Nỗi niềm dự án!

07:20 | 29/05/2015

745 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
“Vào cầu”, “trúng quả”, “đổi đời”… và còn nhiều ngôn từ kiểu “nháy nháy” như vậy nữa của cánh “làm ăn” khi “chạy chọt” được cái gọi là “dự án”. Vậy mà có người không “chạy vạy” gì lại được giao làm Trưởng ban Quản lý (BQL) không chỉ một, mà đến hai dự án cả vài “tỉ đô” lại đang lo “sốt vó”. Đấy là Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - Trưởng BQL Dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất; và Dự án Kho dự trữ dầu thô (DTDT) Quốc gia tại Dung Quất.

1.Cánh “làm ăn”  nghe chuyện này bảo “dở hơi”, chỉ có kẻ “dở hơi”, không “dở hơi” thì thần kinh có vấn đề. Chẳng tốn kém, chẳng mất giọt mồ hôi, chẳng tốn chút công sức nào bỗng dưng được “lộc to”. Có trong tay vài “tỉ đô” là có “quyền sinh, quyền sát”, khối kẻ phải cậy nhờ… phúc nhà to như “cái đình” vậy mà kêu lo “sốt vó”, rõ là “hâm”!

Ghê chưa, theo kiểu lý luận này thì Nguyễn Hoài Giang là “ông vua không ngai”. Tôi mang chuyện này hỏi Giang, anh cười. Thường khi người ta cười là bộc lộ niềm vui hoặc chí ít cũng thay cho cái gật đầu đồng ý. Nhưng cái cười của Giang lạ lắm, dường như chứa trong đó biết bao nỗi niềm khó nói. Con người vốn sôi nổi, cách nói chuyện ví von có duyên cuốn hút người nghe, bữa nay nghe ra “trầm” hẳn.

Nỗi niềm dự án!

Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV BSR, kiêm Trưởng BQL Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất phát biểu tại buổi lễ

Theo Giang, Dự án mở rộng và nâng cấp NMLD Dung Quất; và Dự án Kho DTDT Quốc gia tại Dung Quất là hai dự án lớn, có mức đầu tư trên 2 tỉ USD. Tôi nhanh nhảu, vậy là kinh nghiệm có thừa, bài học từ dự án nhà máy cũ có sẵn, cứ rứa mà “ráp vô”, có phải mò mẫm gì đâu mà lo lắng đến rộc cả người như vậy. Ngồi nghe anh tâm sự như giảng giải, tôi mới ngộ ra rằng, thì ra chẳng đơn giản chút nào. Việc triển khai hai dự án này thậm chí còn gian nan, khó khăn, phức tạp bội phần so với việc xây dựng NMLD Dung Quất trước đây.

Nói và hiểu một cách nôm na, hai cái dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng NMLD Dung Quất và Dự án Kho DTDT Quốc gia tại Dung Quất là những dự án được làm thêm kết nối với NMLD đã có sẵn để trở thành một tổ hợp hoàn chỉnh. Nghe ngắn gọn như vậy, nếu không phải người trong ngành hoặc nếu không được nghe thấu đáo cặn kẽ thì đều cho rằng, việc thi công hai dự án này “dễ ẹc”. Cái khó, cái lo nhất là thiếu tiền, có tiền thì việc gì cũng xong, “có tiền mua tiên cũng được” cơ mà. Khoản nào mình “mần” được thì “mần”, công nghệ nào vượt quá khả năng thì thuê chuyên gia. Đầu tư xây dựng xong đấu nối “cái rẹt” là thành cái tổ hợp hoàn chỉnh chứ có gì khó khăn ghê gớm lắm đâu!

Hiểu một cách đơn thuần thì đúng là như vậy. Nhưng xin thưa, đây là dự án xây dựng NMLD, chứ không phải xây dựng một cái khung nhà. Một nhà máy khổng lồ với công nghệ đặc biệt, có hàng triệu chi tiết, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Chỉ thiếu đồng bộ một chi tiết nhỏ, là gây ra hậu quả khôn lường. Để mọi người dễ hiểu, xin nói vắn tắt thế này: Nếu như việc xây dựng NMLD Số 1 (NMLD Dung Quất - PV) phức tạp một, thì hai dự án này phức tạp gấp hai lần trở lên.

Tại sao lại có sự so sánh theo kiểu số học này?

Thưa, nếu như NMLD số 1 được xây dựng trước đây có khó khăn gì, thì hai dự án đã và đang triển khai này cũng có khó khăn y như thế. Dù đã có được kinh nghiệm, nhưng không thể bê nguyên kinh nghiệm ấy áp dụng vào dự án này.  Song cái phức tạp hơn, khó khăn hơn đấy chính là việc tính toán, xây dựng và “kết nối” ba khối công nghệ hiện đại (NMLD số 1; NMLD mới xây dựng; Kho chứa dầu thô - PV) với nhau thành một tổ hợp hoàn chỉnh, đấy là cái khó, cái mới chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thách thức đầu tiên.

Nói đây là thách thức đầu tiên, vì chỉ cần tính toán không chặt chẽ, thiếu khoa học, phải dừng vận hành NMLD số 1 quá lâu để làm công tác kết nối, là thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Cái thách thức lớn nhất là khi đã kết nối thành công, việc vận hành thế nào, “cái mới”, “cái cũ” có tương thích, có “hỗ trợ” cho nhau để vận hành trơn tru hay không?  Trong “giáo án” dạy những người xây dựng NMLD không có khoản này. Không cẩn trọng, không đủ bản lĩnh và năng lực làm chủ công nghệ;  trục trặc xảy ra, thì hậu quả không thể tính bằng tiền. Và nói như Nguyễn Hoài Giang thì chỉ có lên “đoạn đầu đài”.

Câu trả lời cho cái lo “sốt vó” của người được giao Trưởng BQL dự án là như vậy.

2. Cái lo của người làm dự án, có người nói lo đến “khiếp sợ” là “thủ tục”. Nói đến thủ tục, tức là nói hệ thống hành chính chồng chéo; là nói đến luật chưa đồng bộ. Tôi, người viết bài này cũng có khá nhiều bạn bè làm việc trong các lĩnh vực kinh tế, có người cả đời chỉ làm dự án. Khi tâm sự, họ đều bảo làm dự án có nhiều cái phải lo, nhưng có hai “cái sợ”. Sợ thứ nhất là sợ “bị hành”, “bị ngâm” của thủ tục; Sợ thứ hai là sợ sự can thiệp cửa sau của “các chị”.

Tôi có anh bạn thân được giao làm Trưởng ban Quản lý một dự án “có cỡ” (đã nghỉ “hưu non” - PV) khi kể chuyện “các chị alô” mà anh đầu lắc như lên đồng. Anh thú nhận với tôi rằng, mỗi khi máy điện thoại đổ chuông là anh giật mình thon thót; trên màn hình hiện tên “chị A”, “chị X”… nghe xong điện thoại của “các chị” là mất ăn, mất ngủ cả tuần. Anh bảo không khác gì bị “tra tấn”, bị “khủng bố” về  tinh thần, phía sau những lời “ngọt nhạt” như “nhờ vả” ấy, ẩn chứa tiềm tàng sự “nguy hiểm”.  Anh bảo, để thoát vòng “cương tỏa” ấy đành cáo ốm, xin đi viện, rồi xin nghỉ hưu trước tuổi, nhường cái chức “trưởng ban” dự án cho người khác. Anh hỏi tôi, ông có biết cái người thay tôi bây giờ thế nào không; Tôi dương mắt nhìn, anh bảo “đi đếm lịch” rồi! Nghe mà nổi da gà.

Tôi mang chuyện này kể cho Nguyễn Hoài Giang nghe và hỏi anh: Mới nhận trưởng ban hai cái dự án “to đùng” như vậy, anh nhận được bao nhiêu cái “alô” rồi. Lần này thì Giang cười, cái cười rõ tươi đi kèm theo cái lắc đầu. Giang bảo, tôi không bị áp lực vì những cú “alô” như vậy, bởi đây là dự án mà phần lớn thiết bị nhập ngoại, có quy định nghiêm ngặt, chỉ có đơn hàng ở cấp có thẩm quyền, nhà cung cấp ở nước ngoài mới sản xuất. Hơn nữa các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được lãnh đạo PVN quan tâm chỉ đạo, dù lãnh đạo PVN không làm Trưởng BQL dự án, giao quyền cho cơ sở thì cũng chỉ đạo hết sức chặt chẽ, chuyện “gửi gắm” như kiểu “chị A”, “chị X” như anh nói kể từ khi xây dựng NMLD số 1 cho đến nay chúng tôi chưa bị áp lực ấy.

Qua tâm sự với Giang, hiểu được nỗi lòng những người làm dự án như Giang, càng thấm thía rằng, thủ tục hành chính ở ta còn quá rườm rà, quá nhiêu khê. Thường thì một dự án, nói như người trong cuộc là có tới “5 cha”, “3 mẹ”; nghĩa là chịu sự ràng buộc của luật này, luật kia; nghị định này, nghị định nọ. Có cái áp dụng với luật này thì đúng, nhưng khi dở luật khác ra là sai phạm nghiêm trọng… Tóm lại mớ “bòng bong” của thủ tục hành chính ở ta còn quá rườm rà, những rườm rà ấy ví như căn bệnh “kinh niên” chưa có thuốc chữa.

Anh Giang tâm sự như khẳng định rằng, 100% dự án ở nước ta trong quá trình triển khai đều có những vấn đề phát sinh; mà không chỉ “phát sinh” một vài lần; những phát sinh này đều không lường được trước. Mà đã phát sinh thì phải báo cáo, phải thẩm định, phải trưng cầu ý kiến của tư vấn, giám sát… chỉ riêng khoản này thôi, nhanh cũng mất 10 ngày, thường thì vài tuần, còn chậm thì chưa biết bao nhiêu thời gian. Vậy là chậm tiến độ; mà đã chậm tiến độ không chỉ ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành. Với một dự án lớn, có chuyên gia nước ngoài làm việc, với cả chục ngàn CBCNV tham gia, chậm tiến độ 1 ngày là thiệt hại tính bằng tiền triệu USD; rồi còn bị các nhà thầu, nhà cung cấp phạt tiến độ… tất cả những thiệt hại ấy đều đổ vào “đầu” dự án cả.

Vậy là vốn đầu tư đội lên, suy cho cùng cũng từ thủ tục hành chính nhiêu khê mà ra cả!

3. Tôi hỏi Nguyễn Hoài Giang: Khi được giao nhiệm vụ làm Trưởng BQL hai dự án quan trọng này, khó khăn thì đã bày ra trước mắt cả rồi, biết cả rồi; anh có kiến nghị gì để hai dự án này được “trơn tru” theo đúng quỹ đạo. Giang bảo, nhiệm vụ cấp trên giao, dù khó khăn đến mấy cũng phải ráng mà hoàn thành. Anh nói vui “đạn đã lên nòng” chỉ còn bắn nữa thôi, quan trọng bắn như thế nào cho trúng đích mới là điều cần bàn.

Cái “điều cần bàn” mà Nguyễn Hoài Giang nói, theo sự hiểu biết của tôi chính là giao quyền mạnh mẽ cho BQL dự án; cho BQL dự án những quyền hạn (tất nhiên là trong khuôn khổ pháp luật), để giảm bớt đi những tầng nấc trung gian, giảm bớt đi những đầu mối “can thiệp”, mà những người làm dự án hay gọi là “thủ tục rườm rà” không cần thiết. Đây là vấn đề mà lãnh đạo PVN đã và đang quyết liệt triển khai. Việc giao cho BSR làm chủ hai dự án chính là một trong những đổi mới quyết liệt, tin ở cơ sở, giao quyền cho cơ sở.

Nỗi niềm dự án!

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Đây chính là điểm mới, điểm sáng của lãnh đạo PVN. Cũng là dấu mốc, là sự ghi nhận năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở đối với những dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia mà Chính phủ tin tưởng giao cho PVN. Nhận lãnh trách nhiệm này, Giang bảo, đây là vinh dự to lớn, nhưng trọng trách cũng hết sức nặng nề. Tôi hỏi, cái cần nhất của anh, của BQL dự án lúc này là gì? Anh nói ngay, đấy là sự thông cảm, thấu hiểu và sẻ chia của các cấp lãnh đạo.

Thời tôi còn làm Báo Quân đội nhân dân vào NMLD Dung Quất để tìm hiểu viết bài. Trong niềm vui hân hoan của việc chạy thử thành công và cho ra mẻ sản phẩm đầu tiên của NMLD Dung Quất. Có một câu chuyện bên lề mà tôi còn nhớ mãi, đấy là việc ông Trương Văn Tuyến, lúc ấy là Phó tổng giám đốc PVN, Trưởng ban QLDA NMLD Dung Quất, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, nguyên Tỉnh ủy viên, Đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ngãi (từ 2003), đã bổ nhiệm Nguyễn Hoài Giang, từ một anh Phó phòng Kỹ thuật, lên hẳn Phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật kiêm công tác chạy thử. Anh em bảo “đây là một quyết định táo bạo nhưng hết sức đúng đắn”

Mới đây tôi hỏi Giang về chuyện này, Giang bảo chỉ còn non 6 tháng trời mà công việc còn lại “cả núi”, gần đến ngày chạy thử vẫn còn đến 5.000 lỗi kỹ thuật chưa được khắc phục, lúc ấy nhà thầu Technip không đồng ý cho chạy thử, họ phản ứng quyết liệt bằng cách không ký biên bản. Về phần mình, tôi thấy những lỗi kỹ thuật ấy không quá nghiêm trọng, vừa vận hành vừa khắc phục được, nên tôi quyết định vẫn cho chạy thử. Tôi hiểu mình không “làm liều”, nhưng trước sự phản ứng của nhà thầu, mình cũng run. Song chỉ bằng những sẻ chia ngắn gọn của anh Tuyến: “Tao giao cho mày toàn quyền quyết định”. Nhìn vào mắt tôi anh nói tiếp: “Đã tin vào chuyên môn, tin vào kỹ thuật thì cứ vững tin mà làm. Anh luôn bên cạnh mày trong bất cứ hoàn cảnh nào”.

Rồi Giang lại kể cho tôi nghe câu chuyện về thời anh Đinh La Thăng là Chủ tịch HĐTV PVN. Khi nghiệm thu sơ bộ nhà máy vào tháng 6-2010. Lúc ấy, nói như Giang anh bị “búa rìu” dư luận, bị kiện tụng “tùm lum”, 9 tháng trời liên tục bám nhà máy, đến cả việc vợ ở nhà “vượt cạn” cũng không có mặt. Anh bảo, khi tôi gặp anh Thăng, tôi chỉ hỏi đúng một câu: “Anh có tin em không?”. Anh Thăng không suy nghĩ, nói ngay: “Tao tin mày. Hãy coi đó là thử thách”. Giang bộc bạch với tôi, lúc ấy nếu anh Thăng không nói với tôi câu: “Tao tin mày”, tôi nộp đơn xin nghỉ việc liền, vì quá mệt mỏi, quá nhiều sức ép. Anh nói như trải lòng, sự thấu hiểu, sự sẻ chia của lãnh đạo chính là “động lực” để mình vượt qua những rào cản. Có chết cũng làm, cái cần của mình không là tiền bạc, không là “hào quang” của thành tích, cái cần nhất là lòng tin và sự sẻ chia của lãnh đạo!

Dự án lớn, với công nghệ hiện đại, muôn vàn phức tạp, lại chưa có tiền lệ… Những người làm dự án như đang đi trong khu rừng, phải tìm ra con đường nào ngắn nhất, an toàn nhất, ít rủi ro nhất. Người khai phá con đường ấy phải có tư duy, phải dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, để khai phá thành công rất cần sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ và sẻ chia của các cấp lãnh đạo.

Tôi cho rằng bài học về sự dùng cán bộ, tin cán bộ của lãnh đạo PVN thời nào cũng vậy, luôn là động lực to lớn để các dự án lớn thành công.

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 3-12-2014 về Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất, gồm 7 vấn đề:

1. Chấp thuận Dự án đầu tư nâng cấp và Mở rộng NMLD Dung Quất do PVN chủ trì lập, đã được Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan thẩm định với các nội dung cơ bản về công suất chế biến; Định hướng nguồn nguyên liệu dầu thô; Cấu hình công nghệ, chất lượng sản phẩm; Tiêu chuẩn môi trường; Tiến độ triển khai và tổng mức đầu tư dự kiến của dự án.

Trên cơ sở sở kết quả thẩm định của Bộ Công Thương, ý kiến các Phó thủ tướng và lãnh đạo các cơ quan tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, giao Hội đồng thành viên PVN rà soát, hoàn thiện các nội dung cụ thể và phê duyệt dự án đầu tư theo quy định.

2. Đồng ý PVN triển khai dự án theo phương án tự đầu tư song song với việc đàm phán chuyển nhượng với đối tác Gazprom Neft (GPN). UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án theo quy định.

3. Về ưu đãi đầu ư và cơ chế tài chính:

Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện phương án tài chính, nguồn vốn và ưu đãi đầu tư cho dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

4. Về phương án chuyển nhượng:

- PVN đàm phán các điều kiện chuyển nhượng, báo cáo các bộ kết quả đàm phán theo quy định.

- Bộ Công Thương chủ trì đàm phán các điều kiện bảo lãnh của Chính phủ cho dự án với đối tác Gazprom Neft trong thỏa thận chuyển nhượng và tham gia đầu tư dự án; Chủ trì thẩm định phương án chuyển nhượng do PVN đàm phán, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Về kho dự trữ dầu thô quốc gia tại Dung Quất:

Đồng ý thực hiện kho dự trữ dầu thô quốc gia tại Dung Quất độc lập với Dự án đầu tư nâng cấp và Mở rộng NMLD Dung Quất và giao PVN làm chủ đầu tư, triển khai lập, trình duyệt dự án theo quy định.

6. Chuẩn bị mặt bằng cho dự án:

- PVN và UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất các nội dung và tiến độ chi tiết của công tác đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng và phương án vốn để triển khai.

- UBND tỉnh Quảng Ngãi chịu trách nhiệm điều chỉnh quy hoạch mặt bằng, bố trí đất đai giải quyết các vấn đề liên quan đến sử dụng đất của dự án, phù hợp với quy định của Luật Đất đai và các quy định pháp luật khác có liên quan; Thực hiện các công việc giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng theo yêu cầu tiến độ của dự án.

7. Giao Bộ Công Thương chỉ đạo PVN triển khai dự án, chủ động xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.

Ngày 24-12-2014 BQL Khu kinh tế Dung Quất cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 65201000123 Dựa án đầu tư nâng cấp và Mở rộng NMLD Dung Quất cho  Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Đặng Trung Hội

 

DMCA.com Protection Status