Anh hùng & Yêng hùng

16:51 | 23/06/2014

|
Bạn đọc: Xin ông cho biết “anh hùng” và “yêng hùng” giống và khác nhau như thế nào và liệu còn có những trường hợp khác mà những từ có vần ANH và vần IÊNG là điệp thức của nhau, giống như những trường hợp giữa ÊT và IÊT hoặc giữa IÊC và ICH mà ông đã nêu trên Năng lượng Mới các số 324 & 326? Xin cám ơn ông. TV, GV Trường Múa TP HCM

Học giả An Chi: Có chứ bạn. Sau đây là một số dẫn chứng:

“Yếng” là điệp thức của “ánh” trong “ánh sáng”.

Ở Nam Bộ, nhất là trước kia, người ta thường nói “bộ hiềng”, thay vì “bộ hành” để chỉ khách đi đường, như đã được ghi nhận trong Từ điển từ ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín và Từ điển phương ngữ Nam Bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên.

“Kiểng” trong “cá kiểng”, “cây kiểng”, “chim kiểng”, v.v... là điệp thức của “cảnh” trong “sinh vật cảnh”.

Chữ “thiềng” trong “kiền thiềng (tửu châm sơ tuần, nhị tuần, v.v...)” chính là “thành” [誠] trong “thành tâm”, “thành ý”, v.v...

Chữ “thành” [城] trong “thành thị” xưa cũng đọc là “thiềng”, như đã ghi nhận trong Dictionarium Anamitico Latinum (Tự vị Annam Latinh, 1772-73) của Pierre Pigneaux de Béhaine, Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức.

“Miểng” trong “miểng chai” chính là điệp thức của “mảnh” trong “mảnh bom”, “mảnh giấy”, v.v... rồi của cả “manh” trong “(buồn ngủ gặp) chiếu manh”, đặc biệt là của “miếng” trong “miếng cơm”, miếng nước”, “miếng thịt”, v.v... cuối cùng là của “mánh” trong “mánh khóe”, “mánh lới”, “mánh mung”, v.v... Xin nói rõ về chữ “mánh” này. Một chuyên gia được đào tạo bài bản đã cất công lặn lội sang tận một phương ngữ Hoa Nam là tiếng Quảng Đông ở Chợ Lớn để nhặt về cho từ “mánh” này cái nguyên từ (etymon) “mắn” (đọc theo giọng Bắc) hoặc “mánh” (đọc theo giọng Nam)”, mà chữ Hán là [文] “văn”, có nghĩa là “đồng”, đơn vị tiền tệ bằng 10 hào hoặc 100 xu. Nhưng xin khẳng định rằng người Việt không bao giờ mượn từ “mắn/mánh” của tiếng Quảng Đông để chỉ đơn vị “đồng” trong tiền tệ Việt Nam nên họ tuyệt đối không có cơ sở ngữ nghĩa làm ẩn dụ để lấy nó mà chỉ “mánh” trong “mánh khóe”, “mánh lới”. Nếu nói rằng đó là mượn thẳng từ ẩn dụ có sẳn trong tiếng Quảng Đông thì càng cực kỳ phi lý vì người Quảng Đông không bao giờ dùng chữ/từ [文] của họ theo nghĩa đó. “Mánh” chính cống là một từ của tiếng Việt và vì là điệp thức của “miếng” nên đương nhiên vốn cũng có nghĩa là … “miếng”. Ta nên biết rằng vùng Nghệ Tĩnh là cái nôi của tiếng Việt cổ, tại đây, “mạnh” là “miệng”; còn “mánh” là “miếng”, như đã được ghi nhận trong Từ điển tiếng địa phương Nghệ - Tĩnh do Nguyễn Nhã Bản chủ biên (Nxb Văn hóa Thông tin,, Hà Nội, 1999) và Từ điển tiếng Nghệ của Trần Hữu Thung - Thái Kim Đỉnh (Nxb Nghệ An, 1997). “Miếng” có một nghĩa bóng là “thế” trong “thế võ”, là “kế” trong “mưu kế”,, là “nước” trong “nước cờ”, v.v... như có thể thấy trong câu “Ăn miếng trả miếng”, mà Từ điển tục ngữ Việt của Nguyễn Đức Dương giảng là: “Phải ăn miếng đòn gì thì nhớ giáng trả lại miếng đòn tương tự”. Đây cũng chính là cái nghĩa của “mánh” trong “mánh khóe”, “mánh lới”, “trúng mánh”, “vô mánh”, “bể mánh”, v.v.. Nội bộ của tiếng Việt đã sẵn dữ kiện cho ta như thế rồi thì còn lặn lội sang tận tiếng Quảng Đông làm gì!

Vậy, với những dẫn chứng trên, ta có thể tin rằng “yêng” là điệp thức của “anh” trong “anh hùng”. Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên giảng “yêng hùng” là “ [khẩu ngữ, ít dùng] anh hùng [nói trại với dụng ý châm biếm, giễu cợt]”. Thực ra, đây không phải là vì dụng ý châm biếm, giễu cợt mà nói trại đi, vì trong lịch sử của nó, chữ “anh” trong “anh hùng” đã từng có thời mang vần IÊNG (YÊNG) và có giá trị trung hòa như “yếng”, “hiềng”, “kiểng”, “thiềng”, “miểng” trong các thí dụ trên đây. Huống chi, riêng nó còn có thể là do tệ kiêng húy mà phải biến đổi từ “anh” thành “yêng” và trong thời gian mà việc kiêng húy còn có hiệu lực đối với nó thì chẳng làm gì có chuyện châm biếm, giễu cợt trong đó.

Về sau, khi việc kiêng húy đối với “yêng” không còn hiệu lực nữa và hai tiếng “anh hùng” đã trở nên thông dụng trong toàn xã hội mà “yêng hùng” vẫn chưa “chết” đi, thì mới xảy ra một sự phân công: “anh hùng” thì có sắc thái trung hòa còn “yêng hùng” thì mới mang hàm ý châm biếm, giễu cợt.

A.C