Kỷ niệm một chuyến ra Trường Sa

07:00 | 20/02/2015

1,196 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Hoạt động dầu khí, đặc biệt các hoạt động ngoài biển luôn luôn gắn liền với chủ quyền và tài nguyên của đất nước, tạo nên sự gắn bó với các sĩ quan, chiến sĩ hải quân đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Chính vì vậy, kể từ những ngày mới thành lập, mối quan hệ này đã được thiết lập và ngày càng gắn bó, sâu nặng.

Năng lượng Mới số Xuân 2015

Chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) hải quân đang ngày đêm bám biển để bảo vệ biển đảo, giữ vững chủ quyền của đất nước, xuất phát từ tấm lòng của tập thể những người lao động dầu khí, từ năm 2009, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã quyết định hỗ trợ kinh phí để triển khai Dự án “Năng lượng sạch và chiếu sáng Trường Sa” gồm các hạng mục: Hệ thống năng lượng sạch (lắp đặt tấm pin mặt trời và động cơ turbine gió); các nhà trạm nguồn; hệ thống đèn pha quan sát trên các nhà giàn, đảo chìm, đảo nổi và các hạng mục liên quan tới dự án tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Sau một thời gian khẩn trương thực hiện, giai đoạn một của dự án đã hoàn thành.

Theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí, cuối tháng 4/2009, Đoàn công tác của Tập đoàn Dầu khí gồm 55 cán bộ từ Công ty Mẹ và các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn, cùng với Bộ Tư lệnh Hải quân, Hải quân vùng 4 và các đơn vị trong ngành Dầu khí tổ chức một chuyến ra Trường Sa để động viên, thăm hỏi các CBCS hải quân và tổ chức nghiệm thu dự án năng lượng sạch và chiếu sáng Trường Sa - Giai đoạn 1. Cùng đi với đoàn còn có Bí thư Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, đại diện Bộ Ngoại giao, A36 - Bộ Công an, Công an TP Hải Phòng, Học viện Báo chí Tuyên truyền, Công ty Đầu tư phát triển năng lượng mặt trời Bách khoa... Về phía Bộ Tư lệnh Hải quân có Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Minh - Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Tư lệnh Hải quân và một số cán bộ chỉ huy Hải quân vùng 4. Đoàn cán bộ của Tập đoàn Dầu khí, ngoài lãnh đạo các đơn vị còn có đội văn nghệ thanh niên xung kích của Tập đoàn, mang theo hơn 160 thùng quà lớn, thể hiện tình cảm và tấm lòng của người lao động dầu khí đối với Trường Sa.

ky niem mot chuyen ra truong sa

6 giờ ngày 26/4/2009, Đoàn có mặt tại cảng Sài Gòn. Cùng hành trình với chúng tôi là tàu Hải quân 936 cùng hơn 30 cán bộ, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân làm công tác đưa đón chúng tôi đến các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là con tàu trọng tải 2.100 tấn được sản xuất tại Liên Xô trước đây và được dùng để chuyên chở nước ngọt ra đảo, nay tàu được thiết kế lại để chở CBCS.

Sau khi thực hiện thủ tục tiễn đoàn theo đúng nghi thức của Hải quân. Đúng 7 giờ, tàu Hải quân 936 kéo một hồi còi chào đất liền rời cảng, bắt đầu cuộc hành trình. Đến 15 giờ 15 phút cùng ngày, tàu ra tới biển Vũng Tàu. Sau 2 ngày trên biển, tới sáng ngày 28/4 chúng tôi tới đảo Đá Nam, hòn đảo đầu tiên tới thăm trong lộ trình của chuyến đi. Nhìn từ trên boong tàu, Đá Nam là một dải đá nhô lên, chênh vênh trên mặt biển có chiều dài chừng 2,1km, rộng khoảng 1,5km với ngôi nhà lắp ghép bằng bê tông tọa lạc ngay trong khuôn viên đảo, đó là nơi làm việc và sinh sống của gần 20 CBCS thuộc Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân. Chúng tôi thật sự xúc động khi thấy các CBCS lội ra tận mép xuồng để đón chúng tôi vào bờ. Họ hầu hết là các chiến sĩ trẻ, tuổi chỉ 18, đôi mươi, nhưng phong trần, nắng gió, gian khổ không làm phai đi những nét hồn nhiên, vô tư của tuổi trẻ.

Với gương mặt sạm đen vì nắng gió, các CBCS trên đảo tiếp đón chúng tôi thân mật như gặp được người thân sau bao ngày xa cách. Chúng tôi thăm đảo và tìm hiểu sinh hoạt, về cuộc sống của các CBCS. Thật vô cùng cảm phục về ý chí, nghị lực phi thường và tinh thần lạc quan của những người lính trẻ bám trụ bảo vệ mảnh đất, vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc. Sau những cái bắt tay, những cái ôm hôn, những thùng quà đầy tình nghĩa được trao cho các chiến sĩ là những bài hát đầy sức sống mãnh liệt đã vang lên tràn ngập hòn đảo. Đến giờ quay về tàu, phút chia tay thật xúc động và bịn rịn, chúng tôi rời đảo về tàu mà lòng bâng khuâng như vừa từ biệt những người thân của mình.

Sáng hôm sau, ngày 29/4, chúng tôi tới đảo Song Tử Tây. Đây là một hòn đảo tuyệt đẹp, với những rặng cây xanh mát và những chú bò nhẩn nha gặm cỏ, thấp thoáng trong bóng cây là những ngôi nhà xinh xắn. Song Tử Tây là một trong những hòn đảo có diện tích lớn và rất đẹp của quần đảo Trường Sa. Đón chúng tôi những là CBCS và nhân dân trên đảo. Thượng tá Phạm Văn Hà, Đảo trưởng dẫn chúng tôi đi thăm và tự hào kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống trên đảo. Song Tử Tây nay đã có nước ngọt, có hệ thống chiếu sáng quanh đảo, có điện sinh hoạt và phục vụ công tác. Với khí hậu thuận lợi nên trên đảo trồng được nhiều cây xanh. Đảo đã tự cung cấp được các loại rau xanh, chăn nuôi các loại gia súc như lợn, bò, gà, vịt… để cải thiện cuộc sống. Có 7 hộ dân sinh sống tại đây trong những ngôi nhà khang trang và tiện nghi đầy đủ với tiếng trẻ thơ. Trẻ em đến độ tuổi đi học đều được đến trường học từ mẫu giáo đến lớp 4, sau đó thì chuyển về đất liền học tiếp.

7 giờ ngày 30/4, chúng tôi tới thăm đảo Sơn Ca - một trong những hòn đảo có cái tên rất hay và nhiều cây xanh nhất. Phong trào tăng gia trên đảo phát triển rất mạnh. So với các đảo khác thì Sơn Ca nằm ở vị trí thấp hơn nên mùa mưa đến có những đợt sóng to dâng lên, nhiều khi cả đảo bị nước biển tràn qua. Đảo Sơn Ca có rất nhiều cây bàng vuông, một loại cây rất đặc trưng của quần đảo Trường Sa với những chùm quả khi về già có hình dạng giống như chiếc đèn lồng hình vuông to bằng nắm tay người lớn. Những vườn rau đầy muống, mồng tơi, ngót, rồi đu đủ, chuối… tươi tốt và trông rất mát mắt. Phía ngoài đảo là những rặng cây nối nhau vòng quanh ôm đảo với những con sóng vỗ miên man ngày đêm đùa nhau trên bờ cát trắng.

ky niem mot chuyen ra truong sa

Đoàn công tác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, Bộ Tư lệnh Hải quân đi kiểm tra Dự án năng lượng sạch trước khi bàn giao cho đảo Trường Sa Lớn

Hôm chúng tôi đến, trời nắng đẹp làm cho làn nước biển như thêm xanh hơn màu xanh ngọc bích, có thể nhìn thấy rõ những rặng san hô với nhiều đàn cá bơi lội tung tăng bình yên đến lạ kỳ.

Chúng tôi rất xúc động khi được biết rằng, để có được cơ ngơi như thế này, biết bao mồ hôi, công sức và cả máu nữa của các CBCS đã đổ xuống đây trong nhiều năm. Cùng với đoàn thanh niên xung kích, chúng tôi đã giao lưu văn nghệ với lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân và CBCS trên đảo. Dưới bóng cây bàng vuông, những lời ca, tiếng hát đã vang lên rộn ràng. Chúng tôi cùng hát về đảo Trường Sa, về những người lính đảo, về tình yêu quê hương, đất nước và về thanh niên ngày hôm nay. Trời bỗng đổ cơn mưa nhưng tất cả vẫn say sưa hát, mặc cho những giọt mưa rơi mỗi lúc một nặng hạt.

Chiều 30/4 đoàn đặt chân lên đảo Nam Yết - một hòn đảo nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa. Trên đảo trồng rất nhiều cây nhàu, mù u và các loại cây ăn quả, khuôn viên đảo rất sạch sẽ và thoáng đãng. Tiếp chúng tôi, Thượng tá Bùi Hữu Phước - Đảo trưởng đảo Nam Yết cho biết, kể từ khi tiếp quản, các CBCS đã phát hiện và xử lý kịp thời nhiều máy bay lạ, tàu nước ngoài có ý định xâm nhập vào lãnh hải nước ta. Các CBCS trên đảo cũng đã cứu chữa và cung cấp lương thực, nước ngọt cho rất nhiều tàu cá của ngư dân gặp nạn trên biển.

Chiều xuống, chúng tôi bịn rịn chia tay các CBCS trên đảo và trở về tàu.

Những ngày tiếp theo, chúng tôi tới thăm các đảo Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Thị và Đá Tây. Những cái tên nghe không chỉ là tên gọi thuần túy mà còn gợi nhớ những kỷ niệm bi tráng và hào hùng hơn hai mươi năm trước của các CBCS đã kiên cường, anh dũng bám đảo, bảo vệ đất trời Tổ quốc tới hơi thở cuối cùng.

 13 giờ ngày 2/5, tàu chúng tôi cập cảng đảo Trường Sa Lớn. Đây là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, có sân bay quân sự và có dân sinh sống. Hòn đảo có những con đường rộng thênh thang, những vườn cây và những ngôi nhà khang trang của CBCS và nhân dân trên đảo nằm khuất sau các lùm cây xanh mát. Tại hội trường của đảo, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Bộ Tư lệnh Hải quân đã tổ chức cắt băng khánh thành giai đoạn 1 Dự án “Năng lượng sạch và điện chiếu sáng” phục vụ công tác và sinh hoạt của CBCS và nhân dân trên đảo. Chúng tôi đã tới kiểm tra các cột phát điện turbine gió, hệ thống pin mặt trời, các trạm nguồn, hệ thống điều khiển… và hài lòng khi thấy các hệ thống này hoạt động tốt và thực sự mang lại hiệu quả thiết thực. Sau lễ cắt băng khánh thành là chương trình giao lưu văn nghệ với các CBCS trên đảo. Buổi giao lưu của đoàn công tác với các cán bộ, chiến sĩ hải quân đã diễn ra thật sự đầm ấm và ấn tượng, mặc dù sau khi thăm 8 điểm đảo, nhiều anh em trong đội văn nghệ thanh niên xung kích dầu khí đã thấm mệt và giọng khản đặc vì hát quá nhiều.

ky niem mot chuyen ra truong sa

Bên cột mốc chủ quyền của Tổ quốc

Chiều ngày 2/5, đoàn công tác phải thay đổi kế hoạch gấp vì nhận được tin bão khẩn cấp, cơn bão số 1 sẽ đổi hướng và đổ bộ vào khu vực quần đảo Trường Sa trong đêm. Chúng tôi phải rời đảo ngay tối ngày 2/5 và đi thẳng về đất liền để tránh bão. Giờ phút chia tay thật bịn rịn. Những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm nồng ấm của anh chị em trong đoàn dành cho các chiến sĩ trẻ, sự chia tay của những người đồng hương vừa mới được gặp nhau, rồi vội vã trao đổi số điện thoại, email, địa chỉ, gửi cho nhau những lời nhắn nhủ… rồi những cái vẫy tay, những ánh mắt rơm rớm trong tiếng còi tàu hú tiễn biệt. Tuy không nói ra, nhưng sâu thẳm trong lòng mỗi người trong đoàn chúng tôi đều dạt dào tình cảm thương mến những người lính kiên trung, những người anh, người chị, người mẹ và cả các em thơ đang ngày đêm sinh sống và làm nhiệm vụ tại mảnh đất tiền đồn của Tổ quốc. Chúng tôi trở về đất liền nhưng gửi lại nơi đây những tình cảm sâu đậm với lời tự nhủ: Phải cố gắng phấn đấu, sống tốt hơn nữa, làm việc nhiều hơn nữa, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng hơn nữa để xứng đáng với sự hy sinh thầm lặng của các CBCS và nhân dân trên đảo.

Do né bão, thay vì ghé qua thăm giàn DK1, chúng tôi về thẳng đất liền vì tàu có cập giàn cũng không thể nào lên nổi trong mưa bão. Cả đêm 2/5 và ngày hôm sau, tàu đi trong mưa bão, trong những ánh chớp sáng lòe cắt ngang bầu trời, từng cơn gió thổi dồn dập và những con sóng biển gào thét xô từng đợt liên tiếp qua boong tàu. Con tàu chao nghiêng theo, chồm lên xuống từng đợt theo cuồng phong và sóng lớn nhưng vẫn lầm lũi tiến về đất liền.

Đêm 2/5 và ngày 3/5, đang trong cơn bão nên toàn bộ các thành viên trong đoàn được lệnh không được ra khỏi phòng. Phần lớn các thành viên trong đoàn đều bị say sóng. Các chiến sĩ hải quân tận tình mang đồ ăn đến từng phòng cho mọi người. Là lãnh đạo đoàn, tôi rất lo nên sáng sớm hôm sau tôi bám vào lan can trong tàu đi từng phòng kiểm tra xem anh em trong đoàn có ai bị làm sao không và rất may không ai bị làm sao, trừ việc bị say sóng. Thật là may quá, tôi cứ lo chẳng may ai đó bị rơi xuống biển thì thật là ân hận.

Thế mới biết rằng, cuộc sống của người chiến sĩ hải quân vất vả thế nào. Trong cơn bão lớn, Thuyền trưởng - Đại úy Nguyễn Văn Sửu và các cán bộ trong Ban Chỉ huy tàu liên tục phải bám trụ, vừa nắm bắt tình hình, vừa chèo lái con tàu chống chọi với bão táp. Chuẩn đô đốc, Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Hải quân Phạm Ngọc Minh cùng chúng tôi thường xuyên có mặt trên phòng lái tàu cùng các cán bộ chỉ huy. Một đêm bão tố đã trôi qua và con tàu kiên cường đưa chúng tôi ra khỏi vùng nguy hiểm nhất của cơn bão.

Chiều hôm sau, tàu chúng tôi về đến Vũng Tàu. Theo kế hoạch, tàu neo lại Vũng Tàu và chúng tôi tổ chức một bữa liên hoan giao lưu chia tay với các đồng chí lãnh đạo và chiến sĩ hải quân. Quả thật là không gì vui bằng sau 10 ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi lại nhìn thấy đất liền. Chia tay chúng tôi, Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Minh - Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Tư lệnh Hải quân xúc động nói: “Tôi cũng mong muốn các hoạt động giao lưu kết nghĩa các đơn vị trong ngành Dầu khí với huyện đảo Trường Sa và các đơn vị của quân chủng Hải quân để tuổi trẻ dầu khí có thể nhận thức sâu sắc về biển đảo của Tổ quốc ta, đồng thời để cán bộ, chiến sĩ của Quân chủng Hải quân hiểu rõ hơn về sự phát triển lớn mạnh của Tập đoàn Dầu khí trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Sau chuyến đi Trường Sa thấy rằng, Dự án “Năng lượng sạch và    chiếu sáng Trường Sa - giai đoạn 1” được triển khai thành công và thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí đã quyết định hỗ trợ tiếp hơn 400 tỉ đồng để triển khai giai đoạn 2. Tới nay dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác và việc sử dụng năng lượng sạch được triển khai với quy mô lớn, trải dài trên toàn bộ các đảo và nhà giàn DK thuộc quần đảo Trường Sa Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực bảo vệ Tổ quốc, xanh hóa các đảo và giảm bớt khoảng cách giữa các đảo và đất liền, đồng thời góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa.

Cho tới nay, chúng tôi vẫn giữ mối liên hệ với sĩ quan, chiến sĩ hải quân và luôn luôn nhắc lại những kỷ niệm không thể quên về chuyến đi năm ấy.

Hoàng Xuân Hùng (nguyên Phó chủ tịch HĐTV PVN)  

DMCA.com Protection Status