Chuyện làm điện ở Quảng Nam

21:04 | 13/04/2015

493 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) vừa trải qua sinh nhật lần thứ 18. Và trong suốt chặng đường 18 năm ấy, trải qua biết bao kỷ niệm vui, buồn, những người thợ điện Quảng Nam đã lập lên kỳ tích: Nhà nhà có điện, người người có điện, và ở đâu cần điện nơi đó đều được cấp điện.

Công nhân Điện lực Đông Giang vất vả đưa điện qua sông.

Tôi được nhận về làm tại Công ty ngay từ những ngày đầu nên vinh hạnh có thời gian gắn bó, đồng cam cộng khổ với mọi người. Hồi ấy, dù được kế thừa từ đơn vị cũ, song hầu hết mọi thứ PC Quảng Nam cũng phải làm lại từ đầu, hoặc tính lại từ đầu, kể cả thành tích thi đua, các giá trị lịch sử và các dấu tích truyền thống.

Còn nhớ ngày 1/8/1997, ngày dời quân vào Tam Kỳ đã để lại những ấn tượng khó phai! Bên cạnh những cái bắt tay bùi ngùi, những giọt nước mắt tiễn đưa, những cái vẫy tay luyến tiếc là những chiếc xe cũ kỹ, vẹt lốp chở theo hàng chục người cùng lỉnh kỉnh mấy chiếc bàn, vài chục chiếc ghế, vài chiếc máy vi tính, máy in và mấy cái tủ. Hành trang chỉ chừng ấy, nhưng những người ra đi với tấm lòng chân thành, tin tưởng sẽ thành công trước những khó khăn đang chờ phía trước.

Ban đầu, Công ty phải thuê nhà làm việc, thuê chỗ ăn nghỉ cho hàng chục người từ Đà Nẵng vào. Điều đáng nói là họ đã ổn định cuộc sống tại một thành phố lớn, nay phải xa gia đình, trở lại với “cơm tập thể, giường cá nhân”, chịu nhiều gian khổ nhưng chế độ lương bỗng, phụ cấp chức vụ lại thấp hơn người cùng cấp ở Đà Nẵng, lại không có đất làm nhà nên phải đi đi về về trong nhiều năm. Tuy vậy, tất cả chỉ hơn nhau ở tấm lòng, nên tinh thần làm việc hăng say, gắn bó đã níu chân nhiều người ở lại cho tới bây giờ.

Tỉnh Quảng Nam giai đoạn mới tái lập là một tỉnh thuần nông, cơ sở công nghiệp lèo tèo. Lưới điện được phủ theo kiểu da beo, chất lượng điện yếu kém, giá điện hợp tác xã bán cho dân cao ngất ngưởng, gấp bốn, năm lần giá nhà nước. Tại diễn đàn HĐND tỉnh, kỳ họp nào cũng nóng lên vì những bức xúc về điện. Lúc ấy chỉ có 67% số hộ có điện, còn đến 6 huyện miền núi, với khoảng 108 xã, thị trấn, hàng trăm thôn với hơn 120 nghìn hộ dân chưa có điện. Lúc này khả năng nhận điện của hệ thống còn thấp, chất lượng dịch vụ kém, điện công nghiệp chỉ chiếm 12% sản lượng điện thương phẩm. Mang tiếng là kinh doanh điện, nhưng phải chịu nhiều áp lực nên phải áp đặt chức năng phục vụ lên hàng đầu.

Tôi nhớ hồi mới đưa điện về xã Trà Kót (huyện Trà My), cả tỉnh đến dự lễ khánh thành vì điện được coi trọng. Ngành Điện đầu tư trên 5 tỉ đồng chỉ để cấp điện cho trăm hộ, tính ra phải mất 150 năm mới hoàn vốn. Suy ra, với hàng trăm xã núi cao biên giới, hải đảo phải mất bao nhiêu tiền và công sức mới có điện? Ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Nam hồi ấy, nhớ lại: “Quảng Nam lúc đầu khó khăn lắm, chỉ có điện mới tạo động lực xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng tỉnh còn nghèo, nếu không có ngành Điện quan tâm đầu tư thì không biết đến bao giờ mới phủ điện được!”.

Điện ở nông thôn chủ yếu do địa phương xây dựng, với hàng trăm tổ chức mua buôn, bán lẻ điện. Việc quản lý điện nơi đây bị chao đảo vì nhiều “cai điện” chỉ lo khai thác chênh lệch giá. Người dân mua điện từ 2.000 đến 3.000 đồng/kWh, có nơi lên đến 4.500 đồng/kWh trong khi giá mua tổng cao nhất 390 đồng/kWh. Cái vòng luẩn quẩn Điện lực phải bù lỗ, dân nghèo mua điện giá cao, công nhân điện vất vả, các hợp tác xã hưởng tỷ suất lợi nhuận đến 500%, trong khi lưới điện ngày càng xuống cấp, hư hỏng không có tiền sửa chữa, là chuyện thường ngày ở tỉnh!

Thi công cải tạo lưới điện nông thôn tại huyện Tam Kỳ.

Điện lực và Sở Công nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 689/QĐ-UB nhằm chấn chỉnh mô hình tổ chức quản lý điện nông thôn, đã cải thiện một bước về điện nông thôn từ năm 1998. Những năm sau, với sự nỗ lực của ngành Điện và địa phương, nhiều dự án lớn như ADB, WB, OPEC1, OPEC2, 135, RE2, ADB, KFW… đã tăng khả năng nhận điện của hệ thống. Thế trận lòng dân được khơi dậy, phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã hình thành nên hàng ngàn công trình lưới điện về các buôn làng xa xôi, đến tận miền biên viễn, góp phần tích cực thúc đẩy nhanh chủ trương “điện khí hoá nông thôn” tỉnh nhà.

Sau 18 năm, có thêm 104 xã, hàng trăm thôn có điện cùng hàng trăm xã khác đã cải tạo, thu hẹp bán kính cấp điện. Mục tiêu phấn đấu đã hiện thực, cuối năm nay chắc chắn sẽ có 100% số xã có điện. Vừa làm vừa đào tạo, đến thời điểm này, Công ty đã có 676 lao động, với 40% có trình độ cao đẳng, đại học. Thợ bậc cao từ 2 người nay đã có hơn hai trăm người; từ 5 chi nhánh điện đến nay đã xây dựng được 13 điện lực. Tháng 5/2010, Điện lực đổi mô hình thành Công ty, các chi nhánh điện đổi thành Điện lực. Mô hình mới đủ năng lực quản lý, vận hành khối lượng lưới điện 35kV tăng 4,5 lần; lưới điện trung, hạ áp gấp 5 lần, dung lượng trạm biến áp gấp 4,5 lần. Sản lượng điện từ 92 triệu kWh vượt ngưỡng 1 tỷ kWh. Điện công nghiệp, dịch vụ chiếm gần 50%. Chủ trương nâng cao chất lượng dịch vụ được Công ty thực hiện nghiêm túc, đã tạo nên những gam màu sáng về phong cách phục vụ; độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện tăng mạnh. Niềm tin khách hàng và dân chúng đối với PC Quảng Nam tăng vọt, không còn đơn thư thắc mắc phiền hà.

Tôi thật sự vui mừng và hạnh phúc vì được sống và làm việc trong môi trường quy chế dân chủ được phát huy. Điều tôi nhận thấy là những người lãnh đạo Công ty đã cố gắng vươn lên, biết tìm tòi sáng tạo, đưa ra những biện pháp quản trị doanh nghiệp phù hợp từng giai đoạn. Tuy bám sát luật pháp và những chủ trương, chỉ đạo của Tổng công ty, nhưng lãnh đạo Công ty luôn biết vạch hướng đi sáng tạo, tạo đòn bẫy kích thích tinh thần vận động, hăng say sáng tạo của người lao động. Đặc biệt, những người lãnh đạo luôn biết làm gương, noi gương và nêu gương, biết tôn trọng và lắng nghe cấp dưới, tạo cơ hội để người lao động tham gia phản biện về khoa học quản lý, quản trị doanh nghiệp và chế độ, chính sách cho công nhân viên chứng, người lao động. Một khối đoàn kết, trên dưới một lòng, thương yêu tôn trọng nhau được hình thành trong Công ty nhiều năm qua là điều hiển nhiên xoay quanh phong cách lãnh đạo sáng tạo ấy!

18 nhìn lại và suy ngẫm để thấy sự phát triển của Công ty là hết sức to lớn. Đó là công sức của CBCNV, nhưng vai trò cá nhân lãnh đạo là rất quan trọng. Nhiều người ngày đầu có mặt tại Công ty đến nay đã nghỉ hưu, người khác cũng chuẩn bị ra về, nhưng rất vui vì lớp trẻ tiếp cận và kế thừa đã đủ trình độ và năng lực. Nhìn lại, thời gian trôi đi thật nhanh! Ngẫm lại thấy vui vì kết quả làm ra có sự đóng góp của chính mình. Tôi không có ý định so sánh, song cũng cần bình tâm nhận định, để thấy sự phát triển nội tại là rất lớn. Và nếu so với mặt bằng toàn Tổng công ty thì PC Quảng Nam luôn ở Top đầu trong 5 năm qua và dẫn đầu khối thi đua doanh nghiệp I nhiều năm liền.

Ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh tiến bộ rõ rệt, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, tỉnh đang triển vọng trở thành tỉnh công nghiệp vào giai đoạn 2015 - 2020, trong đó có sự nỗ lực đóng góp tích cực của PC Quảng Nam.

Thời gian đã mang lại nhiều kỷ niệm đẹp, nhưng cũng in dấu những tháng năm thăng trầm, những khó khăn và cả những vấp váp. Đến lúc này nhìn lại, mình đã hai màu tóc. Tôi thật sự xúc động với những gì đã diễn ra trong 18 năm ấy, khắc khoải nhìn lại những thương yêu, những đồng cảm quanh mình, mới thấy rất bằng lòng với những gì đã xảy ra, bằng lòng với những gì mình có được để trân trọng hơn những gì mình đã cống hiến và nhận được!

Nhị Triều (theo Năng lượng Mới)

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps