Lời và từ; hàng và chuỗi

16:52 | 03/01/2014

|
Bạn đọc: Ngay sau khi bài “Trước Nguyễn Du, Tàu đã có lời lời châu ngọc” của ông An Chi xuất hiện, nó đã được ông Ngô Thanh Nhàn nhận xét trên Facebook, nguyên văn như sau: “Theo tôi, trong ngành xử lý ngôn ngữ tự nhiên “lời lời” khác “tự tự” và “hàng hàng” khác “thiên thiên”… Mỗi lời là một hạt châu, nhiều hạt thành hàng hạt trước hạt sau - theo quan niệm của Linguistic String Project, Zellig Harris, người ta nói như kéo các hạt thành nhiều hàng (strings)… như dệt một bức gấm thành một cuộc trao đổi. Do đó, tôi thấy “lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu” có điều hay hơn và nguyên tắc hơn các mẫu trích của TH”. Ông Ngô Thanh Nhàn đã phát biểu ngắn gọn như trên còn tôi thì xin được tiếp tục hỏi ông An Chi: Ta có thể coi đây là lời ông Ngô Thanh Nhàn biện hộ cho ông Nguyễn Khắc Bảo hay không và, nói chung, ông (An Chi) nghĩ như thế nào về ý kiến trên đây của ông Ngô Thanh Nhàn? Tám Khều (Phú Nhuận, TP HCM)

Học giả An Chi: Trước nhất, chúng tôi rất vui mừng được biết GS Ngô Thanh Nhàn (New York University) đã quan tâm đến bài của mình và đã nêu những ý kiến quý báu và bổ ích cho cả độc giả lẫn tác giả. Chúng tôi không cho là GS muốn biện hộ cho ông Nguyễn Khắc Bảo (GS vẫn viết “châu ngọc” trong lời kết của mình) nhưng vẫn xin nêu một vài ý nhỏ dưới đây để làm rõ thêm vấn đề với bạn Tám và các bạn đọc khác (hơn là với chính GS).

Chắc GS Ngô Thanh Nhàn cũng sẵn lòng hiểu rằng khi viết câu “Trước Nguyễn Du, Tàu đã có lời lời châu ngọc” làm nhan đề là An Chi chỉ muốn vận dụng bốn chữ đầu của câu Kiều thứ 1.316 để bác bỏ hai tiếng “châu dệt” cho… “giật gân” chứ làm sao chúng tôi lại không biết rằng “lời lời” khác “tự tự”, mà “hàng hàng” cũng chẳng phải là “thiên thiên”… Rồi với bốn đôi câu đối, những “mẫu trích” từ diễn đàn Internet bên Tàu, chúng tôi cũng chỉ muốn chứng minh rằng đó là cách hiểu và cách nói khá phổ biến đã ăn sâu vào tâm thức của dân gian bên Tàu chứ đâu có ý đem nó ra so sánh với “lời lời châu ngọc” của Nguyễn Du (nên cũng không cần nói rằng nó dở hoặc hay hơn và có “nguyên tắc” bằng bốn chữ này hay không). Nói chung là, với bài vừa rồi, chúng tôi muốn khẳng định rằng, trước Nguyễn Du trên 200 năm thì Tàu đã có hai hình thức so sánh lấy “châu ngọc” và “gấm thêu” (cẩm tú) làm “thước đo” để khen lời hay ý đẹp và để trả lời câu hỏi của bạn Tám Khều: “Văn thơ của  Tàu có cái gì na ná với tám chữ “Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” của Nguyễn Du hay không?”.

Chúng tôi hy vọng GS Ngô Thanh Nhàn cũng sẵn lòng hiểu giúp cho chúng tôi như thế. Bây giờ xin mạo muội nói qua về ý kiến mấu chốt của ông. GS viết:

“Mỗi lời là một hạt châu, nhiều hạt thành hàng hạt trước hạt sau - theo quan niệm của Linguistic String Project, Zellig Harris, người ta nói như kéo các hạt thành nhiều hàng (strings)… như dệt một bức gấm thành một cuộc trao đổi”.

Trước nhất, xin lưu ý rằng chữ “dệt” của GS Ngô Thanh Nhàn hoàn toàn khác với chữ “dệt” của ông Nguyễn Khắc Bảo. Với GS thì đối tượng - mà cũng là thành quả - của động từ “dệt” là bức gấm nhưng với ông Bảo thì  đối tượng của động từ này lại là (hạt) châu. Rất khác nhau: của GS là cách diễn đạt thông thường, bình thường còn của ông Bảo thì thất thường, phản thường (vì không phải là tiếng Việt). Trên Facebook, cũng có một bạn hỏi vui: Hay là ông Bảo suy luận rằng, ngọc cũng có thể được dệt bằng cách “xỏ cườm”? Xin trả lời ngay và thẳng rằng, dệt là dệt mà xỏ (xâu) là xỏ (xâu): xỏ (xâu) là một loại động tác diễn ra chỉ theo một chiều còn dệt thì theo hai chiều tung hoành (ngang dọc) nên tuyệt đối không thể đánh đồng hai thứ với nhau được. Với người Việt và tiếng Việt thì không ai dệt - mà lại dệt được?! - (hạt) châu bao giờ. Còn bây giờ, chúng tôi xin nói thêm vài điều liên quan đến ý kiến của GS Ngô Thanh Nhàn.

Từ “lời” mà GS đã viết trong “mỗi lời là một hạt châu” là một khái niệm không rạch ròi. Chúng tôi đoán rằng ở đây GS đã dùng nó để diễn đạt một cái nghĩa của danh từ “word” trong tiếng Anh. Nhưng ngoài “lời” ra, “word” còn có một nghĩa nữa là “từ”. Chẳng hạn, trong câu “You begin to string words together like beads to tell a story”, của Anna Lamott, thì “word(s)” là “từ” chứ không phải “lời” nên cả câu là “Bạn bắt đầu xâu chuỗi các từ với nhau như những hạt (chuỗi) để kể một câu chuyện”. Hoặc ở câu “I string my words together and take them apart again, endlessly, critically, looking at the “necklace” they create” của Susan Montgomery trong bài “Stringing Beads” (Xâu hạt [chuỗi]), trên blog “All The World’s Our Page”, thì “word(s)” cũng không phải “lời”, mà là “từ” nên cả câu là: Tôi xâu chuỗi các từ của mình với nhau và lại không ngừng tách rời chúng ra, có cân nhắc, mà nhìn vào sợi dây chuyền do chúng kết thành”. V.v... Chẳng qua ở đây GS Nhàn đã dùng từ “lời” để đồng nhất khái niệm của mình với “lời lời (châu ngọc)” của Nguyễn Du mà thôi.

Đến như cái khái niệm trung tâm mà GS Nhàn đưa ra ở đây là “string” mà ông dịch thành “hàng” thì chúng tôi cũng thấy là không xác đáng. Cao Xuân Hạo - Hoàng Dũng dịch thành “chuỗi [kế tiếp]” (Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học đối chiếu, Nxb Khoa học xã hội, 2005), tương ứng với cách dịch của Tàu thành “quán” [串]. Đây mới thực sự là một cách dịch xác đáng vì thực ra “string” được định nghĩa là “a linear sequence of symbols (characters or words or phrases)”, tức “một liên đoạn tuyến tính của ký hiệu (chữ [ký tự] hoặc từ hoặc ngữ đoạn)” mà như vậy thì nó có thể nhỏ hoặc lớn hơn “hàng” (dòng). Vậy “hàng” và “chuỗi” chỉ là hai khái niệm giao thố trong đó cái vừa khít với “string” là “chuỗi” chứ không phải “hàng”. Ta cứ xem định nghĩa thông thường sau đây về câu (sentence) thì thấy: “a string of words satisfying the grammatical rules of a language”, tức “một chuỗi từ đáp ứng quy tắc ngữ pháp của một ngôn ngữ”. Hiển nhiên là trong định nghĩa này thì “string” không thể là “hàng” được. Vậy chẳng qua là, cũng giống như trong trường hợp trên kia, ở đây GS Nhàn đã dùng “hàng” để đồng nhất khái niệm của mình với “hàng hàng (gấm thêu)” của Nguyễn Du mà thôi.

Cuối cùng, xin nói rằng GS Ngô Thanh Nhàn muốn “hợp nhất” chữ “lời” (mà thực chất là “từ”) và chữ “hàng” (mà thực chất là “chuỗi”) của ông với chữ “lời” và chữ “hàng” của Nguyễn Du (trong câu Kiều 1.316) nhưng có lẽ cũng nên chú ý rằng chữ của Nguyễn Du thuộc phạm vi khuôn sáo còn chữ của ông thì lại chính cống là thuật ngữ khoa học của Linguistic String Project.

Xin trân trọng cám ơn GS Ngô Thanh Nhàn đã quan tâm đến bài viết của An Chi và cũng không quên cám ơn bạn Tám Khều đã đặt lại vấn đề để chúng tôi có cơ hội trình bày cho rõ thêm ý kiến của mình.

A.C