Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 bám sát tiến độ

10:49 | 17/11/2014

6,224 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, thời điểm hiện tại, tiến độ thi công của nhà thầu EPC cơ bản bám sát tiến độ. Công tác thu xếp vốn cho dự án đã ký kết hợp đồng vay vốn tín dụng xuất khẩu Hàn Quốc khoản vay 910 triệu USD cho phần còn thiếu của Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4.

Dự án trọng điểm

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao cho EVNGENCO 3 làm chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân được EVNGENCO 3 giao nhiệm vụ quản lý dự án, đây là một trong 4 nhà máy của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Tổng sơ đồ 7) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/07/2011 và Quy hoạch điều chỉnh, bổ sung Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 vào Quy hoạch tổng thể Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân được Bộ Công Thương phê duyệt tại quyết định số 1020/QĐ-BCT ngày 06/3/2012. Dự án đầu tư được Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam phê duyệt tại quyết định số 438/QĐ-EVN ngày 21/06/2013.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 nằm trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, được xây dựng tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 120 km, cách Tp. Hồ Chí Minh 300 km về phía Bắc và cách TP Phan Rang - Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận 40 km về phía Nam. Nhà máy gồm 2 tổ máy, tổng công suất lắp đặt 1.200 MW (2x600MW), sản lượng điện sản xuất hàng năm khoảng 7,2 tỷ kWh.

Tổng mức đầu tư dự án là trên 36.000 tỷ đồng. Hợp đồng EPC ký ngày 23/12/2014 giữa EVN Genco 3 và tổ hợp Nhà thầu là Tập đoàn Công nghiệp nặng Doosan (Hàn Quốc), Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản), Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương và Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 (PECC 2) là 1,36 tỷ USD, trong đó sử dụng 85% vốn tín dụng xuất khẩu ưu đãi, thương mại người mua của Tổ hợp Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Công ty bảo hiểm thương mại Hàn Quốc (KSURE), Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Công ty Bảo hiểm đầu tư và xuất khẩu Nhật Bản (Nippon Export and Investment Insurance, NEXI); còn lại 15% vốn đối ứng của Chủ đầu tư vay của các ngân hàng trong nước mà Ngân hàng Đầu tư phát triển làm đầu mối. Đây cũng là một trong số ít các dự án nguồn điện trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ cho phép một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách trong giai đoạn 2013 – 2020 theo Quyết định số 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013.

Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 do Tổ hợp Nhà thầu DOOSAN - MITSUBISHI - PECC2 - PACIFIC làm tổng thầu EPC, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 3 phối hợp với tư vấn phụ nước ngoài làm tư vấn cho Chủ đầu tư, giám sát thi công xây dựng. Đây cũng là Hợp đồng EPC nhà máy điện đầu tiên mà một đơn vị tư vấn trong nước (Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 - PECC2) tham gia với tư cách một thành viên của Tổ hợp nhà thầu EPC để cùng đảm nhận các công việc của dự án, đặc biệt là công tác thiết kế. Việc tham gia liên danh với các nhà thầu quốc tế mở ra nhiều triển vọng mới trong việc tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao năng lực tư vấn, thiết kế xây dựng điện, năng lực cạnh tranh cũng như khả năng phát triển trong lĩnh vực tổng thầu cho các công ty trong nước, giúp tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động theo đúng tinh thần tại Chỉ thị 494/CT-TTg ngày 20/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

 Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 bám sát tiến độ

Các cán bộ của PECC2 (EVN) trao đổi với kỹ sư của Doosan trên công trường Nhiệt điện Vĩnh Tân 4.

Theo các chuyên gia, dự án ứng dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, thông số hơi trên tới hạn, hiệu suất cao, công nghệ đốt tiên tiến phù hợp với nhiên liệu than nhập khẩu có chất lượng tốt. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc thiết kế và xây dựng nhà máy nhằm đảm bảo các chỉ tiêu cao về độ sẵn sàng, hiệu suất, tính ổn định, an toàn và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường của Việt Nam và Quốc tế nhờ áp dụng các công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường hiện đại như lọc bụi, giảm NOx, khử SOx và xử lý nước thải... Than sẽ được vận chuyển đến nhà máy bằng phương tiện vận tải thuỷ có tải trọng lên đến 100.000DWT. Lượng than tiêu thụ cho nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 khoảng hơn 3,7 triệu tấn/năm, dự kiến nhập khẩu từ nước ngoài.

Như vậy, dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là một trong các dự án trọng điểm của Chỉnh phủ do EVN làm chủ đầu tư, đây là một trong 4 nhà máy thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; dự án này có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của Ngành Điện lực Việt Nam, dự án có những đặc điểm nổi trội như sử dụng than có quy mô lớn đầu tiên sử dụng thông số hơi siêu tới hạn (Super Critical) được xây dựng ở Việt Nam, tỷ trọng nội địa hóa cao (gần 26%), mô hình mới về thu xếp vốn, công trình nhà máy nhiệt điện quy mô lớn đầu tiên do Đơn vị tư vấn của Việt Nam chủ trì phần thiết kế.

Bám sát tiến độ

Về tiến độ dự án, mới đây nhất sáng ngày 7/11/2014, Ban quản lý dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân đã chính thức đổ mẻ bê tông đầu tiên cho móng lò hơi số 1 của dự án nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và cũng là mẻ bê tông đầu tiên của Nhà máy này.

Về công trình cấp nước cho Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân cũng đã tổ chức đấu thầu, công trình cấp nước có tổng mức đầu tư 231 tỉ đồng, trong đó vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương là 150 tỷ đồng. Công trình có nhiệm vụ cung cấp nước cho Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân với khối lượng 10,535 triệu m³/năm. Đồng thời còn tưới nước ổn định cho 394ha đất canh tác thuộc khu tưới hồ Đá Bạc và mở rộng khu tưới khoảng 650 ha, góp phần cải tạo đất nhiễm mặn, hạn chế quá trình sa mạc hóa.  Đến tháng 9/2014, công trình đã tổ chức đấu thầu thi công tuyến kênh chính. Tổng giá trị xây lắp của 7 gói thầu đang thi công là trên 120 tỉ đồng.

Theo thông tin mà chúng tôi nhận được tới thời điểm hiện tại, hạng mục Cảng tổng hợp Vĩnh Tân đang xúc tiến để khởi công, theo tổng quan dự án, cảng Vĩnh Tân giai đoạn 1 với hai bến tổng hợp cho tàu đến 30.000 DWT, một bến cho tàu công vụ kết hợp cho tàu đến 3.000 DWT làm hàng, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa tổng hợp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận, phía Nam Ninh Thuận, một phần Tây Nguyên và các tỉnh lân cận khu vực Nam Trung bộ. Liên danh Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương và Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 2 đã được chọn đầu tư xây dựng bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân.

Và phần quan trọng giúp tiến độ dự án được đảm bảo đó là công tác thu xếp vốn cho dự án thì cũng đã ký kết hợp đồng vay vốn tín dụng xuất khẩu Hàn Quốc khoản vay 910 triệu USD cho phần còn thiếu của Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Như vậy, đến nay đã thu xếp đủ vốn vay cho dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 4 bao gồm cả vốn trong và ngoài nước.

 

Theo tiến độ đã được ký kết, nhà máy sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành tổ máy số 1 sau 46 tháng xây dựng (2017) và tổ máy số 2 sau 52 tháng xây dựng (2018). Nhà máy sẽ được đấu nối với Hệ thống điện Quốc gia thông qua lưới điện đồng bộ 500kV. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ góp phần chống thiếu điện khu vực miền Nam vào những năm sau 2017, giảm sự phụ thuộc của hệ thống điện vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô và các năm cạn kiệt; giảm sản lượng điện phải truyền tải từ Bắc vào Nam; giảm tổn thất điện năng, tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho hệ thống.

Trần Ngọc Thọ

 

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps