Làm gì để rút ngắn chỉ số tiếp cận điện năng?

10:46 | 22/10/2014

1,392 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Điện lực là một trong những cơ sở hạ tầng quan trọng thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển. Điện phải đi trước một bước để đảm bảo cung cấp năng lượng cho sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, các công ty điện cũng là doanh nghiệp nhà nước kinh doanh điện năng, phải đảm bảo hoạt động hiệu quả và bảo toàn vốn nhà nước giao. Như vậy sẽ tồn tại một giới hạn về thời gian đầu tư cấp điện để hài hòa lợi ích hai phía, đó là chỉ số tiếp cận điện năng.

Máy biến áp di động phục vụ cấp điện cho khách hàng.

Trong báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) về môi trường kinh doanh năm 2013, Việt Nam đứng thứ 99 trong số 189 nền kinh tế - tụt 1 bậc so với năm 2012. Trong khi đó chỉ số tiếp cận điện năng xếp thứ 156/189, tụt 21 bậc so với năm 2012. Các chuyên gia WB ước tính một doanh nghiệp mất trung bình 115 ngày để tiếp cận điện năng. Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhà nước yêu cầu ngành điện rút ngắn chỉ số tiếp cận điện năng. EVNCPC đã có nhiều nỗ lực để rút ngắn chỉ số này xuống dưới 45 ngày đối với khách hàng tiếp cận điện năng từ lưới trung - hạ áp.

EVNCPC đã phân cấp mạnh mẽ cho các đơn vị trực thuộc và tích cực rà soát để sửa đổi lại các quy trình, quy định liên quan đến lĩnh vực đầu tư cấp điện các nhà đầu tư như: giao tiếp khách hàng, kế hoạch đầu tư, quản lý đầu tư, mua sắm vật tư thiết bị, đấu thầu… theo hướng đơn giải hóa thủ tục. Chủ động bố trí và sẵn sàng một lượng vốn để đầu tư khi có yêu cầu. Đàm phán với các nhà cung cấp vật tư thiết bị để sẵn sàng phục vụ thi công lắp đặt, đối với vật tư thiết bị không thông dụng, nghiên cứu tối ưu hóa dự phòng theo khu vực. Xây dựng lược đồ để giám sát thời gian thực hiện từng công đoạn tại các đơn vị. Có kế hoạch cải tạo, nâng cấp nguồn, lưới phía trước điểm đấu nối để đảm bảo nguồn cung cấp cho khách hàng.

Các công ty điện lực ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong khảo sát thực địa, xử lý hồ sơ thủ tục của khách hàng; ban hành thiết kế định hình, chuẩn hóa đặc tính kỹ thuật các vật tư thiết bị, huy động nhân lực, xe máy để tổ chức tự thực hiện thi công xây dựng...

Cùng với sự nỗ lực của EVNCPC là sự ủng hộ mạnh mẽ của các địa phương trong vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng; sự quan tâm tháo gỡ vướng mắc thủ tục của các cơ quan Nhà nước, ngày 10/7/2014, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 09/2014/TT-BXD sửa đổi thông tư 10/2013/TT-BXD về hướng dẫn Nghị định 15/2013/NĐ-CP thì các công trình trung - hạ áp không phải trình Sở công thương thẩm tra thiết kế… thì nhất định sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt được mục tiêu rút ngắn chỉ số tiếp cận điện năng xuống dưới 45 ngày.

Tuy nhiên, để rút ngắn chỉ số tiếp cận điện năng ngành điện nói chung và EVN CPC nói riêng sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức. Đầu tiên phải kể đến là các “Nhà đầu tư ảo”, trong thời gian qua, cũng có không ít công trình điện đã hoàn thành mà không được nhà đầu tư sử dụng điện, việc thu bảo lãnh hợp đồng mua bán điện rất khó thực hiện và không tương xứng với chi phí đã đầu tư công trình điện. Nhiều nhà đầu tư mới trong giai đoạn tìm hiểu thị trường, tìm hiểu dự án cũng đã gửi văn bản đề nghị cấp điện, hoặc đã ký hợp đồng mua bán điện xong, nhưng chây ỳ không chịu nộp bảo lãnh thực hiện hợp đồng… những trường hợp này khó có thể thực hiện đạt chỉ số tiếp cận điện năng.

Về dự phòng vật tư thiết bị, sẽ bị áp lực đối với chỉ tiêu tồn kho, tồn đọng một lượng lớn vốn lưu động, dẫn đến sử dụng vốn không hiệu quả. Về huy động vốn đầu tư, phải tốn một lượng vốn khấu hao cơ bản dự phòng để đối ứng vay, việc đầu tư trong một thời gian ngắn chỉ thực hiện được bằng cách huy động vốn vay thương mại trong nước, có lãi suất cao và thời gian vay ngắn…

Cận cảnh các bộ phận máy biến áp di động.

Các khó khăn trên sẽ được khắc phục, nếu như chúng ta nghiên cứu trang bị máy biến áp di động cho các đơn vị. Các nhà đầu tư trong khu công nghiệp hoặc gần lưới điện hiện trạng thì có thể dùng máy biến áp di động để cấp điện ngay lập tức, sau đó xây dựng hoàn chỉnh một trạm biến áp, rồi rút máy biến áp di động này về để dự phòng cho nhà đầu tư khác. Lúc này chỉ số tiếp cận điện năng dần về 0. Với giải pháp máy biến áp di động, chúng ta không chỉ đạt được mong muốn rút ngắn chỉ số tiếp cận điện năng của nhà nước, mà hoàn toàn chủ động khi đàm phán đầu tư cấp điện với các nhà đầu tư, chúng ta có thể theo dõi việc đầu tư cơ sở hạ tầng, lắp đặt các dây chuyền thiết bị của nhà đầu tư xong, mới phối hợp triển khai cấp điện mà vẫn đảm bảo cấp điện kịp thời, điều này sẽ khắc phục được lãng phí đầu tư đối với các “nhà đầu tư ảo”.

Mặt khác, máy biến áp di động là một phần tử của lưới điện, nên được trang bị bằng nguồn vốn khấu hao cơ bản, tồn tại dưới dạng tài sản, được trích khấu hao hàng năm, do đó sẽ khắc phục được áp lực tồn kho vật tư thiết bị, không làm tồn đọng vốn lưu động, chủ động trang bị và đầu tư cấp điện, không phụ thuộc vào thời gian yêu cầu cấp điện của nhà đầu tư, nên hạn chế vay thương mại trong nước hoặc có kế hoạch vay dài hơn, sẽ chủ động khi đàm phán vay với ngân hàng.

Ngoài ra, máy biến áp di động còn tham gia tích cực vào việc xử lý sự cố cho trường hợp cháy, nổ máy biến áp phân phối; dự phòng cấp điện tốt cho các sự kiện lễ hội, hội nghị…

Tóm lại, Nhà nước đang tìm mọi biện pháp để nâng cao các chỉ số cạnh tranh, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong mắt nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế, thì ngành điện không vì lý do gì mà không rút ngắn chỉ số tiếp cận điện năng. Vấn đề là chúng ta phải tìm giải pháp thích hợp nhất để rút ngắn chỉ số này, mà vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả và bảo toàn vốn Nhà nước.

Trương Văn Chương

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps