Từ đồng cân và lạng đến chỉ và lượng

08:00 | 28/09/2014

|
Bạn đọc: Trước năm 1975, khi mua bán vàng, người dân miền Bắc dùng hai đơn vị là “đồng cân” và “lạng”. Nhưng từ sau 1975 thì “đồng cân” và “lạng” được thay thế bằng “chỉ” và “lượng”. Vậy tại sao lại thay “đồng cân” bằng “chỉ” và tại sao từ “lạng” lại biến thành “lượng”? Rất mong được ông An Chi giải đáp. Xin cảm ơn ông. Nguyễn Phương (Viện Dầu khí Việt Nam).

Năng lượng Mới số 360

Học giả An Chi: Cái lý do khiến “lạng” biến thành “lượng” ở miền Bắc thì chúng tôi xin nói đến sau. Còn trước mắt, xin nói rằng “lạng” là biến thể ngữ âm của “lượng”, một từ Hán Việt mà chữ Hán là [兩]. Thuộc vận bộ “dương” [陽], chữ này có hai âm là “lượng” (khứ thanh) và “lưỡng” (thượng thanh). Theo tự thư và vận thư xưa, chẳng hạn như Quảng vận (đầu thế kỷ XI), nếu đọc theo khứ thanh thành “lượng” thì nó chỉ số lượng và có nghĩa là hai, cặp, đôi còn nếu đọc theo thượng thanh thành “lưỡng” thì nó lại chỉ tên của một đơn vị đo khối lượng. Nhưng trong tiếng Việt thì ngược lại, “lượng” (ở miền Nam) là tên của một đơn vị đo khối lượng còn “lưỡng” mới có nghĩa là hai, như có thể thấy trong hàng loạt từ tổ: lưỡng cực, lưỡng diện, lưỡng khả, lưỡng lự, lưỡng nghi, v.v...

Trong lịch sử ngữ âm Hán Việt thì ƯƠNG và ANG là hai vần có duyên nợ lâu đời với nhau. Ngay trong vận bộ “dương” [陽] mà ta đang nói đến thì chữ đầu vận mục của khứ thanh là [漾] cũng đã đọc thành “dạng” thay vì “dượng”. Nhiều chữ khác thuộc vận bộ này cũng đã “rời nguồn” mà “lấn sân” của vần ANG: các chữ “sàng” [牀], “sảng” [爽], “thang” [湯], “trang” [莊], “tráng” [壯], “trạng” [狀], “vãng” [往] đều vốn thuộc vận bộ “dương” [陽], nghĩa là lẽ ra phải đọc theo vần ƯƠNG. Rồi một chữ thuộc chính vận bộ “dương” [陽] là “lương” [良] thì lại hài thanh cho mấy chữ mà vần Hán Việt hiện nay là ANG như “lang” [郎] (= chàng), “lãng” [朗] (= sáng), “lãng” [浪] (= sóng), v.v... Rồi riêng chữ “lãng” [朗] là sáng thì lại có một điệp thức đã “vê nguồn” là “lưỡng” trong cấu trúc chính phụ “bóng lưỡng” (mà theo nghĩa gốc của từng yếu tố là “bóng sáng”), vẫn còn thông dụng trong phương ngữ miền Nam.

Tóm lại, cứ như trên thì “lạng” là biến thể ngữ âm của “lượng”. Còn “chỉ” là một từ thuộc phương ngữ miền Nam, tương ứng với danh ngữ “đồng cân” ở miền Bắc. Nó là một từ Hán Việt mà chữ Hán là [咫] nhưng trong tiếng Hán thì chữ này không dùng để chỉ đơn vị đo khối lượng mà chỉ dùng để chỉ đơn vị đo độ dài. Có lẽ dân miền Nam đã loại suy từ một vài trường hợp mà một từ vừa chỉ đơn vị đo độ dài, vừa chỉ đơn vị đo khối lượng, chẳng hạn chữ “ly” [釐] hoặc [厘], vừa chỉ 1/1.000 thước ta, vừa chỉ 1/1.000 lạng ta. Chỉ hoặc đồng cân, tiếng Hán gọi là “tiền” [錢]. Thời xưa, ta cũng gọi đồng cân hoặc chỉ là “tiền”. Ở Việt Nam, trong đơn thuốc Bắc, chữ “chỉ” thường được viết thành [只], thậm chí có khi thành [止].

Nhưng tại sao ở miền Bắc hiện nay, người ta lại thay “đồng cân” bằng “chỉ” còn “lạng” thì lại biến thành “lượng”? Đó là do miền Bắc đã dùng từ, ngữ của miền Nam. Theo chúng tôi, có ba lý do: một, giao thông và giao dịch Nam - Bắc ngày nay đã trở nên thuận lợi hơn ngày xưa bội, bội phần; hai, nhờ sự thuận lợi này mà tiếp xúc và trao đổi ngôn ngữ giữa hai miền cũng trở nên sâu rộng hơn trước đây rất nhiều và ba là trong sự tiếp xúc này thì có lẽ riêng việc kinh doanh vàng bạc ở trong Nam mạnh hơn ngoài Bắc nên mới gây áp lực cho việc dùng thống nhất tên gọi các đơn vị đo khối lượng cơ bản để cân và mua bán vàng. Nhưng dù lý do có như thế nào thì “lượng” và “chỉ” cũng là một lối nói đã đi từ Nam ra Bắc. Trong khi đó thì từ “lạng” của miền Bắc đã đi vào Nam để dùng trong mua bán đối với những loại hàng hóa không phải là vàng, chẳng hạn như đường, thịt, v.v…

Mà cũng xin lưu ý rằng, ngay ở ngoài Bắc thì từ “lạng” dùng để chỉ đơn vị đo khối lượng cũng có hai nội dung khác nhau. Với vàng thì đó là đơn vị bằng 1/16 cân ta (cân ta = khoảng 0,605kg) còn với các mặt hàng khác trên thị trường thì đó là đơn vị bằng 100 gram. Vậy thì, đi vào Nam, “lạng” là một đơn vị bắng 1/10 của kilogram và không dùng để cân đo vàng. Thay vì “lạng” (= 1/10 kilogram), trước đây ở trong Nam, người ta dùng lối nói “trăm gram (hoặc cà-ram)”; thí dụ: - bán cho tôi hai trăm gram nạc lưng; - mua ba trăm gram đường phèn; - con cá này chỉ nặng có bảy trăm năm chục gram; v.v...

Tóm lại, sở dĩ ngoài Bắc, “đồng cân” đã đổi thành “chỉ” và “lạng” thành “lượng” là do đã thực hiện theo cách nói của miền Nam.

A.C