Chủ tịch HĐTV PVN Nguyễn Xuân Sơn "đặt hàng" khối E&P

17:04 | 31/07/2014

1,036 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Việc Chủ tịch Hội đồng thành viên Nguyễn Xuân Sơn lựa chọn Ban Tìm kiếm thăm dò và Ban Khai thác dầu khí để làm việc đầu tiên sau khi nhậm chức cho thấy, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn coi trọng khối thượng nguồn.

Sáng ngày 31/7, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Xuân Sơn cùng Thành viên Hội đồng thành viên Vũ Khánh Trường, các Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Quốc Thập và Nguyễn Vũ Trường Sơn đã có buổi làm việc với các chuyên gia, kỹ sư, cán bộ hai Ban nguồn.

Là người hoạt động lâu năm và có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, nhưng Chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn lại đặc biệt quan tâm đến môi trường làm việc cũng như chiến lược phát triển nhân sự. Chủ tịch “đặt hàng” một số vấn đề và muốn tập thể lãnh đạo, chuyên gia, cán bộ hai Ban trình bày hết những suy nghĩ của mình. Thứ nhất, với điều kiện thực tế tiềm năng dầu khí như hiện tại, làm sao khối thượng nguồn tìm thêm được những khu vực mới? Thứ hai, nếu còn cơ hội, thì làm sao đẩy nhanh tiến độ E&P (tìm kiếm, thăm dò và khai thác – Exploration and Production) hơn nữa. Thứ ba là vấn đề cơ chế, chính sách đãi ngộ để hút nhân tài về làm việc lâu dài tại Tập đoàn. Và cuối cùng là quan điểm xây dựng bộ máy nhân lực trong thời gian tới, để làm sao PVN đuổi kịp các đồng nghiệp trong khu vực.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Trưởng ban Tìm kiếm thăm dò Phan Tiến Viễn báo cáo nhanh về những công việc Ban đang triển khai. Đối với công tác gia tăng trữ lượng 35-45 triệu tấn dầu qui đổi và công tác khoan thăm dò, khoan thẩm lượng, tập thể Ban Tìm kiếm thăm dò tự tin đang làm tốt. Nhiệm vụ mời đối tác đầu tư vào Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi bởi truyền thống hợp tác quốc tế và PVN có “tiếng” là đối tác tin cậy của tất cả Công ty dầu khí từng đến và tìm kiếm cơ hội với chúng ta. Trưởng ban Phan Tiến Viễn cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện tại là trữ lượng trong vùng truyền thống đang chững lại. Thời gian tới việc gia tăng trữ lượng tập trung nhiều ở vùng nước sâu, phức tạp ngoài Biển Đông, trong khi ở nước ngoài, công tác tìm kiếm ngày càng khó khăn, khốc liệt, ít kết quả.

Lãnh đạo Tập đoàn chủ trì buổi làm việc

Trong khi đó, ông Lê Ngọc Sơn, Trưởng ban Khai thác dầu khí nhìn nhận, nhân sự đang là thách thức của Ban. “Ban thường xuyên phải cử chuyên viên đi biệt phái ở cả nhà thầu trong nước lẫn nhà thầu nước ngoài. Chúng ta có 42 mỏ đang cho khai thác, chưa kể đề án đang phát triển. Làm sao đảm bảo đẩy nhanh mỏ mới triển khai đưa vào khai thác – đó là công tác gia tăng khai thác ổn định trước mắt và lâu dài. Dự kiến, năm 2014, toàn Tập đoàn sẽ khai thác 17 triệu tấn dầu và 10 tỉ m3 khí. Đến nay, tôi có thể khẳng định khai thác khí thì hoàn toàn yên tâm, nhưng với dầu sẽ là vấn đề lớn. Những phát hiện dầu vừa qua chỉ là những phát hiện nhỏ, sản lượng hạn chế”.

Về hợp đồng dầu khí, nhiều chuyên viên Ban Khai thác dầu khí khẳng định đã có những điểm lạc hậu so với sự phát triển sôi động của ngành dầu khí. Thậm chí, so với ngay các đồng nghiệp trong khu vực, bởi bản chất từ phân chia sản phẩm nay đã chuyển sang phân chia lợi nhuận. Như vậy là giảm chi phí ban đầu cho nhà đầu tư. Chính phủ cần xem xét lại các Qui định liên quan đến vấn đề này.

Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Nguyễn Xuân Sơn 

Phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Thập chỉ rõ 3 khó khăn đang cản trở khối E&P toàn ngành (gồm cả Vietsovpetro, PVEP và các nhà thầu) chứ không riêng Công ty mẹ. Thứ nhất, lực lượng khối E&P quá mỏng. Kế đó là khả năng gia tăng trữ lượng ngày một khó khăn hơn. Đối với những nguy cơ thách thức, nếu chúng ta cứ triển khai E&P như hiện nay thì có nguy cơ ngày càng tụt hậu. “Kinh nghiệm thế giới cho thấy, không một Công ty dầu khí quốc gia nào có thể lớn mạnh bằng chính nội lực của mình, kể cả các “ông lớn” của Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… chứ ở đây tôi chưa nói đến công ty dầu khí quốc tế. Lực lượng chuyên gia của các Tập đoàn dầu khí quốc gia các nước rất đông, và một phần không nhỏ là người nước ngoài. Vài chục con người của hai Ban trong Công ty mẹ làm sao đủ người mà làm việc”, Phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Thập nêu rõ quan điểm.

Một nguy cơ nữa, đó là khó hoàn thành kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm, và các chiến lược phát triển dài hơi. Mua thêm mỏ được thì tốt, nhưng trong bối cảnh khó khăn, mua ít thì không đủ bù đắp. Vấn đề quyết định thời điểm đầu tư, khối lượng đầu tư hết sức quan trọng.

Về giải pháp, Phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Thập cho rằng, chỉ có cách tăng thu nhập, dùng chế độ đãi ngộ để thu hút thêm thật nhiều chuyên gia khối tìm kiếm, thăm dò. Mức thu nhập hiện tại chỉ có thể thu hút cho những người muốn về Tập đoàn (về Hà Nội, về gần gia đình), hoặc làm bước đệm cho những người trẻ trước khi đi các nhà thầu mà thôi. Thứ nữa là môi trường làm việc, từ phong cách chỉ đạo điều hành, phân công công việc đến vấn đề tạo dựng môi trường làm việc thân thiện cũng là vấn đề không nhỏ. Chúng ta bổ nhiệm lãnh đạo đúng thì đơn vị đó mới có cơ hội phát triển tốt.

Trưởng ban Tìm kiếm thăm dò Phan Tiến Viễn báo cáo lãnh đạo Tập đoàn tiến độ công việc

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nguyễn Xuân Sơn tái khẳng định vai trò của khối E&P trong chuỗi sản xuất khép kín của Tập đoàn. Ngành dầu khí rất cần sự đóng góp của khối E&P vào sự phát triển chung. Chủ tịch đề nghị, sắp tới chuyên gia, cán bộ khối E&P cần dồn hết trí tuệ cho công việc phát triển việc gia tăng trữ lượng, gia tăng sản lượng cho ngành dầu khí.

“Tôi luôn tâm niệm, môi trường làm việc là quan trọng nhất. Đồng ý là lương, thưởng của mọi người nhìn lên chưa bằng ai, nhưng mọi người cố gắng dành thời gian để nhìn sang những vị trí khác tương tự. Dẫu vậy, tôi hứa sẽ lo đến nơi đến chốn chế độ đãi ngộ của anh em, chứ không chỉ là Nghị quyết, Nghị định hay lời hứa sáo rỗng. Sẽ là mức thu nhập thu hút nhân tài chứ không cào bằng nữa. Nhân tài về, họ nhìn vào môi trường, nhìn vào các Trưởng ban, người phụ trách mình... 

… Nếu ai là chuyên gia, lãnh đạo các Ban cứ đề xuất, Chủ tịch chắc chắn sẽ tăng lương lên. Chính phủ chúng ta có chế độ đãi ngộ cao cho chuyên gia và cán bộ kỹ thuật trình độ cao!” - Chủ tịch Nguyễn Xuân Sơn khẳng định.

Xung quanh công tác bố trí cán bộ trong lĩnh vực E&P, Chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn cam kết lãnh đạo Tập đoàn sẽ dành thời gian thích đáng để xem xét lại cẩn trọng. "Chúng ta không chỉ là người quản lý, mà bây giờ chúng ta đã là người điều hành, trực tiếp làm. 1-2 chuyên gia làm nổi không? Tôi yêu cầu lãnh đạo khối E&P không ngồi chờ người giỏi mang hồ sơ đến, mà phải chủ động đi tìm người về Tập đoàn".

Với tinh thần học hỏi, dám nghĩ, dám làm, nghiêm túc tiếp thu những bài học kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, phát huy triệt để những thế mạnh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoàn toàn tự tin có thể hoàn thành mục tiêu kế hoạch thăm dò khai thác dầu khí năm 2014 tiếp tục thực hiện thành công kế hoạch chiến lược thăm dò khai thác dầu khí cả giai đoạn 2011-2015 của ngành Dầu khí Việt Nam.

Lê Tùng

DMCA.com Protection Status