Vẫn là do "Chằm Chim" mà ra

07:00 | 08/06/2014

|
Bạn đọc: Báo Năng lượng Mới số 66 (28-10-2011), có đăng bài “Tràm Chim, một cái tên méo mó và vô nghĩa” của ông An Chi, cho rằng “Tràm Chim” là do cách nói méo mó từ “Chằm Chim” mà ra. Gần đây, Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp, Trung tâm Nghiên cứu & Truyền thông lịch sử, Ấn phẩm Xưa & Nay, có đăng bài phản bác ông An Chi của Nguyễn Hữu Hiếu, nhan đề “Bàn về địa danh Tràm Chim”, cho rằng “Chằm Chim chỉ là một địa danh ảo”. Vậy xin ông An Chi cho biết ý kiến về bài viết này? Xin cám ơn. Sáu Danh (Ngã ba Cây Thị, Bình Thạnh, TP HCM)

Năng lượng Mới số 328

Học giả An Chi: Sau khi được đưa lên Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp, Trung tâm Nghiên cứu & Truyền thông lịch sử, Ấn phẩm Xưa & Nay, bài “Bàn về địa danh Tràm Chim” của Nguyễn Hữu Hiếu còn được đăng trên Tạp chí Xưa & Nay số 447 (tr.34-36). Xin nói  ngay rằng, toàn bộ lập luận của tác giả trong bài đó đã bám vào cái phao cứu sinh là từ “tràm”, bị cho là có nguồn gốc Khmer và Mã Lai nhưng tiếc rằng đây là một cái phao lép nên hoàn toàn không có tác dụng. Nhưng trước hết, xin nói về những cái sai ngoại vi.

Tác giả Nguyễn Hữu Hiếu khẳng định: “phương ngữ Nam Bộ không có từ tố “chằm” để chỉ vùng ngập nước hoang hóa đầy lau sậy”. Khẳng định như trên, tác giả này đã chứng tỏ chẳng những mình hoàn toàn không nắm được từ vựng của phương ngữ Nam Bộ, mà còn dùng sai cả thuật ngữ ngữ học cơ bản nữa. Thực ra thì, ngay từ đầu thập niên 70 của thế kỷ XVIII, từ “chằm” đã được ghi nhận vào Dictionarium Anamitico Latinum (viết tay, 1772-73) của Pierre Pigneaux de Béhaine, sau đó lại tiếp tục được ghi nhận vào quyển từ điển cùng tên của J.L. Taberd (Serampore, 1838), với lời đối dịch là “lacus”, nghĩa là “hồ, đầm”. Cuối thế kỷ XIX, nó đã được Đại Nam quốc âm tự vị (Tome I, Saigon,1895) của Huình-Tịnh Paulus Của giảng là “đầm, hồ”, với mục phụ “Chằm nhạn: chỗ nhạn ở, đầm nhạn ở”. Việt Nam tự điển (1970) của Lê Văn Đức giảng rõ hơn: “Chằm (là) đầm, chỗ trũng rộng ngập nước, mọc đầy lau sậy”. Bốn quyển từ điển trên đều lấy phương ngữ Nam Bộ làm nền tảng.

Cứ như trên thì “chằm” hẳn hoi là một từ ngồi sờ sờ cùng hàng với bao nhiêu từ khác trong từ vựng của phương ngữ Nam Bộ mà không biết vì lý do gì tác giả Nguyễn Hữu Hiếu lại không nhìn thấy. Đã thế, tác giả này lại còn gọi nó là “từ tố” thì chẳng oan cho nó lắm ru? Nó là từ hẳn hoi!

Nhưng Nguyễn Hữu Hiếu còn cố biện luận:

“Biểu thức trên (tức biểu thức “Chằm Chim ---> Trầm Chim ---> Tràm Chim” do An Chi đưa ra - AC) có hai điểm đáng lưu ý, một là người Việt Nam bộ thường phát âm /tr/thành/ch/ chớ không ngược lại; hai là phương ngữ Nam bộ không có từ tố chằm để chỉ vùng ngập nước hoang hóa đầy lau sậy”.

Có “từ tố” “chằm” hay không thì chúng tôi đã chứng minh ở trên. Nhưng hóa ra Nguyễn Hữu Hiếu đã không hề hiểu được An Chi muốn nói cái gì với biểu thức trên đây cả! Chúng tôi thừa biết người bình dân Nam Bộ thường phát âm TR thành CH chứ không có chuyện ngược lại nhưng, với cái biểu thức đó, chúng tôi lại muốn nói đến hiện tượng “siêu chỉnh” (hypercorrection) kia mà. Đây là chuyện sửa chữ chứ đâu có phải chuyện phát âm! Trên Năng lượng mới số 66, chúng tôi đã viết rành mạch như sau:

“Còn trước mắt thì ta đang có biểu thức:

“Chằm Chim ---> Trầm Chim ---> Tràm Chim”,

trong đó “Trầm Chim” chính là Chằm Chim đã bị thao tác siêu chỉnh (hypercorrection) làm cho biến dạng (…) Những người này (nhà văn, nhà báo, nhà giáo, v.v.) cho rằng chằm là một cách phát âm của người bình dân, ít học đối với từ trầm - quả nhiên người bình dân Nam Bộ vẫn phát âm “trầm” thành “chằm” - vì phải là “trầm” (chìm, đắm, v.v...) thì mới liên quan đến chuyện nước, chuyện ngập, v.v... Vì vậy nên dân có học mới “siêu chỉnh” chằm thành “trầm” và chằm chim đã trở thành “trầm chim” (…). Họ lại cho rằng “trầm” thì vô nghĩa vì tại “trầm chim” thì chỉ có “tràm” bạt ngàn mà thôi. Vì thế nên họ đã đẻ ra cái danh ngữ “tràm chim” mà không biết rằng đây là một cái quái thai của ngôn ngữ, như đã khẳng định ngay từ đầu câu trả lời này”.

Trong đoạn trên đây, chúng tôi đã khẳng định người bình dân Nam Bộ vẫn phát âm “trầm” thành “chằm”, nghĩa là TR thành CH, chứ sao lại không biết? Nhưng sẵn trớn, tác giả Nguyễn Hữu Hiếu còn viết tiếp:

“Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức dùng từ trạch  澤, có nghĩa là cái ao (chỗ trũng ngập nước) để chỉ vùng Đồng Tháp Mười và được Tu trai Nguyễn Tạo dịch ra là “chằm ao”. Còn trong Đại Nam nhất thống chí, “Lục tỉnh Nam Việt”, để chỉ vùng này, thì viết là mãng trạch [莽 澤] hoặc Pha (sic) Trạch [陂 澤] và cũng được Nguyễn Tạo  dịch là “chằm Mãng Trạch”. Do không có thực tế để nắm bắt từ ngữ địa phương, nên dịch giả mượn từ “chằm” (chữ nôm miền Bắc) như “chằm Dạ Trạch”,Chằm Nhạn, để dịch từ “trạch”.

Nhưng dân Nam Bộ vẫn có từ “chằm”, như đã chứng minh ở trên. Còn danh ngữ “chằm nhạn”, mà Nguyễn Hữu Hiếu cứ ngỡ là do Tu Trai Nguyễn Tạo  “mượn từ chữ Nôm Miền Bắc”, thì thực ra lại là một mục từ nằm trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của, một quyển từ điển, lấy tiếng Nam Bộ làm nền tảng, như đã nói. Vì vậy nên, ở đây, ta phải hiểu rằng chính chữ “chằm” đã được Trịnh Hoài Đức dùng chữ “trạch” [澤] để dịch (ngược) và khi Tu Trai Nguyễn Tạo dùng “chằm” để dịch chữ “trạch” (xuôi trở lại), là người dịch đã trả về cho tiếng Việt đúng boong từ “chằm” mà dân Nam Bộ thời xưa đã dùng để chỉ cái mà Trịnh Hoài Đức gọi là “trạch” (Nhân tiện xin nói rằng “mãng trạch” và “bi trạch” [không phải “pha trạch”] là vùng chằm lầy đầy lau lách chứ không phải “chằm Mãng Trạch”, như Tu Trai Nguyễn Tạo đã dịch). Xin nhấn mạnh rằng trong lịch sử từ vựng, đặc biệt là trong quan hệ đối dịch thì “trạch” của Hán và “chằm” của Việt đã “quấn quít” với nhau từ xưa: “trạch” là “chằm”. Ngay trong địa danh quen thuộc với người biết sử nước nhà, là “Chằm Dạ Trạch”, thì “trạch” hiển nhiên đã được dịch bằng “chằm”. Xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, có làng Mộ Trạch, nức tiếng là làng tiến sĩ, mà tên cúng cơm là làng Chằm, còn được ghi lại trong câu “Tiền làng Đọc, thóc làng Nhữ, chữ làng Chằm”. “Chằm” chính là nghĩa của chữ “Trạch”. Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca, q.II, tờ 1b, có địa danh “Chằm Lôi Trạch”; ở đây, “trạch” cũng là “chằm”. Chẳng những nó để lại lưu tích trong phương ngữ Nam Bộ mà người ta còn có thể tìm thấy nó trong địa danh vẫn còn tồn tại cho đến nay ở miền Bắc. Bạn Nguyễn Thành Luân (Cao Lãnh, Đồng Tháp) đã cung cấp cho chúng tôi danh ngữ “hồ Chằm Cò”, thuộc thôn Gò Sống, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội, thấy được trong bài “Xung quanh việc thuê đất hồ Chằm Cò (Tản Lĩnh, Ba Vì): Có sự khuất tất?” trên báo Hànộimới, ngày 19-06-2009. Cứ như trên thì “chằm” từng là một từ thực sự thông dụng trong tiếng Việt thời xưa, từ Đàng Ngoài cho đến Đàng Trong.

Bạn Đỗ Công Minh (Q.11, TPHCM) cho biết trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định do Phan Đăng dịch (NXB Thuận Hóa, 2005) có ghi nhận (ít nhất) hai địa danh “Tràm Ngang” và “Tràm Dung” với mã chữ Nôm, bên trái là chữ “mộc” [木], bên phải là chữ “lam” [蓝], có lẽ đọc là “tràm” trong “cây tràm” (Xin x. sđd, tr.100 & 337). Thì chính dịch giả Phan Đăng đã đọc như thế rồi nhưng chúng tôi có hai lý do để phủ nhận cách đọc này. Thứ nhất, như đã chứng minh, xét theo ngữ cảnh thì “tràm” chỉ là một yếu tố vô nghĩa. Thứ hai, xét về cấu tạo thì chữ Nôm đang xét là một chữ hình thanh mà thanh phù là “lam” [蓝], cũng dùng làm Nôm để ghi âm “chàm”. Vậy về nguyên tắc, đó hoàn toàn có thể là chữ “chàm”, dùng để ghi âm “chằm”. Và với âm “chằm” thì ngôn từ và ý văn như cá gặp nước, bật ra một cách tự nhiên, thoải mái: cái đầm mang tên Ngang và cái đầm mang tên Dung.

Nhưng để khẳng định rằng “địa danh mang “từ tố chằm” ở Nam Bộ chỉ có trên sách vở, chứ không có trên thực địa”, Nguyễn Hữu Hiếu còn mượn cả lời của Vương Hồng Sển trong Tự vị tiếng Việt Miền Nam, nói rằng “người Đồng Nai vẫn không biết “chằm” là gì và ở đâu, dẫu thấy có ghi chép rành mạch trong sách”. Nhưng lời khẳng định này của Vương Hồng Sển tuyệt đối không có nghĩa là “chằm”, cả danh từ lẫn địa vật mà nó chỉ, không hề tồn tại ở Nam Bộ, đơn giản là vì nếu nó “không có trên thực địa” thì người ta lấy gì làm cơ sở để ghi chép vào sách vở, mà lại ghi chép rành mạch nữa? Lời của Vương Hồng Sển chỉ có nghĩa là tuy hiện tượng địa hình đó có được ghi nhận rành mạch trong sách nhưng, với thời gian, về sau dân Đồng Nai không còn biết rõ về tên gọi, lai lịch và bản chất của nó nữa. Thế thôi! Và chính vì thế nên họ mới nói trẹo CHẰM thành “Tràm”! Và Chằm Dơi, Chằm Sình, Chằm Cù lao Dung, Bàu Chằm Láng, Chằm Thầy Ba Vỹ, v.v…, trở thành Tràm Dơi, Tràm Sình, Tràm Cù lao Dung, Bàu Tràm Láng, Tràm Thầy Ba Vỹ, v.v… Ngay ở miền Bắc, quê hương của nó, từ “chằm” hầu như cũng đã “chết”, nghĩa là đã trở thành một từ cổ và được thay thế bằng từ “đầm”.

Ngay cái địa danh lịch sử “Chằm Dạ trạch” bây giờ cũng đã khoác chiếc áo mới là “Đầm Dạ Trạch”, hầu như “đều trời” trên mạng. Và dân có văn hóa cũng đã đổi CH thành TR như có thể thấy với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương trong bài “Hội làng Mộ Trạch” tại câu “Thôn Mộ Trạch có tên Nôm là làng Trằm (sic) Thượng” (http://sovhttdl.haiduong.gov.vn/, ngày 19-7-2012).

Vậy thì “chằm” là một danh từ từng thực sự được sử dụng trong địa danh, cả ở trong Nam. Nhưng Nguyễn Hữu Hiếu còn làm một thao tác hoàn toàn phi ngữ học khi viết tiếp:

“Hơn nữa trong Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Bình Nguyên Lộc cũng có trưng ra 175 biểu ngôn ngữ tỷ hiệu, để đối chiếu từng từ Việt với tiếng Mã Lai và với một vài ngôn ngữ khác. Biểu 123 đối chiếu từ “chìm”, có nghĩa bị ngập, bị dìm trong nước, như sau:

Việt Nam: Chìm; - Chàm: Tram; - Cao Miên: Tram; - Giarai: Ram; - Ba Na: Kham; - Mã Lai: Kram; - Thái: Đàm.

(…) Càng cho thấy rõ ràng Tràm vay mượn từ Kram của Mã Lai”.

Xin nói để tác giả Nguyễn Hữu Hiếu biết rằng, về ngữ học chính danh, cái biểu 123 này chẳng có dây mơ rễ má gì với việc chứng minh nguồn gốc của từ “tràm” cả. Còn câu “Càng cho thấy rõ ràng Tràm vay mượn từ Kram của Mã Lai” thì chỉ là một lời khẳng định bạo phổi, vô trách nhiệm, mà chắc sẽ không có nhà từ nguyên học chân chính nào dám nói. Lý do hoàn toàn đơn giản: Tiếng Mã Lai không hề có từ “kram”. Chưa hết, Nguyễn Hữu Hiếu còn nói vu vơ thêm khi khẳng định:

“Hầu hết các tự điển Hán Việt có từ khảm 坎, đều giải thích là chỗ hỏm, vùng trũng thấp, ngập nước… có nguồn gốc tiếng Khmer là Krom, tiếng Mã Lai là Kram”.

Xin khẳng định một cách dứt khoát rằng “khảm” [坎] tuyệt đối không có nghĩa là “vùng trũng thấp, ngập nước” cho nên tất nhiên cũng chẳng có quyển từ điển Hán Việt nào lại giảng xằng giảng bậy như thế cả. Đến như “khảm” [坎] của Tàu mà lại “có nguồn gốc từ tiếng Khmer là Krom, tiếng Mã Lai là Kram” thì việc này hẳn phải làm cho các nhà Hán ngữ học “botay.com”.

Trở lên, chúng tôi đã nói về vùng ngoại vi (mà cũng chưa nói hết). Bây giờ xin nói về cái phao cứu sinh của Nguyễn Hữu Hiếu. Tác giả này khẳng định:

“Khi lưu dân người Việt đến Nam Bộ, họ phải mượn tiếng nói của cư dân bản địa, nhưng phát âm theo tiếng Việt để gọi các dạng địa hình sông nước khác lạ này, như:

- “Piam” (Khmer), “péam” (Mã Lai): thành “vàm” chỉ ba sông, nơi hai sông gặp nhau;

- “Prek” (Khmer): thành “rạch” chỉ các chi lưu, dòng chảy nhỏ hơn sông;

- “Bâng” (Khmer): thành “bưng” chỉ chỗ đất trũng giữa đồng, mùa nắng chỉ còn một ít nước đọng, nhưng mùa mưa thì ngập khá sâu, dày đặc lác, đưng, lau sậy...

- “Trôp”, “Pangtrap” (Khmer): thành “trấp” là chỗ trũng, ngập nước, nhỏ hơn bưng.

- “Krom” (Khmer), “Kram (Mã Lai): thành “Tràm” chỉ chỗ trũng thấp rộng lớn, ngập nước quanh năm…”.

Nguyễn Hữu Hiếu viết như trên mà không ngờ rằng cái dẫn chứng thứ năm - và chủ chốt - trên đây chỉ là một cái phao xẹp lép vì năm lý do. Thứ nhất, tiếng Khmer thuộc nhánh Môn-Khmer của ngữ hệ Nam Á còn tiếng Mã Lai thì thuộc ngữ hệ Malayo-Polynesian. Hai ngôn ngữ khác họ với nhau như thế thì ta đâu có thể đem lòng nhớ thương mà đặt chúng cạnh nhau như Trương Minh Đạt đã đi tiên phong rồi Nguyễn Hữu Hiếu nối gót. Thứ hai, mỗi từ chỉ có thể có một nguyên từ (etymon) mà thôi. Nếu nó đã do tiếng Khmer mà ra thì nó không thể cũng đồng thời do tiếng Mã Lai mà ra; ngược lại cũng thế, y chang như mỗi đứa trẻ sơ sinh chỉ có thể do một bà mẹ đẻ ra chứ không thể do hai. Vậy, không thể đồng thời nêu cả “Krom” (Khmer) lẫn “Kram” (Mã Lai), mà lại là hai từ thuộc hai họ ngôn ngữ khác nhau! Thứ ba, người Khmer tuyệt đối không dùng từ “krom” để gọi “chỗ trũng thấp rộng lớn, ngập nước quanh năm”, như Trương Minh Đạt khéo tưởng tượng rồi Nguyễn Hữu Hiếu vụng về vẽ vời theo. Về mặt ngữ pháp, “krom”  là một vị trí từ, có nghĩa là “dưới”, “ở dưới”. Và tất cả chỉ có thế mà thôi. Nếu cứ tùy tiện suy từ một vị trí từ có nghĩa là “dưới” ra một danh từ có nghĩa là “chỗ trũng thấp rộng lớn, ngập nước quanh năm”, như Trương Minh Đạt đã dẫn đường và Nguyễn Hữu Hiếu đi theo thì hẳn là từ nguyên học đã có thể… ngồi chơi xơi nước. Thứ tư, trong khi “vàm” [< peam], “rạch” [< prêk], “bưng” [< bâng] và “trấp” [< trôp] (đều do tiếng Khmer mà ra) đã trở thành những hình vị tự do và cũng là những từ chính danh khi đi vào phương ngữ Nam Bộ thì cái âm “tràm” (của Trương Minh Đạt và Nguyễn Hữu Hiếu) chỉ là một yếu tố ký sinh và một hình vị phụ thuộc vô nghĩa trong một số ít địa danh, chứ không phải là một từ thực sự có nghĩa (là “chỗ trũng thấp rộng lớn, ngập nước quanh năm”), có thể hành chức tự do trong lời ăn tiếng nói hằng ngày hoặc trong văn thơ ngâm vịnh. Từ xưa đến nay, dân Nam Bộ tuyệt đối, vâng, tuyệt đối không bao giờ dùng âm “tràm”này để chỉ bất kỳ thứ địa hình, địa vật nào. Tuyệt đối không! Cuối cùng, thứ năm, tiếng Mã Lai tuyệt đối không có “kram” (mà cũng không có “peam” [trong dẫn chứng thứ nhất]), như Nguyễn Hữu Hiếu đã nối gót Trương Minh Đạt để nói đùa. Nhưng đùa như thế thì ngữ học sẽ… chết!

Với tất cả những chỗ sai trên đây, từ ngoại vi đến phao cứu sinh, lập luận của tác giả Nguyễn Hữu Hiếu hoàn toàn không có giá trị để phản bác ý kiến của An Chi. Còn An Chi thì vẫn kiên quyết bảo lưu ý kiến cụ thể và rành mạch sau đây: Trong “Tràm Chim” thì “tràm” chỉ là một yếu tố vô nghĩa; đây chẳng qua là biến dạng méo mó của CHẰM, một từ cùng trường nghĩa với “ao”, “bàu”, “đầm”, “hồ”, “láng”, v.v... “Tràm Chim” chẳng qua chỉ là một biến dạng méo mó của địa danh gốc CHẰM CHIM, y chang như “Cung Hầu” là dạng méo mó của “Cồn Ngao”, “Tranh Đề” là dạng méo mó của “Trấn Di”, v.v… CHẰM CHIM mới đúng là dạng thức gốc của địa danh đang xét.

A.C