Sẵn sàng đảm bảo điện cho miền Nam

10:02 | 08/04/2014

432 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo cung ứng đủ điện cho miền Nam, rất nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng truyền tải điện vào miền Nam đã được Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đề ra.

Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Xuân Khu - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0).

PV: Xin ông cho biết những thách thức mà ngành điện cũng như A0 phải đối diện khi thực hiện nhiệm vụ cung ứng điện cho miền Nam?

Ông Vũ Xuân Khu: Nói là thách thức cũng không sai. Trên thực tế những năm qua, nguồn điện tại chỗ chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu phát triển phụ tải khu vực phía Nam, nên việc cung cấp điện rất căng thẳng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và A0 đã phải thực hiện các biện pháp truyền tải điện công suất cao qua hệ thống đường dây siêu cao áp 500 kV từ Bắc vào Nam.

Tuy vậy, việc cung cấp điện cho hệ thống điện miền Nam trong các năm qua vẫn luôn được đảm bảo, cả về nhiệm vụ cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế cũng như đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Bước vào năm 2014, tình hình chưa có gì thay đổi khi các nhà máy điện trong hệ thống điện miền Nam vẫn không đủ công suất phục vụ tăng trưởng phụ tải, các dự án nguồn lớn tại chỗ cũng chưa thể hoàn thành đưa vào sử dụng ngay.

Ông Vũ Xuân Khu.

PV: Vậy ngành điện và A0 đã có những giải pháp nào đảm bảo đủ điện cho miền Nam, thưa ông?

Ông Vũ Xuân Khu: Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thực hiện hàng loạt các giải pháp cơ bản như: Sớm hoàn thành và đưa đường dây 500 kV PleiKu - Mỹ Phước - Cầu Bông và các TBA đồng bộ vào vận hành, nhằm tăng khả năng truyền tải điện cho miền Nam; Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị thi công, các nhà thầu tiến hành thí nghiệm, hiệu chỉnh, đưa vào vận hành chính thức Nhà máy điện Vĩnh Tân 2 góp phần tăng nguồn điện cho hệ thống điện phía Nam; Khẩn trương lắp đặt tụ bù trung thế/cao thế trên toàn hệ thống nói chung và hệ thống điện miền Nam nói riêng, nhằm tăng cường vận hành ổn định hệ thống điện phía Nam; Khai thác hợp lý các nhà máy thủy điện, đảm bảo đến đầu mùa lũ 2014, hệ thống điện miền Nam luôn có nguồn điện dự phòng tại chỗ. …

Đối với vai trò điều hành hệ thống quan trọng của mình, A0 xác định mục tiêu “Đảm bảo điện cho miền Nam” là nhiệm vụ chính của Trung tâm trong năm 2014. Một số giải pháp cụ thể sẽ được vận dụng linh hoạt, chủ động như: Vận hành hợp lý các nhà máy điện trong hệ thống điện miền Nam, trong đó, thường xuyên tận dụng tối đa khả năng phát điện của các nhà máy tua bin khí, hạn chế khai thác các nhà máy thủy điện trong khu vực, để dự trữ nguồn điện cho các tháng tiếp theo của mùa khô 2014; Thường xuyên thay đổi kết dây để tăng cường khả năng tải điện từ miền Trung vào miền Nam, đồng thời kết lưới các nguồn điện miền Trung phát điện vào hệ thống điện  miền Nam, tạo nguồn cung lớn nhất có thể cho miền Nam; Phối hợp chặt các đơn vị như truyền tải điện, xây lắp điện…, cung cấp các thông số tính toán chỉnh định rơ le chính xác, kịp thời, đồng thời sớm đưa các công trình nguồn điện mới vào vận hành, tăng khả năng truyền tải điện, cung cấp điện cho hệ thống điện miền Nam.

PV: Để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ như trên, A0 có kiến nghị gì đối với các đơn vị liên quan?

Ông Vũ Xuân Khu: A0 cũng rất mong nhận được sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả từ các đơn vị. Đặc biệt, A0 đề nghị Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia chỉ đạo các công ty truyền tải điện trực thuộc tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các bất thường nhằm hạn chế một cách tốt nhất khả năng xảy ra sự cố, nhất là tại các đường dây truyền tải điện 500 kV từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực cũng như vật tư, thiết bị và phương tiện đi lại, đảm bảo nhanh chóng  xử lý khi có sự cố xảy ra.

Đối với chủ đầu tư các công trình nguồn điện, lưới điện nhất là cung cấp điện cho miền Nam, cần đảm bảo tiến độ thi công, sớm đưa công trình vào vận hành. Đối với các đơn vị phát điện, cần tăng cường công tác kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị, chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, lực lượng, vật tư, thiết bị, phương tiện dự phòng để đáp ứng phương thức vận hành HTĐ quốc gia.

Đồng thời, ngành Điện cũng rất cần sự vào cuộc, đồng thuận, chia sẻ của toàn thể cộng đồng, đặc biệt mong muốn, kêu gọi khách hàng sử dụng điện trên cả nước nêu cao ý thức tự giác trong sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, nhất là mùa khô và giờ cao điểm.

PV: Xin cảm ơn ông!

P.V