Dấu ấn điện lực thủ đô

10:41 | 11/10/2014

642 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tiền thân của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) là Nhà máy đèn Bờ Hồ được người Pháp xây dựng năm 1892, ngay sát hồ Hoàn Kiếm. Và trong suốt chặng đường 120 năm hình thành, phát triển, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những người thợ điện thủ đô với tinh thần làm việc cần cù, sáng tạo đã luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cung ứng điện phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.

Năng lượng Mới số 364

Từ Nhà máy đèn Bờ Hồ đến EVNHANOI

Khi mới xây dựng, Nhà máy đèn Bờ Hồ chỉ có một máy Farcot, công suất 250kW và một tổ Boulte Laborière phát điện một chiều, điện áp 240V, công suất 250kW chỉ đủ thắp được 525 bóng đèn cho các phố chung quanh hồ Hoàn Kiếm và các dinh thự quan lại. Đến năm 1925, người Pháp khởi công xây dựng Nhà máy điện Yên Phụ, có tổng công suất 22.500kW, đủ khả năng cung cấp điện cho Hà Nội và các tỉnh lỵ Đồng bằng Bắc Bộ lúc bấy giờ. Nhà máy đèn Bờ Hồ khi đó không còn phát điện mà trở thành bộ phận kinh doanh, quản lý điện.

Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Hà Nội được giải phóng, tuy lực lượng mỏng, nhưng những người thợ điện thủ đô với tinh thần quyết tâm cao nhất đã kiên trì bám ca, bám máy để tàu điện leng keng xuôi ngược và tháp Rùa vẫn lung linh ánh điện, soi bóng xuống mặt hồ Hoàn Kiếm mỗi đêm. Và chỉ sau 2 tháng về tiếp quản thủ đô, tuy trăm công, nghìn việc, ngày 21/12/1954, Bác Hồ đã đến Nhà máy đèn Bờ Hồ, thăm hỏi, động viên những người thợ điện thủ đô. Có hai việc Bác căn dặn trong lần đến thăm này, đến tận hôm nay lớp lớp cán bộ, công nhân ngành điện thủ đô vẫn luôn ghi nhớ và nỗ lực phấn đấu. Ðó là: Tăng năng suất lao động; Tiết kiệm nguyên vật liệu, đồng thời tuyên truyền cho nhân dân và các cơ quan ý thức tiết kiệm điện. Ngày 21/12 hằng năm từ đó đã trở thành Ngày truyền thống ngành Ðiện lực Việt Nam.

Dấu ấn điện lực thủ đô

Và sau nhiều lần đổi tên, từ Nhà máy đèn Bờ Hồ đến Sở Cung ứng điện Hà Nội, rồi Công ty Ðiện lực Hà Nội... tháng 2/2010, EVNHANOI được thành lập trên cơ sở nâng cấp và tổ chức lại Công ty Ðiện lực thành phố Hà Nội hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con và là đơn vị thành viên của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN).

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, bà Nguyễn Hoàng Anh - Phó chánh văn phòng EVNHANOI cho hay, là đơn vị có vinh dự được thay mặt ngành điện cấp điện cho thủ đô - trái tim của đất nước, trong suốt những năm qua EVNHANOI đã không ngừng đẩy mạnh đầu tư, cải tạo, nâng cấp, quy hoạch phát triển lưới điện, cải tạo lưới điện hạ thế nhằm bảo đảm vận hành, cung ứng điện phục vụ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa của thủ đô với mức tăng trưởng 12-15%/năm. Trải qua một chặng đường phấn đấu và chiến đấu đầy gian nan.

Khi tiếp quản chỉ có cơ đồ nhỏ bé: Điện thương phẩm 17 triệu kW giờ và 319km đường dây cả trung thế và hạ thế. Ðội ngũ công nhân viên có 716 người (cả Nhà máy điện Yên Phụ và Nhà máy đèn Bờ Hồ). Ðến nay, EVNHANOI đang quản lý 650,4km đường dây 110kV, 32.155km lưới điện trung hạ thế; 32 trạm biến áp 110kV với tổng dung lượng là 2.838MVA; 13.353 trạm biến áp phân phối và trung gian với tổng dung lượng 7.447,7MVA. Tổng số cán bộ, công nhân của tổng công ty cũng đã tăng lên gần 8.000 người.

Những con số trên phần nào đã cho thấy sự phát triển lớn mạnh của EVNHANOI trong suốt chặng đường lịch sử phát triển của mình. Và đây chính là kết quả của sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ của lớp lớp cán bộ thợ điện thủ đô, những người đã không ngại khó, ngại khổ, thậm chí là hy sinh cho dòng điện thủ đô tỏa sáng. Thành công của các sự kiện lớn như các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, các kỳ họp Quốc hội, bầu cử HĐND các cấp, các hội nghị quốc tế lớn diễn ra trên địa bàn thành phố… đã minh chứng cho điều đó.

Đáng chú ý, kể từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, lưới điện hạ áp tại nhiều khu vực cũ nát, mất an toàn; lưới điện quá tải đã từ lâu không được quan tâm đầu tư cải tạo; bán kính cấp điện xa, nhiều trạm biến áp còn các nhánh rẽ dài, tiết diện dây dẫn nhỏ, chắp vá; hệ thống đo đếm điện năng không đảm bảo tiêu chuẩn đo lường, thường xuyên xảy ra quá tải, gây sự cố dẫn đến tổn thất cao, không đảm bảo chất lượng điện áp cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Và để khắc phục tình trạng này, EVNHANOI đã đầu tư xây dựng mới các trạm biến áp, các lộ đường dây, nâng công suất các trạm biến áp, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn tại các khu vực phía tây mới sáp nhập về Hà Nội, góp phần quan trọng tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô.

Thợ điện thủ đô “Trách nhiệm - Trí tuệ - Thanh lịch”

Với chiến lược kinh doanh hướng tới khách hàng, mục tiêu hành động của toàn tổng công ty là: “Luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu về điện của mọi khách hàng với chất lượng ngày càng cao và dịch vụ ngày càng hoàn hảo”. Và để cụ thể hóa mục tiêu này, theo bà Hoàng Anh, từ khi Luật Ðiện lực có hiệu lực, EVNHANOI đã chỉ đạo các công ty điện lực thực hiện việc đăng tải “Thông báo lịch cắt điện” theo kế hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định. Từ năm 2011, EVNHANOI triển khai thực hiện giao dịch với khách hàng theo cơ chế một cửa để giải quyết các yêu cầu cấp điện của khách hàng, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu về cấp mới và các nhu cầu về điện khác. Từ ngày 15/8/2011, tổng công ty chỉ đạo các đơn vị thực hiện triển khai giao diện điện tử quản lý yêu cầu của khách hàng (đăng ký mua điện và giải quyết thắc mắc khiếu nại)… Đặc biệt, EVNHANOI cũng được biết đến là một trong những đơn vị đầu tiên trong ngành điện thành lập trung tâm dịch vụ khách hàng để giải đáp mọi thắc mắc về cung cấp điện, báo sửa chữa điện, tư vấn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm... của khách hàng.

Được biết, từ nhiều năm nay, EVNHANOI đã đẩy mạnh phong trào xây dựng phong cách người thợ điện thủ đô “Trách nhiệm - Trí tuệ - Thanh lịch”, xây dựng “Gia đình thợ điện thủ đô văn hóa” và thực thi văn hóa doanh nghiệp - văn hóa EVNHANOI tới toàn thể cán bộ, công nhân viên. Từ năm 2004, tổng công ty đã triển khai áp dụng phương pháp quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008, đặc biệt đối với công tác quản lý kỹ thuật, thực hiện đầy đủ các hành động khắc phục phòng ngừa cải tiến. Liên tục cập nhật, sửa đổi các quy trình ISO về quản lý kỹ thuật, nhằm làm cho các quy trình này có hiệu quả cao nhất trong sản xuất…

Ðối với việc giảm thời gian mất điện của khách hàng tổng công ty áp dụng công nghệ sửa chữa điện nóng hotline. Thời gian xử lý sự cố giảm gần một nửa so với trước. Ðề tài nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng trong việc thay dây dẫn “siêu nhiệt” áp dụng trong nâng cấp đường dây 110kV Hà Ðông - Vân Ðình, Mai Ðộng - Hà Ðông, Mai Ðộng - Bờ Hồ, Hà Ðông - Chèm... đã bảo đảm cấp điện cho Thủ đô Hà Nội sau khi mở rộng.

“Nhận thức được vị trí, trách nhiệm của một đơn vị chủ chốt trong việc cung cấp điện cho thủ đô Hà Nội, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, tập thể cán bộ, công nhân viên tổng công ty quyết tâm phát huy truyền thống vẻ vang, phấn đấu để trở thành một đơn vị mạnh trong Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam và là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của thủ đô Hà Nội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô Anh hùng” - bà Hoàng Anh khẳng định!

Thanh Ngọc

 

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps