“Dư địa”, “dư thừa” và “thừa dư”

08:07 | 19/10/2014

|
Bạn đọc: - Xin ông giải đáp giùm từ “dư địa”. Trân trọng (Duong Hung Son, Vietnam Petroleum Institute). - Xin ông cho biết chữ “thừa” là nghĩa của chữ “dư” có liên quan gì đến những chữ “thừa” trong “thừa hưởng”, “thừa số”, nhất là “thừa dư” không? Xin cảm ơn! Nguyễn Quí Hữu (Thị Nghè, TP HCM)

Học giả An Chi: Danh ngữ “dư địa”, chữ Hán là [餘地], đã được Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng là “đất dư”. Mathews’Chinese English Dictionary dịch là: 1. spare ground (đất thừa, đất trống); 2. an allowance (sự chiếu cô, sự dung thứ); 3. a loophole (kẽ hở; lối thoát). Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giảng là “chỗ đất thừa - khoan dung”. Từ điển Hán Việt do Trần Văn Chánh biên soạn (Nxb TPHCM, 1999) dịch là “chỗ nới, phần linh động”. Từ điển Hán - Việt do Phan Văn Các chủ biên (NXB Tổng hợp TP HCM, 2008) dịch là “khoảng trống - chỗ để xoay xở - chỗ chừa lại - chỗ nới - phần linh động”.

Gút lại, “dư địa” [餘地] có nghĩa gốc là đất trống, đất thừa và nghĩa bóng là chỗ để xoay xở. Nhưng ta còn có hai tiếng “dư địa” [輿地] khác, với chữ “dư” viết là [輿]. Chữ “dư” này có hai nghĩa quen thuộc là: 1. “xe”, như “kiên dư” (xe vai) tức cái kiệu, “thừa dư” là đi [= ngổi trên] xe; 2. “đất”, như “dư địa” là đất đai, “phương dư” là vùng đất rông lớn; “dư dịa chí” [輿地誌] (ở ta thường gọi là “địa dư chí”, ngày nay thường gọi tắt là “địa chí”), là sách ghi chép tổng hợp  về  địa lý, lịch sử, phong tục, sản vật, nhân vật, v.v… của một địa phương. Vào nửa đầu của thế kỷ XX, ta vẫn còn gọi môn địa lý là “địa dư”.

“Chữ “thừa” [乘] trong “thừa dư” [乘輿] có nghĩa là “cưỡi”, “ngồi trên một vật gì  để vật đó chở mình đi”, như “thừa long” [乘龍] là “cưỡi rồng” (nghĩa đen), “thừa mã” là “cưỡi ngựa, v.v… Vậy chữ “thừa” này không có liên quan gì đến chữ “thừa” là dư. Cũng xin lưu ý rằng tiếng Việt chỉ dùng từ tổ “dư thừa” để chỉ ý “dôi ra” chứ không nói “thừa dư”. Chữ “thừa” trong “thừa số” cũng không liên quan gì đến chữ “thừa” là dư; nó có nghĩa là nhân lên. Vậy “thừa số” là một trong những vế (thành phần) của một phép nhân (tích). Cũng vậy, “thừa” trong “thừa hưởng” có nghĩa là “kế tục”, “tiếp nhận”, v.v… nên cũng chẳng dính dáng gì đến chữ “thừa” là dư.

Nhưng điều rất quan trọng cần phải biết là những chữ [乘], [承] và [丞] mà các quyển từ điển Hán Việt đều phiên âm là “thừa” thì, theo phiên thiết, lại hoàn toàn không có âm này. Đúng theo phiên thiết thì ba chữ đó phải đọc là “thằng”. Tất cả các quyển từ điển chữ Hán đều cho phiên thiết như thế. Hiện nay ta còn có chữ “thặng” [剩] trong “thặng dư”, là một chữ hình thanh mà thanh phù là “thằng” [乘]. Vậy ta có thể kết luận rằng “thặng” là âm đúng phiên thiết còn “thừa” là âm lệch với phiên thiết của ba chữ đang xét. Nhưng tại sao lại có hiện tượng này? 

Nguyên nhân đích thực thì chúng tôi chưa tìm ra mà chỉ mới thoáng có ý nghĩ như sau. Nếu đọc đúng phiên thiết thì cái chức quan đứng đầu trong triều đình phong kiến là “thừa tướng” [丞相] phải được đọc thành “thằng tướng”. Có lẽ do âm chính cống (“thằng”) ở đây đồng âm với danh từ đơn vị (trước đây thường gọi là loại từ) “thằng” trong “thằng bé”, “thằng bợm”, “thằng ăn trộm” v.v... nên người ta đã phải nói trớ “thằng” thành “thừa” để phân biệt “thằng tướng” với “thằng bợm” chăng? Và vì chữ “thằng” này đã bị đọc trẹ đi nên hai chữ vốn là đồng âm kia cũng chịu chung số phận? Xin nêu vấn đề như thế để chờ ý kiến của các bậc thức giả.

Điều cuối cùng chúng tôi muốn nói đến là: trong từ tổ “dư thừa” thì “thừa” chính là điệp thức của “dư”, do mối tương quan ngữ âm lịch sử D↔TH mà chúng tôi đã nói đến trong bài “Dược và Thuốc” trên Năng lượng mới số 344 (1-8-2014). Ở đây, xin nhắc lại một số trường hợp:

Chữ “dã” [也] (= cũng) hài thanh cho chữ “tha” [他] (= nó, hắn);

Chữ “dặc” [弋] (= cái cọc) hài thanh cho chữ “thắc” [忒] (= sai lệch);

Chữ “dâm” [冘] hài thanh cho chữ “thẩm” [抌] (= đánh mạnh, đấm);

Chữ “dẫn” [引] trong “dẫn dụ”, “dẫn chứng”, v.v., hài thanh cho chữ “thẩn” [矧]  (= lợi, nớu răng);

Chữ “dật” [泆] trong “dâm dật” được hài thanh bằng chữ “thất” [失] (= mất);

Chữ “dậu” [酉] hài thanh cho chữ “thu” [緧] (= dây buộc chân trâu, bò vào xe);

Chữ ‘du” [俞] (= vâng [tiếng trả lời ung thuận]) hài thanh cho chữ “thâu”
[偷] (= cẩu thả);

Chữ “duệ” [兌] (= nhọn) hài thanh cho chữ “thuế” [稅] trong “tô thuế”;

Chữ “dư” [予] (= ta, tiếng dùng tự xưng) hài thanh cho chữ “thư” [紓] (= duỗi ra);

V.v... và v.v…

Tuy nhiên, trên đây ta chỉ mới nói về những người “bà con”, nghĩa là về những chữ dùng để hài thanh và những chữ được hài thanh đều là Hán Việt. Còn trong trường hợp của “dư” và “thừa” thì “dư” được mặc nhận là Hán Việt nhưng “thừa” thì bị xem là phi Hán Việt (vì người ta không tìm được một chữ Hán nào đọc là “thừa” mà lại có nghĩa là “dư”). Những trường hợp như thế này tuy không nhiều nhưng vẫn có, mà “dược” và “thuốc” là một cặp đã được chúng tôi nói đến trên báo Năng lượng Mới số 344: “dược” là Hán Việt còn “thuốc” bị mặc nhận là phi Hán Việt. Ngoài ra, ta còn có “thùng” (bị mặc nhận là phi Hán Việt) là điệp thức của “dũng” [桶] là cái… thùng. Cuối cùng, “thềm” là điệp thức của “diêm” [檐] là… thềm nhà. Chữ này chỉ có âm “diêm” nhưng có vài quyển từ điển còn ghi thêm cho nó cả âm “thiềm”; còn Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh và Việt Hán thông thoại tự vị của Đỗ Văn Đáp chỉ ghi cho nó âm “thiềm” (là âm mà nó không có). Riêng Hán Việt tự điển của Thiều Chửu thì chính thức ghi cho nó âm “diêm” nhưng có phụ chú: Ta quen đọc là “thiềm”.

A.C