EVN SPC và hành trình 10 năm xây dựng các công trình điện trọng điểm

22:05 | 19/05/2015

628 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội 21 tỉnh/thành phố phía Nam, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) luôn tập trung mọi nguồn lực để xây dựng các công trình điện, mở rộng hệ thống lưới điện, đưa điện về khắp các vùng miền, thôn xóm, buôn làng xa xôi, vượt biển ra đảo.

Nỗ lực cấp điện về vùng nông thôn

Đặc thù địa bàn quản lý chủ yếu của EVN SPC là vùng nông thôn sông nước miền Tây Nam bộ, hệ thống sông ngòi chằng chịt, việc đầu tư xây dựng các công trình điện gặp một số khó khăn nhất định do dân cư thưa thớt, giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thủy, thậm chí nhiều vùng chưa có đường giao thông chính, nhưng EVN SPC vẫn bố trí các nguồn vốn nhằm cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và an toàn, phục vụ tốt nhu cầu điện năng cho sinh hoạt và phát triển sản xuất của người dân.

Nhân viên điện lực kiểm tra đồng hồ điện

Trong khi nguồn vốn có hạn, EVN SPC vẫn dành hàng nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình điện trọng điểm, phục vụ quá trình điện khí hóa nông thôn, cấp điện các huyện đảo. Cụ thể, trong vòng 10 năm từ năm 2005-2014, EVN SPC đã đầu tư 15.508 tỷ đồng xây dựng 2.226km đường dây và trạm 110kV, hơn 15.200km đường dây trung thế, gần 14.000km đường dây hạ thế và trạm phân phối, cấp điện cho thêm cho gần 5 triệu khách hàng.

Tính đến nay tổng số khách hàng của EVN SPC đạt hơn 7,3 triệu; tỷ lệ hộ dân có điện tăng từ 87,9% (năm 2005) lên 98,49 (năm 2014). Đặc biệt cấp điện thêm cho gần 1,8 triệu hộ dân nông thôn, tăng tỷ lệ hộ dân nông thôn có điện từ 85,2% (năm 2005) lên 97,92% (năm 2014).

Năm 2015, dự kiến tổng giá trị đầu tư xây dựng công trình điện của EVN SPC đạt 4.995 tỷ đồng, tăng 15,7% so với năm 2014.

Hiệu quả từ các công trình

Năm 2008, sau khi dự án cấp điện cho các thôn buôn tỉnh Lâm Đồng được phê duyệt với tổng vốn đầu tư là 210,3 tỷ đồng, EVN SPC đã xây dựng 421 km đường dây trung thế, 862,5km đường dây hạ thế, trạm biến áp dung lượng 13.127kVA, cấp điện cho gần 27.340 hộ đồng bào dân tộc ít người của 12 huyện/thị tỉnh Lâm Đồng.

Thôn 5, xã Rômen, huyện Đam Rông, một trong những thôn được hưởng lợi từ dự án, cả thôn có 100% hộ dân đồng bào dân tộc Hơ Mông di cư từ vùng núi cao Tây Bắc để đến đây xây dựng kinh tế mới. Nhìn những con đường bê tông chạy dài, những rẫy cà phê xanh mướt đang kỳ trổ hoa, những ngôi nhà mọc lên san sát, điện lưới quốc gia được kéo về tận thôn bản khó có thể hình dung được gần 10 năm trước nơi đây chỉ là vùng đất hoang vu.

Kéo điện về vùng sâu

Người sống nhiều năm ở vùng đất này, ông Hoàng Xuân Tháy, Phó trưởng thôn 5 cho hay, thời gian trước khi chưa có điện lưới quốc gia cuộc sống người dân ở đây khá vất vả, chủ yếu chỉ dựa vào nương, rẫy. Khi dự án cấp điện cho các thôn buôn Tây Nguyên được thực hiện, mang lại ánh sáng cho mọi nhà, bà con vô cùng phấn khởi. Ðiện kéo đến đâu, xóm, ấp theo đó mà thay đổi, phát triển từng ngày, mọi sinh hoạt của người dân đều được cải thiện, trẻ em được học hành. Trong thôn bây giờ nhà nào cũng có có xe máy, đài, ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện…

Năm 2012, EVN SPC thực hiện dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer ở vùng nông thôn các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang với tổng vốn đầu tư hơn 1.216 tỷ đồng, xây dựng hơn 1.000km đường dây trung thế, hơn 2.900km đường dây hạ thế, 1.746 trạm biến áp/35.674 kVA, cấp điện cho 82.386 hộ dân. Điện về đã tạo tiền đề cho bà con mở rộng sản xuất, tăng sản lượng cây trồng, phát triển làng nghề. Với sự hỗ trợ của các loại máy móc chạy bằng điện, chi phí sản xuất giảm, công việc bớt cực nhọc mà lại tăng thu nhập nên đời sống người dân được cải thiện rất nhiều.

Trong niềm hân hoan khi có điện lưới quốc gia, bà Lâm Thị Thu, người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng kể: “Lúc chưa có điện, cả xóm vào đêm là tối mịt, nhà có máy phát thì cũng không dùng được bao lâu vì tốn nhiều tiền. Từ khi điện đưa vào trong xóm, nhà sáng, đường sáng. Giờ nhà ai cũng có tivi, quạt máy, không sợ buồn, không sợ nóng nữa”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, từ khi có lưới điện quốc gia kéo miễn phí vào nhà, đã thỏa lòng mong ước của bà con bao lâu nay. Đồng bào Khmer nói riêng và người dân càng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước. Họ quyết tâm chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Dự án cấp điện cho các trạm bơm nông ngiệp ở An Giang do EVN SPC thực hiện từ năm 2008-2013 với tổng vốn đầu tư gần 172 tỷ đồng, lắp đặt 1.535 trạm bơm điện, đã hỗ trợ hệ thống tưới tiêu của hàng trăm ngàn ha đất nông nghiệp, giúp người dân giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng lúa thu hoạch. Năm 2013-2014, EVN SPC đã bố trí 175 tỷ đồng để đầu tư lưới điện phục vụ cho nhu cầu trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Không ngừng nâng cấp lưới điện

Trong tiến trình cải tạo, xây dựng, hiện đại hóa lưới điện nông thôn khu vực miền Nam, EVN SPC ngày càng đa dạng hóa hình thức và đối tác hợp tác nhằm tìm kiếm các nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện. Một trong những dự án đã được thực hiện thành công là dự án nâng cao hiệu quả năng lượng nông thôn vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW). Mục tiêu dự án là cải tạo và nâng cấp, xây dựng mới lưới điện trung, hạ áp, trạm biến áp và lắp đặt công tơ tại các khu vực lưới điện nông thôn sau khi tiếp nhận, nhằm khắc phục tình trạng quá tải điện áp, đáp ứng nhu cầu phụ tải, đảm bảo chất lượng điện năng và tiêu chuẩn an toàn điện, giảm tổn thất, đảm bảo cấp điện ổn định phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Dự án có tổng mức đầu tư là 1.036 tỷ đồng với khối lượng gồm: 862 km đường dây trung thế, 3.124 km đường dây hạ thế và tổng dung lượng trạm là 45,2 MVA.

Trạm 110kV Phú Quốc

Với kết quả chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiện nay, nhu cầu sử dụng điện của người dân nông thôn ngày càng cao, kéo theo nhu cầu cải tạo nâng cấp hệ thống điện nông thôn hiện có cũng sẽ rất lớn. Do vậy, EVN SPC sẽ tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, trung ương và địa phương nhằm tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống điện với chất lượng đảm bảo. Sự thành công trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân một phần nhờ cơ sở hạ tầng về điện, trong đó có chương trình điện khí hóa nông thôn.

Sau thời gian nỗ lực thực hiện, đầu tháng 2/2014, “Dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc” với tổng mức đầu tư 2.336 tỷ đồng đã hoàn thành, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho huyện đảo Phú Quốc từ hệ thống điện Quốc gia với khả năng truyền tải công suất lên đến 131MVA, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo; đồng thời giảm giá điện từ mức trung bình là 5.060 đ/kWh xuống bằng giá đất liền.

Năm 2015 được Tập đoàn điện lực Việt Nam chọn là năm thực hiện mục tiêu “Năng suất - hiệu quả” trong hoạt động sản xuất kinh doanh, do vậy EVN SPC đã đưa ra những nhóm giải pháp trong đó vấn đề hiệu quả đầu tư vẫn được ưu tiên hàng đầu. Đơn vị tiếp tục tập trung triển khai các công trình trọng điểm, công trình chống quá tải lưới điện nông thôn sau tiếp nhận, tối ưu hoá trong đầu tư, thực hiện nghiêm luật đấu thầu, nghiên cứu phân cấp đầu tư cho các đơn vị thành viên để phát huy năng lực và hiệu quả đầu tư.

Phạm Ngọc Lễ (Năng lượng Mới)