Hồ thủy điện không thể gây lũ

14:38 | 27/11/2013

943 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phần đa ý kiến tại cuộc họp kiểm điểm tình hình phát triển thủy điện và công tác quản lý vận hành các hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung - Tây Nguyên ngày 25/11/2013 vừa qua tại Bộ Công Thương, các hồ thủy điện chỉ có thể cắt giảm lũ chứ không hề gây thêm lũ.

Hồ thủy điện Đồng Nai tiến hành xả tràn cắt lũ trong cơn bão Haiyan vừa qua (Ảnh: Ngọc Thọ)

Vận hành đúng quy trình

Theo Vụ trưởng Vụ Thủy điện (Bộ Công Thương) Đỗ Đức Quân, tại địa bàn các tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên) hiện có 23 công trình thủy điện đang vận hành trong đó có 15 công trình thủy điện lớn với tổng dung tích điều tiết phát khoảng 2.440 triệu m³ được vận hành theo Quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa. Việc xuất hiện luồng ý kiến cho rằng một số nhà máy thủy điện ở khu vực này xả lũ gây ngập lụt lớn ở hạ du là chưa phản ánh đầy đủ khách quan và chuẩn xác.

Bởi nguyên nhân chính theo các chuyên gia là do hoàn lưu bão số 15 vừa qua gây ra diện mưa rất lớn nên tổng lưu lượng nước về lên tới cả 500mm. Đặc biệt khu vực sông Trà Khúc, sông Vệ (Quảng Ngãi) lượng mưa chớm 1.000 mm. Mưa xuất hiện kèm theo lũ lớn về từ các sông Thừa Thiên Huế cho tới Khánh Hòa, Tây Nguyên. Và thực tế, đỉnh lũ trên sông Trà Khúc, sông Vệ và thượng nguồn sông Ba (tỉnh Gia Lai) đã vượt mức lịch sử.

“Trước tình hình căng thẳng đó, các hồ chứa thủy điện lớn khu vực miền Trung đã thực hiện vận hành đúng quy trình vận hành liên hồ chứa và quy trình của từng hồ đã được phê duyệt không gây thêm lũ lụt cho hạ du và góp phần cắt giảm đỉnh lũ và giảm lưu lượng nước lũ về hạ du” - Vụ trưởng Vụ Thủy điện Đỗ Đức Quân cho hay.

Cắt giảm lũ

Đáng chú ý, tại hồ Sông Tranh 2 lúc 5h sáng ngày 15/11 lũ về nhanh lưu lượng đạt đỉnh lúc 13h là 8.333m³/s (tương ứng với đỉnh lũ lớn nhất trong 70 năm qua), đơn vị quản lý hồ đã tiến hành các thủ tục thông báo xả lũ, sau khi nhận thấy an toàn cho người dân và tài sản hạ du mới tiến hành xả 2.115m³/s. Tính trong 12 giờ đầu của trận lũ hồ Sông Tranh 2 vừa qua, hồ đã cắt/giảm được 63% lưu lượng nước lũ với dung tích 117 triệu m³.

Trong đợt lũ lịch sử tháng 11/2013 vừa qua tại miền Trung - Tây Nguyên, ngoài hồ Sông Tranh 2 thì hồ thủy điện Đắc Mi 4 cắt được tổng lưu lượng nước về hạ du 45,62 triệu m³ (chiếm 18,84% tổng lượng nước lũ). Hồ thủy điện sông Ba Hạ cắt giảm 34 triệu m³ (chiếm 6,7% tổng lưu lượng nước lũ); Hồ thủy điện Ka Nak cắt giảm được 13,7 triệu m³ (chiếm 9,9% tổng lưu lượng nước lũ về hồ); Hồ thủy điện An Khê cắt giảm được 9,6% lưu lượng đỉnh lũ.

Mới đây, chiều ngày 21/11/2013, trả lời chất vấn trực tiếp các đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã lần nữa khẳng định để đảm bảo yêu cầu về an toàn, kinh tế, môi trường. Chính phủ và Thủ tướng sẽ tiếp tục chỉ đạo các nhóm giải pháp như đối với 268 nhà máy thủy điện đang hoạt động (công suất 14.000 MW). Cụ thể, nhà máy nào không an toàn hồ đập thì sẽ cho ngừng hoạt động và phải đưa ra giải pháp bổ sung bảo đảm hoạt động của nhà máy. Đồng thời rà soát, bổ sung những qui trình vận hành hồ chứa để phù hợp diễn biến thực tế, bao gồm cả mùa mưa lũ và mùa cạn kiệt. Cũng như công khai cho nhân dân biết quy trình vận hành hồ chứa.

Hiện nay, cả nước có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục 61 hồ thủy lợi, thủy điện thuộc 11 lưu vực sông phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa. Đến nay, 20 hồ thuộc 5 lưu vực sông đã được phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa. Phấn đấu đến cuối năm 2014 hoàn thành việc phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa đối với những hồ thuộc 6 lưu vực sông còn lại.

Ngọc Thọ

  • el-2024