Shopaholic là nghiện mua sắm

09:52 | 29/07/2013

|
Bạn đọc: Có một bộ phim tên “Confessions of a shopaholic” trong đó “shopaholic” là một chữ mà tôi chỉ hiểu tàm tạm. Tra từ điển như Webster’s New World College Dictionary thì không thấy! Xin nhờ ông An Chi dịch giúp. Xin cảm ơn. Nguyễn Ánh Tuyết (Q.1, TP HCM)

Học giả An Chi: “Confessions of a shopaholic” là một bộ phim do nữ diễn viên Isla Fisher đóng vai chính và do

P. J. Hogan thực hiện năm 2009 theo nội dung một quyển truyện cùng tên của nữ tác giả người Anh Sophie Kinsella.

Trong “shopaholic”, ta thấy có thân từ “shop”, có nghĩa là “hiệu”, “tiệm”, “cửa hàng”. “Shop” cũng có thể dùng như động từ với nghĩa là mua sắm và đây là thân từ của “shopping” mà hiện nay nhiều người Việt rất sính dùng. Điều này thì đã hiển nhiên nhưng cái đuôi “-aholic” thì lại là một hiện tượng mà chúng tôi cho là không đơn giản chút nào. “-Aholic” được Macmillan Dictionary định nghĩa, không có ghi chú về đặc điểm ngữ pháp, là “used with nouns and verbs to make nouns meaning someone who likes something a lot or who is unable to stop doing something” (dùng với danh từ và động từ để tạo thành danh từ chỉ người thích cái gì đó thái quá hoặc người không thể không làm một việc nhất định nào đó). Từ điển khác như của Cambridge thì có ghi chú là “suffix” (hậu tố) và giảng là “unable to stop doing, eating, or drinking something” (không thể bỏ làm, ăn hoặc uống cái gì đó). Nhiều nguồn thư tịch khác cũng ghi như Cambridge rằng “-aholic” là một hậu tố. Đây thực ra là tha hình (allomorph) của “-oholic”; còn “-oholic” thực chất là một bộ phận của tính từ “alcoholic” (nghiện rượu), phái sinh từ danh từ “alcohol” (rượu) bằng hậu tố “-ic”. “Alcohol” là một từ mà tiếng Anh đã vay mượn thẳng từ tiếng Latinh thời trung đại còn bản thân thứ tiếng này thì lại vay mượn từ tiếng Arập. Ở đây không có hậu tố nào hết; còn “al-” là một quán từ ngay trong tiếng Arập. Chỉ trong “alcoholic”, ta mới có hậu tố “-ic”, một hậu tố mà  theo thống kê tính cho đến nay, đã góp phần tạo ra  3.647 từ cho tiếng Anh, như: acoustic (thuộc về âm thanh, âm học), ballistic (thuộc về đạn đạo), caloric (liên quan đến nhiệt, đến ca-lo), dis(s)yllabic (song tiết), erratic (thất thường),  fanatic (cuồng tín), galactic (thuộc Ngân hà), haematic (thuộc về máu), v.v.. Thế thì hiển nhiên là trong “-oholic”, ta có hậu tố “-ic”. Nhưng bảo rằng “-oholic/-aholic” là hậu tố, như từ điển Cambridge và nhiều nguồn thư tịch khác, thì lại là chuyện rất khó chấp nhận vì trong “-oholic” thì “-ohol-“ hiển nhiên thuộc về thân từ “alcohol”. Chính vì vậy nên Francis Katamba mới nhận xét:

“(…) Conversely, a form may be reanalysed as a pseudo-affix which is attached to bases. A famous example of this is -holic. By analogy to alcoholic we get work-a-holic, ice-cream-a-holic etc. The form -holic is treated as a suffix meaning “someone who overindulges to something”, although that was not its original meaning.” (English Words: Structure, History, Usage, second edition first published 2005 by Rouledge, p.136).

Dịch nghĩa:

“Ngược lại, một hình thái có thể được phân tích lại thành một phụ tố giả gắn liền vào (hình thái) gốc. Một thí dụ quá quen thuộc về hiện tượng này là -holic. Bằng loại suy với alcoholic, ta có work-a-holic (mê việc), ice-cream-a-holic (mê kem), v.v... Hình thái -holic được xử lý như một hậu tố có nghĩa là “người nào đó thích thú quá mức với cái gì đó”, mặc dù đó không phải là nghĩa gốc của nó.”

Với cách hiểu mà Katamba đã nêu, người ta đã tạo ra những sản phẩm ngôn ngữ như: blogaholic (mê blog), bookaholic (mọt sách), cataholic (mê mèo), danceaholic (mê nhảy), gameoholic (nghiện trò chơi điện tử), golfaholic (mê đánh golf), knitaholic (ham đan), milkaholic (nghiện sữa), shagaholic (nghiện giao hợp), sportsaholic (mê thể thao), v.v...

Chúng tôi chỉ không tán thành Katamba ở chỗ tác giả này đã ngắt mất “o/a” của “-oholic/-aholic” nên chỉ còn có “-holic” vì như đã thấy, “-oholic/-aholic” là một bộ phận hữu cơ của “alcoholic”. Philip C. Colin đã có lý hơn vì đã tôn trọng hình thái gốc “-oholic” và viết trong bài “The Pseudo-Suffix -Oholic”:

“The pseudo-suffix -oholic is another salient and voguish example of etymologycal misdivision. The -ic in it is one whole morpheme, and the -ohol is part of another, alcohol, with no more morphological status than the remnant alc- […] It has variant spellings with a or o as the first vowel. Sometimes the word it forms is hyphenated” (American Speech, Vol. 54, No. 1 [Spring, 1979], p. 74).

Dịch nghĩa:

“Hậu tố giả “-oholic” là một thí dụ nổi bật và thời thượng về sự chia cắt sai (các thành phần của từ) về mặt từ nguyên. Thành tố “-ic” trong đó là một hình vị hoàn chỉnh; còn -ohol là bộ phận của một thành tố khác, alcohol (Colin đang nói đến tính từ “alcoholic” - AC), cũng không có cương vị hình thái học gì hơn phần còn lại là alc-. Nguyên âm khởi đầu của nó có biến thể viết/nói là a hoặc o”.

Nhưng dù có ngắt như thế nào, như Katamba hay Colin thì chúng tôi vẫn cho rằng không nên xem yếu tố tạo từ đang bàn là hậu tố, dù là hậu tố giả. Với chúng tôi thì tất cả các trường hợp trên đây, từ blogaholic cho đến sportsaholic đều là những portmanteau word - Cao Xuân Hạo và Hoàng Dũng dịch là “từ trộn” - mà chúng tôi đã có nói đến vài lần nên xin không nhắc lại ở đây.

Vậy “shopaholic” là một từ trộn, có nghĩa là “nghiện mua sắm”. Dịch sát từng từ thì tên phim “Confessions of a shopaholic” có nghĩa là “Những lời thú nhận của một nàng nghiện mua sắm”.

A.C