Từ UÝNH đến OÁNH

07:14 | 20/07/2014

|
Bạn đọc: Trên Năng lượng Mới số 338, ông đã chứng minh và khẳng định rằng ngay trong vận bộ “kính” (vần -INH), nhiều chữ cũng đã chuyển cách đọc theo vần - ANH nên chẳng có gì lạ nếu “uýnh” (tên người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc) cũng đã chuyển thành “oánh”. Tôi khoái cái vụ UÝNH - OÁNH này quá. Miền Tây quê tôi, đánh nhau (đánh lộn) thì người Nam sông Hậu gọi là “uýnh lộn”, dân Bắc sông Tiền kêu “oánh lộn”; chắc cũng từ cái vụ chuyển cách đọc này? Xin ông An Chi nói rõ thêm về “vụ” này và cho thêm thí dụ. Xin cảm ơn. Sáu Hậu(An Giang)

Năng lượng Mới số 340

Học giả An Chi: Về mối quan hệ INH ~ ANH, ngoài những thí dụ mà chúng tôi đã nêu trên Năng lượng Mới số 338, còn có thể nêu một số thí dụ khác:

- “bính” [餅] (một số người đọc thành “bỉnh”) là “bánh” thì “bánh” là điệp thức của “bính”;

- “kinh” [經] là sơi dọc trong khung dệt, có một điệp thức là “canh”, cũng là sợi dọc và là một từ độc lập;

- “kình” [勍] là mạnh mẽ, dữ dội, chỉ mức độ cao, có một điệp thức là “cành” trong “no cành hông”;

- “linh” [伶] trong “linh lợi” [伶俐] có một điệp thức là “lanh” trong “lanh lẹ” và cũng là một từ độc lập;

- “lãnh” trong “lãnh tụ” và cả trong “lãnh lương”, chính là “lĩnh” [領];

- “sinh” [生] trong “sinh sản” có một điệp thức là “sanh” trong “sanh đẻ”;

- “tinh” [腥] là hôi có một điệp thức là “tanh” trong “hôi tanh”;

- “tính” trong “tính tình” có một điệp thức là “tánh” trong “tánh nết”;

- “thinh” [聲] là tiếng có một điệp thức là “thanh” trong “âm thanh”;

“thịnh” [盛] trong “thịnh vượng” có một điệp thức là “thạnh” trong… “thạnh vượng”.

Nếu kể cả sự chuyển biến thanh điệu, ta còn có thêm:

- “bính” [炳] là sáng sủa trong “bưu bính” có một điệp thức là “bảnh” trong “bảnh bao”, “mới sáng bảnh mắt”. Đây cũng là một đồng nguyên tự của “bính” [頩] là màu sắc đẹp đẽ;

- “định” [定] trong “định bụng” là điệp thức của “đành” trong “đành lòng”, như đã nói trên Năng lượng Mới số 338;

- “tình” [晴] là tạnh (mưa) thì “tạnh” chính là điệp thức của “tình”; v.v…

Mối quan hệ này cần được nhìn theo hai giác độ khác nhau: đồng đại hoặc lịch đại. Về mặt đồng đại thì ta không gặp khó khăn gì để biết rằng, với những thí dụ đã nêu, thì một số trường hợp thuộc về sự tương ứng của phương ngữ Bắc với phương ngữ Nam, như (Bắc - Nam): đỉnh lễ - đảnh lễ; lĩnh lương - lãnh lương; sinh đẻ - sanh đẻ; tính tình - tánh tình; thịnh vượng - thạnh vượng. Còn về lịch đại thì, thật ra, tương ứng với ANH của miền Nam, những trường hợp có INH của miền Bắc xưa kia cũng đọc với vần ANH.

Thí dụ như “đinh” [釘] (= cây đinh) là một chữ thuộc vận “thanh” [青]; chữ “kinh” [經] cũng thuộc vận “thanh” [青]; chữ “sinh” [生] vốn là một chữ thuộc vận “canh” [庚];  chữ “linh” [伶] cũng thuộc vận “thanh” [青]; v.v…, nghĩa là đều thuộc vần ANH. Vì vậy nên “đảnh”, “lãnh”, “sanh”, “tánh” là những từ mà lưu dân đã đem vào Đàng Trong đúng như nó được đọc ở Đàng Ngoài, như vẫn còn lưu lại dấu tích mả Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức (lấy tiếng miền Bắc làm nền tảng) đã ghi lại ở một số mục, như: “Lãnh. Xem Lĩnh”; “Sanh 生. Xem Sinh”; “Tánh. Xem Tính”; v.v...

Cách ghi này có nghĩa là những chữ “lãnh”, “sanh”, “tánh” cũng từng được dùng ở miền Bắc nhưng về sau đã bị thay thế bằng “lĩnh”, “sinh”, “tính”. Sở dĩ có hiện tượng này là vì trong nội bộ các vận “canh” [庚], “thanh” [青] đã tiềm tàng khả năng chuyển đổi ANH ↔ INH mà Đàng Ngoài đã thực hiện đối với một số trường hợp trong khi Đàng Trong không hề hay biết do nạn Nam - Bắc phân tranh. Rồi về sau, do điều kiện tiếp xúc trở nên thuận tiện, hoặc do nhu cầu cụ thể của từng trường hợp mà trong Nam cũng dùng cách đọc của miền Bắc, khiến cho những biến thể mang vần ANH của mình chỉ còn có tác dụng và hiệu lực trong khẩu ngữ.

Trường hợp hai từ “uýnh”, “oánh” mà bạn nêu lên cũng có liên quan xa gần đến chuyện trên đây. “Uýnh” là âm Hán Việt của chữ [鎣], có nghĩa là “oánh bóng”, “mài, chà cho sáng, sạch”. Nếu ta chấp nhận được chuyện “đánh” trong “đánh bóng” cũng là “đánh” trong “đánh lộn” thì ta cũng có thể chấp nhận chuyện “oánh” trong “oánh bóng” cũng là “oánh” trong “oánh lộn” mà âm gốc đều là “uýnh”. Oánh bóng thì có cọ xát, nghĩa là có “đụng chạm” nên mới có thể làm nảy sinh cái nghĩa “đánh”. Nhưng có vẻ như giữa hai âm thì “oánh” thông dụng hơn “uýnh”, đồng thời được xem là văn vẻ hơn nên cũng đã được ghi nhận vào từ điển với một sự siêu chỉnh (hypercorrection) thành “quánh”.

Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng “quánh” cũng gọi là “hoánh”, có nghĩa là “đánh (nói trại)”. Kể ra, về mặt âm lý, “đánh” mà nói trại được thành “quánh”, “hoánh” thì cũng là chuyện lạ! Quyển từ điển này còn có một chữ “quánh” khác nữa, được giảng là “chảo đáy bằng và cạn, có cán dài, dùng chiên xào”. Thực ra, đây cũng là một sự siêu chỉnh từ chữ “oánh”, biến thể ngữ âm của “uýnh”, một từ Hán Việt chính tông mà chữ Hán là [罃], có nghĩa là một thứ bình dùng để đựng rượu hoặc là cái đĩa dầu (để thắp đèn). Từ nghĩa gốc này, ta đã có nghĩa của chữ “oánh” trong tiếng Việt mà về mặt từ nguyên thì một sự chuyển nghĩa như thế này là chuyện… bình thường. Vậy trong hai trường hợp trên đây, sự chuyển âm từ “uýnh” thành “oánh” cũng cùng một cái lý với sụ diễn tiến ngữ âm trong Hoa Xuân Oánh, tên của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, mà âm gốc vốn là “uýnh”.

A.C