sinh tên Võ Thiện Hoa) và Chasseloup-Laubat (với giấy khai sinh tên Emile Pierre Lucatos). Tôi đỗ vào cả hai trường và tếu táo một điều là gia đình tuy triệt để ủng hộ kháng chiến nhưng lại khoái cho con em học trường Tây. Thế là tôi vào học Chasseloup cho đến cuối tháng 4-1955 thì ra Bắc (đúng vào ngày 1/5).

Đại khái, với tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Hoa thì tôi được “đào tạo” trong một khung cảnh… như thế! Dễ dàng thấy rằng, với một sự đào tạo như vậy thì tôi chỉ được luyện trong một cái lò rèn chợ huyện chứ không được nung ở những lò cao từ đó chảy ra những suối thép ngoại ngữ. Với một sự “đào tạo”  như thế thì vốn ngoại ngữ của tôi… trét chưa đầy một cái lá mít! Và, riêng về tiếng Pháp, “món ruột” thì tôi còn chưa đáng làm một anh học trò xoàng của Phạm Duy Khiêm (Légendes des terres sereines), Trần Đức Thảo (Phénoménologie et matérialisme dialectique) hoặc Cao Xuân Hạo (Phonologie et linéarité).

Về sau, nếu có “giỏi giang” thêm được chút đỉnh với những thứ tiếng đó thì cũng chỉ là do đọc thêm, học thêm theo kiểu du kích. Còn những thứ khác như Latinh, Hy lạp, Sanskrit, v.v… không từng được học “chính quy” trong nhà trường thì hiển nhiên cũng chỉ là do tự học nên trình độ chắc chắn cũng chỉ ở mức… đựng trong một cái lá tre mà thôi. Nhưng do nhu cầu của công việc nên thỉnh thoảng tôi cũng đụng phải ngoại ngữ và đụng cả với người khác về cái chuyện ngoại ngữ này. Mới đây thôi, một anh bách khoa (sẽ viết tắt là ABK) đã chê tôi về chuyện tiếng Sanskrit. Anh này đã có ít nhất 50 đầu sách được Wikipedia phân làm 6 loại: truyện dài, danh ngôn, tâm lý - hôn nhân - gia đình, văn học dân gian, trồng trọt - chăn nuôi và  thể loại khác. ABK đã chê An Chi trên vanchuongviet.org như sau: “Dường như ông An Chi chẳng biết gì về tiếng Sanskrit.

Trong tất cả những bài của ông An Chi mà chúng tôi đã từng đọc trước đây, toàn bộ những chữ Sanskrit mà ông Chi đã phân tích, dẫn chứng đều là chữ phiên âm sang mẫu tự Latinh, không hề thấy mặt mũi chữ Sanskrit gốc ở đâu cả”. ABK chê như thế chứ An Chi có bao giờ “khoe” là mình biết tiếng Sanskrit? Đồng thời chắc ABK cũng không biết rằng, có một nhà ngữ học đã nói: “Một nhà ngữ học không phải là một người đa ngữ (polyglotte) và nếu sự hiểu biết thực tiễn về nhiều thứ tiếng tạo cho ông ta những thuận lợi đáng kể thì với ông ta, nó cũng chỉ là một phương tiện chứ không phải một mục đích; ta có thể kể ra nhiều nhà ngữ học ưu tú thực tế không thể sử dụng một thứ tiếng nào khác ngoài tiếng mẹ đẻ của họ”. Jean Perrot đã nói như thế và đó là những dòng ông ta đã viết trong lời nói đầu của cuốn “La linguistique” do Presses Universitaires de France in tại Paris năm 1959.

Đối với nhà ngữ học mà còn như thế; An Chi không phải là nhà ngữ học thì việc y không biết “chữ Sanskrit gốc” đã nhằm nhò gì! Nhưng, theo cái cung cách suy nghĩ của ABK thì Jean Varenne, tác giả cuốn “Grammaire du sanskrit” (Presses Universitaires de France, Paris, 1971) cũng mù tịt về thứ tiếng này vì trong toàn bộ cuốn sách của ông ta cũng chẳng có lấy một chữ devanagari (“chữ Sanskrit gốc”) nào cả. Rồi N. Stchoupak, L. Nitti, L. Renou, ba đồng tác giả của quyển "Dictionnaire sanskrit-français" (Paris, 1932) cũng dốt đặc tiếng Sanskrit vì trong quyền từ điển của họ, một chữ devanagari bẻ đôi cũng không thấy. Toàn là “chữ phiên âm sang mẫu tự Latinh”.

Chỉ có ABK là tiếng Sanskrit đầy mình mà thôi! Chẳng thế mà anh ta đã chép nó ra quá nhiều trong bài viết của mình. Xin nói nhỏ với ABK một câu: Đó là An Chi cũng chẳng muốn chơi kiểu gian lận, chứ nếu muốn thì chỉ cần vào mạng gõ Latinh cho ra “chữ Sanskrit gốc” rồi “cóp” và “pát” là xong! ABK còn chê An Chi, cũng trong bài trên vanchuongviet.org: “Có bao giờ bạn thấy ai đó giảng giải một chữ không có thật trong tiếng Sanskrit bằng những từ ngữ đầy chất học thuật chưa? Xin thưa, người liều lĩnh, dám làm điều đó chính là ông An Chi”. Nhưng ABK tiếng Sanskrit đầy mình lại chẳng hề biết rằng, đây thực ra chỉ là chuyện thường ngày ở huyện trong lĩnh vực từ nguyên học (An Chi đang bàn về từ nguyên mà lị!). Chứ nếu ABK có dịp lần giở quyển "A Dictionary of Selected Synonyms in the Principal Indo-European Languages" của Carl Darling Buck ra chơi, chẳng hạn, thì anh ta sẽ thấy rằng, những chữ như thế đầy dẫy trong quyển từ điển dày hơn 1.500 trang này. Hoặc nếu ABK có dịp lần giở quyển Hán tự cổ kim âm biểu của Lý Trân Hoa và Chu Trường Tiếp (Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, 1999) ra để cưỡi ngựa xem hoa thì anh ta sẽ thấy, từ thượng cổ âm, trung cổ âm, cận đại âm, hiện đại âm của tiếng Hán cho đến các phương âm của nó (Ngô ngữ, Tương ngữ, Cống ngữ, Khách ngữ, Việt ngữ, Mân Đông thoại, Mân Nam thoại), vô số trường hợp đều là những âm “không có thật” như thế. Đại khái, đó là chuyện “hà rằm” trong lĩnh vực từ nguyên học mà ABK!

Nhưng dù ABK có chê tôi như thế nào, hoặc thỉnh thoảng cũng có người khen tôi ra sao thì An Chi vẫn cứ xin thẳng thắn nhận rằng, cái “vốn” ngoại ngữ của mình chỉ có thể nằm gọn trong lá tre, lá mít. Ngặt một điều là, như đã nói, do nhu cầu của công việc nên thỉnh thoảng tôi cũng đụng phải ngoại ngữ. Và trong những trường hợp “mất bát dĩa” như thế này thì tôi luôn luôn chủ trương phải tra cứu đến đầu đến đũa để điểm được đúng đích. Mà khi tự mình thấy là đã đạt được đến đúng điểm đích rồi thì An Chi không “ngại lời” trước bất cứ tên tuổi lớn nào, dù cho đó có là André-Georges Haudricourt hay Georges Condominas …

Xin nhắc lại vài chuyện cho vui ba ngày tết. Trước nhất là chuyện chữ “vat” của Condominas. Tại “Bảng từ vựng các từ hệ ngôn ngữ Thái” trong quyển "Không gian xã hội vùng Đông Nam Á" (Ngọc Hà, Thanh Hằng dịch, NXB Văn hóa, 1997), G. Condominas đã khẳng định rằng, trong tiếng Lào, “vat” có nghĩa là “chùa” và bắt nguồn từ tiếng Pali vatthu, tiếng Sanskrit vastu, đều có nghĩa là “địa điểm, vị trí” (Xin xem sđd, tr.503). Cách hiểu này là một cái dớp từ thời còn mồ ma thực dân Pháp ở Đông Dương; một số tác giả đã công nhiên hay mặc nhiên xem đó là một sự thật không có gì phải bàn cãi. Nó vẫn còn sống sót cho đến tận bây giờ, chẳng hạn trong bài quảng bá du lịch “Le Cambodge circuit  14 jours 13 nuits” (Campuchia vòng du lịch 14 ngày 13 đêm) nguyên văn như sau: “Wat est le mot Khmer qui vient du mot sanscrit «Vastu»” (Wat [tức “vat” của Condominas - AC] là một từ Khmer bắt nguồn ở từ Sanskrit “Vastu”). Bé cái nhầm! Trên "Kiến thức Ngày nay" số 366 (10-10-2000), tôi đã giải thích rõ ràng:

“Thực ra, từ đang xét bắt nguồn ở tiếng Sanskrit và tiếng Pali vāța, có nghĩa là vườn hoặc hàng rào. Cùng một kiểu chuyển nghĩa (vườn, rào  tu viện), danh từ ārāma trong tiếng Sanskrit có nghĩa là vườn nhưng trong tiếng Pali, nó lại còn có nghĩa là tu viện; do đó nó cũng được phiên âm sang tiếng Lào thành aram để chỉ chùa”.

Lần này, tôi xin nói rõ thêm rằng, trong lĩnh vực từ nguyên học, khi ta đã có ở trường hợp sau một sự chuyển nghĩa tương tự với trường hợp trước thì trường hợp trước là điều mà ta có thể khẳng định một cách hoàn toàn yên tâm.

Liên quan đến vấn đề đang bàn thì, đối với các tu sĩ Phật giáo, “địa điểm”, “vị trí” đều là những khái niệm vô can, vô bổ; chỉ có “[khu] vườn”, nơi họ thường tụ tập để đàm đạo, mới là một khái niệm thật sự thích hợp cho họ lấy làm “căn cứ” để chỉ nhà chùa mà thôi. Đây là một điều chắc chắn. Khi tôi viết những dòng trên thì tôi chưa xài máy tính nên việc tham khảo không được rộng rãi như bây giờ. Bây giờ, chỉ cần vào mạng gõ “wat” (tức “vat” của Condominas) thì ta có thể được trả lời gần như đều trời: “from sanskrit vāța «enclosure»” ([bắt nguồn] từ tiếng Sanskrit vāța [có nghĩa là] vòng rào), từ www.oxforddictionaries.com, cho đến Collins Dictionary, Oxford Dictionary, American Heritage Dictionary, Encarta Dictionary, dictionary. reference.com, v.v… Rồi cũng với Internet, ta còn có thể thấy một số nguồn, chẳng hạn như Elements of Thai temples art and architecture của Noppakun Dibakomuda, đã nói rõ hơn như sau:

“A typical Thai Wat (…) has an enclosing wall that divides it from the secular world”, nghĩa là “Ngôi chùa Thái điển hình (…) có một tường rào ngăn cách nó với thế giới trần tục”.

Cái tường rào này, An Chi đã nói đến cách đây 13 năm, chẳng cần đến mặt mũi của bất cứ chữ Sanskrit gốc nào cả.
Chuyện nữa là với ông ĐVP. Trong bài “Về chữ Annam và Annamite” trên “Ngôn ngữ & Đời sống” số 49, sau khi nêu thí dụ về một số cách đặt danh từ phái sinh từ địa danh trong tiếng Pháp, ông viết tiếp:

“Riêng An Nam thì thực dân Pháp “dành” cho hậu tố “ite”. “Ite” có nghĩa là bệnh hoạn, ốm yếu. Ví dụ: - bronche là cuống phổi, bronchite là đau cuống phổi; - méninge là màng não, méningite là đau màng não; larynx là thanh quản, laryngite là viêm thanh quản; (...). Cùng nghĩa đó, Annamite phải hiểu là người An Nam ốm yếu, bệnh hoạn” (Bđd, tr.11).

Ông ĐVP viết như thế mà không sợ người Pháp họ cười cho. Họ vẫn còn nhiều tai mắt ở ta lắm đấy. Không kể cá nhân, riêng ở TP HCM thì có IDECAF, Hà Nội thì có Centre de l'École Française d'Extrême-Orient au Vietnam. Còn về cá nhân thì đặc biệt có Roland Jacques, có tên Việt là Dương Hữu Nhân, đã từng sang Việt Nam công tác tại Viện Ngôn ngữ học.

Trước cái sai ngộ nghĩnh của ông ĐVP, tôi đã từng nói đại ý như sau:

Tiếng Pháp có đến ba hậu tố “ite” (xin gọi là “ite1”, “ite2” và “ite3”), hoàn toàn đồng âm (homonyme) và đồng dạng chính tả (homographe) với nhau.

- “ite1” mà ĐVP dịch là “bệnh hoạn, ốm yếu” thực ra lại có nghĩa cụ thể là “viêm nhiễm” (chứ không phải “bệnh hoạn, ốm yếu” một cách chung chung). Hậu tố này bắt nguồn từ hậu tố “itis” của tiếng Hy Lạp, dùng để tạo ra danh từ giống cái (trong tiếng Pháp) chỉ hiện tượng viêm nhiễm của một bộ phận nhất định trong cơ thể con người.

- “ite2” bắt nguồn từ hậu tố “itês” của tiếng Hy Lạp và dùng để cấu tạo các thuật ngữ khoáng vật học (như: dolomite, hématite, v.v...); hóa thạch học (như: ammonite, trilobite v.v...).

- “ite3” bắt nguồn từ hậu tố “ita” trong tiếng Latinh của Giáo hội (Thiên Chúa). Hậu tố này được ghép vào sau địa danh để chỉ người ở vùng, xứ mang địa danh đó, hoặc vào sau nhân danh để chỉ người theo xu hướng của người mang nhân danh đó. Đây mới chánh cống là hậu tố của Annamite.

Cứ như trên thì Tây đặt ra từ “Annamite” chẳng qua để diễn đạt cái nghĩa “dân xứ An Nam” chứ tuyệt đối chẳng có liên quan gì đến chuyện “người An Nam ốm yếu, bệnh hoạn” cả. Nhưng chẳng những không chịu chấp nhận cái lý đúng của người khác, ông ĐVP còn quẹo sang khúc quanh chính trị mà nói rằng An Chi đã biện hộ cho thực dân Pháp. Quy kết về chính trị bao giờ cũng dễ dàng hơn tranh cãi về kiến thức khoa học.

Để kết thúc, chuyện thứ ba, ngắn thôi, là về cách dịch danh từ “children” của ngành bưu chính. Năm 1992, Bưu chính Việt Nam có phát hành một con tem về thiếu nhi. Dọc theo rìa bên phải của nó, có hai câu song ngữ như sau:

“Tất cả trẻ em là trẻ em của chúng ta - All children are our children”.

Chúng tôi không hiểu như thế, mà lại hiểu như sau. Trong câu tiếng Anh, người ta đã chơi chữ bằng tính đa nghĩa của từ “child(ren)”: từ này vừa có nghĩa là trẻ con, vừa có nghĩa là con. Trong hai lần xuất hiện, lần trước nó có nghĩa là “trẻ con” còn lần sau nó có nghĩa là “con”. Thế là từ “all children” đến “our” children, đã có một sự “đánh tráo” khái niệm. Và “All children are our children” có nghĩa là: Tất cả mọi trẻ con đều là con của chúng ta. Chứ “Tất cả trẻ em là trẻ em của chúng ta” thì chỉ là một câu ngớ ngẩn. Cách đây 20 năm, trên “Kiến thức Ngày nay” số 125 (1-12-1993), tôi đã có nhận xét và phân tích chuyện này. Ngành bưu chính dịch như vậy mà không sợ thế giới người ta cười cho hay sao? Con tem Việt Nam bay đi khắp thế giới mà.

Tóm lại, tuy vốn ngoại ngữ của tôi chỉ chứa trong lá tre, lá mít nhưng nó vẫn giúp tôi soi rọi được cái sai của người khác. Quý hồ tinh, bất quý hồ đa.

 

An Chi