Gỡ khó cho truyền tải điện

08:00 | 27/11/2014

762 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những năm gần đây, song hành cùng sự phát triển của ngành điện, hệ thống lưới điện truyền tải đã không ngừng được mở rộng, vươn tới cả các xã vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, vì giá truyền tải điện trong cơ cấu giá điện còn thấp, chưa đảm bảo khả năng tích lũy đầu tư nên lưới điện truyền tải tại nhiều địa phương dù cũ kỹ, lạc hậu, tình trạng quá tải còn diễn ra nhưng vẫn chưa được cải tạo, nâng cấp mở rộng hoặc thay thế, khiến chất lượng cung ứng điện còn thấp, tổn thất điện năng cao.

Năng lượng Mới số 377

Thách thức lớn

Với đặc thù là nguyên liệu đầu vào của hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, điện được ví như là “máu” nuôi sống nền kinh tế và hệ thống lưới điện truyền tải chính là “mạch máu” đưa điện đến các bộ phận, các lĩnh vực của nền kinh tế. Và cũng chính bởi lẽ đó, để cụ thể hóa mục tiêu “điện đi trước một bước” mà Đảng, Chính phủ giao cho ngành điện, hệ thống lưới điện phải đi trước để đưa điện đến mọi vùng miền đất nước. Truyền tải điện vì thế có vai trò hết sức to lớn, tác động trực tiếp đến khả năng cung ứng điện của ngành điện.

Xác định rõ tầm quan trọng của việc phát triển hệ thống lưới điện truyền tải, trong những năm qua, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) và các đơn vị thành viên đã cho triển khai, đưa vào vận hành một loạt các công trình lưới điện quan trọng như đường dây 500kV mạch 2, 3... góp phần quan trọng giúp dòng điện quốc gia vận hành thông suốt.

Theo tính toán của EVNNPT, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng cao của nền kinh tế cũng như đòi hỏi nâng cao chất lượng cung ứng điện tại nhiều địa phương, trong giai đoạn 2014-2020, tổng công ty sẽ phải triển khai 267 dự án lưới điện truyền tải, với tổng nhu cầu vốn lên tới 165 ngàn tỉ đồng. Và đây thực sự là một thách thức lớn đối với các đơn vị truyền tải điện khi giá truyền tải điện (83,3 đồng/kWh) hiện mới chỉ đủ bù đắp chi phí sản xuất. Điều này khiến việc thu xếp vốn cho các dự án phát triển lưới điện truyền tải gặp rất nhiều khó khăn.

Kiểm tra, bảo dưỡng đường dây 500kV Bắc - Nam

Cũng theo EVNNPT, theo quy định, giá truyền tải điện được xác định dựa trên nguyên tắc đảm bảo thu hồi đủ chi phí hợp lệ và có lợi nhuận cho phép để vận hành lưới điện đạt chất lượng, đồng thời đáp ứng các chỉ tiêu tài chính cho đầu tư, phát triển lưới truyền tải điện. Tuy nhiên, vì giá truyền tải điện thấp nên trong nhiều năm qua, EVNNPT hầu như không có lợi nhuận hoặc có thì cũng rất thấp, chỉ đạt khoảng 0,5% tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ. Vì vậy, nguồn vốn khấu hao tài sản cố định hiện chỉ đủ trả nợ gốc và lãi vay...

Ngoài ra, do hệ thống lưới điện truyền tải trải khắp mọi miền đất nước, nhu cầu gia tăng sản lượng điện tiêu thụ của nền kinh tế luôn ở mức cao (từ 10-15%), ở nhiều nơi lưới điện trung áp đã cũ nát... đã dẫn tới tình trạng quá tải, tổn thất điện năng cao, chất lượng điện thấp. Đặc biệt, năm 2013, EVNNPT không hoàn thành kế hoạch đóng điện, khởi công một số dự án truyền tải điện có nguyên nhân rất lớn do thiếu vốn. Trong đó có nguyên nhân giá truyền tải điện quá thấp.

Ðó là câu chuyện mà EVNNPT đang phải đối diện từ nhiều năm nay. Nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, khó khăn, thách thức đặt ra cho tổng công ty và các đơn vị trực thuộc trong thời gian tới sẽ còn nhân lên gấp bội cùng với đà phục hồi, phát triển của nền kinh tế. Con số đầu tư lên tới cả chục ngàn tỉ đồng mỗi năm, chiếm khoảng trên 20% tổng vốn đầu tư của toàn ngành, thoạt nghe có vẻ lớn nhưng nếu xét trên nhu cầu thực tế thì lại hết sức khiêm tốn. Hệ thống lưới điện quốc gia cần sự đầu tư lớn hơn thế rất nhiều, như mục tiêu cải tạo lưới điện nông thôn chẳng hạn, tổng vốn đầu tư theo ước tính ban đầu cũng lên tới gần 100 ngàn tỉ đồng. Ðây là con số quá lớn nếu so với khả năng tích lũy vốn đầu tư của tổng công ty và các đơn vị trực thuộc.

Thách thức đặt ra cho EVNNPT như vậy là rất lớn. Nhu cầu vốn lớn những giá truyền tải điện lại không đảm bảo khả năng tích lũy để tái đầu tư. Và hệ quả là hệ thống lưới điện ở nhiều nơi vốn dĩ đã “yếu” vẫn gồng mình “cõng” sản lượng điện tiêu thụ gia tăng hằng năm lên tới 16-17%.

Lời giải từ giá truyền tải điện

Như đã đề cập ở trên, giá truyền tải điện trong cơ cấu giá điện hiện rất thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu mở rộng, nâng cấp hệ thống lưới điện. Tại hội thảo Đề xuất sửa đổi cơ chế giá truyền tải điện hiện tại ở Việt Nam” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với Cục Điều tiết Điện lực tổ chức mới đây, khi đề cập tới vấn đề này, ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT cho hay: Hiện nay, giá truyền tải điện của Việt Nam là 86,4 đồng/kWh, chiếm khoảng 5,7% giá bán điện bình quân. So sánh với một số nước trên thế giới (chiếm khoảng 10-12% giá bán điện bình quân) thì giá truyền tải điện của Việt Nam thấp hơn rất nhiều. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư xây dựng cũng như chi phí quản lý vận hành của EVNNPT.

Dưới một góc nhìn khác, ông Hoàng Văn Tùy, Phó ban Tài chính Kế toán EVN nói: Các Thông tư hướng dẫn hiện có đều tính giá truyền tải được xác định theo công suất và điện năng. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, giá truyền tải điện chỉ được tính theo điện năng. Điều kiện hạn chế việc tính giá truyền tải theo công suất không thực hiện được là do việc tính toán dự báo công suất điện nhận tại các điểm nút không thống kê và dự báo được. Từ đó dẫn đến không thành công trong việc xác định giá truyền tải theo công suất và điện năng.

Nói như vậy để thấy rằng, việc xác định giá truyền tải điện đang tồn tại nhiều bất cập. Tại hội thảo trên, vấn đề này cũng được ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN đề cập: Giá điện nói chung và giá truyền tải điện nói riêng là vấn đề lớn, nhạy cảm và khó khăn đối với EVN và EVNNPT. Thời gian qua, EVN đã cử nhiều đoàn công tác sang các nước nghiên cứu, tìm hiểu về cách tính giá điện. Tuy nhiên, tại Việt Nam, giá điện và giá truyền tải điện liên quan chặt chẽ đến khả năng chi trả của khách hàng. Vì vậy, để đảm bảo giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước cũng như phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng, trong thời gian tới, giá truyền tải điện cần phải được cập nhật phù hợp với chi phí, cũng như đảm bảo cho lĩnh vực truyền tải điện được hoạt động một cách bền vững.

Được biết, hiện EVN đã có tờ trình Bộ Công Thương đề nghị nâng giá truyền tải từ 83,3 đồng/kWh lên 86,4 đồng/kWh. Tuy nhiên, theo tính toán của EVNNPT, kể cả khi đề xuất được chấp thuận, doanh thu của đơn vị cũng chỉ tăng khoảng trên 300 tỉ đồng/năm, cơ bản vẫn chưa giải quyết được khó khăn. Bởi lẽ, khung giá điện hiện hành cũng chưa theo kịp thị trường thì tất nhiên giá truyền tải cũng chưa theo kịp. Chính vì vậy, EVNNPT cho rằng, để có lợi nhuận cũng như tích lũy được nguồn vốn, đáp ứng yêu cầu đầu tư các dự án và đẩy nhanh tiến độ thi công, giá điện cần sớm điều chỉnh sao cho phù hợp, đảm bảo giá truyền tải đạt trên 100 đồng/kWh (chiếm 8-10% trong cơ cấu giá điện).

Ngành điện phải “đi trước một bước”, trong đó, truyền tải điện phải là lực lượng tiên phong. Tuy nhiên, để làm được điều này, giá điện và giá truyền tải cần điều chỉnh ở mức phù hợp, đảm bảo hoạt động của ngành điện cũng như truyền tải điện và phải có tích lũy, tái đầu tư.

Thanh Ngọc

 

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps