Vì sao EVN phải mua điện từ Trung Quốc?

21:31 | 29/08/2014

1,277 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đây là câu hỏi đang thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội thời gian gần đây, và để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

         Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

PV: Thưa ông, ông bình luận thế nào về  việc dư luận gần đây cho rằng, EVN đã mua điện từ Trung Quốc với giá cao?

Ông Trần Viết Ngãi: Trước hết, cần phải khẳng định rằng, chuyện mua bán, xuất nhập khẩu là hoạt động bình thường của một nền kinh tế. Nói một cách nôm na là thiếu thì mua, thừa thì bán. Điện năng cũng là một mặt hàng như các mặt hàng khác, cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Việc mua điện Trung Quốc đã diễn ra một thời gian dài. Nguyên nhân chính là vì trong những năm trước đây, chúng ta vẫn thiếu nguồn, thậm chí có những năm hạn hán như 2009, 2010 thiếu điện trầm trọng. Mua điện Trung Quốc là giải pháp tình thế để EVN có thể đảm bảo cấp điện ổn định cho hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân, đặc biệt là tại các thời điểm nắng nóng và căng thẳng vì thiếu nguồn.

Tuy nhiên, thông tin mua điện Trung Quốc với giá cao (gấp 2 - 3 lần trong nước) là không chính xác. Theo tôi được biết, giá EVN mua thời điểm những năm đầu là khoảng 4,5 cent/kWh và đến thời điểm hiện tại thì cũng chỉ hơn 6 cent/kWh (khoảng 6,28 - 6,3 cent, tức là khoảng trên dưới 1.200 đồng Việt Nam, thấp hơn giá bán lẻ bình quân cho phép khoảng 200 đồng). Đây là mức giá chấp nhận được, bởi trên thực tế giá bán lẻ điện của Trung Quốc trong nước họ đã hơn 8 cent/kWh, nên không có chuyện Việt Nam bị mua điện với giá cao!

Mặt khác, nếu so với giá EVN mua của các nhà máy nhiệt điện than trong nước (hiện khoảng 1.400 đồng/kWh) thì đây vẫn là mức giá rẻ, chứ không phải "gấp 3 lần giá mua của các nhà máy điện trong nước" như một số thông tin đã đưa.

Vì vậy, có thể khẳng định rằng, đây đơn thuần chỉ là thương vụ mua bán hàng hóa bình thường chứ không có chuyện "độc quyền" hay "lợi ích nhóm"!

PV: Vậy theo ông, tại sao lại xuất hiện những thông tin thiếu chính xác như vậy?

Ông Trần Viết Ngãi: Tôi nghĩ rằng, một mặt là do cách tính giá điện (bao gồm cả giá sản xuất, giá mua, giá bán...) vốn rất phức tạp, người ngoài ngành Điện nếu nắm không đầy đủ thông tin sẽ rất dễ bị hiểu sai. Mặt khác, do thị trường phát điện cạnh tranh đặt ra "luật chơi" trên thị trường rất "sòng phẳng," nên khi một số nhà máy chào giá cao, hoặc phương thức chào sai... không được huy động, có thể nảy sinh tâm lý hoài nghi: Tại sao EVN không mua điện của mình mà đi mua điện Trung Quốc?

Những hoài nghi này trong bối cảnh dư luận trong nước đang sục sôi vấn đề Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay càng dễ thổi lên thành vấn đề "nóng".

PV: Theo ông, trong hoàn cảnh này, làm thế nào để những thông tin sai lệch kiểu này không tái diễn, tránh những hiểu nhầm không đáng có trong dư luận?

Ông Trần Viết Ngãi: Chúng ta đang sống trong một "thế giới phẳng" nên việc tồn tại các luồng thông tin đa chiều là điều bất khả kháng.. Không chỉ có ngành Điện mà với các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế - xã hội khác cũng vậy. Chỉ có điều là trước các luồng thông tin chưa được kiểm chứng, ứng xử của dư luận sẽ có những hướng khác nhau. Nếu EVN (hay bất kỳ đơn vị nào cũng vậy) kịp thời thông tin một cách minh bạch, chính xác, thì mọi vấn đề sẽ dần dần được hóa giải.

Về lâu dài, việc công khai, minh bạch giá điện cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh mà EVN đang triển khai theo chỉ đạo của Bộ Công Thương chính là cách thức tốt nhất, bền vững nhất để tránh những hoài nghi, hiểu nhầm không đáng có!.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo EVN, trong giai đoạn từ 2004 - 2008, hệ thống điện Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu điện, đặc biệt là miền Bắc. Việc này đe dọa đến thu hút đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế. Nguyên nhân dẫn đến việc thiếu điện là do tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện mỗi năm khá cao, đạt trên 17%/năm. Bên cạnh đó, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, dẫn đến tiến độ xây dựng và phát triển các dự án nguồn điện không theo đúng quy hoạch đã được lập.

Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo ổn định cung cấp điện cho nền kinh tế giai đoạn 2004-2008, năm 2003, EVN đã lập đề án nhập khẩu điện từ Trung Quốc. Đề án sau đó đã được báo cáo các bộ, ngành và được Chính phủ chấp thuận, thể hiện rõ trong Quy hoạch điện 6 và ngay lập tức đề án được Tổng công ty Điện lực Việt Nam gấp rút thực hiện. Đến năm 2004, EVN đã nhập khẩu điện ở cấp điện áp 110 kV và năm 2006 nhập khẩu ở cấp điện áp 220kV để cung cấp điện cho 13 tỉnh phía Bắc.

Việt Hà

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps