Ngành điện lãi nhờ đâu?

08:54 | 12/01/2014

1,183 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày vừa qua, sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố giá thành điện năm 2012 và khoản tiền lãi 120 tỉ đồng của năm 2013, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã xuất hiện nhiều luồng ý kiến cho rằng, EVN lãi là nhờ việc tăng giá điện. Vậy thực chất của vấn đề này là thế nào?

Năng lượng Mới số 290

Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo công bố giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2012 của EVN do Bộ Công Thương tổ chức, ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc EVN cho biết: Chi phí giá thành điện năm 2012 là 1.322,55 đồng/kWh. Trong đó, tổng chi phí phát điện là 107.000 tỉ đồng, tương ứng với giá thành phát điện theo điện thương phẩm là 1.016 đồng/kWh. Tổng chi phí truyền tải điện là 8.771 tỉ đồng, tương ứng giá thành truyền tải điện theo điện thương phẩm là 83,17 đồng/kWh. Tổng chi phí phân phối, bán lẻ điện là 22.958 tỉ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối, bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 217,67 đồng/kWh. Tổng chi phí phụ trợ - quản lý ngành là 560,38 tỉ đồng, tương ứng với giá thành phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 5,31 đồng/kWh.

Doanh thu bán điện của Tập đoàn năm 2012 là 143.893 tỉ đồng (tương ứng với giá điện thương phẩm là 1.364,31 đồng/kWh). Như vậy, năm 2012, EVN lãi 41,76 đồng/kWh. Năm 2013, doanh thu của EVN ước tính đạt 172.000 tỉ đồng, sau khi trích 4.000 tỉ đồng lãi để bù lỗ kinh doanh và chênh lệch tỷ giá cho các năm 2010-2011 còn lãi 120 tỉ đồng.

Lắp đặt turbine cho nhà máy thủy điện

“Với những kết quả như trên, tính đến năm 2013, EVN đã cân bằng được tài chính, bù lỗ sản xuất kinh doanh 12.000 tỉ đồng. Riêng với khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá sẽ được giải quyết phân bổ đến năm 2015” - ông Tri nói.

Sau khi những thông tin trên được công bố, rất nhiều ý kiến đã cho rằng, EVN lãi là nhờ tăng giá điện và việc EVN 2 lần tăng giá điện trong năm 2012 là thiếu công bằng với người tiêu dùng. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, EVN đang tính quá nhiều khoản chi phí bất hợp lý vào giá điện. Tuy nhiên phải thấy rằng, đây là ý kiến có phần thiếu khách quan bởi như đã đề cập ở trên, giá điện hiện đang được hạch toán bởi 4 khoản là phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và chi phí quản lý. Xin đề cập tới 2 khâu phát điện, truyền tải điện - đây là 2 khâu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá điện làm ví dụ. Trong nỗ lực đáp ứng nhu cầu gia tăng sản lượng điện của nền kinh tế, ngành điện đã có rất nhiều chính sách khuyến khích, kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đầu tư vào nhưng kết quả thì lại rất hạn chế. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do vốn đầu tư vào 2 khâu này rất lớn, thời gian thu hồi vốn chậm và đặc biệt, tính rủi ro trong hoạt động đầu tư vào phát điện cũng như truyền tải điện là không hề nhỏ.

Và cũng vì thế, mấy năm gần đây, ngoài EVN thì cũng chỉ có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) - những doanh nghiệp Nhà nước đầu tàu của nền kinh tế - tích cực tham gia các dự án phát triển nguồn điện, còn về truyền tải điện thì vẫn chỉ có EVN thực hiện. Sở dĩ có chuyện này là bởi cả PVN và TKV tham gia đầu tư phát triển nguồn điện không phải vì lợi nhuận mà phần lớn là vì trách nhiệm với cộng đồng, với nền kinh tế và với đất nước.

Còn với các khoản chi phí cho phân phối, bán lẻ điện và quản lý cũng vậy, đây là những khoản chi phí bắt buộc đối với mọi ngành, mọi lĩnh vực trong việc hạch toán giá thành sản phẩm, ngành điện không thể là ngoại lệ. Bên cạnh đó cũng phải thấy rằng, để đáp ứng đủ nhu cầu gia tăng sản lượng điện tiêu thụ hằng năm của nền kinh tế, mỗi năm ngành điện đã phải đầu tư hàng tỉ USD phát triển hệ thống lưới điện. Khoản đầu tư này phần lớn là tiền mà ngành điện phải đi vay và tiền lãi trả cho các khoản vay này cũng chưa được hạch toán vào giá điện. Trong khi đó, về nguyên tắc kinh doanh, khoản tiền trả lãi này phải được hạch toán vào giá thành sản phẩm, ở đây là giá điện. Vậy nên nói ngành điện đã hạch toán các khoản chi phí không hợp lý vào giá điện là thiếu công bằng.

Liên quan đến việc 2 lần điều chỉnh giá điện trong năm 2012, ông Tri lý giải: Năm 2011, giá thành sản xuất điện của EVN là 1.282 đồng/kWh, giá thành điện năm 2012 tăng lên 1.322,55 đồng/kWh là do giá than tăng hai lần (tháng 4/2012 tăng 10-11% và tháng 8/2012 tăng 20-40%) đã ảnh hưởng đến giá thành nhà máy nhiệt điện và chi phí mua điện từ than. Tuy nhiên, các chi phí khác tăng không nhiều, đặc biệt nguồn thủy điện dồi dào giá rẻ (riêng các nhà máy thủy điện thuộc EVN giá bán chỉ 503 đồng/kWh) đã kéo giá bình quân xuống, khiến giá thành điện năm 2012 so với 2011 chỉ tăng 3%.

Ngoài ra, theo Bộ Công Thương thì giá điện công bố của EVN cũng đã được tổ công tác bao gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tiến hành kiểm thực tế tại EVN và một số đơn vị thành viên.

Nói như vậy để thấy rằng, việc điều chỉnh giá điện tăng không phải nguyên nhân trực tiếp giúp EVN có lãi, khoản tiền lãi mà EVN có được trong năm 2012 chủ yếu là do các nhà máy thủy điện của EVN thuận lợi. Đặc biệt, trong nỗ lực tiết giảm các khoản chi phí, tỷ lệ tổn thất hệ thống điện cũng đã giảm dần, năm 2012 là 8,85%, thấp hơn 0,38% so với thực hiện năm 2011 (9,23%) và thấp hơn 0,35% so với kế hoạch năm 2012 (9,2%). Qua đó, ngành điện đã thu được một khoản lợi nhuận không nhỏ từ “không khí” - số tiền đáng lẽ đã bị mất trong quá trình truyền tải điện. Ngoài ra, cũng trong năm 2013, ngành điện cũng đã triển khai rất nhiều biện pháp tuyên truyền chống trộm điện, ăn cắp điện… góp phần chống thất thoát, thiệt hại cho ngành điện.

Thanh Ngọc

  • el-2024