Sự đan xen hình thức và sự lây nghĩa

07:10 | 26/10/2014

|
Bạn đọc: Xin nhờ ông An Chi nói rõ thêm về “sự đan xen hình thức” và “sự lây nghĩa”? Xin cảm ơn. Lee Nguyen Bao (TP HCM)

Năng lượng Mới số 368

Học giả An Chi: Cách đây 12 năm, trên Kiến thức Ngày nay số 434 (1-9-2002), chúng tôi đã gọi “sự đan xen hình thức” và “sự lây nghĩa” hơi khác một chút (“sự đan chéo hình thức (từ ngữ)” và “sự lây truyền nghĩa”). Đây là hai khái niệm “croisement de formes” và “contamination de sens” mà Pierre Guiraud đã đưa ra  trong Les locutions francaises (Presses Universitaires de France, Paris, 1973, pp.77-84). Nếu chúng tôi không nhầm thì P. Guiraud là người đầu tiên - và có lẽ cũng là duy nhất cho đến nay (10-2014) - nói đến hai khái niệm này. Thật ra, đây cũng không phải là chuyện lý thuyết gì ghê gớm; đó chỉ là những hiện tượng ngôn ngữ cụ thể, từng xảy ra trong thực tế, mà Guiraud đã nhận thấy rồi đặt tên. Nhận xét đó đã được tác giả nêu lên trong chưa đầy 80 chữ (Pháp): “Jusqu’ici on a relevé la collusion des mots synonymes qui échangent leurs valeurs métaphoriques sans que pour cela soient altérés ni la forme ni le sens de l’expression. Mais il arrive aussi que deux mots de formes voisines mais non identiques se confondent; on passe alors de l’un à l’autre ou même, dans certains cas, à une troisième forme bâtarde.” (Cho đến nay người ta đã ghi nhận sự thông hợp của những từ đồng nghĩa [những từ này] đã trao đổi [với nhau] giá trị [mang tính] ẩn dụ của chúng nhưng không vì thế mà làm hỏng hình thức hoặc nghĩa của từ ngữ. Nhưng cũng có khi hai từ riêng biệt có hình thức tương cận lại bị lẫn lộn với nhau; thế là người ta đã lấy cái này làm cái kia, thậm chí, trong một số trường hợp, đã tạo ra một hình thức thứ ba lai tạp - Sđd, tr.77) Và “Les croisements de formes ou les remotivations entrainent en effet des évolutions du sens ou des valeurs d’emplois.” (Những sự đan xen hình thức hoặc những sự tái chỉnh đương nhiên dẫn đến những sự biến chuyển về nghĩa hoặc về giá trị sử dụng -  Sđd, tr.80).

Tiếng Việt cũng có những hiện tượng đó, dĩ nhiên là không thể y hệt như tiếng Pháp vì tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn lập và đơn (âm) tiết còn tiếng Pháp là một ngôn ngữ khuất chiết (inflectional) đa (âm) tiết, mà từ dài nhất cho đến nay là “anticonstitutionnellement” (một cách vi hiến), 9 âm tiết.

Xin nêu thí dụ trong tiếng Việt, với từ “ẩu1”, hai hình vị “ẩu2”, “ẩu3” và ba cấu trúc “ẩu đả”, “ẩu tả”, “cẩu thả”. Ẩu1” đại khái là “cẩu thả, bừa bãi”. Ẩu2” [毆] là một hình vị Hán Việt có nghĩa gốc chính xác là đánh còn “ẩu3” [嘔], cũng là một hình vị Hán Việt, có nghĩa  là nôn mửa. “Ẩu đả” [毆打] là đánh đập còn “ẩu tả” [嘔潟] là nôn mửa và tiêu chảy (mà cách đây trên nửa thế kỷ, trong Nam nói đảo ngược là “ỉa mửa”). Còn “cẩu thả” [苟且] thì đồng nghĩa với “ẩu1”. “Ẩu tả” (ỉa mửa) là một phản ứng bệnh lý không thể nhịn nín được từ miệng và hậu môn của con người nên đã xa gần gợi ý niệm về sự bừa bãi. Đã thế, nó lại cùng một khuôn vần đôi ẨU - Ả với “cẩu thả” (đồng nghĩa với “ẩu”) nên cái ý niệm về sự bừa bãi càng được củng cố. Vì thế cho nên “ẩu tả” vốn là “ỉa mửa” mới được dùng theo từ nguyên dân gian với nghĩa “quá ẩu”, như đã được giảng trong Từ điển tiếng Việt của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên. Đến lượt nó, “ẩu tả” (=quá ẩu) của khẩu ngữ đả tác động theo kiểu từ nguyên dân gian đến ngôn ngữ bác học, khiến cho “ẩu đả”, vốn chỉ có nghĩa là “đánh đập”, phải nhận thêm một nét nghĩa mới, là “đánh lẫn nhau” (Việt Hán thông thoại tự vị của Đỗ Văn Đáp), “đánh lộn” (Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng). Dĩ nhiên đây là một cái nghĩa không chính xác so với nghĩa gốc nhưng đã được các từ điển gia ghi nhận. Có tính chất nước đôi, vừa theo nghĩa gốc, vừa theo nghĩa “dân gian”, Từ điển Hán - Việt của Viện Ngôn ngữ học do Phan Văn Các chủ biên đã dịch “ẩu đả” là “đánh - ẩu đả” còn Từ điển Hán Việt do Trần Văn Chánh biên soạn dịch là “ấu đả - đánh”. “Đánh” đương nhiên là nghĩa gốc còn “ẩu đả/ấu đả” dùng để dịch hai chữ [毆打] thì dĩ nhiên phải được hiểu là “đánh nhau”. Vì hai chữ [毆打] chỉ có nghĩa là “đánh” chứ không phải “đánh nhau” nên nếu muốn diễn đạt cái ý “đánh nhau” thì Tàu phải nói là “hỗ tương ẩu đả” [互相毆打], như cũng đã có cho trong hai quyển từ điển này. Chứ nếu “ẩu đả” đã có nghĩa là “đánh nhau” mà Tàu còn nói “hỗ tương ẩu đả” là đã phạm phải một lỗi trùng ngữ (pleonasm) ngô nghê. Hay ho nhất là từ cái cấu trúc “ẩu tả” (với nghĩa gốc là “ỉa mửa”) bị hiểu thành “quá ẩu”, dân ta lại bỏ cái đuôi “tả” mà chỉ giữ lại cái đầu “ẩu” để diễn đạt cái ý “cẩu thả”.

Với thí dụ đơn cử trên đây, ta đã có thể sơ bộ thấy sự đan xen hình thức, kéo theo sự lây nghĩa, đã “quậy phá” ngôn ngữ như thế nào. Cái tai hại đó là do sự “mù chữ” mà ra chứ không có một nguyên nhân nào khác.

A.C