Đakđrinh đang bừng sáng

11:03 | 22/02/2015

1,525 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kể từ ngày 1/12/2014, Nhà máy thủy điện Đakđrinh đã chính thức tham gia thị trường điện cạnh tranh theo Quyết định số 88/QĐ-DTĐL của Cục Điều tiết Điện lực – Bộ Công Thương.

Cách đây gần 4 năm, khi ấy tôi đang là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đến công tác tại huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi). Gió núi quyện với tiếng ầm ào của động cơ, quyện với tiếng mìn phá đá tạo thành âm thanh sống động khó quên…

Cuối năm 2014 trở lại đây, giữa “thâm sơn cùng cốc” đã mọc lên một nhà máy thủy điện với công suất 125MW, nguồn năng lượng từ dòng Đakđrinh đã phát sáng, đến cuối tháng 11/2014, nhà máy đã sản xuất 288,7 triệu kWh, đạt giá trị sản lượng 227 tỷ đồng.

Nhà máy Thủy điện Đakđrinh

Vượt qua một chặng đường dài với nhiều khó khăn, gian khổ những người thợ thủy điện Dầu khí giờ mới có điều kiện ngồi và nhớ lại công việc đã trải qua. Bên chén trà nghi ngút khói, anh Đinh Ngọc Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Đakđrinh bồi hồi nhớ lại. Anh kể, để chặn dòng Đakđrinh đơn vị thi công phải đắp một con đập dài 415m rộng 7,5m với gần 1 triệu m3 bêtông bằng công nghệ bêtông đầm lăn (RCC). Một kỳ tích, có thể gọi như vậy, đấy là đường hầm dẫn nước xuyên núi dài 11km (đường hầm dài nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại).

Vẫn theo anh Việt, do tuyến năng lượng cách xa nhà máy chính gần 25km đường vòng, nên Ban lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và Công ty Cổ phần Thủy điện Đăkđrinh (PV Power DHC) đã đồng ý duyệt phương án thiết kế là phải đào một tuyến dẫn nước bằng đường ngầm qua các dãy núi. Đây là hạng mục được các chuyên gia đánh giá cao về công nghệ, thiết bị và tinh thần lao động nghiêm túc, khẩn trương, có chất lượng. Nói là kỳ tích, bởi đào 11km đường hầm xuyên lòng núi có đường kính rộng 4m mà độ sai số giữa các gương đều đạt độ cho phép, nhưng điều tự hào hơn cả là công tác an toàn, chất lượng công trình được thực hiện một cách nghiêm túc, trọn vẹn. Đặc biệt, toàn bộ độ dài của đường hầm không có đoạn nào bị lún sụt, hư hại.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Hồng Thắng, là người đau đáu với công tác tái định cư cho đồng bào phải di dời nơi ở cũ nhường chỗ cho xây dựng nhà máy tâm sự. Điều mà các anh lo nhất đấy là làm sao xây dựng các khu tái định cư cho đồng bào phải tốt hơn nơi ở cũ, tốt hơn cả về nhà ở, cả về môi trường sống, thuận lợi hơn trong sản xuất… Chính vì vậy, song song cùng công tác xây dựng nhà máy PV Power DHC cùng các tổng thầu xây lắp, các nhà thầu phụ, các đơn vị tư vấn trên công trường Thủy điện Đakđrinh triển khai đồng bộ các biện pháp, phối hợp chặt chẽ với UBND hai huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) và huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) trong công tác di dân, tái định cư.

Một khu tái định cư thuộc Dự án Thủy điện Đakđrinh ở huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum)

Việc đền bù giải phóng mặt bằng, di dân trước thời gian xây dựng nhà máy đã được quan tâm đúng mức, các khó khăn nảy sinh đã được bàn bạc thấu đáo, từng bước được tháo gỡ. Dù rằng công tác tái định cư là việc của địa phương, nhưng không phải vì vậy mà chủ đầu tư “khoán trắng”. Hằng tuần, trong các buổi giao ban với địa phương chủ đầu tư đều tham gia với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Anh Thắng cho biết, nhà đầu tư đã có nhiều ưu đãi, giải quyết thỏa đáng những yêu cầu của bà con các hộ di dời. Riêng đối với bà con dân tộc trên địa bàn Kon Tum những hộ đã nhường đất cho lòng hồ thủy điện, chủ đầu tư đã cấp hơn 800 tỷ đồng cùng với chính quyền địa phương ổn định cuộc sống cho họ, bảo đảm đời sống sinh hoạt tốt hơn nơi ở cũ. Hiện các địa phương đang từng bước giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình thủy lợi và khai hoang đất sản xuất.

Anh Thắng cho biết thêm, trong 2 năm 2013 và 2014 PV Power DHC đã hợp tác với các đơn vị như PVPE thẩm tra thiết kế dự toán tái định cư ở hai huyện Sơn Tây và Kon Plông; PCC thực hiện giám sát thi công đường tránh ngập lòng hồ và khối lượng dở dang của các công trình chính; EIC thực hiện thí nghiệm, hiệu chỉnh thiết bị.

Một ca trực tại Trung tâm điều khiển Nhà máy Thủy điện Đakđrinh

Dự án Thủy điện Đakđrinh là một dự án trọng điểm trong quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011, giao Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN)/Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) quản lý tiến độ chất lượng công trình và Công ty Cổ phần Thủy điện Đakđrinh làm chủ đầu tư. Theo dự kiến, khi dự án hoàn thành sẽ phát điện hòa vào lưới điện Quốc gia với điện lượng bình quân 540 triệu kWh; đồng thời làm tăng lưu lượng cấp nước vào mùa kiệt cho vùng hạ du; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương

Khi chúng tôi đặt bút viết những dòng này thì cả hai tổ máy của Nhà máy Thủy điện Đakđrinh đang phát điện ổn định. Tổ máy số 1 lắp đạt an toàn vào ngày 29/5 và đúng 3 tháng sau đúng vào ngày 29/8/2014 tổ máy số 2 cũng được lắp đặt an toàn. Toàn bộ lực lượng kỹ sư, thợ kỹ thuật và công nhân vận hành đã được đào tạo trên 12 tháng tại Nhà máy Thủy điện Yaly. Lực lượng này đã được PV Power DHC tổ chức thi sát hạch các chức danh, bảo đảm đủ năng lực vận hành, sửa chữa độc lập. Hiện công ty đang tổ chức vận hành 3 ca, 5 kíp, hoạt động của các ca trực được kiểm soát nghiêm ngặt, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Những người thợ Điện lực Dầu khí Xuân này lại tiếp tục xa nhà, tiếp tục ở lại với đại ngàn, họ lặng thầm trong các ca trực, lặng thầm bên các tổ máy. Và nguồn năng lượng từ dòng Đakđrinh đang phát sáng, đang hòa vào lưới điện Quốc gia đưa mùa xuân đến với muôn nhà.

Đặng Trung Hội

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps