Dự án điện cáp ngầm xuyên biển có gì đặc biệt?

19:46 | 12/11/2013

3,276 lượt xem
|
Dự án đường dây 110kV và Trạm biến áp 110kV Phú Quốc có đặc điểm đặc biệt sinh ra một lượng công suất phản kháng rất lớn.

>> Đường cáp điện ngầm xuyên biển dài nhất Việt Nam

>> Phú Quốc: Giấc mơ sắp thành hiện thực

Dự án đường dây 110kV và Trạm biến áp 110kV Phú Quốc có đặc điểm đặc biệt là được cung cấp nguồn từ Trạm biến áp 110kV Hà Tiên thông qua đường cáp ngầm xuyên biển, chiều dài đường cáp ngầm 110kV dài 55,8km sinh ra một lượng công suất phản kháng rất lớn.

Trạm biến áp 110kV tại huyện Phú Quốc.

Ông Lê Xuân Thái, Trưởng Ban Quan hệ Cộng đồng - Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết: “Thông thường, ở chế độ vận hành vừa và nặng tải, lượng vô công sinh ra từ đường dây cáp ngầm có thể so sánh (và triệt tiêu) với tổn thất vô công khi truyền tải. Vấn đề cần lưu ý ở đây là khi đường dây tải nhẹ, đặc biệt là khi cắt tải đột ngột, ở một phía đường dây sẽ xuất hiện hiệu ứng Ferranti - hiện tượng tăng đột ngột điện áp trên dọc tuyến đường dây cáp, làm đánh hỏng cách điện, gây trở ngại cho việc đóng lặp lại và trong một số trường hợp làm quá tải các thiết bị do phải chịu dòng điện dung khá cao”.

Nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do dung dẫn của đường dây cáp sinh ra công suất phản kháng lớn. Để khắc phục tình trạng này thông thường sử dụng phương pháp đặt các kháng bù ngang ở hai đầu hoặc trên giữa đường dây.

Tại dự án này được thiết kế 2 cuộn kháng 3 pha bù ngang đặt ở hai đầu tuyến cáp hay chính xác hơn là ở 2 trạm 110kV 2 đầu. Giá trị bù ngang cần thiết lắp đặt trên đường dây cáp phải để đảm bảo điện áp trên dọc đường dây không vượt quá định mức cho phép 5% ở chế độ bình thường cũng như không tải.

Ông Lê Xuân Thái phân tích, quá trình quá độ điện từ khi đóng cắt đường dây 110kV tại Phú Quốc và Hà Tiên sử dụng chương trình ATP cho thấy: khi cắt đường dây tại đầu Phú Quốc, điện áp cao, vượt quá điện áp cho phép 123kV trên đường dây cũng như các thiết bị cách điện.

Trên cơ sở tính toán kiểm tra (đảm bảo không bù quá để trong chế độ nặng tải đường dây thiếu công suất phản kháng và điện áp ở hệ thống có thể hạ xuống mức thấp nhất cũng như không bù nhẹ quá để đường dây không quá áp trong chế độ không tải), đã xác định giới hạn tối ưu cho việc đặt kháng bù ở hai đầu của mỗi đường dây cáp ngầm 110kV Hà Tiên – Phú Quốc là 70% tương ứng 42MVAr.

Ông Lê Xuân Thái, Trưởng Ban Quan hệ Cộng đồng (Tổng công ty Điện lực miền Nam) giới thiệu về trạm biến áp 110kV Phú Quốc.

Phân bố điện áp và công suất trên đường dây cho thấy giá trị bù 42MVAr tại mỗi đầu là giá trị bù tối ưu nhất để vừa đảm bảo điện áp trên đường dây không thấp quá ở chế độ nặng tải và không cao quá khi đường dây nhẹ tải.

“Có 4 phương án áp bù: Không đặt tụ bù tại Phú Quốc và Hà Tiên; Đặt tại TBA Phú Quốc và TBA Hà Tiên mỗi vị trí 42MVAr; Đặt bù tại TBA Phú Quốc 84MVAr; Đặt bù tại TBA Hà Tiên 84MVAr”, ông Thái cho biết thêm.

Việc so sánh lựa chọn 4 phương án trên được thực hiện bằng 3 phương pháp: Phân tích cân bằng công suất phản kháng cho hệ thống 110kV trong các chế độ cực đại và cực tiểu; Sử dụng chương trình ATP phân tích quá trình quá độ điện từ trên đường dây cáp ngầm 110kV khi cắt đột ngột đường dây 110kV tại 2 đầu Phú Quốc và Hà Tiên; So sánh các mặt về kinh tế, tài chính, vị trí lắp đặt bộ bù kháng.

Kết quả tính toán cho thấy cần đặt kháng bù ngang trên đường dây Hà Tiên - Phú Quốc ở đầu Phú Quốc 42MVAr.

Đ.Hưng

  • el-2024