Ai làm cho em cháu ngu đi?

08:53 | 07/02/2015

|
Bạn đọc: Nhân chuyện “Em [M] không đến từ Dê [D]” trên Năng lượng Mới số 395 (30/1/2015) có nhắc đến ông Cao Tự Thanh, tôi lại nhớ lời một người bạn kể rằng ông này đã chê bai ông An Chi bằng những lời lẽ thô lỗ khi viết về “ngầu pín” và “xe thổ mộ” gì gì đó. Nghe nói có một nhân vật ở Đại học Tổng hợp cũng “chửi” ông An Chi về chuyện này. Vậy không biết lời lẽ của ông Thanh và ông nọ cụ thể như thế nào? Ông An Chi có biết ông nọ là ai không? Tôi hỏi như thế vì cũng nóng ruột thay cho ông An Chi; với lại cũng không biết anh bạn kia có nói quá cho ông Thanh hay không? Mà vụ “xe thổ mộ” thực ra đã ngã ngũ chưa? Với lại còn chuyện gì giống như “Em không đến từ Dê” nữa không, thưa ông? Xin cám ơn. Đoàn Dũng (TP Vũng Tàu)

Năng lượng Mới số 397

Học giả An Chi: Trong phim tài liệu “Lối xưa” của đạo diễn Lý Quang Trung, An Chi có phát biểu về nguồn gốc của hai tiếng “thổ mộ”. Về ý kiến này của chúng tôi, trong bài “Ngầu pín”, đưa lên blog Tìm hiểu từ nguyên ngày 22/4/2012, ông Cao Tự Thanh đã viết:

“Còn nhớ có một đại nhân vật lên cả tivi giải thích thổ là đất, mộ là nấm mộ, xe thổ mộ tức cái xe như nấm mộ lùm lùm chạy trên đường. Nguyễn Văn Huệ bên Đại học Tổng hợp thành phố thấy vô lý bèn chửi đổng “Mả cha mày chạy chứ mả ai chạy!”. Thứ từ nguyên học dân gian ấy dùng để tào lao thì được còn nếu tưởng là học vấn thì chỉ làm em cháu ngu đi”.

Rồi ông Thanh rủa An Chi:

“Riêng chuyện ông AC ra sức chửi bới mỉa mai tôi không hề gì, tôi là dân chuyên nghiệp, không thèm hạ mình cãi cọ với đám người học hành không tới nơi tới chốn mà còn làm phách như y, với lại tôi không chơi blog lâu rồi. Hơn mười năm trước y đã hứng thú với chuyện mồ mả thì hiện nay nhiều tuổi hơn có hứng thú hơn cũng không phải lạ, chỉ là vụ xe thổ mộ = xe giống như cái mả đất của y quả là thuộc trường phái từ nguyên học dân gian bá láp, đúng là có tác dụng phi thường trong chuyện làm cho em cháu ngu đi”.

Ông Thanh nói như thế nhưng An Chi mỉa mai thì có chứ chửi bới thì tuyệt đối không. Mà cũng chẳng làm phách. Chỉ xin khuyên ông Thanh nên ăn nói cho có đức để còn sống được lâu như An Chi, nay đã đến ngưỡng bát tuần, kẻo…

Ông Thanh viết như thế chứ “nấm mộ lùm lùm chạy trên đường” (chữ của ông, không phải của An Chi) vẫn còn là chuyện hiền lành, chưa bằng “(roi) cặc bần”, “(cây) dái ngựa”, “lồn xa kéo vải”, “lồn lá vông”, “lồn lá tre”, v.v... Dân gian đã nói thì ta đâu có bụm miệng họ được! Ông Nguyễn Văn Huệ có chửi đổng thì xe thổ mộ vẫn là cái xe giống như nấm mộ bằng đất do hình dạng cái mui khum khum của nó mà thôi. Chúng tôi không biết Nguyễn Văn Huệ là ai nhưng rủi mà ông ta có là giảng viên thì chúng tôi hy vọng các bạn sinh viên nên phản biện theo kiểu văn minh, có học chứ đừng bắt chước thầy mình.

Ông Thanh nói rằng “thổ mộ” là cách đọc Việt hóa của từ “t’ủ mỏ”, tức độc mã (một ngựa), đọc theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông và xe thổ mộ tức xe (một) ngựa. Chúng tôi đã chỉ ra cái sai của ông một cách cụ thể thì ông lại chống đỡ rồi chê bai tiếp:

“Đúng là độc mã Việt Hán phải thành Tục mã Hoa Hán giọng Quảng Đông chứ không phải T’ủ mỏ như tôi đã viết. AC nắm riết lấy chỗ hở ấy chê tôi không biết tiếng Quảng Đông thì kệ y, những kẻ nghiệp dư rất cần có những cái sai loại ấy để phô trương cái sai mà họ nghĩ là đúng. Bởi vì thổ mộ trong xe thổ mộ mà giải thích là cái mộ đất như AC nếu không phải ngu dốt cũng là tào lao”.

Rồi ông hùng biện tiếp:

“Bản thân chữ tục trong tục mã đọc theo giọng Quảng Đông cũng không hẳn như người Việt đọc, vì nó mang âm sắc kiểu giọng mũi. Tóm lại ở đây đã xuất hiện quá trình tôộc mã Quảng Đông chuyển thành T’ủ mỏ (hay một cái gì đó tương tự) trong tiếng Pháp rồi mới thành thổ mộ trong tiếng Việt, việc nó trùng âm với thổ mộ (mộ đất) trong từ Việt Hán hoàn toàn là ngẫu nhiên.”

Ông Thanh nói đùa cho vui chuyện chứ “độc mã” [獨馬] thì trước sau gì người Quảng Đông cũng chỉ phát âm thành “tục mạ” chứ làm gì có chuyện nó chuyển thành “t’ủ mỏ” (hay một cái gì đó tương tự) trong tiếng Tây rồi dân Việt mới lấy ở đó ra bằng cách nhại âm mà xài. Nhưng mắc mớ gì Tây phải lấy âm của tiếng Quảng Đông. Mà nếu Tây có lấy thì họ phiên và ghi như thế nào? “T’ủ mỏ” ư? Tiếng Tây làm gì có dấu (thanh điệu). Ông Thanh mà chỉ ra được cái thứ tiếng Tây đó thì chúng tôi sẽ sổ toẹt ngay bài viết này của mình một cách không thương tiếc. Huống chi người Quảng Đông trước sau cũng chỉ gọi xe thổ mộ là “mạ tʃé” [馬車], tức “xe ngựa”, chứ làm gì có “tục mạ”, “tục mẹo”. Cho đến cuối thập niên 40 đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, góc đường Gaudot - Tổng đốc Phương (nay là Hải Thượng Lãn Ông - Châu Văn Liêm) ở Chợ Lớn (về phía đường Gaudot), vẫn hãy còn là chỗ đậu xe thổ mộ (năm ba chiếc thôi). Người Quảng Đông vẫn gọi đó là những chiếc “mạ tʃé” chứ làm gì có “tục mạ”, “tục mẹo”! Dĩ nhiên là ông Thanh có thể đi điều tra thực địa nhưng xin nhớ hãy gặp những ông già bà cả chứ đừng gặp “mấy cô bạn người Tàu” (mà ông đã khoe trong bài “Ngầu pín”), nhất là mấy cô “thanh nữ” vì mấy cô này chỉ biết có mát-xa mà thôi. Chúng tôi vẫn còn nhớ ông muốn tìm từ nguyên của hai tiếng “ngầu pín” bằng cách đi ăn ngầu pín khi ông viết: “Cứ ra quán ngầu pín nào đó của người Hoa gọi môt dĩa rồi hỏi nhỏ ông chủ một tiếng là xong, nếu y viết ra chữ cho lại càng chắc ăn”.

Ông Thanh lại còn đòi đi điều tra ở cả “ba phương ngữ Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam xem họ đọc từ độc mã này ra sao” thì thật là khéo vẽ chuyện. Dĩ nhiên họ có âm của họ cho hai tiếng “độc mã” nhưng tuyệt đối không phải dùng để chỉ xe thổ mộ. Cũng xin mách nhỏ với ông Thanh rằng Việt Hán từ điển tối tân do Nhà sách Chin Hoa ở Chợ Lớn ấn hành (lần đầu tiên là vào năm 1962) cũng dịch “xe thổ mộ” thành “thổ mộ xa” [土墓車] chứ chẳng có “độc mã”, “độc mẽo” gì sất. Rồi quyển từ điển này lại còn căn cứ vào danh ngữ “boîte d’allumettes” của tiếng Pháp mà chú trong ngoặc đơn là “hỏa sài hạp hình mã xa” [火柴盒形馬車], tức “xe ngựa hình hộp quẹt” nữa. Cứ như trên thì ta có thể “phăng teo” hai tiếng “độc mã” của ông Thanh một cách dứt khoát rồi. Nhưng chuyên gia học vị dữ tợn này lại còn nhấn mạnh thêm như sau:

“Trong quyển Dictionnaire Vietnamien Chinois Francais, Saigon, 1957 của Eugène Gouin (Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris) có vài từ liên quan tới vụ xe thổ mộ này được giải thích như sau:

Thổ mộ: Voiture trainée (sic) par un cheval (Saigon).

Xe độc mã: Voiture à cheval.

Xe ngựa: Voiture à cheval.

Xe song mã: Voiture à deux chevaux.

Xe thổ mộ: Coupé (voiture).”

Rồi ông Thanh lần lượt dịch như sau:

“Thổ mộ: Xe được kéo bằng một con ngựa (ở Sài Gòn).

Xe độc mã: Xe một ngựa.

Xe ngựa: Xe một ngựa.

Xe song mã: Xe hai ngựa,

Xe thổ mộ: Xe bốn bánh có mui kín (xe bốn bánh)”.

Rồi ông Thanh kết luận:

“Tóm lại đây là một trong những chứng cứ rõ ràng về việc xe thổ mộ là xe một ngựa, tức thổ mộ có liên quan với độc mã.”

Chúng tôi từng nói rằng ta phải xài từ điển một cách có phê phán. Lời dịch của Gouin chính là một trường hợp như vậy. Ông ta dịch “thổ mộ” thành “voiture traînée par un cheval” (xe do một con ngựa kéo) nhưng chỉ cần gõ tìm hình ảnh trên mạng thì ta sẽ thấy có nhiều kiểu “voiture traînée par un cheval” (nên đây là một lời dịch không thích hợp). Thực ra, Tây thuộc địa đã sẵn danh ngữ “boîte d’allumettes” với cái mui khum khum rồi. Khẩu ngữ của Tây còn có cả “tac-à-tac” nhưng ông ta lại không xài, ít nhất cũng là dùng nó để ghi chú trong ngoặc đơn. Rồi cả “xe độc mã” lẫn “xe ngựa” đều được ông ta dịch thành “voiture à cheval” (xe ngựa) nhưng xe ngựa đâu có nhất thiết là xe độc mã, vì ta còn có xe song mã, xe troïka (xe tam mã), thậm chí xe bát mã nữa. Độc đáo hơn nữa, “thổ mộ” đã được ông ta dịch thành “voiture traînée par un cheval” nhưng “xe thổ mộ” (thì cũng chính là nó) lại được chính ông ta dịch thành “coupé (voiture)” mà ông Thanh dịch lại thành “xe bốn bánh có mui kín (xe bốn bánh)”. Nhưng xe thổ mộ làm gì có bốn bánh, mà mui của nó cũng đâu có kín. Cái từ “voiture” trong ngoặc đơn của Gouin mà ông Thanh dịch thành “xe bốn bánh” thì cũng khôi hài vì nếu lời dịch của ông mà đúng thì “voiture à deux roues” sẽ phải được dịch thành “xe bốn bánh có hai bánh”. Gouin dịch “xe ngựa” thành “voiture à cheval” thì ông Thanh dịch lại lời dịch này sang tiếng Việt thành “xe một ngựa” có lẽ vì thấy ở đây “cheval” được dùng theo số đơn (singulier). “Voiture à cheval” thực ra chỉ là “xe ngựa”. Xin nói nhỏ với ông rằng ở đây danh từ “cheval” đã được dùng một cách khái quát. Vì vậy nên một cái xe ngựa để chỏng gọng (chưa bắt kế), nghĩa là không có con ngựa nào vẫn là “voiture à cheval”, mà một cái xe ngựa từ 6 đến 8 chỗ ngồi do 6 hoặc 8 con ngựa kéo ở bên Mỹ thì vẫn cứ là “voiture à cheval”. Ông Cao tự Thanh chơi trò cút bắt với chữ nghĩa như thế này mà muốn làm từ nguyên thì … gay go.

Bạn Đoàn Dũng có hỏi thêm xem ông Cao Tự Thanh còn có chuyện gì giống như “Em không đến từ Dê” nữa không. Kẻ nghiệp dư này xin thưa là nhà đại chuyên nghiệp đó còn lấy ngọn làm gốc ở chỗ khác nữa. Trong bài “Ngầu pín”, ông ta đã viết: 

“Phụ âm đầu t thời Đường chuyển thành phụ âm đầu p và b thời Minh Thanh rất nhiều, như tỳ bà thành pípá, tân khách thành bìnkè (…)”.

Sự thật là ở đây chính T mới đến từ P/B (P của Hán/B của Hán Việt) chứ đâu có phải là ngược lại. Về vấn đề này, Nguyễn Tài Cẩn đã cho biết:

“Nguồn gốc thứ hai (của T - AC), ít quan trọng hơn, nhưng rất đặc biệt, là các thanh mẫu bang, tịnh và phần nào bàng: trên 25 trường hợp T xuất phát từ bang, gần 30 trường hợp xuất phát từ tịnh và năm, bảy trường hợp xuất phát từ bàng. Những trường hợp này đặc biệt vì ta thấy T xuất phát từ âm môi, nhưng đặc biệt không có nghĩa là không có quy luật” (Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979, tr.186).

Thế là đại chuyên gia Cao Tự Thanh đã trồng cây bằng cách chôn ngọn của nó xuống đất. Về phần mình, chúng tôi xin chứng minh như sau. Chữ [並] mà Nguyễn Tài Cẩn đọc thành “tịnh” là đọc theo âm Hán Việt hiện hành chứ phụ âm đầu (Hán Việt) của nó vốn là B. Bằng chứng là thuộc thanh mẫu “tịnh” như chữ [便], nay đọc “tiện” thì âm xưa của nó là “bèn” (“Tiện” [便] có nghĩa là “bèn”). Chữ [弊] là hư hỏng, xấu xa, nay đọc “tệ” thì âm xưa của nó là “bệ” trong “bệ rạc”. “Bệ” còn có một điệp thức là “bậy” trong “bậy bạ”. Chính chữ “tiện” [便] này vốn đọc với phụ âm đầu B (của Hán Việt - P của Hán) nên nó mới là đồng nguyên tự (chữ cùng gốc) của chữ “biện” [辯] trong “biện luận” như Vương Lực đã chứng minh trong Đồng nguyên tự điển (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997, tr.542-3). Chữ “tiên” [鞭] là roi vốn thuộc thanh mẫu “bang” [幫], tức phụ âm đầu P (của tiếng Hán) nên mới có mặt trong “ngầu pín” [牛鞭], là món mà đại chuyên gia Cao Tự Thanh muốn đi ăn thử để làm từ nguyên.

Cái mệnh đề “phụ âm đầu t thời Đường chuyển thành phụ âm đầu p và b thời Minh Thanh rất nhiều” của ông Thanh còn sai nghiêm trọng ở một điểm khác nữa: Thời Minh Thanh tiếng Tàu làm gì có “b” mà ông Thanh nói là rất nhiều. P thì có chứ B thì tuyệt đối không.

Tóm lại, cứ như tay nghiệp dư này đã phân tích ở trên thì có lẽ đại chuyên gia Cao Tự Thanh nên đổi chủ thể cho cái đoản ngữ “làm cho em cháu ngu đi” mới phải.

A.C