Gọi sáng trên dòng sông Mã

08:49 | 18/09/2014

964 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời tiết ở thung lũng Co Me (xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) rất khắc nghiệt. Nắng thì cháy da, cháy thịt, mưa thì thối đất thối cát. Nhưng những người lính thủy điện của Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn (công ty trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) và các nhà thầu thi công đã vượt qua tất cả để xây dựng một nhà máy thủy điện trên dòng sông dữ!

Năng lượng Mới số 357

Lính thủy điện ở thung lũng Co Me

Bắt xe khách từ bến Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội), tôi đến thị trấn Mai Châu (Hòa Bình), rồi đi xe ôm vào xã Trung Sơn - nơi đặt đại bản doanh của Ban Quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn.

Đường từ thị trấn Mai Châu về Trung Sơn chừng 40km và được rải nhựa. Những năm 2004-2005, đây chỉ là con đường mòn, độc đạo, nằm ẩn dưới tán lá rừng mà để đi đi về về trên quãng đường đó ra thị trấn Mai Châu, người dân Trung Sơn phải mất cả ngày đường. Đó là ngày nắng ráo, còn ngày mưa thì chịu, có muốn đi cũng không được do trơn, do lầy, bùn ngập cả mét. Chính vì thế, vào mùa mưa, có khi Trung Sơn bị cô lập cả tuần, cả tháng. Đến năm 2007, khi Ban Quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn vào tiến hành khảo sát, làm dự án thì con đường mới được mở rộng hơn đôi chút, nhưng vẫn là đường rải đá cấp phối, xe máy có thể đi lại dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vì là đường đất, lại hẹp, bám theo các sườn đồi, sườn núi nên khi trời mưa cũng chẳng ai dám liều mình chạy xe ra thị trấn Mai Châu cả. Chỉ đến năm 2011-2012, khi Dự án Thủy điện Trung Sơn chính thức được triển khai, con đường mới được mở rộng, rải nhựa, trước là phục vụ công tác thi công, xây dựng dự án, sau là tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho bà con.

Gọi sáng trên dòng sông Mã

Ông Vũ Hữu Phúc (thứ 3 bên trái sang) làm việc với các nhà thầu trên công trường Thủy điện Trung Sơn

Mất hơn nửa ngày, hết xe khách rồi lại đến xe ôm, vượt quãng đường gần 200 cây số, ngoằn ngoèo với những khúc cua tay áo, tôi đã có mặt tại đại bản doanh của Ban Quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn. Ban được đặt ngay tại bản Co Me, cách trung tâm công trình Thủy điện Trung Sơn chỉ chưa đầy 2,5km. Đứng từ đây, phóng tầm mắt về phía xa, tôi không khó để nhận ra những khối bê tông đồ sộ, mọc sừng sững trên sườn đồi, dưới dòng sông những khói bụi công trường và cả những tiếng gầm vang của máy móc, của xe cộ... Hình hài một công trình thủy điện mới của ngành điện đã được định hình.

Có mặt tại Trung Sơn ngay từ những ngày đầu khi dự án còn trong giai đoạn tham vấn, khảo sát, thiết kế, anh Nguyễn Trường Trinh, Trưởng phòng Bồi thường - Giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn cho hay: “Những ngày đầu khi mới vào đây, ai cũng “hoảng”! Hoảng vì khí hậu quá khắc nghiệt, vì đường xá đi lại khó khăn, gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Và hoảng vì người dân ở đây khi đó nghiện, nghiện rất nhiều. Nhưng hoảng nhất là không có cái ăn!”.

Hóa ra là vì người dân ở đây chỉ nuôi vài con gà, trồng vài luống rau trong vườn, họa hoằn lắm mới có nhà nuôi con lợn, con dê, kinh tế tự cung, tự cấp. Cuộc sống của họ phụ thuộc chủ yếu vào rừng, vào việc khai thác cây bương, cây nứa thả trôi sông, mang xuống thị trấn Mai Châu bán lấy tiền mua cân gạo, gói muối… Chẳng thế có lần, nhóm tham vấn của anh suýt “chết đói” ở khu 1 thuộc vùng di dân, tái định cư của dự án. Vì trời mưa, nước suối dâng cao, không thể vượt qua, khu 1 bị cô lập gần như hoàn toàn. Nhưng vì không có sự chuẩn bị từ trước nên thức ăn mang theo không nhiều, chủ yếu là mì tôm và mấy món đồ ăn nhanh. Cầm cự được ngày thứ nhất, ngày thứ hai, rồi sang ngày thứ ba thì không còn gì nữa.

Gọi sáng trên dòng sông Mã

Toàn cảnh công trường Thủy điện Trung Sơn

Trời mưa sầm sập suốt ngày đêm và cũng chẳng có dấu hiệu gì sẽ ngớt. Tìm khắp bản chỉ có mấy con gà, mà toàn là gà mái đẻ, người ta giữ để làm giống và để lấy trứng nên dù nói khó thế nào cũng chẳng ai bán. Thương các anh người dưới xuôi lên và cũng vì đồng bào, vì người dân ở đây nên mới lâm cảnh thế này nên ông trưởng bản khu 1 đã bán cho các anh con gà trống thiến của nhà mình với giá 300.000 đồng. Và theo cách nói của ông, con gà là cái chuông đồng hồ báo thức không chỉ của gia đình mà là của cả bản.

Thời tiết ở thung lũng Co Me khắc nghiệt là thế nhưng khi tiếp xúc với những cán bộ, công nhân nơi đây, tôi thấy một tinh thần làm việc hết sức khẩn trương, trách nhiệm và đầy nhiệt huyết, không ngại khó, ngại khổ. Như anh Trinh, quê Nghệ An, tốt nghiệp đại học năm 2006. Ra trường, anh được nhận về làm việc tại Ban Quản lý các dự án điện Miền Trung - EVN. Vào làm khoảng 6 tháng, anh được lệnh của lãnh đạo lên Thủy điện Trung Sơn nhận nhiệm vụ. Đang quen với cuộc sống ở thành phố, ồn ào, nhộn nhịp, lại gần gũi anh em, bạn bè, đến khi nghe nói Trung Sơn ở xa lắm, tít mãi trong rừng, nằm gần như biệt lập với thế giới bên ngoài nên khi nhận lệnh anh cũng có đôi chút hẫng hụt. Rồi những ngày đầu mới lên, đường xá đi lại không có, chỗ ăn, chỗ ở thì cũng thiếu thốn đủ bề. Ngày đi làm, tối về ôm chăn ngủ, chẳng biết đi đâu. Anh cũng buồn, cũng chán lắm. Nhưng rồi ý nghĩ đó cũng nhanh chóng trôi qua. Anh thấy mình phải có trách nhiệm với công việc, với người dân nơi đây và trách nhiệm với chính bản thân mình.

Chuyện của anh Trinh là thế. 7 năm gắn bó với công trình Thủy điện Trung Sơn và được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Bồi thường - Giải phóng mặt bằng chính là sự ghi nhận nỗ lực, quyết tâm của anh. Theo lời anh Trinh kể thì vợ anh làm ở UBND thành phố Nghệ An. Hai người quen và yêu nhau từ hồi còn là sinh viên. Chính vì vậy, chị rất hiểu tính chất công việc mà anh đang làm. Chị thường nói với anh rằng: “Anh cứ yên tâm công tác, chuyện gia đình, con cái cứ để đó em lo”.

Công việc của một người làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là phải đi, phải gặp, phải tiếp xúc để giải thích cho người dân hiểu, đồng thuận với dự án nên có những thời điểm, mấy tháng trời anh không về nhà. Khi vợ anh sinh con năm 2009, anh chỉ kịp về ngó mặt con một chút rồi lại lên đường vì dự án đang trong giai đoạn khẩn trương. Và rồi khi con anh được 4 tháng tuổi, anh mới về gặp mặt con lần 2. Nhắc đến chuyện này, giọng anh có phần trầm xuống. Anh nói: “Kể ra nhiều khi cũng thấy buồn, thấy tủi lắm. Con mình thật mà nhiều khi vì đi lâu ngày quá, về bế nó không theo, lại còn khóc ré lên như thể gặp người lạ!

Nghiệp của người làm thủy điện là thế, là phải chấp nhận sống xa nhà, xa gia đình, chấp nhận với những thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần. Và nếu không có nhiệt huyết, không có đam mê thì chắc chắc sẽ không thể bám trụ được với cái nghề này”.

Cuộc trò chuyện giữa tôi và anh Trinh kết ở đó. Lắng đọng và nhiều cảm xúc!

Gọi sáng trên dòng sông Mã

Đổ bê tông đập Thủy điện Trung Sơn

Nơi hội tụ của những khát vọng

Thủy điện Trung Sơn là dự án thủy điện quy mô trung bình, được xây dựng trên dòng chính sông Mã thuộc địa phận xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nhà máy điện có công suất lắp đặt 260MW, bao gồm 4 tổ máy sản xuất 1.018,61 triệu kWh hằng năm, là nguồn bổ sung đáng kể cho lưới điện quốc gia. Đây là một dự án đa mục tiêu, vừa cung cấp điện vừa giúp kiểm soát lũ, đồng thời góp phần vào chương trình biến đổi khí hậu ở Việt Nam bằng cách tránh được lượng khí phát thải CO2. Dự án được thiết kế kỹ càng và có quá trình chuẩn bị dự án tuân theo các quy tắc thực hành tốt trên thế giới về khảo sát, thiết kế kỹ thuật, phân tích các phương án chọn lựa, giám sát, nghiên cứu, tính toán nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe về môi trường, xã hội và an toàn đập. Do vậy, dự án được đánh giá là đã hạn chế tối thiểu nhất các tác động về môi trường, xã hội, đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi dự án sẽ được cải thiện đáng kể từ sau khi dự án hoàn thành. Chính vì vậy, Thủy điện Trung Sơn được xem là một ví dụ điển hình về cách thức xây dựng thủy điện, từ đó  có thể hỗ trợ cho sự phát triển của đất nước một cách tiết kiệm, bền vững về môi trường và xã hội.

Ngoài ra, vì đây là dự án được thực hiện bằng vốn tài trợ của WB nên phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu, cũng như tiêu chuẩn theo quy định của WB, trong đó có nhiều tiêu chí vượt khung chính sách của Việt Nam. Ví như mỗi khu tái định đều có hệ thống điện, đường, trường, trạm và nhà văn hóa riêng. Và cách tính giá trị đền bù tái định cư cũng khác, thay vì tính theo nguồn gốc đất, họ lấy mốc thời gian từ khi dự án được phê duyệt thiết kế, tức là đất nhảy dù, lấn chiếm nếu có từ trước khi có dự án thì vẫn được bồi thường. Chính vì vậy, suất đầu tư cho mỗi hộ di dân rất lớn, khoảng hơn 1 tỉ đồng, trong khi các dự án khác chỉ vào khoảng 600-700 triệu đồng. Bên cạnh đó là vấn đề an sinh, phát triển đời sống, kinh tế... với những gói thầu, kế hoạch sinh kế. Và cũng vì dùng vốn WB nên tính minh bạch, từ thiết kế, tham vấn thi công ở thủy điện Trung Sơn được giám sát hết sức chặt chẽ. Theo định kỳ, đoàn công tác của WB sẽ đến làm việc và kiểm tra các hạng mục đã thi công và nếu không đáp ứng được yêu cầu, WB sẽ không giải ngân vốn.

Gọi sáng trên dòng sông Mã

Vai phải đập Thủy điện Trung Sơn

Đặc biệt, Thủy điện Trung Sơn còn là nơi hội tụ của những con người tốt nhất, giàu kinh nghiệm bậc nhất trong lĩnh vực thi công, xây dựng thủy điện không chỉ ở Việt Nam mà khu vực. Nhà thầu thi công chính là Liên doanh Samsung C&T và Công ty Cổ phần Xây dựng 47 là những đơn vị đã khẳng định được uy tín trong lĩnh vực thi công thủy điện. Còn đơn vị tư vấn giám sát Công ty Tư vấn giám sát AECOM (Newdilan) - một trong những đơn vị tư vấn giám sát không chỉ có uy tín ở Việt Nam mà ở cả châu Á - từng tham gia tư vấn, giám sát tại rất nhiều dự án thủy điện khác ở châu Á. Hay như Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn Vũ Hữu Phúc chẳng hạn. Ông được xem là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thi công, xây dựng công trình thủy điện khi là một trong những người đầu tiên được EVN triệu tập lên Dự án Thủy điện Sơn La - dự án thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Bản thân anh Ngô Quốc Phương, Giám đốc ban Quản lý Dự án Thủy Điện Trung Sơn cũng vậy. Anh sinh năm 1978, quê ở Đông Anh. Trước khi lên Trung Sơn, anh làm ở Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Nhưng rồi, cũng như rất nhiều cán bộ trẻ khác ở Trung Sơn, bằng sự đam mê, khát vọng trinh phục thử thách, anh rời Hà Nội lên Thủy điện Trung Sơn nhận nhiệm vụ.  Để rồi, có những thời điểm, cả tháng trời anh không lấy một lần về thăm gia đình, vợ con.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn thì mục tiêu của năm 2014 của Thủy điện Trung Sơn là hoàn thành đào đất đá móng công trình và hiện đã hoàn thành; Thi công bê tông đầm lăn thân đập thì đã tiến hành từ ngày 8-4 và đến nay thực hiện được hơn 40.000/190.000m3; Thi công đổ bê tông nhà máy thì đã thực hiện từ tháng 6 thay vì tháng 7 như kế hoạch và đã hoàn thành được 49.000/100.000m3. Riêng về công tác đi dân tái định cư thì đến nay đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng công việc.

Thủy điện Trung Sơn đang từng bước được hình thành từ những bàn tay, khối óc đầy nhiệt huyết, khát vọng của người lính thủy điện của Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn và các nhà thầu là như thế. Và dòng sông Mã hung dữ sẽ được chế ngự, lưới điện quốc gia sẽ có thêm một nguồn điện mới. Và quan trọng không kém là mảnh đất nghèo Trung Sơn ngày nay cũng đang từng ngày thay da đổi thịt, khoác lên mình tấm áo mới đẹp hơn, sặc sỡ hơn. Những căn nhà sàn đơn sơ, rách nát nằm dọc 2 bờ sông Mã giờ chỉ còn là quá khứ. Thay vào đó là những căn nhà sàn kiên cố, tường rào bao kín nằm ven theo con đường quốc lộ từ thị trấn Mai Châu vào tận trung tâm xã Trung Sơn.

Rời Trung Sơn, tôi nhớ mãi lời chia sẻ của ông Ngân Văn Quan - Trưởng khu Tổ Sửu, bản Co Me rằng: “Trước đây, người dân Trung Sơn nghèo lắm, chỉ trông vào cây bương, cây nứa chặt trong rừng, thả trôi sông mang xuống thị trấn Mai Châu bán lấy tiền để mua cân gạo, gói muối... chứ chẳng mấy ai canh tác, nuôi trồng gì. Cuộc sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Đã vậy, lại còn nạn nghiện hút, có bản cả trai lẫn gái đều nghiện hết. Nhưng rồi từ khi có Dự án Thủy điện Trung Sơn, người dân đã biết nuôi con dê, trồng cây bưởi, cây cam... Hàng quán cũng được mở ra, hoạt động giao thương cũng trở nên nhộn nhịp hơn. Nạn nghiện cũng đã được đẩy lùi, cuộc sống của người dân đã sung túc và đầy đủ hơn, nhà nào nhà đấy đã có cái tivi để xem chương trình thời sự quốc gia, để xem và học những tiến bộ khoa học mới trong quá trình canh tác, nuôi trồng. Trẻ con ở đây cũng có cơ hội học hành đầy đủ hơn…”.

Lời của ông Quan chính là sự khẳng định cho những gì mà cán bộ, công nhân viên xây dựng Nhà máy Thủy điện Trung Sơn đã và đang làm cho mảnh đất này!

Dự án Thủy điện Trung Sơn có tổng mức đầu tư là 410,66 triệu USD. Trong đó 330 triệu USD là vốn vay Ngân hàng Thế giới có thời gian đáo hạn là 27 năm và thời gian ân hạn 6 năm. Vốn đối ứng của EVN là 80,68 triệu USD.
Dự án được khởi công vào tháng 11-2012 gồm 4 turbine Francis. Mỗi turbine có công suất 65MW (tổng công suất lắp đặt 260MW), được thiết kế cho cột nước phát điện tối đa là 72m. Đường dây truyền tải 220kV dài 65km nối nhà máy với lưới điện quốc gia.
Bên cạnh mục tiêu cung cấp điện năng giá rẻ, dự án còn đem lại sự an toàn và phát triển bền vững về xã hội và môi trường vì nó giúp giảm phát thải khí nhà kính (GHGs) so với các nhà máy điện có cùng qui mô hoạt động bằng nhiên liệu hóa thạch. Các lợi ích trực tiếp từ dự án:
- Tránh được 1 triệu tấn phát thải CO2 mỗi năm.
- Kiểm soát lũ thông qua công suất hồ chưa đạt 112 triệu m3.
- Cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.
- Cải thiện điều kiện sống cho hơn 2.000 hộ gia đình di dời khỏi khu vực dự án.
- Các hoạt động phục hồi sinh kế cho hơn 7.000 người bị ảnh hưởng bởi dự án.
- 2 triệu USD cho các chương trình bảo vệ môi trường, trong đó 700.000 USD để bảo vệ 3 khu bảo tồn đa dạng sinh học gần khu vực dự án.
- Tham vấn liên tục với người dân về những mong muốn và ưu tiên của họ.
- Cơ hội việc làm cho công nhân trong thời gian xây dựng.
- Cải tạo đường xá đi lại cho người dân và các khu vực lân cận, bao gồm đường vận hành dài 25km nối với khu vực dự án.
 

Thanh Ngọc