Học giả An Chi: "Chinatown" chỉ là phố Tàu

11:05 | 26/04/2013

|
(Petrotimes) - Xin ông An Chi giải thích Chinatown thực chất là gì mà chuyện lại trở nên rắc rối như thế… ?

Bạn đọc: “Bụi đời Chợ Lớn” (2013) là một bộ phim hành động và võ thuật của Việt Nam do Charlie Nguyễn viết kịch bản và làm đạo diễn. Phim mô tả những cuộc đấu đá đẫm máu giữa các băng nhóm giang hồ ở vùng Chợ Lớn (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh) để tranh giành địa bàn với nhau. Theo dự kiến, phim sẽ được khởi chiếu tại các rạp vào ngày 19/4 trên toàn quốc. Nhưng gần đây, nhiều nguồn tin cho biết phim của Charlie Nguyễn đã vi phạm Luật Điện ảnh Việt Nam nên phải chỉnh sửa thì mới có thể ra rạp được. Rồi sáng ngày 18/4/2013 (lúc 9 giờ 31 phút), Báo Dân trí lại bồi thêm một tin “nóng hổi”:

“Thông tin kịch bản phim có tựa tiếng Anh là “Chinatown” càng khiến đường ra rạp của “Bụi đời Chợ Lớn” trở nên… mù mịt”.

Nhưng cũng vào chiều cùng ngày (lúc 15 giờ 31 phút) rằng, Charlie Nguyễn đã khẳng định:

“Tên tiếng Anh của bộ phim là “Chợ Lớn”. Nếu dịch ra tiếng Anh, Chợ Lớn sẽ là The big market. Nghe như vậy khó xuôi. Thậm chí hơi buồn cười. Cũng mất đi cả nét riêng biệt của Chợ Lớn. Chính vì vậy, đoàn làm phim chúng tôi đã quyết định để tên tiếng Anh của phim nguyên vẹn là: Chợ Lớn”.

Xin ông An Chi giải thích Chinatown thực chất là gì mà chuyện lại trở nên rắc rối như thế…?

Liên Sơn

Học giả An Chi: “Chinatown” ban đầu là cái tên bằng tiếng Anh dùng để chỉ “Khu phố Tàu” - có người dịch cho có vẻ “văn minh” và hiện đại hơn bằng cái tên “Phố người Hoa” - thuộc thành phố San Francisco của Hoa Kỳ, cũng là khu phố Tàu đầu tiên trên thế giới. Bây giờ thì Chinatown có mặt hầu như khắp thế giới. Webster’s New World College Dictionary (Third Edition) đã ghi nhận “Chinatown” như một danh từ chung và định nghĩa là “the Chinese quarter of any city outside of China” (khu phố Tàu của một thành phố nào đó bên ngoài nước Tàu).

Trừ khi giữ nguyên dạng tiếng Anh “Chinatown”, tiếng Pháp còn gọi là “quartier chinois”, tiếng Tây Ban Nha là “barrio chino”, tiếng Ý là “quartiere cinese”, tiếng Nga là Кита́йский кварта́л. Ngày nay “Khu phố Tàu” ở một số nơi trên thế giới đã biến thành “Khu phố người châu Á” cho nên tiếng Pháp còn gọi là “quartier asiatique”.

Hoa Kỳ có Chinatown ở Boston, Chicago, Las Vegas (mới có từ đầu thập niên 90), Los Angeles, New York, Philadelphia, San Francisco. Canada có Chinatown ở Montréal, Ottawa (thực chất là “Làng châu Á”), Toronto, Vancouver. Anh có Chinatown ở London, Birmingham, Newcastle. Ý có quartiere cinese ở Milan, Roma, Torino. Pháp có quartier chinois ở Paris, Marne-la-Vallée, Lyon, Toulouse. Bỉ có quartier chinois ở Anvers. Serbia có khu phố Tàu ở Beograd.

Ở Nhật thì lớn nhất là  Chūkagai [中華街] ở Yokohama. Costa Rica có barrio chino ở thủ đô San José. Ecuador có barrio chino ở thủ đô Quito. Peru có barrio chino ở thủ đô Lima. Mehico có barrio chino ở thủ đô (Ciudad de México) và phố Tàu mang tên Chineska ở thủ phủ Mexicali của bang Hạ California.

Argentina có barrio chino ở khu  Belgrano của thủ đô Buenos Aires. Cuba có barrio chino de La Habana (trước cách mạng, từng là một trong những khu phố Tàu lớn nhất châu Mỹ). Nam Phi có Chinatown ở Johannesburg. Maroc có một quartier chinois ở Casablanca. Madagascar có phố Tàu ở khu Behoririka của thủ đô Antananarivo. V.v... và v.v...

Tuy trước kia dân số của Tàu chưa đạt đến trên 1,3 tỉ người như hiện nay nhưng nó vẫn là số một thế giới nên dân Tàu phải đi tha phương cầu thực khắp hoàn cầu cũng là chuyện thường tình. Dân Quảng Đông ở nước ngoài tự xưng là “Thoòng yằn”, tức “Đường nhân” [唐人] nên cái mà tiếng Anh gọi là Chinatown thì họ gọi là “Đường nhân nhai” [唐人街], dịch sát nghĩa là “phố người Tàu”. Đây là cách gọi phổ biến, bên cạnh cách gọi “Hoa Phụ”

[華埠]  hoặc “Trung Quốc Thành”

[中国城]. Chợ Lớn trước kia từng có một phố Tàu chánh tông, được người Hoa Quảng Đông gọi là “Coỏng Túng cái” (“Quảng Đông nhai” [廣東街]), tức “đường Quảng Đông”, thời Pháp gọi là “rue de Canton”, nay là Triệu Quang Phục (quận 5). Còn vùng trung tâm của Chợ Lớn trước đây thực tế cũng là một khu phố Tàu (nhưng chắc chắn là không đến 100% số dân).

Nói chung, lúc bấy giờ họ đến xứ người dĩ nhiên chỉ là với tư cách của những kẻ kiều cư ký ngụ mà cái tên Chinatown thì gắn liền với sự tình này. Vậy đây thực chất chỉ là một cái tên vô thưởng vô phạt và nếu Charlie Nguyễn có lấy nó làm tên tiếng Anh cho “Bụi đời Chợ Lớn” thì cũng tuyệt đối không có ảnh hưởng gì đến chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Nhưng đạo diễn này đã khẳng định tên của bộ phim bằng tiếng Anh là CHO LON (Chợ Lớn) nên rắc rối với bộ phim chắc phải ở chỗ khác.

 

A.C