Nhận xét sơ sơ về bài của chuyên gia

07:00 | 29/06/2014

|
Bạn đọc: Chuyên gia được đào tạo bài bản của ông An Chi còn nhặt được nhiều từ Việt gốc Hoa Nam Quảng Đông trong bài “một số từ gốc Hoa trong phương ngữ Nam Bộ”, in trong Nam Bộ Xưa & Nay (in tái bản lần thứ nhất, NXB TP HCM - Tạp chí Xưa & Nay, 1999, tr. 343-347). Xin ông cho biết nhận xét về một số trường hợp mà chuyên gia đó đã lặn lội để nhặt được? Xin cảm ơn ông.Nguyễn Hữu Đoàn (Ba Đình, Hà Nội)

Năng lượng Mới số 334

Học giả An Chi: Về từ “ké”, chuyên gia này viết:

“Tức ký đọc theo âm Hoa Hán, giọng Quảng Đông. Ký là gửi gắm, nhờ vả, như nói ký sinh, ký thác. Song trong phương ngữ Nam Bộ thì ké được dùng khác ký; người ta chỉ nói ăn ké, ngủ ké, đi xe ké… chứ không bao giờ nói là ké sinh, ké thác hay ăn ký, ngủ ký cả. Đây là vì khác với ký trong mảng từ Việt Hán, ké trong phương ngữ Nam Bộ đã chịu áp lực sinh ngữ Hoa Hán mà trở thành một từ có thể sử dụng độc lập, tương tự như từ nhờ của tiếng Việt.

Lời diễn giàng thì quả đúng với phong cách của một người được đào tạo bài bản nhưng rất tiếc rằng nó đã sai ngay từ đầu vì người Quảng Đông không bao giờ phát âm chữ “ký” [寄] là “gởi” thành “ké” cả. Âm Quảng đông của nó là “géj3”, như đã cho rõ ràng trong Quảng Châu âm tự điển do Nhiêu Bỉnh Tài chủ biên (Quảng Đông Nhân dân xuất bản xã, 1997). Lặn lội không biết công phu đến đâu nhưng kết quả là bắt nhằm rễ… thối!

Về từ “lẩu”, chuyên gia này viết:

“Tức lô, đọc theo âm Hoa Hán, giọng Hoa Nam. Lô là cái lò, đây chỉ là cái lò than dính liền với cái nồi, trong đó bộ phận lò than ở giữa để giữ nóng lâu và tiết kiệm chất đốt (…)”.

Giọng Hoa Nam thì có tiếng Quảng Đông, tiếng Triều Châu, tiếng Phước kiến, tiếng Khách Gia (Hẹ), v.v… Đã là người được đào tạo bài bản thì phải khẳng định dứt khoát đó là thứ tiếng cụ thể nào chứ không thể nhập nhằng “đọc theo âm Hoa Hán, giọng Hoa Nam” được! Âm Quảng Đông của chữ “lẩu” là “lù”; còn “lẩu” là âm Triều Châu của nó. Tên của cái lẩu trong tiếng Việt (Miền Nam) trước 1954 là “cù lao”.

Về từ “tiệm”, chuyên gia này viết:

“Tức điếm đọc theo âm Hoa Hán, giọng Quảng Đông. Điếm nghĩa gốc là cửa hiệu chứa hàng hóa để buôn bán. Chữ tiệm này du nhập vào Nam Bộ lúc ngôn ngữ Trung Quốc đã mất hẳn phụ âm đầu đ nhưng chưa mất phụ âm cuối n”.

Ở đây chuyên gia của chúng ta cũng nhập nhằng giữa “ngôn ngữ Trung Quốc” nói chung và “âm Hoa Hán, giọng Quảng Đông” nói riêng. Nhưng ta biết chắc ngôn ngữ được nói đến ở đây là tiếng Quảng Đông. Tiếng Quảng Đông không hề mất đi phụ âm -N cuối. Còn nếu bảo rằng đó là do -M bị in sai thành -N thì xin thưa rằng, thứ tiếng này vẫn còn bảo lưu phụ âm -M. Hiện nay, -N cuối và -M cuối vẫn còn tồn tại trong tiếng Quảng Đông. Xin xem, chẳng hạn, bảng phụ lục ở cuối Quảng Châu âm tự điển (đã dẫn).

Về chữ “thối”, chuyên gia này viết:

“Tức thoái đọc theo âm Hoa Hán, giọng Hoa Nam. Từ này có nhiều nghĩa như lùi lại, từ quan, chối từ, khiêm tốn, nhưng có lẽ về sau đã được người Hoa Nam dùng chỉ cả việc trả lại và du nhập vào vùng Đang Trong - Nam Bộ, nên phương ngữ Nam Bộ hiện có những từ như tiền thối, thối tiền…

Ở đây, một lần nữa, chuyên gia được đào tạo bài bản lại nhập nhằng, không cho người đọc biết mình muốn nói đến thứ tiếng cụ thể nào. Nhưng xét theo toàn bài, ta có thể khẳng định rằng, bác này tỏ ra “thông thạo” nhất về tiếng Quảng Đông. Mà tiếng Quảng Đông thì tuyệt đối không đùng từ “thối/thoái” để chỉ việc trả lại tiền dư cho người mua. Người Quảng Đông nói “chục tshỉn” [贖錢], âm Hán Việt là “thục tiền”, để chỉ việc thối tiền, chứ không nói theo cách bác chuyên gia này đã khéo tưởng tượng ra.

Bác này viết về bốn tiếng “xập xí xập ngầu” như sau:

Tức thập tứ thập ngũ đọc theo âm Hoa Hán, giọng Quảng Đông. Thập tứ thập ngũ ý nói coi mười bốn cũng như mười lăm, nhập nhèm đánh đồng vào nhau. Từ hột xí ngầu cũng bắt nguồn từ hai chữ xí (tứ = bốn) và ngầu (ngũ = năm) này.

Xin thưa rằng xập xí xập ngầu không phải là “âm Hoa Hán, giọng Quảng Đông”. Đó là tiếng Triều Châu như chúng tôi đã vài lần có nói đến.

Về từ “xịn”, bác chuyên gia này đã viết:

Tức tân đọc theo âm Hoa Hán, giọng Hoa Nam (giọng Quan Thoại đọc là xin). Xịn vốn có nghĩa là mới, sau dùng rộng ra với nghĩa còn nguyên, còn tốt như mới, tương tự như chữ din bắt nguồn từ chữ Pháp origine”.

Xin thưa với bác chuyên gia rằng âm của chữ “tân” [新] trong tiếng Quảng Đông là “xắn” (đọc theo giọng Bắc) hoặc “xánh” (đọc theo giọng Nam) chứ không phải “xịn” như bác khéo tưởng tượng. Nếu từ “xịn” có là một từ Nam Kỳ gốc Quảng Đông thì cái từ gốc đó phải là “thiện” [善], mà âm Quảng Đông là “xịn”, có nghĩa là tốt đẹp, giỏi giang, khéo léo, v.v...

Về từ “xỉu”, bác chuyên gia nhà ta đã viết:

Tức hưu đọc theo âm Hoa Hán, có lẽ theo giọng Hoa Nam. Hưu có ba nghĩa là nghỉ, thất bại, chết; có lẽ xỉu vào tiếng Việt đã được dùng vào nghĩa thứ ba, chỉ trạng thái giống như chết (ngất xỉu). Có lẽ chữ này đã bị biến âm thành xìu với ý trào lộng.

Cái ý “có lẽ theo giọng Hoa Nam” của bác đại chuyên gia thì hoàn toàn mơ hồ. Còn nếu bác muốn biết dân Quảng Đông đọc nó “dư lào” thi xin mách với bác rằng, họ đọc nó thành “yấu”. “Yấu xích” là “hưu tức” [休息], chẳng có dây mơ rễ má gì với “xỉu”, “xìu” cả.

Xin nhận xét sơ sơ về 7/17 trường hợp mà bác đại chuyên gia đã cất công lặn lội để thu thập được. Còn mấy trường hợp rắc rối thì xin để dành lại sau.