Ngành điện cũng khổ vì tai nạn giao thông!

07:00 | 27/11/2013

622 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Do tính chất đặc thù, hệ thống lưới điện tại nhiều địa phương thường nằm trên hệ thống đường giao thông nên tình trạng xe đâm đổ cột điện diễn ra khá phổ biến, gây thiệt hại lớn về tài sản của ngành điện. Để nhanh chóng khắc phục những “sự cố” kiểu “trên trời rơi xuống” này, ngành điện lại phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để khắc phục, sửa chữa. Tuy nhiên, có một thực tế là trong những vụ việc như vậy, khoản tiền này đã không được tính toán thỏa đáng, thậm chí bị bỏ qua và nó lại được xem như là “tai nạn nghề nghiệp” với ngành điện!

Theo đại diện của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI), khi phương tiện cơ giới đâm vào cột điện thì phần lớn đều có thiệt hại, chỉ có điều là lớn hay nhỏ mà thôi. Bản thân EVN HANOI trong những năm qua cũng đã không ít lần phải hứng chịu hậu quả tai hại mà do tai nạn giao thông dẫn tới. Điển hình có thể kể tới vụ việc xảy ra vào cuối năm 2011, chiếc xe tải 15 tấn đâm đổ một cột thanh giằng lưới 110kV trên đường Phạm Hùng, kéo theo nhiều cột khác bị nghiêng, gây gián đoạn cấp điện trên diện rộng, thiệt hại hàng tỉ đồng cho tổng công ty.

Mới đây, tại tỉnh Bình Dương, một vụ việc tương tự cũng đã xảy ra, vụ tai nạn giao thông không chỉ làm chết 1 người, bị thương 2 người mà còn làm mất điện nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một vì xe đâm làm gãy trụ điện cao thế. Ông Nguyễn Ngọc Dũng - đơn vị quản lý truyền tải điện của chi nhánh Thủ Dầu Một - cho biết: Vụ tai nạn khiến đường dây tuyến truyền tải điện nằm dọc trên trục từ thành phố Thủ Dầu Một đến ngã tư Sở Sao, huyện Bến Cát (khoảng 10km) bị mất điện trên diện rộng. Riêng tại thành phố Thủ Dầu Một có 5 phường: Chánh Nghĩa, Phú Cường, Hiệp Thành, Định Hòa và xã Tương Bình Hiệp bị mất điện đột ngột.

Hiện trường một vụ tai nạn ở Bình Định

Nhìn nhận về hiện tượng này, khi ôtô, xe máy đâm vào cột điện, xét về tính chất thì đây là vụ tai nạn giao thông, phần lớn do nguyên nhân khách quan, ngoài ý muốn của người điều khiển phương tiện giao thông. Do vậy, khi có tai nạn như trên xảy ra, đơn vị quản lý điện lực khu vực đó sẽ đến ngay hiện trường kiểm tra để đưa ra phương án cắt điện hay không cắt điện đối với vị trí cột điện bị đâm để đảm bảo an toàn. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng lập biên bản với chủ phương tiện gây ra sự cố nói trên theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, sau khi có ý kiến của cơ quan chức năng, các đơn vị sẽ huy động nguồn lực sẵn có khắc phục ngay hậu quả do phương tiện gây ra nhằm đảm bảo cấp điện trở lại cho khách hàng. Tiến hành thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguyên nhân gây sự cố và nỗ lực khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất, thông báo dự kiến thời gian cấp điện trở lại. Đồng thời, xin lỗi khách hàng về sự cố gây gián đoạn việc cấp điện.

Đó là câu chuyện, là vấn đề của ngành điện, còn dưới góc độ pháp luật, việc quy trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại mà ngành điện phải hứng chịu lại không hề đơn giản chút nào. Luật sư Nguyễn Minh Cường - Phó văn phòng Luật sư miền Bắc (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Hiện nay, trong hệ thống pháp luật nước ta có rất nhiều văn bản pháp luật quy định liên quan đến quản lý trật tự giao thông đường bộ cũng như chế tài xử lý những hành vi vi phạm quy tắc an toàn giao thông. Tuy nhiên, về vấn đề cụ thể như tình trạng xe ôtô, xe gắn máy đâm đổ, đâm hỏng cột điện thuộc quản lý của ngành Điện thì tùy từng trường hợp, có thể vận dụng những văn bản pháp luật phù hợp để điều chỉnh. Cụ thể, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân hay tổ chức thì tùy từng mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính. Ngoài ra, còn phải bồi thường thiệt hại cho cá nhân hoặc tổ chức bị hại theo quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2005.

Luật sư Cường cho biết thêm: Tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện giao thông gây ra mà gây thiệt hại cho hệ thống lưới điện thì người gây thiệt hại phải bồi thường cho đơn vị điện lực quản lý cột điện đó. Việc bồi thường này được quy định tại Điều 623 Bộ Luật Dân sự năm 2005 và Nghị quyết số 03/2006/NQ - HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ngày 8/7/2006.

Qua đó để thấy rằng, căn cứ vào quy định trên thì ngành điện có quyền yêu cầu người điều khiển phương tiện gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra và có quyền khởi kiện ra Tòa án nếu hai bên không thỏa thuận được về mức bồi thường thiệt hại. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại phải thực hiện theo quy định tại Điều 605 Bộ Luật Dân sự năm 2005. Quy định là vậy nhưng theo Luật sư Cường thì việc áp dụng các quy định này là rất khó khăn bởi, ngành điện không có chức năng xử phạt hành vi vi phạm giao thông mà thẩm quyền xử phạt thuộc cơ quan công an, thanh tra giao thông và chủ tịch UBND các cấp. Chính vì vậy, theo Luật sư Cường thì với những thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra, ngành Điện phải phối hợp với các cơ quan chức năng xác định thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại.

Thực tế này cũng được EVN HANOI đề cập rằng, khi không phát hiện ra thủ phạm gây ra sự cố hoặc chủ phương tiện không có khả năng đền bù (như thiệt hại về người, tài chính không có, được thuê điều khiển phương tiện…) thì ngành Điện vẫn phải chịu thiệt hại từ những vụ tai nạn này.

Từ thực tế trên có thể thấy rằng, tai nạn giao thông giờ không chỉ là nỗi ám ảnh với nhiều gia đình, là vấn nạn của xã hội mà còn là “gánh nặng” của ngành điện, của hệ thống lưới điện quốc gia!

Thanh Ngọc

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps