Lo điện hạt nhân thiếu hụt nhân lực

07:00 | 13/10/2013

1,042 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Được xác định là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất khi triển khai các dự án điện hạt nhân, tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, công tác tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực điện hạt nhân ở nước ta hiện đang rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của ngành.

Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đặt mục tiêu, đến năm 2020 - thời điểm nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam đi và hoạt động - nước ta cần phải đào tạo được tối thiểu 2.400 kỹ sư, 350 thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành, trong đó, thạc sĩ và tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài để phục vụ cho nhà máy điện hạt nhân. Con số này thoạt nghe thì có vẻ rất “nhỏ bé”, đơn giản nhưng kỳ thực đằng sau nó lại là cả một vấn đề đang đặt ra và thách thức các cơ quan quản lý.

Điều này được thể hiện rõ trong thống kê gần đây của ngành giáo dục cho thấy, khi tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của ngành điện hạt nhân tại 6 cơ sở đào tạo điện hạt nhân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là khoảng 400 sinh viên. Trong đó phần lớn số sinh viên theo học chuyên ngành này đều là xét tuyển qua nguyện vọng 2. Ngay Trường đại học Điện lực - đơn vị chính đào tạo nhân lực cho ngành điện - tỷ lệ tuyển sinh vào ngành điện hạt nhân cũng rất thấp, ví như năm 2013 chỉ có 60/580 tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các ngành hệ thống điện, xây dựng công trình điện, nhiệt điện, điện lạnh, điện công nghiệp và dân dụng, điện hạt nhân.

Lớp học đào tạo chuyên viên hạt nhân cho Việt Nam tại Obnisk (Liên bang Nga)

Và theo tính toán của TS Bùi Đức Hiền - Phụ trách chương trình đào tạo dự án điện hạt nhân (Trường đại học Điện lực Hà Nội) cho biết: Với tốc độ đào tạo như hiện nay, nguồn nhân lực cho các nhà máy điện hạt nhân sẽ thiếu hụt khi các nhà máy đi vào hoạt động và đặc biệt khi một số nhà máy điện hạt nhân khác dự kiến bắt đầu xây dựng tại Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Hà Tĩnh sau năm 2020. TS Hiền cũng cho biết, nếu so với nhu cầu và thực tế đào tạo hiện nay, ước tính đến năm 2020 sẽ chỉ có khoảng 2.000 sinh viên được đào tạo chuyên ngành năng lượng nguyên tử, trong đó có điện hạt nhân và cũng chỉ đáp ứng được 1/2 nhu cầu của ngành.

Nói vậy để thấy rằng, nhu cầu nhân lực cho ngành điện hạt nhân ở nước ta hiện nay rất lớn nhưng nếu nhìn vào công tác đào tạo hiện nay thì rõ ràng đây lại là một nghịch lý, đặc biệt trong lúc vấn đề cung - cầu nhân lực của các ngành, nghề đang được đặt ra cấp thiết. Tại sao lại có tình trạng này, theo tìm hiểu của chúng tôi, cái khó nhất mà những người làm công tác tuyển sinh, đào tạo nhân lực cho lĩnh vực điện hạt nhân gặp phải là rào cản về mặt tâm lý của học sinh cũng như bản thân phụ huynh của các em.

Theo Vũ Văn Đoàn - sinh viên năm 2 Khoa Điện tử (Đại học Điện lực Hà Nội) xung quanh vấn đề này chúng tôi được biết, rào cản lớn nhất khiến học sinh - sinh viên không mặn mà điện hạt nhân là sự hiểu biết về lĩnh vực này. Cũng giống như suy nghĩ của nhiều người, điện hạt nhân tiềm ẩn yếu tố rủi ro cao. Ngoài ra, theo chia sẻ của Vũ Văn Đoàn thì ngoài lo ngại trên, vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp cũng là một rào cản. Bởi theo Đoàn, trước khi làm hồ sơ thi vào trường, cũng đã có rất nhiều tham gia cho em thi vào ngành này, ngành kia nhưng mặc nhiên, không có ai khuyên em thi vào ngành điện hạt nhân cả.

Thực tế này cũng từng được TS Phạm Đình Khang - Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) trong một cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề nhân lực cho ngành điện hạt nhân đã chỉ ra rằng, vấn đề mấu chốt của tình trạng này là sinh viên học xong không biết xin việc vào đâu. TS Khang phân tích: Hiện nước ta chưa có nhà máy điện hạt nhân nào nên đa số sinh viên học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân đều phải xin việc không đúng với chuyên môn. Chế độ đãi ngộ cụ thể đối với người theo học và nhất là sau khi học xong làm việc trong các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai chưa cụ thể, rõ ràng và công khai. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là giáo trình học của ngành này rất nặng, nhiều sinh viên sau khi qua năm thứ nhất đến năm thứ 2 đã chủ động chuyển sang học ngành khác như hệ thống điện, nhiệt điện, đây là những ngành có giáo trình nhẹ nhàng hơn.

Được biết, để giải quyết vấn đề này, Bộ đang đề xuất áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Cụ thể, đối với sinh viên đào tạo ngành điện hạt nhân trong nước sẽ áp dụng miễn học phí và ở ký túc xá miễn phí. Nếu xếp loại học lực giỏi trở lên được cấp học bổng có giá trị 15 lần tiền học phí/tháng; sinh viên xếp loại học lực khá được cấp học bổng có giá trị 8 lần tiền học phí/tháng. Riêng đối với đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, học viên cao học, nghiên cứu sinh theo học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được miễn học phí và ở ký túc xá miễn phí; cấp học bổng có giá trị 10 lần tiền học phí/năm; hỗ trợ kinh phí bằng 30 lần mức lương tối thiểu của cán bộ công chức nếu có công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI.

Với riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Nguyễn Cường Lâm - Trưởng ban Quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận (thuộc EVN) cho biết, để hỗ trợ sinh viên theo học tại các nước có nền công nghiệp điện hạt nhân phát triển và là các nước bán công nghệ điện hạt nhân cho Việt Nam, EVN cũng đã ký thỏa thuận hợp tác đào tạo với các đơn vị nước bạn. Ngoài những chính sách ưu đãi mà nước bạn dành cho số sinh viên này và sự hỗ trợ về vé máy bay, phí đi đường, lệ phí làm hộ chiếu, visa, bảo hiểm y tế... với các sinh viên có cam kết làm việc cho các dự án điện hạt nhân của EVN, EVN sẽ cấp thêm 200 USD/tháng và lệ phí dự tuyển. Ông tin tưởng, với những chính sách ưu đãi như vậy, bài toán về thiếu nhân lực cho ngành điện hạt nhân sẽ sớm được giải tỏa.

Thanh Ngọc

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps