Con dê và danh từ “dê”

07:30 | 19/02/2015

|
Có ý kiến cho rằng, dê đã được thuần dưỡng từ đầu thời đại đồ đá mới nhưng dê của Việt Nam đến từ đâu thì hiện ta chưa biết, còn nó đến vào thời điểm nào thì tác giả Nguyễn Đắc Xuân đã cho ta biết là… rất muộn.

Năng lượng Mới số Xuân 2015

Cùng chung một đất nước nhưng hình như người miền Bắc ít để ý đến cái đặc tính nổi bật của giống dê, đặc biệt là con dê đực “sếp sòng” trong bầy; ấy là chuyện truyền chủng. Chuyện kể - chuyện thật trăm phần trăm, tuyệt đối không bịa đặt - rằng sáng sáng, khi người chủ vừa mở cửa chuồng, thì “chàng” đã đứng chặn ngay ở cửa và bất cứ “nàng” dê cái “thành niên” nào đi qua cũng được chiếu cố gác hai chân trước lên lưng rồi “áp sát” để làm việc gây giống. Dĩ nhiên là từ xửa từ xưa thì chẳng làm gì có viagra; mà nếu có thì cũng chẳng đến phần dê. Nhờ cái thế mạnh này mà con dê đực đã được dân gian miền Nam phong làm Thầy (dĩ nhiên là Thầy trong việc truyền chủng). Và cũng do cái thế mạnh của con vật này mà dân gian miền Nam còn tạo ra ẩn dụ “máu dê” để chỉ cái tính hay ve vãn phụ nữ của một số đàn ông. Vậy thì ở đây “máu dê” chỉ là một khái niệm trừu tượng chứ không thể lấy để pha thành rượu tiết dê được. Rồi danh từ “dê” cũng trở thành động từ để chỉ hành động nói trên của đàn ông. Chẳng thế mà Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức đã giảng “dê” là “(động từ) ve vãn, chọc ghẹo đàn bà”. Những người đàn ông có tính này còn được phong là “dê xồm” nữa. Rồi cũng ở trong Nam, xuất phát từ trò đỏ đen gọi là “đề 40 con” trong đó số 35 là con dê nên số từ “ba mươi lăm/băm lăm” cũng trở thành một kiểu ẩn dụ để chỉ hoặc người có máu dê (danh từ) hoặc hành động ve vãn phụ nữ (động từ).

Dê là loài động vật nhai lại. Bộ máy tiêu hóa của nó được cấu tạo đặc biệt để có thể “nghiền” được đủ loại thức ăn khác nhau, từ lá cây cho đến vỏ cây. Từ điển 270 con vật của Nguyễn Ngọc Hải (NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1993) cho biết ở Na Uy, người ta đã thử cho dê nuôi trong chuồng ăn đến 565 loài cây cỏ khác nhau và nó ăn được gần hết các thứ đó, kể cả loại được coi là có chất độc. Hồi chúng tôi còn nhỏ, tại vùng quê của mình bây giờ là phường 11, quận Bình Thạnh, TP HCM, có một người Chà chăn dê thường lùa chúng đi ăn qua các xóm và cái hàng rào trà của gia đình chúng tôi dĩ nhiên cũng không được chúng chừa ra. Dê chẳng là loài háu ăn, giỏi leo trèo và ham… phá phách. Chẳng thế mà dân gian lại có câu “Dê ăn đâu, nát giậu ở đó”, đã bị tác giả Nguyễn Lân biến thành “Nai ăn đâu, nát giậu ở đó” (Xin x. Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, NXB Văn hóa, Hà Nội, 1989). Nhưng nai sống trong rừng thì làm sao ăn nát giậu của làng xóm?

Có ý kiến cho rằng, dê đã được thuần dưỡng từ đầu thời đại đồ đá mới nhưng dê của Việt Nam đến từ đâu thì hiện ta chưa biết, còn nó đến vào thời điểm nào thì tác giả Nguyễn Đắc Xuân đã cho ta biết là… rất muộn:

“Cho mãi đến năm 1836 các giống dê mới được nhập vào tỉnh Thừa Thiên và 4 năm sau đó mới phát triển ra các tỉnh trong Nam ngoài Bắc. Tỉnh Thừa Thiên là nơi được nhập nhiều và nhập vào trước tiên, vì thế mà đến đời Tự Đức, các sử thần triều Nguyễn biên soạn bộ Đại Nam nhất thống chí đã cho con dê là loại thú đặc sản của tỉnh Thừa Thiên... Tóm lại: dê được nhập vào Việt Nam cùng năm đúc Cửu đỉnh, tức năm Minh Mạng thứ 17 (1836)”.

(“Bên lề lịch sử những chuyện nhỏ mà...”,

Kiến thức Ngày nay số 446, tr.13).

Tại mục Chuyện Đông chuyện Tây trên Kiến thức ngày nay số 449, chúng tôi đã phản bác ý kiến này trong một câu trả lời dài và chi tiết. Ở đây, chỉ xin nhắc lại phần kết luận:

“Chúng tôi cho rằng người Việt bắt đầu biết đến giống dê muộn nhất là sau khi nước ta (bấy giờ là Âu Lạc) bị Triệu Đà xâm chiếm rồi sáp nhập vào nước Nam Việt vì chứng cứ liên quan đến chuyện này là điều hoàn toàn chắc chắn”.

Nếu kết luận của chúng tôi đúng thì rõ ràng ông Nguyễn Đắc Xuân đã trễ đến hơn 2000 năm. Nhưng đây mới chỉ là chuyện con dê “vật thực”; còn cái từ mà tiếng Việt dùng để chỉ nó thì đến từ đâu? Có hai khả năng. “Dê” là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn

– hoặc ở từ ghi bằng chữ 羠 mà âm Hán Việt hiện đại là “di”, có nghĩa là dê (đực) thiến;

– hoặc ở từ ghi bằng chữ 羝 mà âm Hán Việt hiện đại là “đê”, có nghĩa là dê đực.

Nhưng dù trực tiếp bắt nguồn ở từ nào thì “di” và “đê” cũng là hai đồng nguyên tự, nghĩa là hai từ tuy riêng biệt nhưng lại phân hóa ra từ một từ gốc, có nghĩa là dê đực. Mà tại sao cái từ có nghĩa là dê của tiếng Việt lại không bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [羊], mà âm Hán Việt là “dương”, có nghĩa là dê nói chung, cả đực lẫn cái, mà lại bắt nguồn ở một từ có nghĩa là dê đực? Bức thư của Triệu Đà gửi cho vua Hán, mà Trần Đình Hằng đã dẫn trong bài “Con dê trong nghi lễ hiến tế ngày xưa” (Kiến thức Ngày nay số 447), có thể giải đáp cho thắc mắc này. Đó là vì Cao hậu chỉ cho bán sang Nam Việt toàn là dê đực cho nên những con dê đầu tiên mà người Việt biết đến cũng chỉ toàn là... đực với cái tên dành riêng cho nó (là “di” hoặc “đê”) mà thôi. Về sau, khi nhu cầu hoặc điều kiện thực tế bắt buộc hoặc cho phép “bung ra”, nghĩa là khi mà người Việt biết đến cả... dê cái thì cái danh từ “dê” đã được “định vị” một cách yên ổn trong từ vựng của tiếng Việt rồi.

Tóm lại thì từ nguồn gốc của từ “dê” là như thế và người Việt đã biết đến dê từ rất sớm chứ không phải đến năm Minh Mạng thứ 17 thì con dê mới được du nhập để tạo ra một “sự kiện” trong lịch sử của nghề chăn nuôi ở Việt Nam.

An Chi