Không thèm làm "quân tử"

07:00 | 08/02/2014

|
Bạn đọc: Sau khi đọc bài “Trần Trọng Kim và Việt Nam sử lược” của ông An Chi trên trang “Nhà văn TP HCM”, ba độc giả ký tên vuduchuy, tathuphong và Phèn đã có nhận xét rất gay gắt. Xin ông cho biết mình có suy nghĩ như thế nào về những ý kiến đó? Xin cảm ơn. Nguyễn Đăng Thi (Q10, TP HCM)

>> Trần Trọng Kim và “Việt Nam sử lược”

Học giả An Chi: Xin nói với bạn rằng, “Nhà văn TP HCM” là trang mà chúng tôi thường xuyên lui tới. Ý kiến nhận xét về bài “Trần Trọng Kim và Việt Nam sử lược” của ba người mà bạn đã nêu thì chúng tôi cũng đã thấy nhưng thường thì chúng tôi không có thói quen dành thì giờ để trả lời cho loại ý kiến đó, không chỉ trong trường hợp này, cũng như không chỉ ở trang “Nhà văn TP HCM”, mà cả ở những nơi khác. Nhưng lần này, do bạn đã thẳng thắn hỏi thì chúng tôi cũng thẳng thắn trả lời như sau.

Độc giả Phèn (11/12/2013) đã viết về Trần Trọng Kim và An Chi:

“Việc một tác giả bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa mình được hấp thụ là chuyện dễ hiểu, không đáng bị xỉ vả hay hạ thấp nhân cách, thậm chí thâm thù, chụp mũ như kiểu An Chi đã làm”.

Xin thưa rằng, ông (?) Phèn đã không phân biệt được sự hấp thụ về văn hóa với lập trường chính trị. Đó là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Xin lấy một trường hợp “sống” làm thí dụ để ông Phèn dễ thấy ra vấn đề. Đó là trường hợp của chính An Chi. Hắn ta dân Tây (làng Pháp); mà theo giấy khai sinh hợp pháp, hắn còn là con Tây nữa, chứ không phải dân ta nhập tịch. Từ nhỏ, hắn đã được hai bên nội ngoại gọi bằng tên Tây ngay trong gia đình cho đến… Cách mạng Tháng Tám, rồi sau đó hắn lại mang tên Tây để vào học trường Tây. Hai, ba năm đầu sau khi Nam Bộ kháng chiến, cuộc sống của Tây ở Sài Gòn còn gặp khó khăn về vật chất, thì hắn vẫn có phiếu do Tây cấp để mua vải vóc, bơ, sữa và mỗi buổi sáng một nửa ổ bánh mì Poitou. v.v... và v.v... Nhưng tức cười là hắn lại chống Tây và đã nhiều lần đòi vô bưng (nhưng gia đình thấy hắn còn con nít nên không đồng ý). Hắn là thằng “con Tây” đã tự động bỏ buổi học để đi đưa tang Trần Văn Ơn. Ở trường Tây, hắn đã sửa lưng bà đầm giáo sư Pháp văn vì ma-đam này vẫn còn trịch thượng gọi đồng bào của hắn là “Annamite” (mà hắn đã đứng dậy sửa thành “Vietnamien”). Vì vụ này hắn đã bị bà đầm làm “lập bo” đưa lên hội đồng kỷ luật và hắn bị đuổi học. Nhà trường đã cho chạy công văn đến từng lớp học và dán thông cáo cho toàn trường biết hắn bị đuổi học vì đã phạm lỗi chính trị. Dĩ nhiên, đây chỉ là chuyện cực nhỏ bên cạnh những tấm gương xả thân vì nước cao cả, vĩ đại. Cậu ruột của hắn ta, cũng “con Tây” y chang hắn, học trường Tây Ecole primaire des jeunes garçons français (trường tiểu học của thiếu niên Pháp), cách đây trên 80 năm, lại đi làm Việt Minh, bị Tây bắt xử tù rồi đày ra Côn Nôn. Hết hạn tù, được trả tự do, về đất liền, lại tiếp tục hoạt động Việt Minh. Đến thời chống Mỹ lại làm Việt Cộng, bị quốc gia bắt (vụ Trần Văn Đang ở Sài Gòn) đưa lên Biên Hòa mà vẫn không tỡn… Dĩ nhiên ông ta đã được Huân chương Kháng chiến. Đấy, chúng tôi chỉ muốn nêu hai thí dụ xoàng xĩnh như thế để ông Phèn dễ dàng thấy rằng không phải hễ có hấp thụ văn hóa của Tây thì có thể theo Tây một cách dễ dãi và… thật lòng.

Có lẽ chỉ là do đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu với Trần Trọng Kim nên ông Phèn mới viết như trên mà thôi chứ An Chi chẳng việc gì mà phải thâm thù ông Kim, mà cũng không hề xỉ vả ông ta. Chuyện này, nếu thật lòng và thật sự khách quan thì có thể thấy một cách hoàn toàn dễ dàng nên An Chi cũng bất tất phải thanh minh thanh nga.

Còn độc giả tathuphong (11/3/2013) thì viết:

“Tôi không đồng tình với phán xét của học giả An Chi. Theo tôi, người viết sử phải khách quan, ghi chép lại những sự việc từ nhiều góc nhìn chứ không phải khăng khăng theo chủ nghĩa dân tộc hay một định hướng nào (…). Tôi không hiểu quan niệm của ông An Chi về “người chép sử” là gì. Nhưng hình như cho rằng chép sử Việt phải là người có tinh thần Việt, phải có “định hướng” ta là người Việt Nam thì phải. Với tôi, ông đã nhầm, thưa ông An Chi”.

Quan niệm của An Chi về “người chép sử”? Rất rõ ràng. Đó là người: 1. Chép đúng y chang 100% sự kiện lịch sử; 2. Nếu có nêu nguyên nhân của sự kiện thì phải quy về cho đúng boong chỗ cần thiết (không định hướng, đúng như lời ông tathuphong); 3. Phải đứng về phía chính nghĩa nếu muốn đưa ra ý kiến phê phán. Rất đơn giản. Vậy, cứ theo tiêu chuẩn của An Chi thì Trần Trọng Kim đã đạt được điểm son khi ông ta chép về dự định đánh Đà Nẵng rồi tiến vào lấy Huế của Rigault de Genouilly:

“Nhân vì khi trước các giáo sĩ đều nói rằng hễ quân Pháp sang đánh, thì dân bên đạo (Công giáo - AC) khắc nổi lên đánh giúp, đến nay không thấy tin tức gì, mà quân lính của trung tướng (Rigault de Genouilly - AC) thì tiến lên không được (…)” (Việt-Nam sử-lược, Nxb Tân Việt - Hà Nội, in và phát hành tại Sài Gòn, 1949, tr.489).

Nhờ cái điểm son trên đây của ông Kim mà An Chi đã có cơ sở để phê phán:

“Dĩ nhiên là khi viết những dòng trên đây thì Trần Trọng Kim đâu có ngu xuẩn mà không biết rằng các cố đạo là những tên đi tiền trạm cho binh lính đến sau và trong hàng ngũ giáo dân thì cũng không thiếu những kẻ vì “nước Chúa” mà sẵn sàng phản bội Tổ quốc”.

Ông tathuphong phản đối quan niệm cho rằng “người chép sử Việt phải là người có tinh thần Việt, phải có định hướng ta là người Việt Nam”. Dĩ nhiên là với quan niệm này của ông tathuphong thì Trần Trọng Kim đã đạt được một điểm son: ông ta đâu có tinh thần Việt; tinh thần của ông ta là tinh thần Pháp kia mà. Chẳng thế mà ông ta đã viết một cách “ngon ơ”:

“Trong thời đại khó khăn như đời vua Dực Tôn, mà vua quan cứ khư khư giữ lấy thói cũ, không biết theo thời mà mở nước cho người ta vào buôn bán, không biết nhân dịp mà khai hóa dân trí, lại vì sự sùng tín mà đem giết hại người trong nước và đem làm tội những người đi giảng đạo. Bởi những sự lầm lỗi ấy, cho nên nước Pháp mới dùng binh lực để báo thù cho những người bị giết hại” (Xin theo chính tả hiện hành cho tiện - Sđd, tr.487).

Bất cứ ai còn sáng mắt sáng lòng cũng có thể thấy rằng, Trần Trọng Kim đã biện hộ cho hành động xâm lược của giặc Pháp khi ông ta viết “nước Pháp mới dùng binh lực để báo thù cho những người bị giết hại”. Pháp thì vừa ăn cướp vừa la làng còn Trần Trọng Kim thì hùa theo bọn cướp mà đổ thừa cho hành động đối phó chính đáng của vua quan nước mình. Với kiểu lý sự này thì hiển nhiên Trần Trọng Kim không phải là “người chép sử Việt có tinh thần Việt”, hoàn toàn đúng với tâm tư của ông tathuphong. Ông tathuphong cho rằng người viết sử không được “có tinh thần Việt”. Vậy thì chỉ còn có tinh thần của một bọn vong quốc nô để lựa chọn mà thôi!

Còn ông vuduchuy (16/11/2013) thì viết:

“Thử hỏi đôi mắt chủ quan của một nhà sử học làm sao có thể xuyên suốt và thấu đáo được cả một tiến trình lịch sử (…) Và sau mỗi đoạn sử thường có những nhận định, đánh giá tuy chủ quan nhưng làm lộ rõ tâm tình của nhà viết sử mà học giả An Chi đánh giá là một “giọng văn thiểu não” (…) Là một học giả, ngoài kiến thức và tầm hiểu biết cần có cái tâm trong sáng, lòng bao dung, viết như vậy hóa ra học giả An Chi đã làm cái hành động “lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử” đó sao? (…) Mong tác giả hãy đính chính lại những suy nghĩ của bản thân để không gây ra những lỗi lầm đáng tiếc”.

Trong bài của mình, An Chi hoàn toàn không đề cập đến cái nhìn xuyên suốt và thấu đáo của Trần Trọng Kim về cả một tiến trình lịch sử mà chỉ phân tích mấy sự kiện cụ thể, có tên gọi riêng biệt và rành mạch. Vả lại, đây không phải là chuyện thừa hay thiếu sự kiện, mà là chuyện quan điểm và ông Kim phải là người chịu trách nhiệm về quan điểm của mình. Ông vuduchuy cũng hoàn toàn không chính xác -  hay là ông cố ý xuyên tạc? - khi khẳng định rằng An Chi đánh giá công trình của Trần Trọng Kim có một giọng văn thiểu não. Không hề. Chúng tôi chỉ dùng cái danh ngữ này để riêng chỉ những lời ai oán của Trần Trọng Kim khi ông ta kể về “những thảm trạng của các người giáo sĩ đi truyền đạo ở nước ta” mà thôi. Và cũng chỉ riêng về  chuyện này. Mà An Chi cũng thà làm “tiểu nhân” để phê phán kẻ đã tự nguyện bào chữa cho hành động cướp nước của giặc chứ không thèm làm “quân tử” mà biện hộ cho chúng như tác giả của Việt-Nam sử-lược. An Chi cũng không hiểu ông vuduchuy lấy tư cách gì mà đề nghị hắn “hãy đính chính lại những suy nghĩ của bản thân để không gây ra những lỗi lầm đáng tiếc”. Lên án hành động bào chữa cho bọn cướp nước là lỗi lầm à?

Thực ra, trên đây là những ý kiến mà chúng tôi đưa ra xuất phát từ sự nể nang đối với bạn đọc Nguyễn Đăng Thi, chứ đối với ý kiến của ông vuduchuy, ông tathuphong và ông Phèn thì chúng tôi không có gì để nói vì chúng tôi bàn chuyện cụ thể còn các vị thì chỉ toàn nói theo cảm tính chung chung. Cũng xin nhấn mạnh rằng chúng tôi không đặt cho mình nhiệm vụ đánh giá cống hiến của Trần Trọng Kim về mặt văn hóa nói chung, với những công trình biên khảo có được nhờ những kiến thức uyên bác.

Bài viết của chúng tôi - ở đây thực chất là câu trả lời cho bạn đọc - có trọng tâm, trọng điểm riêng của nó, trong đó chúng tôi chỉ nhận xét về quyển Việt-Nam sử-lược của Trần Trọng Kim thông qua sự phê phán những lời tâng bốc quá đáng của tác giả Mai Khắc Ứng về quyển sử này và tác giả của nó mà thôi. An Chi vẫn có đủ đầu óc tỉnh táo và tinh thần khách quan để thấy những cống hiến nhất định của ông Kim chứ không hề phủi sạch tất tần tật những gì ông ta đã lao tâm khổ tứ để viết ra. Chẳng hạn, đánh giá chung về quyển Việt-Nam sử-lược của Trần Trọng Kim, chúng tôi đã viết rành mạch như sau:

“Đây là một quyển sử có ảnh hưởng sâu rộng đối với nhiều thế hệ người Việt Nam và trong nửa đầu của thế kỷ XX thì nó gần như là một quyển sách độc tôn về lịch sử tương đối đầy đủ và có hệ thống của đất nước và dân tộc” (“Cả dân gian lẫn trí thức đều có thể sai”, Năng lượng Mới số 268, ngày 25/10/2013).

Hoặc như, khi Trương Chính kết luận oan cho Trần Trọng Kim rằng, ông này đã sai thì An Chi cũng đã khách quan bênh vực cho cái đúng của học giả họ Trần. Trương Chính viết:

“Trần Trọng Kim viết: Lý thuyết Nho giáo hủ hóa, với nghĩa hư hỏng, không còn tốt đẹp nữa. Tiếng Việt chỉ thừa nhận nghĩa: quan hệ nam nữ bất chính về xác thịt (…)” (“Từ Hán Việt, Hán mà không Việt”, Thế giới mới, số 54, tr.45).

An Chi nhận xét:

“Trần Trọng Kim hoàn toàn đúng khi dùng từ hủ hóa theo nghĩa “hư hỏng, không còn tốt đẹp nữa”. Còn cái nghĩa “quan hệ nam nữ bất chính về xác thịt” mà Trương Chính nêu lên thì lại chỉ bắt đầu được dùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) nhưng cũng không phải là rộng rãi trong cả nước mà chỉ ở vùng chiến khu và vùng tự do. Sau 1954, nó mới được dùng rộng rãi trên cả miền Bắc và ở một số vùng căn cứ của miền Nam. Sau 1975, chưa kịp trở nên thông dụng ở những vùng còn lại của miền Nam thì hình như nó đã... chết (…) Vẫn biết rằng có thể là Trương Chính đã căn cứ vào từ điển - chẳng hạn Từ điển tiếng Việt 1992 cũng giảng hủ hóa là “có quan hệ nam nữ về xác thịt bất chính” - nhưng người ta chỉ nên theo cái đúng của từ điển chứ không thể theo cái sai của nó được, vì chẳng có ai dám quả quyết rằng đã là từ điển thì không bao giờ sai. Tóm lại, Trần Trọng Kim không hề sai như Trương Chính đã tưởng” (“Chuyện Đông chuyện Tây”, Kiến thức Ngày nay, số 143, 15/7/1994).

Đấy, chuyện nào ra chuyện đó. Đối với việc Trần Trọng Kim làm thầy kiện bào chữa cho hành động xâm lược của giặc Pháp thì An Chi dứt khoát không khoan nhượng.

A.C