Điện khí hóa nông thôn ở Lâm Đồng

08:46 | 21/11/2014

655 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong những năm qua, ngành Điện Lâm Đồng đã có nhiều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo việc cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Lâm Đồng là một tỉnh miền núi thuộc Nam Tây Nguyên với 10 huyện và 2 thành phố. Dân số toàn tỉnh khoảng 1,23 triệu người với trên 40 dân tộc thiểu số sinh sống cùng nhau; tỷ lệ dân thành thị chiếm 38%, dân nông thôn chiếm 62%. Đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng 62.199 hộ với 257.000 người, chiếm 21% dân số toàn tỉnh.

Trước giai đoạn 1998 nguồn điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được cấp điện chủ yếu từ Nhà máy Thủy điện Đa Nhim có công suất. Từ giai đoạn 1998-2000 lưới điện của tỉnh Lâm Đồng được đầu tư xây dựng cấp điện cho các xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần làm thay đổi cuộc sống người dân nông thôn.

Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, đến năm 2000, Công ty Điện lực Lâm Đồng (PC Lâm Đồng) đã xây dựng khoảng 1.025km lưới điện trung thế (trong đó địa phương đầu tư và quản lý 281km), trạm biến áp với tổng dung lượng 121.340kVA (trong đó địa phương đầu tư và quản lý 63.955kVA) và 1.336km lưới điện hạ thế (trong đó địa phương đầu tư và quản lý 716km); số xã có điện 97/109 xã, đạt tỉ lệ 89%, tỉ lệ số hộ dân nông thôn có điện trên toàn tỉnh khoảng 65,4% (tăng 23% so với năm 1998).

Điện khí hoá nông thôn ở Lâm Đồng

PC Lâm Đồng kéo điện về xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng.

Do nguồn vốn đầu tư hạn hẹp nên chỉ tập trung phát triển được các trạm biến áp. Đường dây hạ áp chỉ mới xây dựng các đường trục chính, các nhánh rẽ phần lớn chắp vá, xây dựng một cách tự phát, không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn và dẫn đến chất lượng điện không đảm bảo. Hệ thống đo đếm hầu như chưa được kiểm định chính xác. Đồng hồ điện đa dạng, treo lắp tùy tiện, không được niêm phong và nhiều đồng hồ điện đặt trong nhà dân. Việc vi phạm trong sử dụng điện còn nhiều trong vùng nông thôn…Tất cả những yếu tố trên đã góp phần làm tăng tỉ lệ tổn thất điện năng, từ 25-35%, có nơi lên đến 45-50%.

Từ năm 1999, PC Lâm Đồng đã tiếp nhận lưới điện trung, hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp đến các hộ dân theo quy định của Chính phủ. Đến năm 2007 đã hoàn thành công tác tiếp nhận lưới điện nông thôn và xóa điện kế tổng. Đến nay lưới điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được cấp điện từ hệ thống điện quốc gia thông qua 8 trạm biến áp 110kV với tổng dung lượng 275MVA và nhận điện từ 4 nguồn: Trạm biến áp 220kV Đa Nhim, trạm 220kV Bảo Lộc, Nhà máy Thủy điện Đa Dâng 2, Nhà máy Thủy điện Bảo Lộc qua các tuyến đường dây 110kV. Toàn tỉnh có 2.983km đường dây trung thế, 4.034km đường dây hạ thế, 3.527 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng 423.092,5kVA.

Giai đoạn 2001-2005, PC Lâm Đồng đã tập trung đầu tư 529,7 km đường dây trung thế và các trạm biến áp với dung lượng 8.238,5kVA với tổng vốn đầu tư là 57,43 tỉ đồng. Ngoài ra còn đầu tư từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng châu Á (ADB) cho địa phương, phát triển được 140,9km đường dây trung thế, 143,5km đường dây hạ thế và các trạm biến áp với dung lượng 2.572,5kVA. Đối với lưới điện hạ thế, bằng nguồn vốn đối ứng từ nguồn ngân sách tỉnh, PC Lâm Đồng đã đầu tư xây dựng được 554,29km, đưa điện về trung tâm các xã với tổng số vốn đầu tư 21,25 tỉ đồng. Đến cuối năm 2003, đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn cho 56 xã, đạt 100% kế hoạch đề ra. Tính đến cuối năm 2005, trên địa bàn tỉnh đã triển khai mắc điện nhánh rẽ vào nhà các hộ nghèo, chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số khoảng hơn 7.000 hộ với tổng vốn đầu tư hơn 9 tỉ đồng.

Giai đoạn 2006-2009 lưới điện nông thôn tỉnh Lâm Đồng được đầu tư phát triển mở rộng từ Chương trình cấp điện các thôn buôn dân tộc chưa có điện của 5 tỉnh Tây Nguyên, đã cấp điện cho khoảng 27.339 hộ dân của 475 thôn, buôn của 116 xã thuộc 12 huyện, thành phố với khối lượng 421 km đường dây 22kV, 475 trạm biến áp với dung lượng 13.127,5kVA và 861,5km đường dây hạ thế với tổng mức vốn đầu tư của dự án 210,3 tỉ đồng. Dự án này đã cấp điện đến 100% các xã và thôn trên địa bàn tỉnh, đưa tỉ lệ số hộ dân nông thôn có điện từ 83% lên 93,5%.

Giai đoạn 2011 đến nay, nguồn vốn đầu tư xây dựng lưới điện trên địa bàn tỉnh chủ yếu từ Dự án xây dựng lưới điện nông thôn và Dự án nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn với khối lượng đầu tư 53km đường dây trung thế, 76 trạm biến áp với tổng dung lượng 4.947,5kVA, xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp 122km đường dây hạ thế; cấp điện cho khoảng 4.645 hộ với tổng mức vốn đầu tư khoảng 64,4 tỉ đồng.

Mặc dù gặp phải một số khó khăn trong công tác cung cấp điện do điều kiện địa hình miền núi như: Các thôn buôn ở vùng sâu, vùng xa dân cư sống thưa thớt, có những nơi nằm ngoài bán kính cấp điện cho phép; suất đầu tư lớn... Một số cụm dân cư sinh sống, canh tác ở vùng sâu của tỉnh được tách ra để lập thôn mới do đó đến nay vẫn còn một số thôn chưa có điện. Ngoài ra với các vùng nông thôn, số hộ dân di cư tự phát trong khu vực liên tục tăng theo thời gian, đặc biệt là phát triển tại các vùng sâu chưa có điện nên việc cấp điện đến 100% hộ dân vẫn tiếp tục gặp khó khăn.

Những kết quả về đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp lưới điện cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà ngành Điện làm được thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước và người dân ghi nhận là thành tích nổi bật của trong lĩnh vực điện khí hóa nông thôn.

Đã đưa điện về 100% số xã, phường, thị trấn; 978 thôn có điện (đạt 99,4%); tỉ lệ số hộ dân có điện đạt 98,42%, trong đó có 97,6% hộ dân nông thôn có điện sử dụng. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm trên 10,32%.

Hà Việt