Những góc nhìn về thị trường điện cạnh tranh (Bài 2)

07:00 | 25/04/2014

769 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau gần 2 năm chính thức đi vào vận hành, thị trường phát điện cạnh tranh đã đạt được những kết quả hết sức đáng khích lệ, tạo tiền đề tốt cho ngành điện sớm triển khai cấp độ tiếp theo là thị trường buôn bán điện cạnh tranh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thị trường phát điện cạnh tranh, rất nhiều vấn đề vướng mắc, được xem là rào cản cần tháo gỡ đã được các nhà khoa học, nhà quản lý và bản thân các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện chỉ ra.

>> Những góc nhìn về thị trường điện cạnh tranh (Bài 1)

Năng lượng Mới số 315

Bài 2: Gỡ vướng cho thị trường điện cạnh tranh

(Tiếp theo và hết)

Tại cuộc Hội thảo “Phát triển thị trường năng lượng Việt Nam” - ông Dương Quang Thành - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thị trường phát điện cạnh tranh trong thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế. Ví như: Nguồn cung trên thị trường điện chưa được dồi dào như yêu cầu, đặc biệt là việc mất cân đối nguồn điện trong khu vực miền Nam. Hệ thống truyền tải điện yếu, hiện tượng quá tải và nghẽn mạch diễn ra rất phổ biến trên lưới 500kV, 220kV gây cản trở cho việc đưa cạnh tranh vào khâu phát điện và làm giảm tính minh bạch trên thị trường điện. Chất lượng cung cấp điện cho đến người tiêu thụ cuối cùng chưa cao và đang cần được đầu tư và cải thiện. Kinh nghiệm các nước cho thấy, họ giải quyết tất cả các vấn đề này trước khi đưa cạnh tranh vào ngành điện...

Từ đó, ông Thành cho rằng, để tiếp tục hoàn thiện và phát triển thị trường phát điện cạnh tranh thì cần phải củng cố hệ tầng lưới điện truyền tải, giảm thiểu tình trạng nghẽn mạch trên hệ thống... Đặc biệt, trong bối cảnh yêu cầu tốc độ phát triển nguồn mới cao như hiện nay thì tiềm năm giảm chi phí vận hành của các nhà máy điện đã được xây dựng ở mức hạn chế trong khi tiềm năng giảm chi phí đầu tư đối với đầu tư mới là rất quan trong. Do vậy, nên có cơ chế đưa cạnh tranh vào khâu đầu tư, ví dụ việc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án theo Tổng sơ đồ phát triển điện lực là một giải pháp nên được áp dụng.

Nhân viên EVN làm việc tại Trung tâm Vận hành điện

Cũng tại cuộc hội thảo trên, dưới góc nhìn của một nhà khoa học, PGS.TS Nguyễn Minh Duệ - Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng Việt Nam cho rằng: Về lộ trình, việc thị trường điện phải trải qua 3 cấp độ từ năm 2005 đến 2023 là quá dài, các cấp độ thực hiện không có sự đan xen lẫn nhau, phải xong cấp độ này mới chuyển sang cấp độ khác. Như vậy phải sau gần 20 năm thực hiện, đến năm 2023 Việt Nam mới có được thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh. Thực chất đây được xem là một dự án đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong ngành điện nhằm chuyển đổi từ cơ chế hoạt động độc quyền, lạc hậu kém hiệu quả sang cơ chế thị trường cạnh tranh hiện đại. Đành rằng, hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh ở nước ta là phức tạp và mới mẻ, tuy nhiên nếu không có giải pháp khẩn trương, quyết liệt thì những hậu quả xấu của cơ chế độc quyền vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển, sẽ gây nên những tổn thất khôn lường cho ngành điện và nền kinh tế.

Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Đinh Thế Phúc - Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đã chỉ ra không ít vấn đề được xem là tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh. Ông chỉ ra rằng, một trong những nhân tố đặc biệt quan trọng trong khâu phát điện là vấn đề nguồn cung nguyên liệu sơ cấp (than, khí). Ví như, các cụm nhà máy điện turbine khí (cụm Phú Mỹ, cụm Nhơn Trạch…) dù cùng chia sẻ một hệ thống cung cấp khí nhưng lại có nhiều ràng buộc khác nhau về giá khí (giá bao tiêu, giá trên bao tiêu, thay đổi về khí khi hòa thêm nguồn khí mới…). Vấn đề này đặt ra yêu cầu phải phân bổ luợng khí sử dụng một cách hợp lý, phản ánh hiệu quả hoạt động của từng nhà máy. Đồng thời việc cấp khí phải đảm bảo có kế hoạch trước để các nhà máy điện có thể chủ động lên kế hoạch phát điện và chào giá bán điện trên thị trường.

Ngoài ra, việc liên tiếp tăng giá bán than nội địa cho các nhà máy nhiệt điện than trong 2 năm vừa qua cũng đã đẩy mức chi phí nhiệt điện lên cao hơn, khiến mức giá trần bản chào của các nhà máy nhiệt điện đã phải liên tục điều chỉnh, mức giá trần thị truờng cũng đã tăng từ 846,3 đồng/kWh vào đầu năm 2013 lên mức 1.168 đồng/kWh từ đầu năm 2014. Như vậy, hiệu quả hoạt động của thị trường điện lực hoạt động có hiệu quả hay không, an ninh cung cấp điện trung - dài hạn phụ thuộc rất lớn vào chính sách chung của toàn ngành năng lượng. Việc sử dụng, phân bổ tối ưu dài hạn các nguồn nhiên liệu đầu vào (than, khí) sẽ giúp các khâu phát điện tận dụng đuợc tối đa nguồn lực trong nuớc để phát triển, hạn chế phải sử dụng các nguồn nhiên liệu nhập khẩu với giá thành cao.

“Việc đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ trong các chính sách quy hoạch phát triển, quản lý giám sát, sử dụng tối ưu các nguồn năng lượng có vai trò đặc biệt quan trọng cho an ninh năng lượng quốc gia nói chung và cho vận hành thị truờng điện lực nói riêng” - ông Phúc nhấn mạnh.

Số liệu đưa ra tại Hội thảo “Phát triển thị trường năng lượng Việt Nam” cho thấy, từ nay đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050, ngành điện phải xây dựng rất nhiều nhà máy phát điện (thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, thủy điện tích năng, điện hạt nhân và các dự án năng lượng khác như điện gió, mặt trời v.v…). Xét về công suất, theo Quy hoạch điện VII, từ nay đến năm 2020, cả nước phải đạt được 75.000MW điện, sản lượng điện là 330 tỉ đến 360 tỉ kWh/năm thì mới có thể đạt tiêu chí một nước công nghiệp phát triển. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng điện của nền kinh tế, song song với phát triển nguồn điện, ngành điện cũng phải tập trung phát triển lưới điện đồng bộ từ hệ thống truyền tải đến hệ thông phân phối v.v… để đưa điện đến hộ tiêu dùng.

Và theo tính toán của ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, để hoàn thành những mục tiêu trên, ngành điện sẽ cần tới 120 tỉ USD vốn đầu tư. Đây là con số rất lớn so với khả năng tích lũy vốn của ngành điện hiện nay, chính vì vậy ông Ngãi cho rằng, với những kết quả bước đầu đạt được khi triển khai thị trường phát điện cạnh tranh, chúng ta cần phải sớm triển khai, thậm chí triển khai đan xen các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, để thu hút, khuyến khích các nguồn lực xã hội cả trong và ngoài nước cùng tham gia phát triển hệ thống điện.

Nói như vậy để thấy rằng, thị trường điện cạnh tranh vẫn còn đang có không ít khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ và điều này đòi hỏi không chỉ ngành điện mà cả các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách quyết liệt vào cuộc.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình và các điều kiện hình thành phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam, thị trường điện Việt Nam sẽ hình thành và phát triển theo 3 cấp độ:

- Thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1): Thực hiện từ năm 2012 và sẽ kết thúc vào năm 2014.

- Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (cấp độ 2):

+ Giai đoạn 2015-2016: Thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm;

+ Giai đoạn 2017-2021: Thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh;

- Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (cấp độ 3):

+ Giai đoạn 2021-2023: Thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm;

+ Từ sau năm 2023: Thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh.


Thanh Ngọc

  • el-2024