“Em” [M] không đến từ “Dê” [D]

07:50 | 31/01/2015

|
Bạn đọc: Tại “Chuyện Đông chuyện Tây” của Kiến thức Ngày nay số 193 (1/12/1995), ông An Chi đã viết về tên của báo Nông cổ mín đàm như sau: “Mín” là dạng viết sai chính tả của chữ “mính”, Hán tự là [茗], mà một số người đã đọc thành “dánh”.” Cũng liên quan đến vấn đề M ↔ D, trong bài “Lại ‘kiêng huý’!” (Tìm hiểu từ nguyên, 2 July 2012), tác giả Cao Tự Thanh có viết: “Cái ranh giới Việt Hán - Hoa Hán trên lãnh vực này dần dần xuất hiện và định hình: Về cơ bản người Việt vẫn bảo lưu cách đọc thời Đường (Đường âm) trong khi qua các thời Tống Nguyên Minh Thanh người Trung Quốc đã lần lượt trải qua nhiều cách đọc khác. Chẳng hạn vào khoảng cuối Minh đầu Thanh, ngôn ngữ Trung Quốc đã bắt đầu mất phụ âm đầu D khiến Dân (nhân dân), Diểu (xa) chuyển thành Mín, Miểu (…)”. Xin hỏi ông An Chi có nhận xét gì về ý kiến của ông Thanh. Xin cảm ơn. Năm Méo Mó (Bình Thạnh, TP HCM)

Năng lượng Mới số 395

Học giả An Chi: Ông Cao Tự Thanh đã khẳng định tréo ngoe. Sự thật là trong mối quan hệ M D ở đây thì chính dân Tàu mới giữ M lại còn người Việt thì đã đổi M thành D trong một số trường hợp mà Nguyễn Tài Cẩn đã giải thích như sau:

“Nguồn gốc thứ hai của D là thanh mẫu minh. Về trường hợp này, H. Maspéro đếm được khoảng 30 chữ. Nhưng trong thống kê của chúng tôi, chúng tôi chỉ tìm được hơn một chục những chữ đáng được coi là thông dụng nhất. Đây là quá trình (…) minh ở tam giáp A lúc đầu cho ta [mj]. Về sau yếu tố [m] rụng và chỉ còn lại [j].” (Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979, tr.208-9).

Trong Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (Nxb Giáo dục, 1995), Nguyễn Tài Cẩn cũng có nhắc lại:

 “D Hán Việt phần lớn bắt nguồn từ *[j] (thanh mẫu gọi là Dương hoặc ) và một bộ phận từ *mj (tức một trường hợp nhỏ nằm trong thanh mẫu Minh (*[m])”. (tr.64).

Nguyễn Tài Cẩn đã phân tích như trên và có nhắc tới H. Maspéro. Tác giả này cũng tìm thấy D < M (D đến từ M) trong mối quan hệ M D. Còn về phần mình thì chúng tôi xin đưa ra mấy dẫn chứng sau đây.

Dẫn chứng đầu tiên mà chúng tôi đưa ra cho hiện tượng D < M là một thí dụ ngoạn mục, có thể coi là điển hình. Đó là chữ “diệu” [妙], mà thanh mẫu (tức phụ âm đầu) là M, như đã được cho trong nhiều quyển từ điển  tiếng Hán. Từ nguyên (bản cũ) và Từ hải (bản cũ), chẳng hạn, đều cho thiết âm của nó là “mị diệu thiết” [寐耀切]. Vậy âm của nó phải là “m[ị] + [d]iệu” = miệu. Nhưng tiếng Việt còn lưu giữ một âm xưa hơn cả “miệu” nữa. Đó là “miều”. “Miều” xưa hơn “miệu” vì ngữ âm học lịch sử về các yếu tố Hán Việt đã khẳng định rằng trong những từ cùng gốc thì từ có thanh 2 (dấu huyền) xưa hơn  (xh) từ mang thanh 6 (dấu nặng): - “loàn” trong “lăng loàn” xh “loạn” trong “lăng loạn”; - “liều” trong “liều lượng” (đã trở thành danh từ) xh “liệu” trong “liệu lượng”; - “lồ” trong “lõa lồ” xh “lộ” trong “lõa lộ”; - “lề” trong “đất lề quê thói” xh “lệ” trong “luật lệ”; - “màn” trong “màn ảnh” xh hơn “mạn” [幔], có nghĩa là “màn”; - “mồ” trong “mồ mả” xh “mộ” trong “mộ chí”; - “nài” trong “kêu nài” xh “nại” trong “khiếu nại”; v.v... Vậy “miều” xưa hơn  “miệu” và về mối quan hệ này thì ta đang có một một bằng chứng tuyệt đối không có cách gì phủ nhận được. Đó là sự tồn tại của hình vị ràng buộc (bound morpheme) “miều” trong cấu trúc “mỹ miều” (nay được dùng theo nghĩa xấu!) mà âm Hán Việt hiện đại là “mỹ diệu”, chữ Hán là [美妙] được iciba.com dịch là “beautiful; splendid; wonderful; sweetness” (đẹp đẽ; rực rỡ; kỳ diệu; [sự] ngọt ngào).  Hình vị “miều” còn có một điệp thức là “mầu” trong “chước mầu”, “phép mầu”, “mầu nhiệm”. Mối quan hệ IÊU ÂU giữa “miều” và “mầu” còn có thể thấy với một vài trường hợp khác như: - “biều” [瓢] là vỏ bầu khô để múc hoặc đựng nước với “bầu” trong “bầu rượu nắm nem”; - “kiều” trong “kiều lộ” với “cầu” trong “cầu đường”; - “yêu” trong “yêu đương” với “âu” trong “anh âu duyên mới (…)”; - “yếu” trong “yếu đuối” với “ấu” trong “ấu nhược” [幼弱].

Chữ “diện” [面] là mặt, là phía, hướng, theo đúng thiết âm đời Đường phải là “miện”, mà âm xưa hơn nữa là “miền”. Nghĩa gốc của “miền” cũng là phía, hướng, đã cho ra nghĩa phái sinh thông dụng là vùng đất ở phía được nói đến như trong “Bến xe Miền Đông”; “Miền Nam”, “Miền Bắc”. “Miện” còn có một điệp thức là “mạn” trong “mạn ngược”. Về mối quan hệ IÊN AN, ta cũng có những dẫn chứng: “yên” “an”; “kiền” “càn”; “thuyền” “thoàn” (Cách đây trên nửa thế kỷ, trong Nam vẫn dùng danh ngữ “thuỷ phi thoàn” để chỉ thủy phi cơ); v.v…

Chữ “di” [彌] là lâu dài, xa xôi, đúng theo phiên thiết đời Đường (và trước đó) phải đọc thành “mi” nên người Tàu ngày xưa mới dùng nó để phiên âm âm tiết thứ hai của từ Sanskrit “amita” là vô lượng thành “a-mi-đà” [阿彌陀], mà ta đã đọc thành “a-di-đà”. Điều này chứng tỏ là Tàu có M và đã phiên sát âm còn ta đã đọc “trật quỹ đạo” (thành “di”) do xu hướng [mj > j] của Tàu mà ta đọc [j] thành [z].

Chữ “diệt” [搣] là vuốt, vuốt xuôi xuống, đúng theo phiên thiết đời Đường phải đọc thành “miệt”, vẫn có mặt trong “từ láy giả hiệu” là “mài miệt” (hoặc “miệt mài”), hiện được dùng theo nghĩa bóng để chỉ sự kiên nhẫn tập trung cho công việc. Nó có một điệp thức mang thanh 5 là “miết”, một từ độc lập và là một động từ như trong “miết hồ”, “miết xi-măng”.

Chữ “dẫn” [泯] là hết, kiệt, nếu đọc đúng theo phiên thiết đời Đường thì phải là “mẫn” hoặc “mân”, xưa hơn nữa là “mần”; nó có một điệp thức là “mằn” trong “cùn mằn”. Cấu trúc đẳng lập này vẫn còn tồn tại trong phương ngữ Nam Bộ.

Trong văn tự học, ta cũng thấy có trường hợp D < M, chẳng hạn chữ “dăng” [蠅] là con nhặng, là một hình thanh tự (chữ hài thanh) mà thanh phù là “mãnh” [黽], chứng tỏ là ở đây M (của “mãnh”) có trước D (của “dăng”).

Cứ như trên thì chỉ có ta mới biến M thành D trong một số trường hợp mà Tàu vẫn giữ nguyên chứ không phải Tàu đã đánh mất D trong những trường hợp này. Ông Cao Tự Thanh khẳng định “vào khoảng cuối Minh đầu Thanh, ngôn ngữ Trung Quốc đã bắt đầu mất phụ âm đầu D khiến Dân (nhân dân), Diểu (xa) chuyển thành Mín, Miểu”. Hy vọng ông sẽ chứng minh được bằng phiên thiết đời Đường rằng nhũng chữ này có phụ âm đầu D trong tiếng Tàu thời đó để chúng tôi xóa bỏ bài này của mình. Thiên đại luận của ông thực ra là một câu trả lời cho người hỏi mà ông đã mở đầu như sau: “Mới ra Sài Gòn về thì thấy cái này chỗ quick comment, vừa bực mình vừa buồn cười nhưng vì đã hơi say nên chưa tiện trả lời.” Vậy không biết khi trả lời thì ông Cao Tự Thanh đã tỉnh rượu chưa hay là ông vẫn còn say?

A.C