Trọn tuổi nghề cho niềm tâm huyết ngành điện

19:25 | 26/03/2015

705 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vùng cát trắng Gio Linh, Quảng Trị những ngày cuối tháng 3 trời bắt đầu nóng rát. Và như thường nhật, công việc của những công nhân ngành điện bận rộn và tất bật hơn khi lượng điện tiêu thụ tăng cao hơn so với các thời điểm khác trong năm. Dịp này chúng tôi tìm gặp được người công nhân “gạo cội” trong ngành điện tại Điện lực Gio Linh đúng lúc người công nhân này cùng đồng nghiệp đang có lịch kiểm tra các trạm điện trên địa bàn thị trấn.

Anh Hoàng Xuân Dũng.

Đó là công nhân Hoàng Xuân Dũng - người “lính già” ngành điện Hoàng Xuân Dũng hiện là công nhân Quản lý đường dây và trạm biến áp tại Điện lực Gio Linh. Được theo chân các anh, quan sát công việc các anh làm và lắng nghe những sẻ chia của những người công nhân mới vào nghề nhưng đã nhận được sự chỉ bảo tận tình, chia sẻ kinh nghiệm của người công nhân cả cuộc đời gắn bó với nghề mới thấy hết được nỗi vất vả của công nhân ngành điện trên mảnh đất đầy nắng, gió này.

Công nhân Hoàng Xuân Dũng có mặt từ những ngày đầu ngành điện đặt những mốc son lịch sử, viên gạch đơn sơ khai sinh ra Công ty Điện lực Quảng Trị ngày nay. Là người làm việc từ năm 1978, là chứng nhân nhìn thấy trọn vẹn sự đi lên của ngành điện tỉnh nhà.

Anh Hoàng Xuân Dũng nhớ lại những ngày đầu ấy: “Từ những ngày còn chạy máy phát điện diesel chúng tôi những người công nhân được phân công nhiệm vụ chạy máy phát điện để cung cấp nguồn điện cho nhân dân trên địa bàn. Đi nơi đâu chúng tôi cũng thấy niềm vui rạng ngời trên gương mặt mọi người khi có điện phục vụ đời sống, sản xuất. Cứ thế, điều ấy đã tạo niềm tin để chúng tôi cống hiến hết mình vì công việc không quản ngại ngày đêm khó nhọc mong làm sao hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặt nhu cầu phục vụ điện cho chính quyền và địa phương, bà con người dân tốt nhất là vui rồi”. Giữa trưa oi nồng trời bắt đầu đổ lửa trong cái nắng gay gắt của miền đất Gio Linh khô khốc chúng tôi dường như quên đi điều đó mà cứ muốn nghe anh kể chuyện về những ngày xưa ấy. Cái ngày điện “bắt đầu dò dẫm” đến với nhân dân. Lẫn trong giọng kể chân chất ấy là ánh mắt vẫn sáng niềm tin, niềm đam mê vẫn còn cháy trong anh về những ngày điện đặt dấu son trên miền đất Quảng Trị khi ấy còn là vùng đất hoang tàn và đổ nát.

Chính sự tâm đắc, lòng nhiệt huyết của những ngày cùng Đoàn Điện lực D73 rồi những dấu mốc sơ khai nhất khi điện về đến vùng quê Gio Linh vốn là đất lửa trong chiến tranh và sau giải phóng chỉ còn là phế tích, đầy khó khăn được tái hiện qua lời kể của người thợ điện 37 năm gắn bó với nghề. Chính quyết tâm xây dựng quê hương của Đảng bộ, chính quyền địa phương và nhân dân cùng sự nỗ lực của ngành điện Quảng Trị đã rất đúng đắn khi quyết định kéo đường dây điện phục vụ nhu cầu dùng điện cho chính quyền địa phương, nhân dân. Vì thế Gio Linh đã phát triển nhờ vào sự có điện. Và ngành điện nơi đây đã quyết định đúng khi cử những người công nhân lành nghề ra với mảnh đất Gio Linh để cùng góp sức vào sự phát triển kinh tế xã hội của vùng đất còn lắm khó khăn này.

Anh Dũng nhớ lại, khi ấy cũng những ngày bắt đầu mùa nóng như thế này đây, khoảng vào tháng 2 năm 1992 tôi cùng anh em công nhân được lãnh đạo phân công ra Gio Linh đưa nguồn điện đến vùng đất này với công việc là xây dựng, quản lý, vận hành, sửa chữa lưới điện, lắp công tơ... Người công nhân đã lớn tuổi cười hiền rồi nói tiếp: “Lúc đó gần như là tất tần tật mọi việc của một đơn vị Điện lực thu nhỏ đều do chúng tôi đảm nhận hết”. Khi ấy, chúng tôi khi ấy đi đâu cũng mang theo dụng cụ sửa điện chẳng kể trưa hay đêm cứ đi từ nơi này qua nơi khác, ở đâu có sự cố điện hay người dân có yêu cầu sửa chữa là chúng tôi làm việc quên cả mệt. Vì ngày ấy thấy điện ai cũng mừng và phấn khởi lắm.

Lắng nghe anh kể, chúng tôi thực sự khâm phục, kính trọng lòng nhiệt huyết của những con người như anh. Làm việc và cống hiến dường như là tôn chỉ sống để họ làm tốt mọi nhiệm vụ được giao. Không nề hà bất kỳ điều gì. Vì có chăng nếu không có những con người ấy thì thiết nghĩ sẽ khó có thể nhanh chóng đưa những viên gạch sơ khai đầu tiên của ngành điện đến miền đất khó ngay từ những ngày đầu cơ cực còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Họ đã luôn cùng sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo hoàn thành công việc sao cho tốt nhất có thể trong điều kiện lúc ấy.

Qua lời anh kể, chúng tôi đã hình dung rõ hơn về những ngày thiếu thốn, vất vả của một ngành năng lượng chủ lực phục vụ đời sống nhân dân từ những ngày đất nước bước ra từ chiến tranh, nghèo khó. Để rồi thấy tự hào thay và ngưỡng mộ những con người dám nghĩ, dám làm, tiên phong xây dựng phát triển ngành lớn mạnh như ngày nay.

Dẫu vậy, trong mỗi lời kể của anh Dũng đều ánh lên niềm tự hào và vui sướng về sự lớn mạnh của ngành nhưng ẩn trong ấy là sự khiêm tốn khi nói về bản thân và những gì đã cống hiến. Chính điều ấy đã giúp anh Dũng có được sự kính trọng của tất cả những thế hệ đi sau, những người công nhân được anh Dũng trực tiếp chỉ bảo đều kính nể và yêu mến anh không chỉ bởi năng lực, sự truyền lửa trong nghề mà bởi cả sự cởi mở, vui tính, giản dị trong lối sống.

Mãi chuyện chúng tôi tiếp mạch cảm xúc khi biết anh Hoàng Xuân Dũng đã công tác trong ngành điện đến nay đã gần 40 năm. Gắn bó với ngành điện Quảng Trị từ những ngày sơ khai và ở lại Điện lực Gio Linh từ khi mới hình thành cho đến bây giờ. Chính người công nhân đầy kinh nghiệm như anh Dũng đã truyền lại cho thế hệ kế tiếp những kinh nghiệm trong nghề, trao trọn tâm huyết và đam mê cho những người vun đắp xây dựng Điện lực Gio Linh.

Sau câu chuyện với anh, lại thấy anh cùng đồng nghiệp bận rộn, tất bật với lịch kiểm tra sửa chữa chúng tôi đành nói lời chào tạm biệt. Hình dáng những người công nhân trong màu áo cam đổi màu vì vạt áo sau lưng ướt đẫm mồ hôi, trên chiếc xe máy của các anh chuyên chở những thiết bị phục vụ cho việc sửa chữa. Trong cái nắng gắt ấy, chúng tôi thấy nụ cười rặng rỡ vẫn hiện rõ trên gương mặt các anh.

Phan Bảo Hòa (Tổng hợp)

  • el-2024