Tăng giá điện để đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN

08:00 | 29/01/2015

582 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Quyết định số 854/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm (2011-2015) của EVN, năm 2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về cơ bản phải giải quyết xong khoản lỗ, cân bằng tài chính. Tuy nhiên, theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), dù EVN đã rất nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất lao động... thì mục tiêu này vẫn rất khó khăn và rào cản lớn nhất chính là vấn đề giá điện.

Năng lượng Mới số 394

Vốn và bài toán vốn đầu tư cho các dự án điện luôn là một thách thức lớn với EVN. Để giải quyết bài toán này cho ngành điện nói chung và EVN nói riêng, những năm gần đây, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, địa phương đã dành nhiều sự hỗ trợ cho EVN. Và thực tế, nhờ những hỗ trợ này, cộng với sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất, EVN đã có lãi, nhiều khoản lỗ sản xuất kinh doanh vì thế đã được giải quyết và giải quyết một phần. Tuy nhiên, để cân bằng được tài chính, chấm dứt tình trạng lỗ trong sản xuất - kinh doanh thì lại không đơn giản, đặc biệt khi EVN đang phải đối diện với rất nhiều rủi ro trong quá trình hoạt động.

Một góc công trường đang thi công của Thủy điện Lai Châu

Tại Hội nghị Tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015, ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN cho hay: Chính phủ cũng yêu cầu đến 2015 EVN về cơ bản phải giải quyết xong khoản lỗ đang tồn tại nhằm cân bằng tài chính. Tuy nhiên, với khoản lỗ sản xuất kinh doanh do hạn hán giai đoạn 2009-2010 khoảng 12.000 tỉ đồng đã được EVN xử lý xong, thì đến nay vẫn còn khoảng 8.800 tỉ đồng lỗ từ chênh lệch tỷ giá vẫn chưa được cân đối. Cộng với khoảng 8.000 tỉ đồng lỗ mới phát sinh từ giá than tăng, thuế tài nguyên nước tăng từ 2 lên 4%, phí môi trường rừng, chi phí lưới điện nông thôn… nên tổng cộng khoản lỗ tính tới hiện tại ngành điện là 16.800 tỉ đồng.

Thực tế những năm gần đây, câu chuyện này đã được không ít chuyên gia đề cập đến, Đảng, Chính phủ cũng có rất nhiều chính sách hỗ trợ nhằm thu hút các nguồn lực khác trong nền kinh tế đầu tư, phát triển hệ thống lưới điện. Nhưng do giá điện chưa được điều chỉnh một cách phù hợp, đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư nên hầu hết các dự án điện hiện nay đều do EVN, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đầu tư. Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới, đòi hỏi ngày càng cao của nền kinh tế, cũng như các đối tượng sử dụng điện, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án điện mỗi năm hiện rất lớn, lên tới cả tỉ đồng và đây là số tiền quá lớn so với khả năng tích luỹ của ngành điện.

Đề cập tới vấn đề này, trong Dự thảo Báo cáo cuối cùng về Xây dựng kế hoạch cải thiện tình hình tài chính cho EVN và các đơn vị thanh viên, WB khuyến nghị, để cải thiện tình hình tài chính của ngành điện Việt Nam thì việc tăng giá điện là yêu cầu bắt buộc và cần thực hiện sớm nhất.

Theo WB, sau khi đạt mức tăng trưởng bình quân lên tới 14,3% trong giai đoạn 2006-2010, có giảm xuống trong những năm qua, nhưng nhu cầu điện năng của Việt Nam sẽ vẫn cao (dự kiến là 12% trong giai đoạn 2015 - 2020). Với mức tăng trưởng đó, tổng vốn đầu tư cho các dự án điện sẽ vào khoảng 7,5 tỉ USD/năm, lớn hơn nhiều so với mức đầu tư những năm gần đây (2,5-2,6 tỉ USD). Tuy nhiên, việc giá điện đã không tăng từ tháng 6/2013 và biểu giá điện hiện đang dưới giá thành khiến mục tiêu nói trên “không thể đạt được, nếu không có biểu giá mới phù hợp”.

WB cũng chỉ ra rằng, giá điện chính là một trong những “nút thắt” quan trọng cần tháo gỡ để cải thiện tình hình tài chính của EVN.

Nói về những nỗ lực của EVN trong việc tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động, nhằm cải thiện tình hình tài chính, các chuyên gia của WB nhận định: Dù còn nhiều biện pháp để thực hiện, như xử lý các tài sản không thiết yếu, cắt giảm lao động, cải tạo các nhà máy điện cũ và tăng năng suất lao động, nhưng các biện pháp này “không đủ để giải quyết các thách thức về tài chính của EVN”. Vì các thách thức này trải rộng ở cả 6 lĩnh vực rủi ro chính là thủy văn, chênh lệch tỷ giá, quản lý nợ, khả năng thu hút vốn tư nhân, phản ứng từ khách hàng và quản trị doanh nghiệp. Các rủi ro này cần những biện pháp riêng biệt, như lập quỹ bình ổn khoảng 2% doanh thu/năm, tăng phần vay nội địa vào bảo hiểm rủi ro trong các thị trường nội địa để giảm lỗ trong chênh lệch tỷ giá khi phải xây dựng nhà máy, hệ thống truyền tải bằng ngoại tệ và thu tiền điện bằng VND.

Ngành điện vẫn chưa thể giải bài toán lỗ trong sản xuất - kinh doanh thì lại tiếp tục phải gánh trên mình không ít những khoản chi phí khác, trong khi đó, giá điện - sản phẩm đầu ra của ngành điện - lại không được điều chỉnh tăng giá. Đây chính là nghịch lý mà ngành điện đang phải đối diện và nó khiến bài toán cân bằng tài chính của EVN khó khăn hơn bao giờ hết. Do đó, để ngành điện “đi trước một bước”, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, giá điện cần phải được điều chỉnh tăng.

“Từ nay đến nửa cuối năm 2016, cần thiết phải tăng giá bán điện lên mức cao nhất có thể trong khung 10% theo Quy định tại Quyết định 2165/QĐ-TTg cho mỗi chu kỳ 6 tháng. Sau đó, nhu cầu về việc tăng giá sẽ giảm xuống và biểu giá điện cần được điều chỉnh ở mức thấp hơn tỷ lệ lạm phát dự kiến” - WB đưa khuyến nghị.

Thanh Ngọc

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps