Cấp điện cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

13:52 | 20/01/2015

408 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một trong những áp lực, đồng thời cũng là yếu tố tạo thế mạnh thu hút đầu tư vào các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay đó là điện. Thật khó hình dung một doanh nghiệp đơn lẻ sản xuất trong bối cảnh điện phập phù, chứ chưa nói đến cả khu công nghiệp, cụm công nghiệp và rộng hơn nữa là vùng kinh tế trọng điểm.

Công nhân Nhà máy Nidec tại khu CNC TP Hồ Chí Minh.

Chính vì vậy, việc đưa điện đến tận "hàng rào công trình" là thách thức không nhỏ đối với ngành điện, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn còn khó khăn. Hay nói cách khác, chính sách phát triển các vùng kinh tế trọng điểm có thực sự đi vào cuộc sống hay không, đòi hỏi phải có sự đón đầu, tạo môi trường đầu tư tốt của tất cả các yếu tố điện, đường v.v…

Đơn cử như tỉnh Long An. Những năm gần đây, Long An luôn nằm trong Top 10 về chỉ số năng lực cạnh tranh và thu hút vốn FDI. Toàn tỉnh hiện có 30 khu công nghiệp (KCN); trong đó có 22 khu đã đi vào hoạt động với tổng diện tích trên 3.265 ha; 32 cụm công nghiệp (CCN), trong đó có 14 CCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 618,2 ha.

Chính vì sự phát triển này mà tốc độ tăng trưởng về điện trên địa bàn tỉnh Long An trong các năm qua cũng luôn ở mức cao. Riêng giai đoạn 2011-2014, sản lượng điện thương phẩm tăng từ 1,6 tỷ kWh lên gần 2,9 tỷ kWh với tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn này là 15%. Tuy giảm so với giai đoạn 5 năm trước nhưng vẫn ở mức cao hơn so với mặt bằng chung của toàn Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC).

Để giải tỏa áp lực này, ông Phạm Ngọc Lễ, Phó Tổng giám đốc EVNSPC cho biết: Đối với các vùng kinh tế trọng điểm, từ quy hoạch cùng với theo dõi sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tranh thủ nguồn vốn ngân sách và vốn doanh nghiệp, ngành điện sẽ đầu tư lưới điện trên cơ sở các kịch bản từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), xuống các Tổng công ty  phân phối. Bên cạnh sự đầu tư đồng bộ của EVN, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia cho lưới điện cao áp 500, 220kV, SPC phải nghiên cứu lưới điện mạch vòng để tăng độ tin cậy trong cung cấp điện năng, đồng thời tạo niềm tin cho nhà đầu tư với môi trường đầu tư thuận lợi.

Theo Phó Giám đốc Công ty Điện lực Long An, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, trên địa bàn tỉnh Long An có 45 khách hàng lớn có sản lượng điện tiêu thụ trên 6 triệu kWh/năm. Việc triển khai công tác tiết kiệm điện tới 70% khách hàng là một trong những giải pháp giúp địa phương giảm được áp lực cung cấp điện. Do vậy hiện nay, nguồn điện cung cấp cho các phụ tải là KCN trên địa bàn tỉnh Long An đã đáp ứng. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho các KCN những năm tới, trong năm 2015 Long An sẽ phải xây dựng một số trạm 110kV với tổng công suất đặt là 1.199MVA.

Ví dụ, tại KCN Thịnh Phát có tỷ lệ lấp đầy là 80% với tổng sản lượng điện thương phẩm toàn Khu khoảng 3,4 triệu kWh/tháng, đứng thứ 7 về sản lượng điện tiêu thụ của huyện Bến Lức (Long An), thì Công ty CP Địa ốc-Cáp điện Thịnh Phát chiếm 1/3 sản lượng. Ông Trương Cao Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần  Địa ốc-Cáp điện Thịnh Phát nhận xét: Từ năm 2014 đến nay, lưới điện đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất của địa phương và doanh nghiệp, với tỷ lệ ổn định trên lưới khá cao, giảm hơn 50% sự cố so với cùng kỳ. Khi có sự cố xảy ra đều có sự báo trước của bên điện lực bằng tin nhắn, văn bản, gọi điện thoại để doanh nghiệp chủ động bố trí sản xuất. Hiện công ty đang mở rộng đầu tư hai nhà xưởng tại KCN Bến Lức sử dụng công suất 3MW điện.

Trên thực tế, để đáp ứng tốc độ phát triển phụ tải công nghiệp đang tăng nhanh trên địa bàn tỉnh, Công ty Điện lực Long An đã nắm bắt kịp thời các chính sách thu hút đầu tư của địa phương, phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương để theo dõi nhu cầu đầu tư. Trên cơ sở đó chủ động xây dựng các phương án, dự án cấp điện trên địa bàn trình EVNSPC. 5 năm qua, EVNSPC đã đầu tư khoảng 548 tỷ đồng thực hiện chương trình củng cố lưới điện giai đoạn 2013-2016. Đồng thời huy động mọi nguồn lực đầu tư, vay vốn nước ngoài đầu tư, nâng cấp các trạm biến áp nguồn 110kV, đảm bảo cấp điện cho các phụ tải công nghiệp với số vốn khoảng 798 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, qua thống kê nhu cầu đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện trung thế nhằm tạo mạch vòng và kết nối các trạm biến áp trên toàn tỉnh, dự kiến vốn đầu tư khoảng 467 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ.

Đối với các tỉnh khác cùng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, SPC cũng đầu tư mỗi tỉnh hàng trăm tỷ đồng thi công các công trình lưới điện 110kV, lưới phân phối để đáp ứng yêu cầu cung cấp điện cho các phụ tải công nghiệp trên địa bàn từ năm 2015 trở đi. Đảm bảo tất cả các KCN đều có lưới điện trung thế ổn định đến chân hàng rào, đồng thời đảm bảo nguồn điện về cả công suất và chất lượng theo quy định.

Mai Phương (tổng hợp)

  • el-2024