Công đoàn Điện lực Việt Nam trong tái cơ cấu EVN

07:17 | 14/09/2014

373 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xây dựng chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp, trong đó có những nội dung như tổ chức lại bộ máy quản lý sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh và gắn đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ người lao động với giáo dục nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp…

Năng lượng Mới số 356

Và để thực hiện được những mục tiêu trên, EVN xác định vai trò của công đoàn là hết sức to lớn. Trước yêu cầu đó, các cấp công đoàn trong EVN cần phải phát huy vai trò của mình trong tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp. 

Đẩy mạnh tuyên truyền

Công đoàn các đơn vị trong EVN cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người lao động nhận thức rõ, tái cơ cấu doanh nghiệp là một chủ trương đúng, là đòi hỏi khách quan; cần công khai kế hoạch, phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, tập đoàn; công khai các chế độ chính sách đối với những người lao động khi phải sắp xếp lại; tổ chức cho người lao động được bàn bạc 1 cách dân chủ về phương án sắp xếp lại lao động. Chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện tái cơ cấu sẽ quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của Tập đoàn, quyết định việc làm, thu nhập của người lao động và sự phát triển nhanh, bền vững Tập đoàn và các đơn vị. Trên cơ sở đó, người lao động phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực chủ động, sáng tạo ủng hộ và đi tiên phong trong thực hiện chủ trương, kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp của EVN.

Công đoàn các cấp cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giúp đỡ và tạo điều kiện để người lao động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện phương châm “giỏi một nghề, biết nhiều nghề”, có đủ năng lực tiếp cận và làm chủ khoa học công nghệ hiện đại, thích ứng với cơ chế thị trường. Mục tiêu là, khi Tập đoàn thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại lao động, người lao động vẫn có cơ hội, điều kiện giữ hoặc tìm được việc làm và đảm bảo thu nhập ổn định.

Công đoàn Điện lực Việt Nam trong tái cơ cấu EVN

Toàn cảnh hội diễn văn nghệ công nhân, viên chức, người lao động EVN năm 2014

Đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động

Công đoàn các cấp trong các đơn vị của EVN cần đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, chủ động tham gia góp ý, đề xuất những giải pháp có chất lượng, hiệu quả với người sử dụng lao động trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp, Tập đoàn. Đặc biệt, công đoàn các cấp trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bằng nhiều hình thức hoạt động, cần phát huy và tập hợp trí tuệ của đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động tham gia hiến kế các biện pháp thực hiện tái cơ cấu một cách dân chủ, công khai, minh bạch để góp phần giúp Tập đoàn lựa chọn được  phương án đổi mới bộ máy quản lý, sắp xếp lại lao động, khắc phục mọi khó khăn đưa doanh nghiệp tiếp tục phát triển. 

Công đoàn cần kiến nghị quan tâm đến đời sống người lao động, đồng thời tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm các chế độ, chính sách đối với những người lao động và quá trình sắp xếp, bố trí lại công việc khi thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động,  tạo sự đồng thuận cao của người lao động.

Hoàn thiện bộ máy công đoàn cơ sở

Khi triển khai thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, công đoàn cấp trên cơ sở cần chủ động chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ công đoàn cơ sở sớm hoàn thiện cơ cấu tổ chức, sắp xếp, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ công đoàn. Đặc biệt, hướng dẫn, giúp đỡ cán bộ công đoàn cơ sở nắm vững chính sách, pháp luật, nội dung, phương pháp hoạt động, bắt tay ngay vào thực hiện những nội dung hoạt động trọng tâm bảo vệ quyền, lợi ích, hợp pháp chính đáng của người lao động, xây dựng quan hệ bình đẳng, hợp tác, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau giữa công đoàn với người sử dụng lao động.

Khi Tập đoàn thực hiện tái cơ cấu, quyền tự chủ của các đơn vị điện lực được tăng lên, nhưng cũng đòi hỏi trách nhiệm ngày càng cao của đơn vị. Điều này càng đòi hỏi tổ chức công đoàn cơ sở phải phát huy mạnh vai trò của mình trong tổ chức, hoạt động nhằm phát huy dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện của người lao động, tham gia với người sử dụng lao động bố trí, sắp xếp, sử dụng, quản lý lao động, vật tư, thiết bị, tham gia tổ chức quản lý sản xuất. Nhất là tham gia xây dựng, sửa đổi bổ sung các quy chế của doanh nghiệp, trong đó có quy chế tuyển dụng, quy chế trả lương, quy chế động viên khuyến khích những người lao động có năng lực, trình độ, có nhiều đóng góp cho doanh nghiệp.

Đồng thời, công đoàn cần hướng dẫn, giúp đỡ người lao động, có những thỏa thuận với người sử dụng lao động để đảm bảo quyền lợi của người lao động tương xứng với năng lực và đóng góp của họ nhằm tạo động lực khuyến khích, thu hút nhân tài, khuyến khích sử dụng ngày càng có hiệu quả các nguồn lực, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Trong quá trình tái cơ cấu, nếu cần thiết phải ký kết lại thỏa ước lao động tập thể, bảo đảm quyền, lợi ích của tập thể người lao động,  công đoàn cần chủ động đề xuất và phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức cho người lao động tham gia xây dựng dự thảo thỏa ước lao động tập thể đảm bảo các điều khoản quy định trong thỏa ước rõ ràng, cụ thể có lợi  cho người lao động, chấp hành quy định của pháp luật

Phát triển phong trào công nhân viên chức lao động

Công đoàn cần tiếp tục vận động, tổ chức các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, thi đua học tập nâng cao trình độ chuyên môn với các nội dung thiết thực, cụ thể, gắn chặt thi đua với khuyến khích về vật chất, động viên khích lệ kịp thời về tinh thần nhằm khuyến khích mọi cá nhân, tập thể nỗ lực học tập, lao động, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để doanh nghiệp vượt lên trong cạnh tranh, đảm bảo việc làm, thu nhập của người lao động và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. 

Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xã hội chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động, tổ chức thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của quỹ bảo trợ, các hoạt động xã hội, động viên công nhân lao động đi tiên phong trong tham gia giải quyết các vấn đề xã hội trong doanh nghiệp, Tập đoàn.

Để Công đoàn ngành Điện phát huy tốt vai trò của mình trong tái cơ cấu doanh nghiệp cán bộ công đoàn giữ vai trò rất quan trọng. Vì vậy, vấn đề bức thiết đặt ra là phải xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, là thủ lĩnh của đoàn viên, công nhân viên chức lao động cả về trình độ lý luận nghiệp vụ công tác công đoàn, về chính sách pháp luật và phương pháp vận động, tổ chức quần chúng hoạt động, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và uy tín với quần chúng. Suy cho cùng, thành bại của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp có sự đóng góp rất quan trọng của người đứng đầu và đội ngũ những cán bộ có trọng trách.

Việt Hà