O mèo và o chuột

09:46 | 12/06/2013

|
Bạn đọc: Tại sao trong Nam trước đây, người ta không nói o chó, o heo, o gà, o thỏ, v.v..., để chỉ việc nam giới đi ve gái kiếm bồ, mà nói là đi o mèo? Xin cho biết nghĩa và từ nguyên của chữ mèo này. Rồi o là gì? Chữ này có liên quan gì đến chữ o trong truyện ngắn "O chuột" của Tô Hoài không? Có người nói o ở đây là cô, có đúng không, thưa ông? (Đặng Thị Tuyết Điểu - Bình Thạnh, TPHCM; Dương Ngọc Trang - Cần Giuộc, Long An)

Học giả An Chi: Sở dĩ không gọi việc nam giới đi ve gái là o chó, o heo, o gà hay o thỏ, v.v..., thì chỉ đơn giản vì mèo ở đây không phải vốn là một danh từ chỉ thú vật như chó, heo, gà, thỏ, v.v... Có lẽ hai bạn đặt vấn đề như thế là do đã liên tưởng đến các  thành ngữ mèo đàng chó điếm và mèo mả gà đồng. Nhưng, như chúng tôi cũng đã có nhiều lần nói, mèo đàng cũng như mèo mả không có liên quan gì đến chuyện bồ bịch ba lăng nhăng hoặc nhân tình nhân ngãi lơ tơ mơ cả. Mèo đàng và mèo mả là những con mèo bỏ nhà chủ đi hoang sống ở bãi tha ma. Người ta dùng những lối nói này để ám chỉ hạng người không có sở cứ nhất định, sống lang thang nay đây mai đó. Vả lại, mèo đàng và mèo mả thì có cả đực lẫn cái chứ mèo trong o mèo thì chỉ là đàn bà, con gái mà thôi.

Mèo là một từ của tiếng Việt miền Nam mà “Từ điển phương ngữ Nam Bộ” (TĐPNNB) do Nguyễn Văn Ái chủ biên (NXB TP Hồ Chí Minh, 1994) giảng là: “Tình nhân gái (nói với ý đùa hoặc không trân trọng)”. “Từ điển từ ngữ Nam Bộ” (TĐTNNB) của Huỳnh Công Tín (NXB Chính trị Quốc gia, 2009) cũng giảng y như thế. Tuy cũng là một từ Việt gốc Hán như mèo trong chó mèo (do miêu 貓ˆ mà ra), nhưng mèo trong o mèo lại bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ 媌, mà âm Hán Việt hiện đại là mao/mão, có nghĩa gốc là kỹ nữ. Sự chuyển dịch từ “kỹ nữ” sang “mèo” là chuyện thực sự dễ hiểu và bình thường về ngữ nghĩa học. Về vần (-ao ~ -eo) thì ta có nhiều thí dụ để chứng minh, mà thí dụ quen thuộc nhất là chi thứ tư của thập nhị chi, chi Mão, cũng có âm xưa là Mẹo.

Còn o nghĩa là gì? TĐPNNB giảng là: “(động từ) o bế, chăm chút, trau chuốt”. Ngữ vị từ o mèo được giảng là “theo đuổi, tán tỉnh, chiều chuộng bạn gái để kết tình”. TĐTNNB giảng o là: “(vị từ) o bế, chăm chút, trau chuốt, chú tâm làm cẩn thận, tỉ mỉ để cho hoàn thiện, cho đẹp”. O mèo được giảng là “o gái, nhưng từ dùng có tính chất hình ảnh hơn” còn o gái thì được giảng là “theo đuổi tán tỉnh, chăm sóc bạn gái để lấy lòng, kết tình”. Cái nét nghĩa căn bản mà ta rút ra được ở đây là “o bế, chăm chút, trau chuốt, chú tâm” và đây cũng chính là cái nghĩa “soigner avec sollicitude” (chăm sóc một cách ân cần) của chữ ưu 憂, đã cho trong Dictionnaire classique de la langue chinoise của F. S. Couvreur. Nói một cách khác, o trong o mèo là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ 憂, mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là ưu, có nghĩa hữu quan là “chăm sóc một cách ân cần”. Đây là một điều chắc chắn và có thể chứng minh một cách hoàn toàn dễ dàng. Cũng chữ ưu 憂 này còn có một nghĩa nữa là bệnh tật. Với nghĩa này, nó còn có một song thức (doublet) là o trong ốm o, mà nếu không tìm hiểu kỹ về từ nguyên thì nhiều người có thể sẽ phán là tiếng đệm, là yếu tố láy và ốm o là một từ láy. Chúng tôi gọi hai biểu thức:


- ưu 憂 (= chăm sóc một cách ân cần ) ~ o (trong o mèo, o chuột, v.v...),

- ưu 憂 ~ o (trong ốm o)

là những trường hợp đồng dạng về tương ứng ngữ âm lịch sử. Khi mà, với hai từ khác nhau hoặc với hai nghĩa khác nhau của một từ, ta có hiện tượng đồng dạng về tương ứng ngữ âm lịch sử như đã thấy, thì sự tương ứng này là một điều chắc chắn. Vậy ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng o trong o mèo là một từ Việt gốc Hán có xuất xứ như đã nêu ở trên.

Còn o trong truyện ngắn O chuột của Tô Hoài thì sao? Tại Yahoo! Hỏi & Đáp, Nhu Ngọc (“Đóng góp hàng đầu”) đã cả quyết (và được chấm là câu trả lời hay nhất):

“Từ “O” có nghĩa là “cô”. Nên “O Chuột” có nghĩa là “Cô Chuột” đấy!” (dẫn ngày 10/12/2011).

Xin thưa rằng “đóng góp hàng đầu” này… hơi bị sai. Nếu đọc kỹ lại truyện, ta sẽ không thấy tác giả nói đến cô chuột, nàng chuột nào cả. Chỉ có hai con chuột nhắt thuộc giống đực mà thôi. Tô Hoài viết:

“Lại có tiếng rúc rích ở trong, à có hai thằng chuột rửng mỡ đang đùa nhau. Chúng nó hẳn đến ngày tận số. Ai đời chuột lại dám đánh đu ở miệng mèo! (…) Hai chú chuột ở trong gầm đống củi hẳn thấy trời tối rồi thì muốn ra ngoài chơi lắm. (…) Hai cái đầu ló ra. Rồi hai gã chuột bước hẳn ra đống củi đi lần về phía bếp. Chúng vui vẻ cãi nhau choe choé”.

Ban đầu là hai, sau chỉ còn có một:

“Một con thoát được, còn một bị nắm lại. Mèo gầm gừ để thị uy và dọa dẫm. Chú chuột khốn nạn bị túm lại, nằm ngất trong hai bàn tay sắt đầy vuốt cong và sắc của ông mèo, y như cái cảnh rúm ró của chị cua nhà quê mà bị cụ ếch đại vương lấy một bàn tay vỗ vào vai. Chú chuột nhắt bị mèo tha ra đến cửa bếp và được thả xuống đấy”.

Thằng chuột, chú chuột, gã chuột thì không thể là “đàn bà, con gái” được. Vậy trong O chuột, chẳng có chữ o nào có nghĩa là “cô” cả. Mà thực ra, chữ o cũng chỉ xuất hiện có một lần trong câu cuối cùng:

“Cơ chừng gã mèo mướp phải dành tất cả cái hoa niên của mình để mà chỉ luẩn quẩn đi o chuột”.

Chỉ duy nhất có một lần trong câu này thôi. Mà trong văn cảnh này của ngữ đoạn vị từ đi o chuột thì o chỉ có thể là một vị từ động, thường gọi là động từ (chứ không thể là danh từ, nên càng không thể có nghĩa là “cô”). Vâng, o trong O chuột là một vị từ. Nói chung khi truyện ngắn “O chuột” của Tô Hoài ra đời (1942) thì vị từ o đã không còn thông dụng trong phương ngữ miền Bắc, mặc dù nó có thể còn được dùng ở làng Nghĩa Đô, quê ngoại của ông (hoặc cục bộ ở một số địa phương khác nữa). Nhưng trong Nam thì nó vẫn thông dụng, đặc biệt là trong ngữ vị từ o mèo mà hai bạn đã nêu. Nghĩa của o trong O chuột đã gián tiếp được chính Tô Hoài giải thích bằng một số từ ngữ khác trong truyện như: - rình nấp; - rình chuột; - đi quanh đi quẩn để tìm, để lùng bắt chuột nhắt.

Cứ như trên thì, hiểu rộng ra và nếu liên hệ đến nghĩa của o trong o mèo, ta sẽ thấy o trong O chuột của Tô Hoài chẳng qua là o trong o mèo hiểu theo nghĩa bóng, chứ không phải là một từ o nào khác. O mèo, nói một cách ngắn gọn, mà không kém phần xác thực, là lân la ve gái. Còn o chuột cũng chỉ là rình nấp, đi quanh đi quẩn để tìm, để lùng bắt chuột mà thôi.

A.C