Ai đúng, ai sai?

09:03 | 08/05/2013

|
(Petrotimes) - Bạn đọc: Trong bài "Đàng Trong, Đàng Ngoài", đưa lên Vietnam Corpus Linguistics ngày 26/5/2010, PGS TS Ngữ văn Phạm Văn Tình viết: "Gần đây, theo tác giả Roland Jacques (trong cuốn Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học, NXB Khoa học xã hội, 2007) thì cách giải thích của một thầy cả Dòng Tên (và cũng là một nhà ngữ học) người Bồ Đào Nha là Gaspar do Amaral (tài liệu công bố năm 1637) có nhiều luận cứ đáng tin cậy. Theo ông, sau khi nhà Mạc chiếm quyền thắng thế ở Thăng Long, việc phục hồi nhà Lê lập tức được tiến hành. Năm 1545, nhà Mạc đã củng cố và xây dựng đắp lũy, làm nên một "mật khu" ở Thanh Hóa, Nghệ An. Sau đó kinh đô Thăng Long bị mất, nhà Mạc rút về hậu cứ và kiên trì tìm cách lấy lại. Mãi đến năm 1592 nhà Mạc mới đoạt lại được đất đai từ tay kẻ "thoán nghịch" sau nhiều lần chinh chiến". TS Phạm Văn Tình khẳng định Roland Jacques và Gaspar do Amaral đáng tin cậy, nhưng tôi thì không tin rằng "mật khu" ở Thanh Hóa, Nghệ An là của nhà Mạc còn những kẻ "thoán nghịch" lại là người của nhà Lê. Xin ông An Chi cho biết thực hư ra sao? (Nguyễn Hữu Luân)

Học giả An Chi: Bạn đã đúng, thưa bạn! “Mật khu” ở Thanh Hóa, Nghệ An không phải là của nhà Mạc còn những kẻ “thoán nghịch” cũng không phải là người của nhà Lê. Wikipedia đã chép như sau:

“Nhà Mạc (chữ Hán: 莫朝¯ – Mạc triều) là triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam, bắt đầu khi vua Mạc Thái Tổ lên ngôi tháng 6/1527, sau khi giành được quyền lực từ tay vua Lê Cung Hoàng nhà Hậu Lê và chấm dứt khi vua Mạc Mậu Hợp, bị quân đội Lê - Trịnh do Trịnh Tùng chỉ huy đánh bại vào cuối năm 1592 – tổng cộng là gần 66 năm. Tuy nhiên, hậu duệ nhà Mạc như Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan, Mạc Kính Vũ vẫn còn tiếp tục chống lại nhà Hậu Lê thời kỳ trung hưng đến tận năm 1677 tại khu vực Cao Bằng. Thời kỳ 1527-1592, trong lịch sử Việt Nam còn được gọi là thời kỳ Nam - Bắc triều, do chính quyền nhà Mạc chỉ thực sự có quyền lực từ địa phận Ninh Bình ngày nay trở ra, còn từ Thanh Hóa trở vào trên danh nghĩa nằm trong tay các vua Lê – được phục dựng trở lại từ năm 1533. ( … )

Trong gần 66 năm trị vì, giữa nhà Mạc và nhà Hậu Lê đã diễn ra nhiều cuộc chiến liên miên. Cuối cùng vào năm 1592, quân đội Lê - Trịnh đã đánh bại nhà Mạc, chấm dứt 66 năm trị vì của dòng họ này”.

Wikipedia đã chép như trên và cứ như thế thì lời kể của TS Phạm Văn Tình hoàn toàn trái ngược với sự thật lịch sử. Còn chính TS Tình thì cho biết là mình kể theo Gaspar do Amaral, thấy được qua quyển Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học của Roland Jacques (NXB Khoa học xã hội, 2007). Chúng tôi không có được vinh dự tiếp xúc với bản dịch tiếng Việt này nên không biết TS Tình đã kể lại đúng theo bản này hay là chính ông phải trực tiếp chịu trách nhiệm về những lời kể sai kia. Còn trong quyển sách song ngữ Anh/Pháp Portuguese Pioneers of Vietnamese Linguistics/Pionniers Portugais de la Linguistique Vietnamienne của chính Roland Jacques (Orchid Press, Bangkok, 2002) thì sau đây là nguyên văn tiếng Pháp của đoạn hữu quan:

“Au moment où la dynastie usurpatrice des Mạc triomphe à Thăng Long, la reconquête des Lê sorganise patiemment. En 1545, ils ont réussi à sassurer un petit sanctuaire, comprenant les Provinces de Thanh Hóa et de Nghệ An: de là, on envisage la longue marche qui mènera jusquà la capitale perdue, et qui ne sera reprise à lusurpateur quen 1592, après maintes batailles” (tr. 215).

Dịch nghĩa:

“Vào lúc mà triều đình thoán nghịch của nhà Mạc thắng lợi ở Thăng Long thì việc giành lại (Thăng Long) đã được nhà Lê kiên trì tổ chức. Năm 1545, họ đã xây dựng thành công một vùng cứ địa nhỏ hẹp bao gồm các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An: từ đó, họ dự kiến thực hiện cuộc trường chinh ra đến kinh đô đã mất và kinh đô này chỉ được giành lại (từ tay) kẻ thoán nghịch (tất nhiên là nhà Mạc – AC), sau nhiều trận đánh”.

Cứ như trên thì hiển nhiên là Gaspar do Amaral, rồi Roland Jacques đã hoàn toàn trung thành với sự thật lịch sử. Chỉ có hoặc chính PGS TS Phạm Văn Tình, hoặc dịch giả của Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học (nếu TS Tình dẫn đúng) mới sai mà thôi.

A.C