“Đọc vị” chỉ là biệt ngữ của trò xóc đĩa

09:36 | 02/07/2013

|
Bạn đọc: Tôi và mấy người bạn đã đọc bài “Khó mà biết “đọc vị” là gì” của ông trên Năng lượng Mới số 232 (21/6/2013). Một người bạn của tôi nói rằng hai tiếng “đọc vị” là cách nói của làng cờ bạc. Mong ông tìm hiểu xem có đúng như thế không và ngoài ra, liệu còn có cách giải thích “khả dĩ” nào khác nữa? Xin cám ơn ông. Trần Đức Thuận (Ba Đình, Hà Nội)

Học giả  An Chi: Tuy chưa đến mức có thể nói là phổ biến nhưng hai tiếng “đọc vị” cũng bắt đầu được dùng khá nhiều, như có thể thấy được trên mạng:

- “Đọc vị” tâm lý chàng (ĐấtViệt).

- “Đọc vị” chàng nhát gái (vietdethuong.com).

- Vợ học cách “đọc vị” chồng qua iPhone (lohoatrangtri.com)

- “Đọc vị” chàng trai nhóm máu AB (ĐấtViệt)

- “Đọc vị” những cô gái thời nay qua phim Việt (xahoi.com.vn)

- 5 cách “đọc vị” đối phương thay lòng (cuocsonghiendai).

- “Đọc vị” anh chàng lang chạ (anvietson.info).

Không chỉ giữa chàng và nàng, mà trong làng bóng đá, người ta  cũng “đọc vị”:

- “Đọc vị” 6 chiến thuật “kỳ dị” Ngoại hạng Anh (megafun.vn, 17/9/2012).

- Ai “đọc vị” ai? (bongda.com.vn, 7/11/2010 ).

Dân kinh doanh cũng “đọc vị”:

- “Đọc vị” thế giới máy tính bảng (itnews.vn).

- “Đọc vị” những công thức thời trang “ruột” của loạt kiều nữ Việt (Kenh14.vn,18/6/2013 ).

- “Đọc vị” và chinh phục bằng thủ thuật tâm lýá (Blog của Quách Tuấn Khanh, “diễn giả hàng đầu Việt Nam”).

- “Đọc vị” khách hàng (tên một cuốn sách dịch từ tác phẩm của Michael Wilkinson).

Đặc biệt, trong làng văn nghệ, người ta cũng “đọc vị”, chẳng hạn Trịnh Quốc Dũng đã “Thử “đọc vị” Nguyễn Trọng Tạo” tại trang nhacnguyentrongtao.wordpress.com.

Hai tiếng “đọc vị” đã trở thành một thứ virus - dĩ nhiên là độc hại - đang có nguy cơ lây lan nhanh và mạnh trong làng văn, làng báo nước ta, mà người sử dụng chỉ biết “nói theo” chứ thực sự không biết cách dùng. Tìm hiểu kỹ về nó, do đó, cũng là một việc cần làm. Có bạn đọc đã gợi ý cho chúng tôi rằng, đây có thể là chữ “vị” trong “quý vị”, thậm chí trong “học vị”. Có bạn lại cho rằng ở đây “vị” được hiểu là sở thích (có lẽ từ “mùi vị” mà ra chăng?), suy rộng ra là tâm tư, tình cảm; mà đã hiểu được chúng, tức là đã “hiểu thấu” một con người. V.v. và v.v.. Nhưng tất cả đều chỉ là kết quả của những sự suy diễn tuy đầy thiện ý nhưng lại không thích đáng về lai lịch của chữ “vị” này. Chỉ có hai bạn Thaothuc Sg (TP HCM) và Lê Tiên Long (Hà Nội) là đã nêu đúng nguồn gốc của nó. Bạn Thaothuc Sg viết:

“Vị ở đây có nghĩa là đồng xu trong trò chơi cờ bạc mang tên xóc đĩa. Để bắt đầu, người cầm cái cho hai đồng xu vào cái đĩa rồi úp cái bát lên trên và xóc... Khi người cầm cái đặt đĩa, bát xuống thì người chơi sẽ đặt cửa để cá độ (hai đồng xu úp, hay hai đồng xu ngửa hoặc một úp một ngửa...) Người chơi giỏi được gọi là người giỏi “đọc vị”: tức là giỏi đoán được kết quả”.

Bạn Lê Tiên Long tán thành ý kiến của bạn Thaothuc Sg và viết thêm:

“Vị đây là thuật ngữ cờ bạc của giới giang hồ (…) Cách đây khoảng 20 năm, khi kiểu ngôn ngữ này bắt đầu đi vào cuộc sống ở miền Bắc, người ta đã nói thế rồi. Nghĩa gốc của nó ý nói: - Dù bát còn úp trên đĩa, tao vẫn có thể đoán được trong đó là chẵn hay lẻ. Vị lâu nay không còn làm bằng đồng xu nữa, vì tiếng kêu leng keng dễ bị người ngoài hoặc công an phát hiện. Vị nay toàn làm bằng bìa, hoặc đơn giản nhất là cắt từ vỏ bao thuốc lá”.

Chúng tôi đã kiểm chứng thì thấy ý kiến của hai bạn trên đây thực sự có cơ sở.

Bài “Vị xóc đĩa được điều khiển từ xa” trên CAND Online ngày 18/4/2008 có đoạn:

“Khi đã tập hợp được các con bạc, Kiên lấy vỏ bao thuốc lá cắt thành 4 “vị” đưa cho Bình trực tiếp cầm bát, đĩa và “vị” để xóc. Thanh và Bảo lúc đó ung dung ngồi trên gác dùng tivi và các đồ nghề khác để điều khiển các quân bài “vị” theo ý muốn của bọn chúng”.

Bài “Trinh sát núp trong xe ben bắt sới bạc trên núi” trên ngoisao.net ngày 26/4/2013 có đoạn:

“Cảnh sát thu giữ tại chiếu bạc và trên người các con bạc hơn 600 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng thu được 4 ôtô, 11 xe máy cùng bộ bát đĩa, quân vị”.

Nhưng cái nguồn gốc chắc chắn nhất của chữ “vị” hẳn phải là chính ngôn từ của bọn làm ăn bất lương, bất chính đã chế ra nó để tiếp tay cho bọn cờ gian bạc lận.

Cứ như trên thì lai lịch của hai tiếng “đọc vị” đã rõ ràng: xuất xứ của nó là lời ăn tiếng nói của làng xóc đĩa. “Vị” là “đồ nghề” của nhà cái còn “đọc vị” là “đoán kết quả của mỗi lượt xóc”. Chúng tôi xin cám ơn hai bạn Thaothuc Sg và Lê Tiên Long, cũng như các bạn khác. Còn bây giờ, xin bàn về cách dùng hai tiếng “đọc vị” của nhà văn, nhà báo, dịch giả và diễn giả. Để nhận xét chung, trước nhất xin nêu ý kiến của bạn Tran Quang (Lyon, Pháp) về cái nhan đề Đọc vị bất kỳ ai: - “Đọc vị”, “hết vị”, “bắt vị” đều là văn nói thôi, sao lại đưa thành tiêu đề sách nhỉ?

Bạn Tran Quang cho là văn nói, tức là khẩu ngữ. Chúng tôi cho rằng, nói như thế hãy còn là nhẹ lời vì với chúng tôi thì “đọc vị” chỉ là biệt ngữ của làng cờ bạc mà thôi. Nó không phải là lối nói chung của cộng đồng trong khi khẩu ngữ (văn nói) thì có thể thuộc về toàn xã hội. Cho nên khi đặt cái nhan đề “Khó mà biết “đọc vị” là gì” trên Năng lượng Mới số 232 là chúng tôi muốn phân tích theo chuẩn của ngôn ngữ toàn dân và ngôn ngữ văn học. Và khi chúng tôi viết mình sẽ rất hân hạnh nếu được dịch giả giảng rõ về lý do dùng chữ “vị” ở đây thì cũng là nói theo hướng đó chứ không phải với hy vọng được trả lời rằng đó chỉ là một lối nói của nghề cờ bạc.

Ấy là còn chưa nói dịch giả của câu Đọc vị bất kỳ ai hãy còn chưa biết đến quy tắc cú pháp hữu quan nữa. Đây là một trường hợp điển hình có thể đưa ra để khẳng định quan niệm cho rằng để có thể dịch tốt thì điều kiện tiên quyết chưa phải là giỏi ngoại ngữ hữu quan, mà là phải “biết” tiếng mẹ đẻ.

Như đã thấy thì “đọc vị” là một ngữ động từ cố định kiểu “động từ + danh từ bổ ngữ” (ĐT + DTBN), như: móc túi; nhồi sọ; noi gương; nối gót; sửa lưng; tống cổ; v.v.. Giữa  ngữ động từ kiểu này với từ hoặc ngữ đi liền sau nó (sẽ gọi theo quy ước là BN2), có một mối quan hệ hết sức tế nhị. Ta có thể nói: - móc túi khách du lịch; - nhồi sọ dân chúng; - noi gương người tốt; – nối gót các bậc tiền bối; - sửa lưng đồng đội; -tống cổ tên trộm (vào tù); v.v.. Nhưng nói “đọc vị bất kỳ ai” thì không được. Trong loạt thí dụ trước, DTBN (túi, sọ, gương, gót, lưng, cổ, v.v.) chỉ “vật sở thuộc” mà “chủ sở hữu” là BN2 (khách du lịch, dân chúng, người tốt, các bậc tiền bối, đồng đội, tên trộm) còn trong “đọc vị bất kỳ ai” thì BN2 (“bất kỳ ai”) không hề chỉ chủ sở hữu của DTBN “vị”, vì chủ của thứ đồ nghề này chỉ có thể là nhà cái trong trò xóc đĩa. Từ đây suy ra, ta có quy tắc: “Đi liền sau một ngữ động từ kiểu “ĐT + DTBN” bao giờ cũng phải là một BN2 chỉ người sỡ hữu của vật do DTBN thể hiện (hiểu theo nghĩa đen)”. Còn một khả năng nữa: Nếu không chỉ người sở hữu thì “BN2  phải chỉ đối tượng nhận lãnh kết quả do DTBN thể hiện (hiểu theo nghĩa đen)”, như: cắm sừng anh chồng (anh chồng là người lãnh “sừng”); chụp mũ cấp dưới (cấp dưới là người nhận “mũ”); bỏ tù tên cướp (tên cướp phải vào “tù”); tô màu bức ảnh (bức ảnh được thêm “màu”); v.v... Trong “Đọc vị bất kỳ ai”, chữ “vị”  (DTBN) không chỉ “vật sở thuộc” của BN2, cũng không chỉ “kết quả” mà BN2 phải nhận lãnh cho nên đây là một câu sai ngữ pháp. Nhân chuyện này, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng ta cần phải triệt để tẩy bỏ cái nếp nghĩ cực kỳ lệch lạc của nhiều người là chỉ sợ dốt ngữ pháp tiếng Anh chứ của tiếng Việt thì sao cũng được… Huống chi, trong những câu trích dẫn trên kia và trong câu đang xét, chữ “vị” là một chữ hoàn toàn thừa thãi, nên vô duyên, mà người ta chỉ xài theo mốt cho “sang” chứ chẳng có tác dụng gì khác, ngoài việc gây rối rắm. Sau đây là một dẫn chứng điển hình. Với nhan đề “28 gợi ý giúp bạn “đọc vị” chàng”, Huyền Lưu đã viết trên Đẹp online ngày 3/4/2013:

“(…) Dưới đây là 28 điều có thể giúp bạn dễ dàng “đọc” được suy nghĩ của các chàng hơn”.

Ở nhan đề thì Huyền Lưu viết “đọc vị” nhưng đến phần triển khai thì chỉ còn có “đọc”. Điều này chứng tỏ riêng một chữ “đọc” cũng đã đủ. Huống chi cả “đọc vị” lẫn “đọc” cũng đều dùng để dịch có một chữ “read” của tiếng Anh mà thôi. Tuy Huyền Lưu chỉ ghi chung chung là “biên dịch từ lovepanky.com” nhưng chúng tôi đã kiểm chứng thì đó là bài “30 Facts about Guys That Can Help You Read His Mind” của Gerry Sanders mà câu hữu quan trong phần triển khai là “Read these 30 facts about guys that’ll reveal everything you need to know”. (Vì Huyền Lưu lược nên 30 chỉ còn có 28). Rõ ràng là trong cả hai câu thì Gerry Sanders chỉ dùng có một chữ “read”.

Từ những luận cứ trên đây, ta có thể liên tưởng mà khẳng định rằng đám cờ gian bạc lận khá thông minh khi đặt ra ngữ động từ “đọc vị” trong đó “đọc” hoàn toàn tương đương với “read” của tiếng Anh, mà nghĩa chính xác ở đây là “cố đoán để thấy, để hiểu rõ thực chất của vật, việc mình cần khám phá”. Và “đọc vị”, dù có là biệt ngữ, thì vẫn cứ là một lối nói thực sự thích hợp với nhu cầu diễn đạt của trò xóc đĩa. Chỉ có một số nhà văn, nhà báo, dịch giả và diễn giả, vì “ăn theo” một cách hoàn toàn vô ý thức nên mới biến hai tiếng “đọc vị” thành những kẻ vô duyên trong câu văn của mình mà thôi.

A.C