Phụ nữ cũng là Đàn bà nhưng...

10:29 | 17/06/2014

|
Bạn đọc: Theo bài “Tuồng Chèo Quan Âm Thị Kính đến Opera Bà Thị Kính ở Hoa Kỳ” của Thanh Trúc trên RFA ngày 24-4-2014 thì Tiến sĩ Phan Quang Phục, giáo sư âm nhạc tại Indiana University Jacobs School Of Music đã nói như sau: “Đối với tác giả vở tuồng Bà Thị Kính, điều quan trọng là nêu bật được vẻ đẹp tinh thần và khát vọng của người đàn bà Việt Nam trong một xã hội vốn có những lề thói cổ xưa kiểu phép vua thua lệ làng. Mặt khác, vẫn lời tiến sĩ Phan Quang Phục, ông sử dụng hầu hết từ đàn bà mà không sử dụng từ phụ nữ khi mô tả nhân vật Thị Kính: Tôi dùng chữ đàn bà thay vì phụ nữ, trong xã hội Việt Nam đàn bà là giới phụ thôi chứ không phải giới chính, cho nên người ta gọi là phụ nữ, nhưng mà tôi thấy chữ đàn bà nó chính xác hơn”.

Xin ông An Chi cho biết chữ “phụ” trong “phụ nữ” có phải là “giới phụ thôi chứ không phải giới chính”, như lời của Tiến sĩ Phan Quang Phục hay không. Ông nghĩ như thế nào về quan niệm của vị này? Và xin hỏi thêm: Có bao nhiêu chữ “phụ”? Xin cám ơn ông. Đinh Thế Thế (Hai Bà, Hà Nội)

Học giả An Chi: Tiếng Hán có rất nhiều chữ “phụ”: “phụ1” [父] - “phụ2” [埠] - “phụ3” [負] - “phụ4” [輔] - “phụ5” [阜] - “phụ6” [駙] - “phụ7” [附] - “phụ8”  [婦] - v.v...

 “Phụ1” [父] là cha. Tại “Chuyện Đông chuyện Tây” trên Kiến thức Ngày nay số 170 (10-4-1995), chúng tôi đã viết (có chỉnh sửa một vài chỗ):

“Tiếc rằng “bố” cũng ngoại lai chẳng kém gì “phụ”: đó đều là những yếu tố Việt gốc Hán và đều là âm của chữ [父], “bố” là âm đời Hán còn phụ là âm đời Đường. Trường hợp này cũng đã được Vương Lực phân tích và khẳng định trong thiên “Hán Việt ngữ nghiên cứu”, bên cạnh cặp song lập thể “mùi - vị” mà chúng tôi đã đề cập trên Kiến thức Ngày nay 156, cũng ở mục “Chuyện Đông chuyện Tây” (Xin x. Hán ngữ sử luận văn tập, Bắc Kinh, 1958, tr.363). Ở đây chúng tôi chỉ xin nêu thêm một luận cứ quan trọng như sau: chính chữ “phụ” [父] (là cha) đã được dùng làm thanh phù (yếu tố hài thanh) cho chữ “bố” [布] (là vải). Đây là điều mà hầu như không ai để ý đến. Nhìn vào thể triện của chữ “bố”, ta thấy đó là trên “phụ” [父] dưới “cân” [巾]. Vậy “bố” là một hình thanh tự mà nghĩa phù là “cân” [巾] còn thanh phù là “phụ” [父], nay đã bị viết thành [布]. Chính vì thanh phù của nó là “phụ” [父] nên Thuyết văn giải tự của Hứa Thận mới viết về chữ “bố” [布] rằng đó là chữ “tùng cân, phụ thanh” nghĩa là “thuộc bộ cân, đọc là phụ”. Trong ngữ âm học lịch sử về tiếng Hán, có một quy luật như sau: “Hễ có cùng thanh phù thì là đồng âm với nhau hoặc đã có thời là đồng âm với nhau”. Vậy cũng chẳng có gì lạ nếu chữ “phụ” xưa đã từng đọc là “bố”.

“Phụ2” [埠] là bến sông. Mới đây, trên Năng lượng Mới số 322 (bài “BÚA trong CHỢ BÚA vẫn là bà con với PHỐ [铺]”), chúng tôi đã viết:

 “Về nguồn gốc sâu xa thì “bộ” [步] là đồng nguyên tự (chữ cùng gốc) của “phố” [浦], như Vương Lực đã chứng minh và khẳng định trong Đồng nguyên tự điển (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997, tr.176). Nghĩa gốc sâu xa của hai chữ này là “bờ sông”, “bến nước”, như Vương Lưc đã chứng minh bằng nhiều nguồn thư tịch xưa có uy tín (…). Chữ (này) cũng viết thành [埠]”. Vậy chữ “phụ” [埠], mà âm xưa là “bộ” này, chính là nguyên từ của “bờ” trong “bờ sông”, “bờ biển”, v.v…

 “Phụ3” [負] có một nghĩa là cõng, đỡ. Với nghĩa này, nó có một điệp thức là “bợ” trong “bợ đít”, “bợ đỡ”, nịnh bợ”, v.v...

“Phụ4” [輔] là ở hai bên mà giúp đỡ, như có thể thấy trong “phụ bật”, “phụ chính”, “phụ dực”, “phụ đạo”, “phụ tá”, “phụ trợ”, v.v... Hình vị Hán Việt này cũng đồng thời là một từ, đương nhiên là tự do, có thể hành chức một cách độc lập trong lời nói thông thường như “phụ tớ một tay”, “nào, đẩy phụ với nào!”, “bảo nó khiêng phụ mà nó cứ lơ lơ”, v.v...

“Phụ4” [輔] có một đồng nguyên tự là “phù” [扶], nghĩa là giúp đỡ, như Vương Lực đã chứng minh trong Đồng nguyên tự điển (tr.175) và như có thể thấy trong “phù trì”, “phù nguy”, v… “Phù” [扶] có một điệp thức xưa và “bình dân” hơn, là “phò”, cũng là một hình vị tự do, là một từ (như trong “phò vua”) nhưng nay ít dùng.   

“Phụ5” [阜] có một nghĩa là to lớn, thịnh nhiều, như trong “khang phụ” (giàu mạnh), “dân khang vật phụ” (dân mạnh của nhiều). Với nghĩa này, nó có hai điệp thức vốn là biến thể thanh điệu của nhau: 1.- “bự”, như có thể thấy trong “bự phấn” ([mặt] tô đầy phấn), “bự ghét” ([người] đầy cáu ghét), “bự con” (to xác), “anh chị bự” (= một kiểu đại ca trong tiếng Việt Miền Nam), v.v...; 2.- “bứ” ( ứ, nhiều quá không hấp thụ, tiếp thu nổi), như trong “bứ cổ”, “no bứ”, “say bứ”, v.v...

“Phụ6” [駙] là giúp hoặc thay thế cho người đánh xe, xưa đọc là “phò” như còn thấy trong “phò mã”. Tuy Vương Lực, rồi cả người kế tục ông là Lưu Quân Kiệt 刘钧杰 (trong Đồng nguyên tự điển bổ, rồi cả Đồng nguyên tự điển tái bổ) đều không ghi nhận nhưng đây chẳng phải gì khác hơn là một đồng nguyên tự của “phù” [扶] và “phụ4” [輔] ở trên.

“Phụ7” [附] là nhờ vào, dựa vào, thêm vào, chính là chữ “phụ”, đối nghĩa với chữ “chính” mà TS Phan Quang Phục đã nói đến. Ta có thể thấy chữ này trong “phụ cận”, “phụ cấp”, “phụ gia”, “phụ họa”, “phụ lục”, “phụ tùng”, “phụ thuộc”, v.v... “Phụ7” [附] có một điệp thức là “bợ”, còn tồn tại trong tiếng Việt hiện đại với từ tổ “tạm bợ”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức có giảng rằng “bợ” là “thúng nhỏ để dưới thúng lớn trong gióng [quang], thường đựng trái to, ngon để bán giá cao” với các thí dụ “thúng bợ”, rổ bợ”. Thông qua lời giảng và thí dụ của Lê Văn Đức, ta có thể khẳng định rằng đây cũng chính là tính từ “bợ” trong “tạm bợ” chứ không phải là từ nào khác. Với câu “Trong xã hội Việt Nam đàn bà là giới phụ thôi chứ không phải giới chính” của TS Phục thì chữ “phụ” chính là “phụ7”. Đây là một sai lầm về chữ nghĩa. Hơn nữa, ý của ông (không có hạn định về thời gian, điều kiện, v.v...) cũng không đúng hẳn với xã hội Việt Nam thời nay vì bây giờ tuy chưa nhiều nhưng cũng đâu có ít “đàn bà” Việt Nam tham gia sản xuất, làm công tác xã hội, tham gia các hoạt động từ thiện, là doanh nhân có uy tín, là cán bộ công đoàn, là cán bộ chính trị, hành chính các cấp, từ cơ sở đến trung ương, v.v… Gần đây nhất, Phó chủ tịch nước là Bà Nguyễn Thị Doan vừa đi dự Hôi nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Thế giới lần thứ 24, họp từ ngày 5 đến 7-6-2014, với chủ đề “Tái thiết kế [các nền] kinh tế và [các] xã hội (Redesigning Economies & Societies). Nhưng cái sai “bự” nhất của TS Phan Quang Phục là ở chỗ ông đã khẳng định rằng chữ “phụ” trong “phụ nữ” là do chữ “phụ” (trong “chính phụ”) này mà ra. Hoàn toàn không phải như thế. “Phụ” trong “phụ nữ” là “phụ8”  [婦].

“Phụ8” [婦] có nghĩa là vợ, là đàn bà, như có thể thấy trong “phụ đức”, “phụ khoa”, “phụ xảo”, “phu xướng phụ tùy”, “mệnh phụ”, “sản phụ”, “phu phụ”, “quả phụ”, v.v... Nếu ý kiến của TS Phục mà đúng thì “phụ đức” là đạo đức của phụ nữ sẽ trở thành “đạo đức phụ”, “phụ khoa” là khoa trị bệnh phụ nữ sẽ trở thành “khoa phụ [không phải chính] trong bệnh viện”, “phụ xảo” là tài khéo của phụ nữ sẽ trở thành “sự khéo léo phụ [bên cạnh sự khéo léo chính?]”, còn “sản phụ” thì hẳn là  “sự sinh sản phụ [hay là việc giúp cho sự đẻ]”, chứ không phải “đàn bà đẻ”, theo cách nói bình dân? V.v... và v.v... Trở lại với “phụ8” [婦] thì về tự hình, chữ này gồm có chữ “nữ” [女] là đàn bà và chữ “trửu” [帚] là cây chổi, lấy hình ảnh người đàn bà cầm chổi quét để chỉ công việc nội trợ. Đây mới đích thị là chữ “phụ” trong “phụ nữ”, ngụ ý rằng nội trợ mới là công việc chính của người phụ nữ trong gia đình.

Cứ như trên thì cái lý do khiến TS Phục “dùng chữ đàn bà thay vì phụ nữ” đã sai, mà cách ông dùng hai tiếng “đàn bà” để chỉ Thị Kính cũng là chuyện nên suy nghĩ. Dĩ nhiên là ông có quyền riêng tư của mình vì đó là phong cách ngôn ngữ riêng của ông nhưng đây mới chỉ là chuyện tâm lý cá nhân còn bên cạnh nó thì lại tồn tại tâm lý chung của cộng đồng, nhất quán với ngôn ngữ toàn dân. Trên Năng lượng Mới số 324 (23-5-2014, bài “THIẾT ĐÃI hay THẾT ĐÃI?”), chúng tôi có nhắc đến sự đối lập giữa các yếu tố Hán Việt với các yếu tố được xem là Nôm, là thuần Việt, cho rằng Nôm thì thích hợp với văn phong bình dân, thông thường còn Hán Việt lại thích hợp với những trường hợp trang trọng, như “đàn bà” với “phụ nữ”, “trẻ con” với “thiếu nhi”, “an táng” với “chôn cất”, v.v... Trước một sự đối lập như thế này về phong cách thì việc dùng hai tiếng “đàn bà” để chỉ những đối tượng cụ thể sẽ là một việc làm cần cân nhắc cho từng trường hợp. “Global Summit of Women” của tiếng Anh và “Sommet Mondial des Femmes” của tiếng Pháp mà dịch thành “(Hội nghị) Thượng đỉnh Đàn bà Toàn cầu” thì sẽ chỉ là chuyện khôi hài, tếu táo mà thôi!

A.C