Truyền tải điện Quảng Nam - Đà Nẵng: 20 năm trưởng thành

11:10 | 11/09/2014

971 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
20 năm trước, đội Truyền tải điện Đà Nẵng là một trong các đơn vị tiền thân của Truyền tải điện Quảng Nam - Đà Nẵng. Chặng đường hai thập kỷ đã trở thành kỷ niệm với biết bao gương mặt, tấm lòng, trải gọn trong sổ trực ca, sổ nhật ký vận hành và trên mỗi phiếu công tác của những người truyền tải điện.

Nếu lấy ngày 27/5/1994 là ngày đóng điện chính thức Trạm biến áp 500 kV Đà Nẵng, đưa hệ thống điện siêu cao áp 500 kV vào vận hành thì hơn 1 năm trước đó, cùng với đơn vị thi công, công tác nghiệm thu đã được những người thợ quản lý vận hành đường dây, và trạm Truyền tải điện Quảng Nam – Đà Nẵng thực hiện. Các hạng mục hành lang tuyến, móng, cột, dây dẫn, phụ kiện,… đều phải nghiệm thu theo đúng quy trình, quy phạm.

Vào thời điểm đó, lần đầu tiên chúng ta xây dựng hệ thống đường dây tải điện 500 kV. Cái mới là cấp điện áp và tầm quan trọng của một công trình Quốc gia. Chính vì vậy, những yêu cầu về kỹ thuật là rất nghiêm ngặt, buộc phải tuân thủ, không bỏ qua, không nhân nhượng.

Những anh em ở các đơn vị xây lắp đã thi công nhiều công trình, họ có kinh nghiệm, mặt khác do yêu cầu tiến độ, nên những chuyện “to tiếng” tranh luận trong nghiệm thu xảy ra như cơm bữa. Nhưng rồi chuyện đâu cũng vào đấy, cái đúng bao giờ cũng được chấp nhận, xong mỗi việc gặp nhau lại cười, ngày mai lại tiếp tục nhé…

Nhớ lại đơn vị ngày ấy, thiếu thốn đủ thứ, cả vật chất lẫn con người, nhưng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Công ty, đơn vị chia thành từng nhóm nhỏ phối hợp với phòng Kỹ thuật để đảm nhận một cung đoạn từ Phú Lộc - Thừa Thiên Huế qua đèo Hải Vân đến Trạm 500 kV Pleiku. Qua bốn cái đèo Phước Tượng, Phú Gia, Hải Vân và Lò Xo, cái khó khăn đã qua đến bây giờ ai cũng thấm, nhưng cũng rất tự hào. Tại thời điểm đó, đoạn nào có yêu cầu nghiệm thu là chúng tôi có mặt, ăn ở dầm dề với nắng, mưa, với cái lạnh như mùa đông trên đèo Hải Vân, sống chung với ruồi vàng vắt xanh trên đèo Lò Xo…

Gian nan nhất là nghiệm thu phần cột, dây dẫn…tất cả đều là mắt thấy tay cầm cờ lê để thử, cái công làm cỏ đúng theo ngôn từ kỹ thuật là phải “đụng độ”, phải chứng minh để cùng nhau công nhận cái thông số yêu cầu của nhà thiết kế. Sai đâu thì phải sửa đó là điều tất nhiên, nhưng có những cái sai trong thi công phải bắt buộc thay thế như thanh cột bị cong vênh, dây dẫn bị bào mòn, bu lông không đúng chủng loại, ép nối không đúng… Ngày nào cũng vậy, sáng lội bộ lên truyến, có nhiều bữa phơi mình trên cột đi qua khoảng néo trên dây dẫn cả ngày. Tối ghi lại phụ lục, rồi còn đọc bản vẽ cho ngày mai. Người làm công tác nghiệm thu ngoài cái vốn kỹ thuật, còn phải nắm rõ quy trình, quy phạm, pháp luật và một điều rất quan trọng đó là cung cách xử sự của con người với con người giữa hai đơn vị đôi khi còn phải đấu tranh giữa cái tình và lý.

Đấu nối thiết bị tại Trạm 220 kV Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang, Quảng Nam)

Sau nghiệm thu đường dây được đưa vào vận hành khai thác, công tác quản lý vận hành bắt đầu từng bước đi vào ổn định. Các đội Phước Sơn, Giằng được thành lập, tất cả hầu như đều mới mẻ, từ con người đến thiết bị.  Ranh giới quản lý vận hành thiết bị, hành lang truyến, trạm lặp được phân chia và giao nhiệm vụ cho từng đơn vị. Đoạn tuyến Truyền tải điện Quảng Nam - Đà Nẵng quản lý, đã hội tụ rất nhiều khó khăn về địa hình, thời tiết và điều kiện cuộc sống.

Mỗi hạng mục công trình khi đưa vào vận hành khai thác luôn phải đối phó những nguy cơ rình rập, nó có thể mang đến sự cố bất cứ lúc nào nếu người vận hành thiếu tinh thần trách nhiệm, chủ quan. Ngoài những thiết bị chính cột, dây dẫn, móng, người công nhân vận hành còn phải để tâm nhiều vấn đề khác, đơn giản như cái mương thoát nước nếu không kiểm tra tốt, mương bị lấp, khi mùa mưa xuống sẽ gây nên xói lở có khi là trầm trọng. Một vấn đề nan giải muôn thuở đó là địa hình, hầu hết các vị trí cột nằm trên sườn núi, những cây cao ngoài hành lang phía taluy dương, xa đến vài chục mét vẫn có nguy cơ ngã vào đường dây. Cuộc chiến đó cho đến ngày nay vẫn còn tiếp diễn, tuy nhiên mức độ báo động không còn như hồi trước.

Trong suốt thời gian vận hành đường dây 500 kV từ khi đóng điện đến bây giờ đều được chúng tôi dự liệu, mùa mưa thì lo sạt lở, mùa khô thì lo cháy rừng, đó là chưa kể đến bỗng dưng sấm sét, và nhất là những cơn bão lớn đi qua miền Trung. Như trận lũ tháng 10/1996 ở Giằng và Phước Sơn, mưa lớn kéo dài gây sạt lở nhiều vị trí. Nhưng nguy hiểm nhất vị trí 1906. Giám đốc Công ty phải đi xe thồ, lội bộ trong mưa cả chục cây số để trực tiếp, phối hợp bộ đội sư đoàn không quân 372, lực lượng địa phương huyện Phước Sơn chỉ đạo khắc phục sự cố.

Thay dây dẫn, thay sứ, thay lèo sau trận bão lịch sử Xang Xan năm 2006 ở vị trí 1659 -1664, đây là một trong những khoảng néo mà việc di chuyển bằng đường bộ khó khăn nhất phía Bắc đèo Hải Vân. Khối lượng công việc lớn nhưng chỉ được thực hiện trong một ngày cắt điện. Việc chuẩn bị vật tư, dụng cụ thi công, bố trí nhân lực trong nhóm công tác phải hết sức tinh tế và phù hợp. Sự tính toán chuẩn bị gần như phải được xác lập chính xác, các nhóm công tác phải thuộc lòng nội dung công việc được giao, phối hợp ăn ý, thống nhất tín hiệu của người lãnh đạo công việc, đảm bảo an toàn, để làm tốt công việc trong một khoảng thời gian nhất định.

Sự trưởng thành và dày dạn trong công việc càng tăng lên trong các lĩnh vực quản lý vận hành, đặc biệt trong đội ngũ lãnh đạo chủ chốt Truyền tải, các phòng nghiệp vụ, các đơn vị đội, trạm sẵn sàng đáp ứng được khối lượng công việc của Công ty giao và xử lý các sự cố nhanh, hiệu quả. Với một lực lượng có chuyên môn tay nghề giàu kinh nghiệm từng trải, Truyền tải điện Quảng Nam - Đà Nẵng có sự đóng góp của: 05 Thạc sĩ, 68 kỹ sư, 12 cử nhân, 60 cao đẳng và trung cấp, 110 công nhân kỹ thuật.

20 năm đã đi qua cuộc sống nhiều thay đổi về con người, về thiết bị và công nghệ, nhưng sự đoàn kết và tinh thần giúp đỡ lẫn nhau của Truyền tải điện Quảng Nam - Đà Nẵng luôn là một đơn vị vững mạnh, có được như vậy trước hết phải nói đến sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo, các phòng ban chức năng của Công ty và sự nỗ lực phấn đấu của từng cá nhân trong tập thể Truyền tải điện Quảng Nam - Đà Nẵng.  

Lê Đình Chiến - Giám đốc Truyền tải điện Quảng Nam - Đà Nẵng