Vận hành liên hồ thủy điện:

Phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu

07:28 | 12/09/2014

502 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các hệ thống sông ngòi chính của nước ta đang kiệt quệ bởi 7.500 nhà máy thủy điện, đập dâng, hồ chứa, công trình thủy lợi. Việc quy hoạch thủy điện, vận hành liên hồ chứa để cắt lũ, chống lụt là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Vừa qua, Bộ Công Thương đã sơ kết triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ về quy hoạch thủy điện, vận hành hồ thủy điện chống lũ, lụt năm 2014-2015. Tham dự có lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành và địa phương có hồ thủy điện. Phóng viên Năng lượng Mới lược ghi ý kiến của các đại biểu dự hội nghị.

Năng lượng Mới số 354

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng

Quy hoạch, đầu tư hiệu quả các dự án thủy điện, vận hành liên hồ chống lũ lụt là nhiệm vụ cấp bách, cuộc chiến tranh lâu dài nhiều vấn đề phức tạp cần phải có sự nỗ lực, tham gia tích cực của các bộ, ngành và các địa phương, đặc biệt là vấn đề đền bù, di dân, tái định cư. Tôi rất vui mừng khi đã đạt được sự đồng thuận của các đại biểu về 9 nội dung dự thảo báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện.   

Mặt khác, các tỉnh đã rất tích cực triển khai xử lý quyết liệt các sai phạm, cá nhân có liên quan, kiểm điểm đánh giá thiệt hại để đền bù, hỗ trợ cho người dân gặp nạn bởi lũ lụt do công trình thủy điện gây ra. Tiến hành sàng lọc các dự án thủy điện, loại bỏ dự án không đủ điều kiện, không cần thiết đồng thời cùng chủ đầu tư kiểm tra, xử lý các thiếu xót, quan tâm đến chất lượng công trình, từ đó thay đổi nhận thức của chủ đầu tư, là bước chuyển biến tốt trong quản lý, vận hành thủy điện trên cả nước. Các bộ, ngành và địa phương đã có bước chuyển biến, phối hợp khá tốt trong công tác rà soát, quy hoạch, lựa chọn chủ đầu tư, vận hành hồ chứa thủy điện, an toàn hồ đập, chế độ báo cáo…

Phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu

Vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập trong nhận thức về vai trò điều hành quản lý công trình thủy điện, ngoài nguồn lợi về an ninh năng lượng cần phải cắt lũ trong mùa mưa, cấp nước trong mùa khô. Cần phải thống nhất và bảo đảm sự hài hòa giữa lợi ích phát điện, lợi ích cấp nước cho nông nghiệp và vấn đề an toàn của người dân. Trong đó, an toàn, tài sản và tính mạng của người dân phải đặt lên hàng đầu. Mặt khác công tác trồng bù rừng của các dự án thủy điện tiến độ vẫn chậm, chưa quyết liệt. Các tỉnh cần phải nghiêm khắc xử lý các doanh nghiệp chây ì, thiếu trách nhiệm trong công tác trồng bù rừng.

Trong khi các công trình thủy điện của các tập đoàn lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thực hiện tốt công tác đền bù, di dân, tái định cư và hậu tái định cư như Thủy điện Hủa Na, Thủy điện Đắkđring của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thì hầu hết các dự án thủy điện nhỏ (công suất phát điện dưới 30MW) vẫn chưa nghiêm túc, báo cáo chưa chính xác. Trong thời gian tới, các tỉnh cần phải quan tâm nhiều hơn, nắm bắt xử lý nhiều bất cập, sai xót trong xây dựng, vận hành hồ đập thủy điện nhỏ. Xử lý nghiêm chủ đầu tư không tuân thủ các quy định về xây dựng, vận hành hồ chứa để đảm bảo an toàn cho người dân, an toàn công trình, hài hòa lợi ích, môi trường, cấp nước cho nông nghiệp.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục tích cực triển khai mạnh mẽ hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ chương trình hành động của Chính phủ theo Nghị quyết 11. Mùa mưa lũ đã bắt đầu, cần triển khai ngay quy trình vận hành liên hồ để chống lụt bão. Người chịu trách nhiệm chống lũ lụt cần nâng cao ý thức để vận hành chính xác các hồ chứa để chống, cắt lũ, đảm bảo an toàn, tài sản cho người dân. Phải làm chặt hơn nữa đối với các công trình thủy điện trong các khâu từ thẩm định dự án đầu tư, xây dựng đến chất lượng, vận hành hồ đập, xử lý nghiêm và triệt để các công trình, cá nhân vi phạm. 

Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Lâm Văn Thành:

Thời gian qua, Quốc hội đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra công tác tái định cư của người dân tại các tỉnh có dự án thủy điện. An toàn hồ đập là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực hạ du và người dân vùng lòng hồ. Nhiều dự án thủy điện khả năng chống lũ thấp nhưng nguy cơ khiến lũ chồng lũ thì rất cao dẫn tới thiệt hại của người dân ngày một tăng. Tôi cho rằng việc đảm bảo đời sống, tính mạng, tài sản của người dân phải là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu trong sự hài hòa lợi ích của thủy điện.    

Phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu

Về vấn đề các dự án thủy điện trồng rừng trả lại diện tích đã sử dụng, quan điểm của tôi là phải trồng rừng tự nhiên chứ không kết hợp trồng cây kinh tế. Với tổng diện tích 19.000ha rừng đối với các dự án thủy điện là nhiệm vụ bắt buộc. Hơn thế nữa chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, theo dõi diện tích 1.200ha rừng mới được trồng lại, xem xét chất lượng như thế nào. Đối với các tỉnh có dự án thủy điện, việc trả lại rừng là nhiệm vụ bắt buộc chứ không được phép chuyển đổi phương án.

Riêng vấn đề phí môi trường, tôi đồng ý với các đại biểu là phải tăng mức phí (từ năm 2008) và định mức chia phí môi trường cho các tỉnh có dự án thủy điện và phải trồng rừng theo tỷ lệ tăng giá điện. Phân bố phí môi trường theo khu vực thủy điện nhiều thì phải có tỷ lệ cao, thủy điện ít thì tỷ lệ thấp chứ không chia đều như hiện nay.

Đối với công tác tái định cư, hậu tái định cư, Quốc hội đã lập nhiều đoàn công tác thanh tra, kiểm tra các địa phương có dự án thủy điện. Từ đó, chúng tôi nhận ra rằng, cần phải tiếp tục xem xét bổ sung các chính sách hậu tái định cư để thực sự tạo nên một đời sống ổn định, ấm no cho người dân.

Phó vụ trưởng Vụ Tài nguyên và Nguồn nước Bộ Tài nguyên & Môi trường Châu Trần Vĩnh:

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tiến hành gấp rút rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa 5 hệ thống sông còn lại. Ngoài hệ thống sông Hồng và sông Mã, 9 lưu vực sông còn lại chỉ tham gia xả lũ rất hạn chế. Bởi vậy, cần quy định dành 1 phần để giảm lũ cho hạ du, nghiên cứu tăng tối đa khả năng chống lũ, cắt lũ như quy định mức nước trước lũ đến mức nước chống lũ. Đồng thời phải tính toán hài hòa giữa việc chống lũ và cấp nước cho mùa cạn để đưa ra khả năng chống lũ tối đa.

Trong 61 hồ có khả năng điều tiết lượng nước lũ cần đưa vào quy trình vận hành liên hồ có 51 hồ thủy điện và 10 hồ thủy lợi. Khu vực miền Bắc hồ thủy điện Hủa Na có diện tích lớn, đã có tính toán khối lượng nước chống lũ còn lại các hồ thủy điện khác không có khả năng chống lũ, lượng nước cấp cho nông nghiệp cũng kém, lo ngại sẽ ảnh hưởng tới sản lượng điện.

Phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu

Hằng năm, Việt Nam có 3 tháng lũ và 9 tháng cạn bởi vậy cần phối hợp tốt, khẩn trương tiếp tục rà soát, tính toán phương án điều tiết lượng nước chống lũ và chống hạn. Bộ TN&MT phải đến năm 2015 mới có thể trình phương án quy trình đầy đủ cho cả hai mùa.

Bộ TN&MT, có một số kiến nghị như sau: Tính toán mực nước thu hồi của Thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang để dành ra một phần dung tích nước phòng lũ. Nâng mực nước lên cao độ mới để sử dụng lượng nước này tham gia cắt lũ cho hạ du. Riêng khu vực miền Trung, với địa hình dốc cao nên nước lũ lên và xuống rất nhanh. Bởi vậy, chỉ cần tính toán sử dụng một mực nước nhất định để cắt lũ sẽ nâng hiệu quả chống lũ khu vực miền Trung lên rất cao.

Để làm được điều này chúng ta cần nghiên cứu cụ thể khả năng an toàn các đập thủy điện để tham gia cắt lũ về mực nước dâng trung bình để đảm bảo an toàn các công trình thủy điện nhưng vẫn có khả năng chống lũ. Việc này cần thể chế hóa thành quy định bắt buộc đối với các hồ thủy điện, thủy lợi.

Một việc cấp bách nữa là Chính phủ cần chỉ đạo các chủ hồ lắp đặt hệ thống cảnh báo xả nước tại khu vực đập, lưu vực sông cho người dân khu vực hạ du. Trừ lưu vực sông Hồng, Sông Mã cần giao thẩm quyền điều hành các hồ đập trong mùa lũ cho Trưởng ban phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của địa phương để nâng cao tính chủ động chống lũ, lụt, chấm dứt tình trạng lũ chồng lũ, lụt chồng lụt.

Chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến thông tin, phương án chống lũ, kế hoạch xả nước của các đập thủy điện để nâng cao hiệu quả cắt lũ, xả lũ trong mùa mưa bão, hạn chế các tai nạn đáng tiếc như thời gian qua. Các chủ hồ phải chủ động tổ chức quan trắc, tính toán dự báo lượng nước về hồ, báo cáo liên tục về cơ quan chủ quản, trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia để tăng cường năng lực dự báo về lũ lụt trên cả nước. Hiện nay một số hồ thủy điện lớn đang thực hiện rất tốt công tác quan trắc, dự báo lượng nước là hồ Ialy, Hủa Na…

Phó vụ trưởng Vụ Quản lý nguồn nước Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Hoàng Nam:

Chúng tôi cho rằng, cần khẩn cấp xác định các tiêu chí, ban hành quản lý đồng bộ kết cấu hạ tầng thủy điện - thủy lợi - giao thông khu vực có dự án thủy điện, tái định cư để đảm bảo tính hiệu quả đầu tư và cuộc sống của người dân.

Phần lớn dự án thủy điện của Việt Nam được xây dựng từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, thiếu thông tin cập nhật về mức độ an toàn, khả năng chịu tải lượng nước về hồ chứa. Bởi vậy để có thể chống lũ lụt hiệu quả cần phải chuyển toàn bộ các hồ chứa thủy điện thành hồ đa mục tiêu chứ không gói gọn trong nhiệm vụ phát điện. Từ đó, chia mức nước chứa khi có lũ của toàn bộ các hồ lớn nhỏ sẽ giảm lũ cho khu vực hạ du, cắt lũ khẩn cấp cho lưu vực sông Mã, Thu Bồn, Cả.

Phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu

Cần điều chỉnh nhiệm vụ, rà soát các công trình thủy lợi xây dựng cách nay hơn 20 năm bởi khí hậu, lượng nước từ các sông đã khác trước rất nhiều. Từ đó lên phương án điều tiết chống lũ của hệ thống các hồ cả thủy điện và thủy lợi, bắt buộc bổ sung nhiệm vụ bên cạnh nhiệm vụ phát điện. Hiện nay quy trình liên hồ chỉ áp dụng 11 hệ thống lưu vực các con sông lớn, ngoài ra cần tiếp tục xây dựng quy trình bổ sung cho các hồ nhỏ, thủy điện nhỏ để hoàn thiện quy trình vận hành liên hồ chứa của cả nước mới có thể chống lũ, lụt hiệu quả tốt nhất.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề xuất đưa vào khái niệm “mực nước đón lũ” bởi chưa có quy định, nghiên cứu kỹ càng và cụ thể tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Nếu không có quy định cụ thể, vận hành không đúng sẽ có thể dẫn đến lũ chồng lũ gây nguy hiểm cho nhân dân khu vực hạ du, ngược lại một số con sông đang chết dần chết mòn vì thiếu nước như sông Cầu, Ba Hạ…    

Cần siết chặt hơn nữa quy định trồng rừng tự nhiên thay thế khi đầu tư dự án thủy điện. Hiện nay, việc giao đất trồng rừng thay thế đang gặp nhiều khó khăn tại địa phương do thiếu đất nên khó giao đất cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến cuộc sống của đồng bào dân tộc khi được giao bảo hộ rừng bởi giao đất nương rẫy thì người dân lại đi khai hoang đất rừng. Đây là điển hình của việc lợi bất cập hại.

Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến:

Chúng tôi đánh giá cao các công trình thủy điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư như Da Nhim, Đồng Nai 3 có chất lượng và tiến độ rất đảm bảo. Lâm Đồng đã rà soát 83 công trình thủy điện vừa và nhỏ, loại bỏ 46 dự án chỉ để lại 37 dự án. Trong đó 10 dự án đã hoạt động phát điện, 10 dự án đang thi công, 9 dự án đã phê duyệt chủ đầu tư, đang xem xét lại 8 dự án khả thi nhưng chưa có chủ đầu tư. Chúng tôi rất lưu ý các đơn vị ngoài ngành điện bởi kinh nghiệm và năng lực tài chính đặc biệt quan trọng đối với đầu tư thủy điện. Doanh nghiệp nào không chứng minh được tài chính chúng tôi sẽ không đồng ý đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng.

Phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu

Đối với Lâm Đồng 9/10 đơn vị có hồ đập thủy điện đã được rà soát, khẳng định mức độ an toàn và có phương án phòng lũ. Riêng vấn đề trồng rừng phòng hộ thay thế khi đầu tư thủy điện đang gặp khó khăn lớn. Lâm Đồng đang thiếu diện tích đất để trồng rừng nên chỉ có 2 đơn vị nhận nhiệm vụ còn các đơn vị khác đề xuất xin được nộp tiền để tỉnh lên phương án. Chúng tôi khẳng định nếu các dự án sau khi đi vào hoạt động không triển khai trồng rừng bù lại diện tích đã khai thác thì trong vòng 1 năm chúng tôi sẽ cắt giấy phép hoạt động.

Trước tình hình thiếu đất trồng rừng nên việc quy hoạch diện tích hành lang bảo vệ dự án thủy điện cũng gặp nhiều khó khăn. Với quy định 50-100m hay 100-300m diện tích rừng để làm hành lang phòng hộ khiến tỉnh gặp lúng túng trong khi thu hồi đất giải phóng mặt bằng cho dự án, bồi thường cho người dân. 

Phó chủ tịch tỉnh Lai Châu Lê Trọng Quảng:

Hiện nay, sự chây ì của các doanh nghiệp thủy điện nhỏ (dưới 30MW) đang diễn ra phổ biến. Có thể nói, đây là sự “bầy hầy” bởi phí môi trường rừng (20 đồng/kWh điện thương phẩm) là từ tiền mua điện của khách hàng sử dụng điện chi trả. Nhưng khi nhận được tiền từ các tổng công ty mua bán điện, các doanh nghiệp lại không nộp về cho tỉnh phí môi trường rừng này. Chúng tôi cho rằng, cần phải có biện pháp như cắt tiền phí môi trường rừng ngay khi quyết toán tiền điện.

Phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu

Mặt khác, tôi cho rằng khi giá điện tăng thì phí môi trường rừng cũng nên tăng để đảm bảo công bằng. Đây là điều tất yếu khi hơn 90 triệu người dân sử dụng điện thì cần kinh phí để vài triệu bà con dân tộc dùng để bảo vệ rừng. Hiện nay, diện tích đất/người của Lai Châu là 2,2ha nhưng chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn khi giao đất để trồng rừng. Bởi vậy, chúng tôi kiến nghị nên kết hợp trồng rừng bằng các loại cây kinh tế lâu năm như cao su, mắc ca đề vừa có rừng phòng hộ vừa có kinh tế. 

Về vấn đề vận hành hồ chứa thủy điện tại Lai Châu đã từng xảy ra một vụ tai nạn thương tâm làm chết 3 cháu nhỏ. Tôi cho rằng, hằng tháng phải có báo cáo nghiên cứu quan trắc lượng nước, nâng cấp hệ thống cảnh báo hiện đại. Đơn cử như Nhật Bản cũng có mô hình thủy điện bậc thang như ở nước ta, họ có hệ thống cảnh báo khá hiện đại trước khi xả nước 15-20 phút sẽ có hệ thống còi hú báo động để người dân tránh khỏi khu vực xả lũ. Nếu không được trang bị hệ thống báo động hiện đại thì khó tránh khỏi những tai nạn đáng tiếc như trong thời gian vừa qua.

Phó chủ tịch tỉnh Gia Rai Kpăh Thuyên:

Tỉnh Gia Rai đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát quy hoạch thủy điện, trong đó loại bỏ 17/63 dự án thủy điện nhỏ và vừa. Đặc biệt chúng tôi đang rất khó khăn trong việc đánh giá tác động môi trường từ thủy điện của dòng An Khê - Knat. Dòng sông Ba trong mùa kiệt đang dần trở thành dòng sông chết vì cạn khô đến đáy. Từ đó kéo theo nhiều hệ lụy tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, cây công nghiệp của tỉnh Gia Rai của người dân vùng hạ lưu. Chúng tôi đang xem xét lại hiệu quả kinh tế (tổng công suất phát điện khoảng 173MW) bởi chi phí giải phóng mặt bằng có thể lên đến hơn 100 tỉ đồng. Thủy điện Knat đã ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân bởi phải chuyển đổi đất rừng phòng hộ trồng đền bù cho thủy điện. Chúng tôi quyết không để người dân đã mất nhà lại còn khổ hơn vì đường xá, thiếu đất để nuôi trồng, sinh hoạt.

Phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu

Vừa qua, vụ việc Thủy điện Ia Krel (5,5MW) vỡ đê quai gây lụt cho vùng hạ du là một ví dụ. Chúng tôi đang khẩn trương xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị giám sát thi công. Đối với Gia Rai, thủy điện đã đủ rồi, không cần vài chục MW điện mà ảnh hưởng đến quá nhiều người dân nữa.

Về vấn đề trồng lại rừng thủy điện chúng tôi đã thực hiện được 400/800ha theo kế hoạch. Hiện nay tỉnh cũng đang gặp khó khăn để giao đất trồng rừng cho các doanh nghiệp thủy điện. Việc trồng rừng đã khó, giữ rừng còn khó hơn. Chúng tôi muốn đề xuất nên có cơ chế khoán bảo vệ rừng, tăng phí bảo vệ rừng từ 200 lên 4-500 nghìn/ha/năm. Chỉ có tăng kinh phí khoán cho người dân một cách xứng đáng mới có thể giữ gìn, bảo vệ rừng được bền vững.

Tùng Dương

  • el-2024