Nhiều ưu đãi đặc biệt thu hút nhân lực cho điện hạt nhân

09:28 | 24/03/2015

1,259 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 đã được khởi động. Tuy nhiên với bước xuất phát điểm thấp trong lĩnh vực này, vấn đề lớn nhất vẫn là làm sao đào tạo kịp và đủ nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuẩn bị, triển khai và vận hành nhà máy khi mà thời gian không còn nhiều?

Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ sử dụng công nghệ của Nga và Ninh Thuận 2 sử dụng công nghệ Nhật Bản.

Đòi hỏi nguồn nhân lực lớn

Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, cả nước có khoảng 800 cán bộ có trình độ đại học trở lên đang làm việc ở 40 lĩnh vực chuyên môn khác nhau trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Nhân lực phục vụ phát triển điện hạt nhân là 300 người, còn số cán bộ có chuyên môn về công nghệ, an toàn lò phản ứng và nhà máy điện hạt nhân vào khoảng 100 người.

Riêng đến năm 2020, nhu cầu nhân lực của nước ta trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cần khoảng 4.355 người, riêng lĩnh vực hạt nhân cần 2.850 người, trong đó, cán bộ chuyên môn về công nghệ, an toàn lò phản ứng và nhà máy điện hạt nhân vào khoảng 1.600 người.

Như vậy so với yêu cầu thực tế, nhân lực ngành năng lượng nguyên tử thiếu cả về số lượng, cơ cấu chuyên môn và trình độ ở 5 lĩnh vực hoạt động là nghiên cứu và phát triển; điện hạt nhân; ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ; quản lý nhà nước; đào tạo.

Đào tạo còn khiêm tốn

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Cường Lâm cho biết: Thực hiện chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam, tháng 11/2009, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, và Chính phủ đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam là chủ đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bao gồm hai NMĐHN Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, mỗi nhà máy gồm hai lò phản ứng với công suất điện khoảng 1000MW/mỗi lò.

Năm 2010, Việt Nam và Liên bang Nga đã ký kết Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác xây dựng NMĐHN Ninh Thuận 1; năm 2011, Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết Thỏa thuận về hợp tác xây dựng NMĐHN Ninh Thuận 2.

“Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, được triển khai thực hiện trong bối cảnh xảy ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản vào tháng 3/2011. Trong thời gian qua, Việt Nam nói chung và EVN nói riêng đã nhận được nhiều sự quan tâm, trợ giúp của IAEA trong việc phát triển 19 cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, thông qua nhiều chương trình hội thảo, khóa đào tạo, tham quan học tập về điện hạt nhân trong nước và nước ngoài” - ông Lâm nói.

Ông Lâm cũng cho biết thêm, hiện nay, Hồ sơ phê duyệt địa điểm và Dự án đầu tư của NMĐHN Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2 đã hoàn thành và đang được EVN thẩm tra để trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Ước tính, mỗi nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận có 1.100 người với cơ cấu trình độ đại học (442 người), cao đẳng nghề (461 người) và lao động phổ thông (197 người). Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (hợp tác với Nga) gửi đào tạo nước ngoài 282 người, trong đó chủ yếu được đào tạo tại Nga. Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (hợp tác với Nhật Bản) gửi đào tạo 100 người.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Cường Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, Trưởng ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận xác nhận: “Từ năm 2010, EVN đã chủ động gửi người đi đào tạo tại Nga, Nhật Bản, Cộng hòa Séc, Pháp… Lứa đầu tiên đào tạo sau 7 năm đã về và đang làm việc tại Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, phục vụ công tác chuẩn bị, đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy. Hiện, các em làm việc rất tốt”.

Nhiều chính sách ưu đãi

Trước đòi hỏi về nhu cầu nhân lực lớn như vậy, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu vào ngành học này. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định ưu đãi đối với sinh viên các chuyên ngành năng lượng nguyên tử như: Được miễn hoàn toàn học phí và phí ký túc xá, sinh viên loại giỏi trở lên được học bổng gấp15 lần học phí/tháng, sinh viên loại khá được học bổng gấp 8 lần học phí/tháng.

Ngoài ra, sinh viên các chuyên ngành năng lượng nguyên tử năm cuối của chương trình đào tạo nếu đạt loại khá trở lên được xét tuyển đi học 6 tháng tại một số nước phát triển về ngành năng lượng nguyên tử. Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên được chuyển thẳng hệ cao học và làm nghiên cứu sinh ở trong nước và nước ngoài, được ưu tiên tuyển vào làm việc tại các cơ quan năng lượng nguyên tử mà không phải thử việc. Với trình độ sau đại học, học viên cao học, học viên nghiên cứu sinh được giữ nguyên lương trong thời gian đào tạo và được cấp sinh hoạt phí hàng tháng bằng 3,5 lần mức lương cơ sở. Sinh hoạt phí được cấp hàng tháng theo số tháng học thực tế của người học. Đối với sinh viên đại học, học viên cao học, nghiên cứu sinh được Bộ GD&ĐT cử đi học các chuyên ngành trong lĩnh vực NLNT ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước được cấp 2 vé khứ hồi (hạng phổ thông) trong thời gian học tập để đi và về Việt Nam. Học viên cao học được cấp 1 vé khứ hồi (hạng phổ thông) trong thời gian học tập để đi và về Việt Nam.

Đồng thời, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh còn được cấp lệ phí làm hộ chiếu, visa; Cấp sinh hoạt phí theo mức bằng 1,2 lần mức sinh hoạt phí toàn phần cao nhất (theo khu vực) hiện đang được Chính phủ chi trả cho lưu học sinh được cử đi đào tạo ở nước ngoài (không học ngành NLNT); Mua bảo hiểm y tế, cấp lệ phí sân bay, tiền tàu, xe từ sân bay đến trường và ngược lại. Giữ nguyên lương đối với học viên cao học, nghiên cứu sinh trong thời gian học tập, nghiên cứu ở nước ngoài.

Đối với những người tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành năng lượng nguyên tử có nhiều ưu đãi đặc biệt, được hỗ trợ kinh phí bằng 30 lần mức lương tối thiểu của cán bộ công chức nếu có công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI.

“Đây là những tin vui đối với những người có ý định theo ngành điện hạt nhân và những cán bộ công tác trong ngành này. Trước đây, sinh viên đi học ngành điện hạt nhân tại Nga ưu đãi được hưởng kém đi học tại Nhật nhưng giờ thì ngang bằng. Chế độ ưu đãi cho sinh viên đi đào tạo, cán bộ làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân không thua kém gì với các chiến sỹ công tác tại các đơn vị tàu ngầm” - ông Nguyễn Cường Lâm tin tưởng, ví von.

Thời gian qua, Chính phủ đã dành khoảng 2.000 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước để đào tạo cán bộ khoa học trong lĩnh vực điện hạt nhân từ trình độ cao đẳng, đại học đến sau đại học cũng như đào tạo các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan. Trước khi có dự án gửi đi đào tạo cấp Nhà nước do Bộ Giáo dục chủ trì, EVN đã dành khoảng 1.000 tỉ đồng từ ngân sách của Tập đoàn để đào tạo cán bộ kỹ thuật và vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Trần Ngọc Thọ

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps